Tả một đồ dùng học tập mà em yêu thích được chọn lọc từ những bài văn mẫu hay chất lượng giúp các em học sinh nắm được cách lập và làm bài văn miêu tả đồ vật. Hi vọng, đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các thầy cô và các em học sinh ôn tập, củng cố kiến thức.
2. Lập dàn ý tả đồ dùng học tập lớp 4
1. Mở bài: Giới thiệu chiếc bàn học ở nhà.
- Đầu năm học lớp 4, bố mua cho.
- Bàn được đặt gần cửa sổ.
2. Thân bài: Tả chiếc bàn
a. Tả bao quát
- Bàn dính liền với ghế.
- Xếp lại được, rất gọn.
- Bàn có dáng vuông vức.
- Bề ngang 4 tấc, dài 5 tấc.
b. Tả từng bộ phận:
- Mặt bàn nhẵn bóng, màu vàng đồng, có rãnh ở góc phải.
- Hộc bàn dính bên dưới bàn.
- Bàn được nối với ghế bằng những thanh inox.
- Bên hông có hai ốc chuồn chuồn để chỉnh độ nghiêng.
- Chiếc ghế có bọc lớp nệm mỏng.
- Âm thanh lạch cạch phát ra mỗi khi mở, xếp bàn học rất gãy gọn.
- Bàn rất tốt và chắc.
c. Công dụng:
- Bàn giúp em học tập, rèn luyện chữ viết.
- Dùng bàn đúng theo thời khóa biểu.
3. Kết bài
- Bàn là người bạn thân thiết của em.
- Luôn giữ bàn sạch, không bị trầy xước ở mặt bàn.
3. Bài văn Tả đồ dùng học tập Ngắn gọn nhất
Tả đồ dùng học tập Ngắn gọn Mẫu 1
Cuối tuần vừa rồi là sinh nhật của em. Chị gái ở Sài Gòn không về kịp, nên đã gửi tặng cho em một chiếc túi đựng bút mới rất đẹp.
Chiếc túi đựng bút ấy có hình dáng như một hộp sữa 1 lít, nhưng nhỏ hơn một chút. Toàn bộ chiếc túi được may bằng lớp da nhân tạo có thể chống thấm nước. Nhờ vậy mà dù bị đổ mực hay bám bẩn em đều có thể lau dọn dễ dàng. Ở mặt ngoài túi, là họa tiết các đốm của chú bò sữa siêu đáng yêu. Còn mặt bên trong thì được lót một lớp vải dù màu xám. Đầu trên của túi đựng bút, được thiết kế một chiếc nắp tròn có thể vặn mở y như hộp sữa thật. Em có thể lấy bút từ lối đó bằng cách xóc bút ra. Tiện lợi hơn, thì em sẽ mở khóa kéo ở mặt dưới túi bút, để thoải mái chọn lựa và lấy đồ dùng ra thật dễ dàng. Không gian bên trong túi bút rộng lắm. em để những chiếc bút mực, bút chì, bút máy và cả bút nhớ, thước kẻ, compa mà vẫn còn rộng rãi.
Cầm chiếc túi bút trên tay mà em hạnh phúc lắm. Bởi đó là một đồ dùng học tập tuyệt đẹp. Và cũng là món quà ý nghĩa từ chị gái nữa. Vì vậy, em sẽ giữ gìn chiếc túi đựng bút thật cẩn thận để nó luôn sạch đẹp như lúc mới được tặng.
Tả đồ dùng học tập Ngắn gọn Mẫu 2
Chiếc cặp sách của em, là món quà do chị Hai đi làm thêm mua được. Nên em yêu quý và trân trọng nó lắm.
