TÀI LIỆU CƠ BẢN VƯƠNG QUỐC Ả-RẬP XÊ-ÚT
I. KHÁI QUÁT: – Tên nước: Vương quốc A-rập Xê-út (Kingdom of Saudi Arabia) – Thủ đô: Ri-át (Riyadh) – Vị trí địa lý: Nằm trên bán đảo Arập. Bắc giáp Gióoc-đa-ni và I-rắc, Nam giáp Y-ê-men và Ô-man, Tây giáp biển Đỏ, Đông trông ra vịnh Péc-xích (người A-rập gọi là vịnh A-rập), và vịnh Ô-man. Dọc theo bờ biển phía Đông, A-rập Xê-út có biên giới với Cô-oét, Ba-ranh, Ca-ta và Ê-mi-rát. – Khí hậu: Nóng, khô. – Diện tích: 2,24 triệu km2 – Dân số: 26,131,703 người (tháng 7/2011), bao gồm cả gần 5,6 triệu người nước ngoài. – Dân tộc: A-rập – Tôn giáo: Đạo Hồi là quốc đạo. 100% dân số theo đạo Hồi. – Ngôn ngữ: Tiếng A-rập. – Tiền tệ: Rial (SR); 1 USD = 3,745 SR. – Quốc khánh: 23/9/1932 – Quốc vương kiêm Thủ tướng: Abdullah bin Abdul Aziz Al Saud, nhậm chức từ 01/08/2005; – Hoàng Thái tử, BT Nội vụ (người thứ hai, sau Quốc vương): Naef bin Abdul Aziz Al Saud; – Ngoại trưởng: Hoàng tử Saud al-Faysal Bin Abdul Aziz Al Saud; – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn (tương đương với Quốc hội): Abdullah ibn Mohammed Al-Sheikh. II. LỊCH SỬ: A-rập Xê – út được coi là cái nôi của đạo Hồi (xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ VII). A-rập Xê-út có 2 thánh địa của đạo Hồi là Mecca và Medina. Năm 1744, dòng họ Xê-út liên minh với lực lượng của giáo sĩ Abd-Al Wahab tạo ra một thực thể chính trị mới tại miền trung bán đảo A-rập (đến nay liên minh này vẫn là cơ sở cho sự cai trị của dòng họ Xê-út tại A-rập Xê-út). Năm 1756, nhà nước đầu tiên của dòng họ Xê-út ra đời và nhanh chóng trở thành lực lượng chiếm vai trò chủ đạo tại bán đảo A-rập, kiểm soát phần lớn lãnh thổ ngày nay là A-rập Xê-út. Lo ngại trước sự lớn mạnh của dòng họ Xê-út, năm 1818, đế quốc Ốt-tô-man đã chiếm lại các vùng lãnh thổ của dòng họ Xê-út. Năm 1824, dòng họ Xê-út đánh bại đế chế Ốt-tô-man, lập nên nhà nước Xê-út thứ 2 tồn tại đến năm 1891 thì bị dòng họ Al-Rashid lật đổ. Nhà nước Xê-út thứ 3 được thành lập năm 1902 sau khi Abdul Aziz Al Saud tổ chức phản công và chiếm được Riyadh. Sau hiệp ước Jeddah năm 1927, đế quốc Anh công nhận ảnh hưởng của Abdul Aziz Al Saud tại 2 Tiểu vương quốc Hejaz và Nejd. Năm 1932, vương quốc A-rập Xê-út chính thức ra đời trên cơ sở sáp nhập hai tiểu vương quốc này. III. CHÍNH TRỊ: A-rập Xê -út theo chế độ quân chủ chuyên chế. Thiết chế nhà nước cơ bản là Hoàng gia của dòng họ Xê-út. Theo Đạo luật cơ bản năm 1992, Hiến pháp A-rập Xê-út là kinh Cô-ran; luật Hồi giáo Sharia là bộ luật chính thức của đất nước. Giới tăng lữ Hồi giáo (dòng Sunni) có ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống chính trị và xã hội. Năm 1953, Quốc vương lập ra Hội đồng Bộ trưởng do Thủ tướng đứng đầu. Thủ tướng và các thành viên chính phủ do Quốc vương chỉ định và chịu trách nhiệm trước Quốc vương. Sau khi Quốc vương Abdallah nắm quyền điều hành đất nước từ năm 2005, A-rập Xê-út đã có một số bước tiến nhỏ theo hướng dân chủ hoá xã hội, cải thiện bình đẳng giới, ưu tiên phát triển kinh tế… Hội đồng Shura (hay còn gọi là Hội đồng Tư vấn) là cơ quan lập pháp của A-rập Xê-út được thành lập từ năm 1927, và sau 4 lần thay đổi qua các đời Quốc Vương, hiện nay Hội đồng Shura bao gồm 150 thành viên (trong đó có 06 nữ). Toàn bộ các thành viên Hội đồng do Quốc vương bổ nhiệm với nhiệm kỳ 04 năm. Hội đồng có thẩm quyền đệ trình các dự luật để Nội các thông qua; xem xét và chỉnh sửa các dự thảo luật và yêu cầu các Bộ trưởng (không phải là thành viên hoàng tộc) giải thích chính sách. Cuối năm 2003, Hội đồng Shura chính thức trở thành thành