Theo trang livescience, kết luận trên được đưa ra trong nghiên cứu công bố ngày 7/3 trên tạp chí Nature Climate Change.
Theo nghiên cứu, hơn 75% rừng nhiệt đới Amazon đã dần dần mất khả năng phục hồi kể từ những năm 2000, có nghĩa là những khu vực rừng nhiệt đới này không thể phục hồi dễ dàng sau những xáo trộn như hạn hán và cháy rừng. Các khu vực rừng nhiệt đới mất khả năng phục hồi nghiêm trọng nhất nằm gần các trang trại, khu đô thị và các khu vực khai thác gỗ.
Biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và đốt rừng tràn lan để lấy đất làm nông nghiệp và chăn nuôi đã khiến rừng Amazon ấm hơn, khô hơn nhiều so với những thập kỷ trước. Kể từ năm 2000, khu vực này đã trải qua ba đợt hạn hán nghiêm trọng.
Ông Paulo Brando, nhà sinh thái nhiệt đới tại Đại học California ở Irvine (Mỹ), cho biết: “Tình trạng thiếu khả năng phục hồi này cho thấy rằng rừng không thể chịu đựng được nhiều hơn nữa”.
Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng cho thấy nếu đến ngưỡng chịu đựng, nhiều khu vực rộng lớn ở khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này có thể đột ngột lụi tàn. Nghiên cứu không xác định được chính xác thời điểm rừng Amazon đạt đến điểm giới hạn này, nhưng có thể là trong vòng nhiều thập kỷ.
Nếu các khu rừng nhiệt đới vượt qua điểm giới hạn này, hệ sinh thái có thể nhanh chóng thay đổi thành hoang mạc rộng lớn, thải ra hàng chục tỷ tấn CO2 trong quá trình biến đổi.
Tuy vậy, có một số nhà khoa học không đồng ý với thuật ngữ “điểm giới hạn”. Ông Scott Denning, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bang Colorado, cho biết: “Các nhà khoa học chắc chắn rằng rừng Amazon sẽ lụi tàn là sai lầm vì như vậy có nghĩa là cả khu rừng sẽ đột ngột biến mất”. Mặc dù ông Denning không đồng ý với mô tả này về tình hình, nhưng ông cho biết có rất nhiều bằng chứng cho thấy một phần lớn rừng đang suy giảm nhanh chóng, đặc biệt là dọc theo rìa phía nam và phía đông – hai nơi đã bị tàn phá do nạn phá rừng.
Tại thời điểm này, các chuyên gia cho rằng có thể làm gì đó để ngăn rừng nhiệt đới Amazon biến thành hoang mạc. Ông Brando nói rằng giảm mức độ phục hồi không có nghĩa là rừng Amazon mất hết khả năng phục hồi. Nếu con người không động tới rừng trong một thời gian, rừng sẽ hồi phục rất mạnh mẽ.