Cặp sách được làm từ vải kaki cứng cáp, màu đen tuyền. Chiếc cặp có dáng hình chữ nhật nằm dọc, khá to, bằng cả tấm lưng của em. Nhờ vậy, dù là các tập giấy A4 hay sách tiếng anh to thì em vẫn để vừa vào cặp. Cặp được chia thành hai ngăn. Ngăn trước khá nhỏ, chỉ đựng vừa những đồ vật lặt vặt như chìa khóa, bảng tên… Ngăn sau rất to và rộng, có lót lớp vải dù mỏng màu bạc. Em cất sách vở, hộp bút vẫn còn thoải mái. Các ngăn này đều được đóng mở bằng khóa kéo rất bền và chắc chắn. Hai bên hông cặp là hai ống tròn có chun ở miệng để giữ đồ không rơi rụng khi di chuyển. Một bên em để chai nước uống, bên còn lại thì để ô che mưa, rất tiện lợi. Phía sau cặp, là hai quai đeo có bề ngang khoảng 5cm, được lót lớp xốp dày, nên khi đeo lên vai rất êm, không bị trầy xước dù cặp đựng đồ nặng.
Em yêu thích chiếc cặp của mình lắm. Nên lúc nào cũng cố gắng giữ gìn cặp cẩn thận để nó luôn sạch đẹp.
Tả đồ dùng học tập Ngắn gọn Mẫu 3
Đầu năm học, bố đóng cho em một chiếc giá sách mới.
Toàn bộ giá sách đều được làm từ gỗ nên khá nặng và rất chắc chắn. Bố đặc biệt sơn một lớp sơn màu nâu đỏ bên ngoài để giá trông thêm xinh. Chiếc giá có hình vuông, cao đến vai của em.. Nó chia thành chín ô vuông nhỏ có kích thước bằng nhau trông rất đẹp. Mỗi hàng ngang sẽ có ba ô. Ở thành của giá, bố còn gắn thêm những chiếc móc để em treo áo khoác, mũ và balo.
Càng nhìn chiếc giá sách em càng thấy thích. Em nhờ bố để giá bên phải bàn học. Ở ngăn trên cùng, bố giúp em đặt những chú gấu bông, hộp quà đã được tặng và những cuốn sách, báo sưu tầm được. Ở hàng ngang thứ hai, em để sách và vở học của mình. Ngan dưới cùng, em cất những món đồ lặt vặt thường sử dụng, như hộp mô hình, hộp cờ vua, quả cầu địa lí.
Em thích chiếc giá sách của mình lắm. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với món quà mà bố tặng cho.
4. Top bài văn tả đồ dùng học tập Hay nhất
Tả bút chì lớp 4 (23 mẫu)
Trong suốt thời gian cắp sách đến trường, sách, vở và bút là những thứ mà em luôn coi đó là những người bạn và đó cũng là những vật dụng không thể thiếu đối với người học sinh. Trong những vật dụng đó thì em yêu quý nhất là cây bút chì bởi đó là món quà mà bố em đã tặng nhân ngày sinh nhật, do em có sở thích vẽ vì vậy chiếc bút chì đối với em nó rất quan trọng.
Em vẫn còn nhớ cái hôm đó buổi sinh nhật mà em cảm thấy vui và hạnh phúc nhất, đó là món quà đầu tiên mà ba em đã tặng cho em sau nhiều năm công tác xa nhà. Kể từ đó em luôn trân trọng, giữ gìn và sử dụng nó hàng ngày vào công việc học tập của em. Phần thân cây bút được làm bằng gỗ, bề ngoài nó được sơn màu vàng rất đẹp trên đỉnh bút còn có chỗ để tẩy khi mình viết sai, cây bút dài tầm 8cm. Nhìn qua thì chiếc bút có vẻ khá đơn giản nhưng nó lại mang một nét rất đặc biệt và khá tinh xảo trong thiết kế. Tuy là chiếc bút này có cùng cấu tạo và chức năng sử dụng như những chiếc bút khác, nhưng em cảm nhận được sự khác biệt tới từ chiếc bút này, từ khi em sử dụng nó những nét viết trở nên gọn gàng hơn và đặc biệt nó giúp em vẽ ra những bức tranh rất đẹp khi em vẽ về bức tranh gia đình.
