Rất nhiều giả thuyết
Trước đây, nguồn gốc của Thục Phán An Dương Vương gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới học giả. Trong quá trình nghiên cứu, các học giả đều ghi nhận: Nước Âu Lạc kế tiếp nước Văn Lang và An Dương Vương kế ngôi Vua Hùng là những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Song cho đến nay, xung quanh vấn đề nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự ra đời của nhà nước Âu Lạc vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Những tài liệu cổ xưa nhất ở Trung Quốc như Giao Châu Ngoại vực ký, Quảng Châu ký đều ghi An Dương Vương là “Thục Vương Tử” (tức con vua Thục). Sách Hậu Hán thư khi chép về quận Giao Chỉ cũng chú thích: “Đấy là nước cũ của An Dương Vương….”. Một số sách cổ khác ở Trung Quốc cũng ghi rằng An Dương Vương là con vua Thục, nhưng không cho biết xuất xứ cụ thể của vua Thục là ai, vị trí của nước Thục ở đâu?…
Một số bộ sử sách cổ xưa của Việt Nam như Việt sử lược (Thế kỷ XIV) cũng có một câu về nguồn gốc của An Dương Vương là: “Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp thành ở Việt Thường (Cổ Loa – Đông Anh ngày nay) xưng hiệu là An Dương Vương.
Đến thế kỷ XV, khi biên soạn Đại việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên dựa vào sách Lĩnh Nam chích quái chép về An Dương Vương rõ hơn và tách thành một kỷ gọi là “Kỷ nhà Thục”, ông viết rằng: “An Dương Vương họ Thục, tên huý là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa). Giáp Thìn, năm thứ nhất (257 -TCN), Vua đã đánh chiếm nước Văn Lang, đổi quốc hiệu làm Âu Lạc.
Nhà sử học Ngô Thì Sĩ – cuối thế kỷ XVIII khi chép về An Dương Vương cũng nhắc lại giống như Đại Việt sử ký toàn thư. Đến năm 1821, Phan Huy Chú, biên soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí dâng lên vua Minh Mệnh cũng ghi: “An Dương Vương tên là Phán, người Ba Thục”.
Là con vua Thục nào, vị trí của nước Thục ở đâu?
Đến thời vua Tự Đức (1848 – 1883) bộ thông sử Khâm định Việt Sử thông giám cương mục, đã nêu nghi vấn: “Nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh Vương nhà Chu (316 năm TCN), đã lại nhà Tấn diệt rồi, làm gì còn vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang, còn có đất Kiển Vi (nay thuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, đất Cùng, đất Tác, và đất Nhiễm Mang cách hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy nước Văn Lang”.
Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim khi đề cập đến nguồn gốc của Nhà Thục cũng khẳng định: “Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nhà Thục bên Tàu (nghĩa là Ba Thục ở Tứ Xuyên). Sau này Ngô Tất Tố cũng khẳng định rằng: “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục”.
Các sử gia từ thời phong kiến Việt Nam đã nghi ngờ cả về thời gian và không gian qua đó có thể thấy ngay được là nước Thục (Ba Thục) đã bị diệt vào năm 316 TCN. Vua Thục cuối cùng là Khai Minh đã bị giết ở Vũ Dương và Thái tử con Vua Thục cũng tự chết ở Bạch Lộc Sơn.
Vì vậy khó có chuyện “con vua Thục” vượt hàng ngàn dặm núi rừng, qua lãnh thổ của nhiều nước để mà tiến đánh và chiếm Văn Lang năm 257 TCN được. Sự khác biệt đến mâu thuẫn đó càng làm rõ thêm những căn cứ đang nghi ngờ, cho nên có thể phủ địch giả thuyết nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán – An Dương Vương.
Phải đến năm 1963, khi truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng chính thức được công bố trên tạp chí nghiên cứu lịch sử thì nhiều vấn đề về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương dần được sáng tỏ.
Cụ thể, năm 1963, khi các nhà nghiên cứu dân tộc học phát hiện truyền thuyết cổ của người Tày ở Cao Bằng có tên là “Cẩu chủa cheng Vùa” (dịch là “Chín chúa tranh vua”). Câu truyện cổ rất phổ biến trong vùng đồng bào Tày, Cao Bằng kể về sự tích ngày xưa, vào thời vua Thục của người Tày Cao Bằng, Thục Chế là ông vua đầu tiên đã lập ra nước Nam Cương giáp nước Văn Lang, xưng là An Tự Vương đóng đô ở Nam Bình (vùng Cao Bình, huyện Hòa An, Cao Bằng ngày nay).
Từ đây, đặt ra giả thiết nguồn gốc của vua Thục Phán – An Dương Vương gắn với kỳ tích xây thành Cổ Loa, mất cảnh giác để nỏ thần rơi vào tay đánh liên quan tới thiên tình sử đẫm lệ Mỵ Châu – Trọng Thủy… là có nguồn gốc ở mảnh đất biên cương Cao Bằng…
(Đón đọc: Vua Thục Phán – An Dương Vương có nguồn gốc ở Cao Bằng)