viên của Liên minh Nghị viện Quốc tế. IV. ĐỐI NGOẠI: A-rập Xê-út có ảnh hưởng lớn trong thế giới Hồi giáo (dòng Sunni), đặc biệt trong Liên đoàn A-rập và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh; tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tại Trung Đông (I-xra-en – Pa-le-xtin, Li-băng, Xi-ri…). Sau sự kiện 11/9/2001, A-rập Xê-út, một mặt vẫn coi quan hệ với Mỹ là trụ cột cơ bản song mặt khác cũng đã tiến hành một số bước đi theo hướng đa phương hoá (cải thiện quan hệ với Nga; đẩy mạnh chính sách hướng Đông (với Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN v.v…), đa dạng hoá chính sách đối ngoại (chú trọng hơn tới nội dung ngoại giao kinh tế). A-rập Xê-út là thành viên Liên Hợp Quốc, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, G20, Không Liên kết… V. KINH TẾ: Tài nguyên chính của A-rập Xê-út là dầu lửa (trữ lượng khoảng 266 tỉ thùng, chiếm 20% trữ lượng thế giới). A-rập Xê-út đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ (sản lượng hiện nay 9,2 triệu thùng/ngày (2010)); dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của A-rập Xê-út, chiếm 75% ngân sách, 45% sản phẩm quốc nội, và 90% giá trị xuất khẩu. + GDP: 560,3 tỷ USD (2011) + GDP bình quân đầu người: 24.000 USD (2011) + Tăng trưởng GDP: 6,5% (2011) Trong những năm gần đây, A-rập Xê-út đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế, chú trọng phát triển công nghiệp phi dầu mỏ, nông nghiệp…; tăng cường đầu tư ra các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Các đối tác thương mại chính: Mỹ; Nhật; Anh; Xinh-ga-po; Trung Quốc; Hàn Quốc… VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM: a. Quan hệ chính trị, kinh tế: – Quan hệ chính trị: Ta và A-rập Xê-út lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999. Ta đã mở Đại sứ quán tại Ri-át tháng 4 năm 2007 và bạn mở Đại sứ quán tại Hà Nội tháng 12 năm 2008. – Quan hệ kinh tế: Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2010 đạt 744 triệu USD; năm 2011 đạt 1,045 tỷ USD. Hiện nay, ta có khoảng 11.000 lao động làm việc tại A-rập Xê-út. b. Trao đổi đoàn: – Đoàn ta thăm Bạn: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh (5/2001), Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng (1/2006); Thứ trưởng Ngoại Giao Vũ Dũng (5/2007), Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (12/2009), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (4/2010)… – Đoàn Bạn thăm ta: Đoàn liên Bộ Ngoại giao, Nội vụ, Lao động do cấp Đại sứ làm trưởng đoàn (30/1-2/2/2000), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (23-25/5/2006), Hoàng tử Walid bin Talal (2007, 2010), Bộ trưởng Bộ Dầu khí và Khoáng sản Ali Ibrahim Al Naimi (9/6/09), Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Công Thương (3/2011)… c. Các hiệp định, thoả thuận đã ký: Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động (1/2006); Hiệp định khung hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và kỹ thuật (5/2006); Hiệp định về Hợp tác nông nghiệp (4/2010); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (4/2010); Nghị định thư về Hợp tác dầu khí (4/2010); Thỏa thuận thành lập Hội đồng doanh nghiệp và hợp tác giữa hai phòng thương mại và công nghiệp (4/2010). d. Thông tin ĐSQ: 1/ ĐSQ A-rập Xê-út tại Hà Nội: 48A Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 0437264373 Fax: 0437264374 2/ ĐSQ Việt Nam tại A-rập Xê-út: 23 Al-Dhiyafah Street, Al-Nuzha District, Riyadh, Kingdom of Saudi Arabia. Email: vnemb.sa@mofa.gov.vn Hoặc: vietsa@ymail.com ĐT: 00966.1.4547887 Fax: 00966.1.4548844