Em thầm cảm ơn bố đã tặng cho em món quà rất ý nghĩa này, ở trường hay khi ở nhà cây bút đó luôn là người bạn và cũng là một kỉ niệm sẽ theo em trong quãng đời học sinh, mỗi lần nhìn thấy và sử dụng nó cũng như em đang được thấy ba mình nơi phương xa…
Tả chiếc cặp sách của em (26 mẫu)
Mỗi khi mùa tựu trường sắp bắt đầu, mẹ đều chuẩn bị sách vở và cặp sách mới tinh tươm để em đến trường. Năm nào cũng vậy, một năm mẹ sẽ sắm cho em một chiếc cặp theo ý thích của em. Năm nay cũng vậy, em đã chọn cho mình một chiếc cặp vô cùng xinh xắn.
Nhìn tổng thể chiếc cặp của em có chiều dài 40cm, chiều rộng gần 30 cm. Chiếc cặp khoác chiếc áo thật đẹp. Đó là một chiếc áo màu xanh nước biển có hình dãy núi và con sông nhỏ chạy qua. Trên dòng sông có một chiếc thuyền nhấp nhô và một người phụ nữ đang cầm tay lái. Chiếc cặp của em có một chiếc khóa để nắp cặp khi mang ở phía sau lưng. Có hai dây đeo màu xanh dương, bản to bằng hai đốt tay khép lại với nhau để khi đeo em không bị đau lưng. Chiếc dây làm chắc chắn, có xốp ở bên trong nên đeo rất êm vai. Mẹ bảo khi chọn cặp phải chọn những chiếc cặp không quá cứng để em có thể bỏ nhiều sách vở mà không quá nặng. Ở hai bên chiếc cặp có hai cái túi nhỏ nhỏ bằng lưới để em có thể để khẩu trang và giẻ lau bảng con. Em cũng có thể bỏ vào đó chiếc lọ đựng phấn xinh xinh, khi lấy ra rất dễ dàng. Chiếc cặp sách thân thương của em rất tiện lợi. Nó có hai ngăn to và một ngăn nhỏ có kéo khóa. Em sẽ phân ra một ngăn để vở viết và một ngăn để sách giáo khoa. Ngăn kéo khóa em sẽ để hộp đựng bút, bảng con, bút chì màu và một số vật dụng khác. Trong cặp nhiều khi em còn mang theo đồ chơi như cầu, cờ vua, dây nhẩy,… để khi ra chơi có thể vui chơi với bạn bè.
Em yêu chiếc cặp sách của mình lắm!
Tả cây bút máy của em (17 mẫu)
Em có một cây bút máy rất đẹp, đó là món quà em được tặng nhân dịp sinh nhật tròn tám tuổi. Chị gái mua cây bút này tại siêu thị tặng em. Em yêu quý như một người bạn thân của mình.
Trên thân bút còn có hình hai bé thơ tóc cài nơ và dòng chữ “Bút mài nét thanh nét đậm”. Dáng hình cái bút rất xinh, thon thon dài mười ba xăng-ti-mét. Cái nắp bút có cài bằng kim loại màu vàng nổi bật thêm màu xanh da trời lấp lánh. Để trên quyển vở, chiếc bút của em trông thật nổi bật.
Ngòi bút hình mũi giáo màu vàng, nằm trên chiếc lưỡi gà màu đen bằng nhựa cứng. Ngòi bút và lưỡi gà cắm vào cổ bút bằng kim loại, nối liền với ruột bút là ống nhựa cứng màu đen để đựng mực. Em cũng như các bạn trong lớp đều dùng mực tím của nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà. Từ ngày dùng bút máy, chữ viết của em có nét thanh nét đậm, mỗi ngày một đẹp.
Chiếc bút luôn cùng em mỗi ngày tới lớp, chăm chỉ học tập để viết những bài văn hay, những bài toán đúng. Có thể ví cậu ấy giống như một bác nông dân chăm chỉ cày trên thửa ruộng của mình để thửa ruộng ấy thu về những bông hoa điểm tốt.
Em giữ gìn rất cẩn thận, cây bút máy. Viết xong bài, em dùng giấy lau sạch ngòi bút, nắp bút lại, đặt vào hộp bút. Em xem nó như người bạn thân thiết quý mến của mình thời thơ bé. Em thầm hứa và nói nhỏ với nó: “Bạn thân yêu ơi! Chúng mình nỗ lực phấn đấu giành được giải cao trong hội thi Vở sạch chữ đẹp cuối năm học nhé!”.
Tả chiếc bàn học của em (42 mẫu)
Trong ngôi nhà thân yêu của mình, nơi thân thuộc nhất với mỗi bạn học sinh chắc có lẽ chính là góc học tập. Góc học tập của em rất đẹp và thoải mái nhờ chiếc bàn học được đặt cạnh cửa sổ mà bố đã sắm cho em từ ngày em bước vào lớp một. Chiếc bàn đã đồng hành cùng em qua bao năm tháng học trò.
Chiếc bàn học của em mới xinh xắn làm sao! Chiếc bàn được đóng bằng gỗ xoan. Những bác thợ mộc đã khéo léo bào cho bàn láng mịn và phủ một lớp sơn xanh da trời mát dịu. Vì chiếc bàn gắn liền với giá sách nên trông nó khá cồng kềnh và to lớn so với chiếc bàn bình thường.
Mặt bàn hình chữ chữ nhật, rộng khoảng một mét vuông, phẳng phiu, nhẵn bóng để em ngồi viết, ngồi đọc. Mặt bàn in hình một thảm cỏ xanh, chậu hoa cúc trắng nhụy xanh nho nhỏ xếp nối tiếp nhau. Những chú bướm trắng bay lượn trên khóm cúc. Phía trên là bầu trời với nhiều vệt sáng óng ánh của những giọt sương mai và những nốt nhạc biết nhảy múa giữa không trung.
Nối liền với mặt bàn là giá sách ba ngăn. Ngăn trên cùng em đặt những quyển truyện tranh, truyện cổ tích và những cuốn sổ nhỏ. Ngăn giữa chia đôi, một bên em đặt chú lợn đất Pi, một ngăn em để một khung ảnh gia đình. Ngăn dưới em để sách giáo khoa và vở viết. Hằng ngày, em đều sắp xếp rất cẩn thận để giá sách của mình lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp.
Em còn dán thời khóa biểu của mình lên giá sách để việc chuẩn bị học tập của mình được thuận lợi hơn. Một phần rất quan trọng của bàn học chính là chân đỡ phía dưới. Chiếc bàn không có bốn chân như chiếc bàn ở lớp học mà chân đỡ của nó là ba tấm gỗ kéo từ mặt bàn xuống. Ở phía em ngồi không có chân đỡ, chỉ có một chiếc ngăn kéo.
Em đựng lọ mực, hộp bút chì màu và những đồ dùng học tập khác ở đó. Đi liền với cái bàn là một chiếc ghế tựa cùng màu. Sau mỗi giờ ăn tối hay cuối tuần, em thường ngồi vào bàn để học bài. Vì bàn học nằm ngay cạnh cửa sổ nên vào những ngày nắng nóng, gió luôn nhẹ nhàng đem tới sự mát lành.
Thời gian qua đi, sự gắn bó giữa em và chiếc bàn ngày càng khăng khít, thân thuộc. Ở góc học tập này, em đã học được bao bài học bổ ích, lí thú để chuẩn bị hành trang cho những tháng ngày tương lai.
Tả hộp bút lớp 4 (17 mẫu)
Trong buổi tổng kết năm học lớp Ba vừa qua, cô giáo em có phần thưởng riêng của cô dành cho học sinh giỏi của lớp. Có năm bạn được phần thưởng cô tặng. Mỗi bạn được một món, không bạn nào giống bạn nào. Phần em, em được cô tặng một hộp đựng bút.
Cái hộp đựng bút màu xanh da trời in hình chú gấu Mi-sa bê một quả bóng. Hộp được làm bằng nhựa tốt, bọc nệm nhựa êm ái. Hộp dài hai mươi xăng-ti-mét, rộng tám xăng-ti-mét và dày hai xăng-ti-mét. Hộp được thiết kế như một quyển sách. “Bìa sách” mở ra là nắp hộp, gắn một mảnh kim loại to bằng một đốt tay em. Nắp hộp đóng kín nhờ lực hút của hai thanh nam châm gắn ở phần hộp để bút. Trong phần đáy hộp bút, người ta ép đính một mảnh nhựa dẻo rộng sáu phân, may các vành để gài bút vào. Em gài cẩn thận bút mực, bút chì vào các vành tròn đó. Ở một góc của hộp viết có ngăn ô dùng để đựng tẩy và đồ bào chuốt bút chì. Thước kẻ đặt vào hộp vừa khít, không cần gài vào các vành may sẵn. Suốt mùa hè, cái hộp bút đã được em chuẩn bị kĩ càng chờ ngày đón năm học mới. Lên lớp bốn, món quà tặng thưởng của cô giáo chủ nhiệm lớp ba đã theo em vào năm học mới như một lời nhắc nhở động viên em học tập. Em giữ gìn hộp viết cẩn thận và thật sự hạnh phúc khi lúc nào cùng cảm thấy cô giáo cũ thật gần gũi, thân thương.
Hằng ngày lấy bút viết ra học tập, em đều nhớ đến những lời dạy dỗ ân cần của cô giáo cũ. Em rất biết ơn cô giáo đã yêu thương, chăm lo cho em suốt năm học qua. Em sẽ cố gắng đạt được nhiều thành tích học tập hơn nữa để các thầy cô giáo luôn tự hào về chúng em.
Tả cái thước kẻ của em (19 mẫu)
Dụng cụ học tập đơn giản mà vô cùng thiết yếu của học sinh có lẽ là cây thước kẻ. Như bao học sinh khác, em cũng có đầy đủ dụng cụ học tập. Trong đó, cây thước kẻ được giữ gìn bền bỉ từ bốn năm học qua là vật cũ nhất nhưng được em quý nhất.
Thước kẻ của em là loại thước hai mươi xăng-ti-mét. Thước được làm bằng nhựa dẻo, trong suốt, rộng bản nhưng rất mỏng. Bản thước rộng cỡ hai phân rưỡi nhưng bề dày thước chỉ độ hai li. Trên mặt nhựa dẻo trong suốt chia một vạch kẻ màu đỏ song song với chiều dài của thước. Chính giữa vạch đỏ là là lô-gô của nhà sản xuất: một chữ Win in rất mĩ thuật. Hai bên vạch kẻ đỏ là vạch kẻ theo thước đo. Màu đỏ là vạch kẻ theo thước đo xăng-ti-mét. Đơn vị nhỏ nhất là một xăng-ti-mét và đơn vị lớn nhất là hai mươi xăng-ti-mét. Vạch kẻ còn lại là vạch kẻ theo thước đo inch. Đơn vị nhỏ nhất là một inch và đơn vị lớn nhất là tám inch. Tuy em dùng cây thước này đã bốn năm học nhưng thước còn bóng đẹp, vạch kẻ số xăng-ti-mét còn rất rõ ràng, không bị mờ. Đó là nhờ em đã giữ gìn cây thước rất cẩn thận, cất nó vào ngăn cặp sau mỗi buổi học và sau mỗi lần đo giấy làm thủ công. Em lau thước bằng một mảnh vải mịn nên nó không hề bị trầy xước. Tuy thước chẳng sáng bóng nhưthước mới nhưng mặt nhựa còn trong trẻo và rất đẹp. Thước giúp em rất đắc lực trong việc học: gạch chân tiêu đề các môn học, kẻ lỗi bài chính tả, vẽ hình các bài toán, đo các đường thẳng, cạnh của các hình… rất nhiều công dụng của thước không đếm xuể. Ngay từ lớp một, em đã được cô giáo hướng dẫn cách dùng thước, không được gạch tay. Ngoài giúp em trong việc học, đường thẳng vẽ từ thước luôn nhắc nhở em phải ngay thẳng, trung thực trong việc học tập, rèn tính cẩn thận, chính xác. Mọi sinh hoạt, học tập, rèn luyện của em cũng được sắp xếp ngăn nắp, rõ ràng như vạch kẻ đường thăng của thước.
Cũng với bút mực, bút chì, tẩy, màu tô, thước kẻ chính là người chiến sĩ công binh xuất sắc. Thước khi xóa bỏ một câu viết sai cũng nghiêm túc như khi gạch chân một tiêu đề môn học hay đóng khung một đáp số của bài toán. Chiến công thầm lặng của thước cũng ngời sáng như chiến công của chiến sĩ khai đường cho chiến dịch và dọn dẹp chiến trường sau trận đánh. Cây thước góp công xây dựng thành tích học tập của em thật đáng yêu, đáng quý.
Tả chiếc áo em mặc đến lớp (40 mẫu)
Học sinh trường em mặc đồng phục quần âu xanh, áo sơ-mi trắng. Chiếc áo em mặc đến lớp hôm nay là áo sơ-mi trắng mẹ đã mua khi vào năm học mới.
Áo của em được may bằng loại vải cốt tông tốt, màu trắng tinh. Kiểu áo rất xinh, là kiểu cổ sơ-mi thắt nơ, tay phồng dành cho nữ. Cổ áo là cố sơ-mi cách tân có viền bèo ren, được lót vải cho đứng cổ. Lớp ren viền cổ tạo cho cổ áo một nét duyên dáng, thùy mị. Hai bên nẹp cổ đính một nẹp vải dài bốn mươi đề-xi-mét dùng để thắt nơ. Tay áo cắt ngắn rất phồng, tròn như đèn lồng. Thân áo may rất vừa vặn với người em. Lưng áo may liền một mảnh nhưng hai tà áo của thân trước có thêu hoa chìm rất mĩ thuật. Đinh áo lật lai ba xăng-ti-mét, đính sáu nút nhựa ánh bạc lấp lánh như màu vỏ ốc. Đường chỉ chạy viền tà sắc sảo, rất nhỏ làm cho lai áo mềm mại, uyển chuyển ôm sát thân mình. Trên ngực áo phía trái mẹ đính huy hiệu trường cẩn thận. Mặc áo vào, cài nút cẩn thận, em thắt nơ nơi cổ áo. Cái áo vừa vặn thoải mái, làn vải mềm mại, mơn man trên nền da tạo cho em cảm giác thật dễ chịu. Trong chiếc áo đồng phục em thấy mình thật chững chạc và xinh hơn. Chiếc áo thơm tho, êm ái như tình mẹ yêu con, ân cần bao bọc, chăm lo cho con. Em yêu mẹ và rất biết ơn mẹ đã mua cho em một chiếc áo đẹp như thế. Hằng ngày, sau buổi học em mắc áo vào móc áo, đến tối mẹ về giặt đồ cho cả nhà em mới đem ra nhờ mẹ giặt giúp. Mẹ căn dặn em phải giữ gìn áo như thế để màu áo luôn trắng mới không bị mồ hôi làm ố vàng.
Em rất thích chiếc áo đồng phục mẹ mua, em hứa sẽ học chăm ngoan, đạt thành tích tốt để ba mẹ vui lòng.
Tả chiếc bàn học của em (41 mẫu)
>> Tham khảo chi tiết các bài văn mẫu còn lại tại đây Văn mẫu lớp 4: Tả chiếc bàn học của em
Tả quyển sách giáo khoa Tiếng Việt 4
Với học sinh chúng em, kiến thức không chỉ nhận được từ những người thầy, người cô mà còn là từ sách vở, trước hết chính là những cuốn sách giáo khoa. Với em, sách giáo khoa có một vai trò vô cùng quan trọng trong chặng đường tiếp thu kiến thức của em, đồng thời cũng là một người thầy thứ hai của em.
Em có rất nhiều cuốn sách giáo khoa khác nhau: sách giáo khoa tiếng việt với những bài văn, những câu chuyện không chỉ có tính nhân văn mà còn chứa đựng những bài học giúp ta nên người; cuốn sách toán dạy ta những phép tính toán, dạy ta suy nghĩ logic; cuốn sách khoa học tự nhiên và xã hội dạy ta về những kiến thức đời sống để ta biết, để ta sống tốt hơn…cùng rất nhiều những cuốn sách giáo khoa khác. Những cuốn sách giáo khoa thường lớn lớn vở viết một chút, có những cuốn thậm chí còn to hơn.
Bìa sách được thiết kế phù hợp với nội dung từng môn học. Với sách giáo khoa tiếng việt, bìa sách là sự kết hợp hài hòa của nhiều hình ảnh nên thơ, thơ mộng khác nhau. Sách giáo khoa toán là hình ảnh những phép tính, những đoạn thẳng, đường thẳng, những hình tam giác, hình chữ nhật… Còn sách âm nhạc chính là hình ảnh những bạn học sinh đang đeo khăn quàng đỏ, đứng cạnh nhau cùng ngân vang hòa âm. Bên trên cùng là tên sách được in hoa cùng số lớp. Mỗi cuốn sách giáo khoa của em đều được dán nhãn vở cẩn thận ở góc bên trái để khi có mất sách, nếu ai thấy sẽ biết mà trả về cho em.
Những bài học trong sách được thiết kế rất khoa học và dễ hiểu. Trang đầu tiên là lời nói đầu của những người biên soạn sách gửi đến học sinh. Trang cuối cùng là mục lục và những thông tin chi tiết về cuốn sách, giúp em hiểu rõ hơn và biết cách tìm bài học nhanh hơn. Cuốn sách giáo khoa như chứa đựng cả một phần của bầu trời tri thức, giúp em hiểu sâu hơn bài học mà cô giáo dạy.
Em rất yêu thích những cuốn sách giáo khoa của mình. Vậy nên em sẽ giữ gìn sách cẩn thận để nó luôn phẳng phiu và luôn mới.
Tả cái bảng con của em
Vào đầu năm học mới, mẹ đã mua cho em rất nhiều đò dùng học tập: bút mực, bút chì, thước kẻ… và một cái bảng con thật xinh xắn nữa.
Cái bảng của em được làm bằng gỗ, rất nhẹ. Bảng hình chữ nhật, chiều dài khoảng 30 cm, chiều rộng khoảng 25 cm. Bảng khoác chiếc áo màu đen bóng. Hai mặt bảng được kẻ những ô vuông đều đặn. Ở một góc bảng có cái lỗ nhỏ để buộc vào góc bảng. Đầu dây còn lại em buộc cái khăn lau bảng được làm bằng những mảnh vải, màu sắc sặc sỡ. Mỗi khi viết, màu phấn trắng nổi lên trên nền bảng đen bóng. Em dùng khăn lau bảng xóa đi những dòng chữ đã viết, bảng lại trở về với chiếc áo thật đẹp của mình.
Em rất thích cái bảng con của em. Bảng đã giúp em rất nhiều trong học tập. Em đã tập viết chữ, làm những phép toán và vẽ những bông hoa, những con vật… trên bảng theo yêu cầu của bài học. Cái bản con như người bạn thân thiết của em. Em luôn nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Chính vì thế, em đã sử dụng từ đầu năm học đến nay mà trông nó vẫn còn như mới vậy.
Tả cục tẩy
Đầu năm học mới, mẹ mua cho em đầy đủ sách vở và đồ dùng học tập. Nào là bút chì, bút mực, thước kẻ,… Thứ nào cũng mới tinh và còn thơm mùi thoang thoảng. Trong số đó, gắn bó với em lâu nhất đến nay chính là cục tẩy bé xíu đáng yêu.
Cục tẩy này chỉ đai bằng 2 đốt ngón tay, dày khoảng 1 cm. Ruột tẩy làm bằng cao su mềm, nhuộm màu xanh biển rất đẹp. Mỗi lần giơ cục tẩy trước ánh sáng mặt trời, em lại thấy nó như trong hơn một chút. Bên ngoài lớp ruột đặc quánh là chiếc áo vừa vặn làm bằng bìa mềm. Cách đầu tẩy khoảng nửa cm là vỏ áo được trang trí cùng màu xanh nhưng đậm hơn. Trên vỏ tẩy còn in hình hai chị em công chúa băng giá Elsa và Anna nữa. Lúc đầu mới mua, bên ngoài lớp vỏ bằng bìa còn có một lớp vỏ kính để bảo vệ tẩy không bị xây xát.
Đọc kỹ những dòng chữ bé xíu trên lớp vỏ, em thấy một dòng chữ vàng óng ánh in chìm ghi nhãn hiệu của cục tẩy bằng tiếng anh. Ở thân tẩy một bên là những dọc đen seri sản xuất, một bên ghi nguồn gốc xuất xứ và một số cảnh báo bằng hình vẽ. Cục tẩy tuy nhỏ nhưng đã đồng hành cùng em suốt học kì vừa qua mà chưa hết quá nửa. Khi vẽ lệch, khi viết sai, khi làm tính nhầm lẫn, đã có ngay cục tẩy dễ thương bên cạnh trợ giúp. Mỗi lần tẩy, mùn đen của tẩy rất ít. Vì vậy em không phải tốn nhiều thời gian để phủi lớp mùn đó đi. Đây là đặc điểm nổi bật của hãng tẩy này.
Nhờ có cục tẩy, trang vở nào của em cũng giữ được nét chữ sạch đẹp. Từng con chữ thẳng hàng trên nền giấy trắng được xếp vô cùng quy củ như quân đội. Bởi vì cứ có chữ nào ngoe nguẩy đã lập tức bị tẩy chăn lại phạt ngay. Em rất yêu quý cục tẩy này.
Tả tấm bản đồ
Để thuận lợi cho việc học Địa lý của anh trai và em, bố đã mua cho hai anh em một tấm bản đồ Việt Nam. Phòng học của hai anh em được sắp xếp gọn gàng, có giấy dán tường xung quanh nhưng nổi bật nhất vẫn là tấm bản đồ Việt Nam. Từ nhỏ em đã tiếp xúc với tấm bản đồ ấy và học hỏi rất nhiều từ nói.
Tấm bản đồ hình chữ nhật, to, chiều dài 80 cen-ti-mét, chiều rộng 50 cen-ti-met. Bản đồ có dạng hình chữ nhật, khung của nó được làm bằng nhựa. Bốn rìa ngoài được làm thành những thanh nhựa màu đen. Dây treo bản đồ làm bằng sợi dây cước, móc bản đồ lên cái đinh mũ. Nổi bật ở giữa là hình ảnh nước Việt Nam thon thon hình chữ S. Trên bản đồ tầm có các màu, dùng để biểu đạt sự phân bố địa hình của các vùng trong cả nước. Màu xanh lá là vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ. Màu xanh nhạt và đậm dần phía đông biểu thị độ sâu dần của biển và đại dương. Nổi bật ở giữa vùng biển ấy là tên biển Đông. Đằng xa kia là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Phía trên bản đồ đó là vị trí của nước Trung Quốc – Nước đông dân và giàu có thứ hai trên thế giới. Còn phía bên trái là các nước láng giềng của Việt Nam như: Campuchia, Thái Lan, Lào… Ở trung tâm khu vực phía Bắc nơi có đánh một vòng tròn ở giữa là ngôi sao năm cánh màu đỏ, đó chính là trái tim của Tổ quốc – Thủ đô thân yêu của chúng ta – thủ đô Hà Nội. Các thành phố lớn như Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh được khoanh bằng những vòng tròn nhỏ hơn. Các thành phố, tỉnh khác cũng được viết trên bản đồ một cách rõ ràng. Góc trái bản đồ, khung ghi phần chú thích các kí hiệu trên bản đồ, tỉ lệ xích của bản đồ. Đọc bảng chú thích, em hiểu được mọi kí hiệu hình vẽ trên bản đồ.
Từ khi em bắt đầu học Địa lý, với sự trợ giúp của bản đồ em càng ngày càng cảm thấy yêu môn Địa lý và đất nước mình hơn. Em có ước mơ có thể đưa gia đình đi du lịch khắp đất nước Việt Nam để trải nghiệm và khám phá những điều mới lạ.
Tả cái giá sách
Từ hồi lên lớp 4, em ngày có nhiều sách vở hơn. Và những cuốn sách mà em yêu thích cúng ngày càng thêm đầy. Vì vậy, bố mẹ đã quyết định mua cho em một chiếc giá sách mới.
Ngay khi bố vừa đặt chiếc giá sách xuống góc phòng em thay cho chiếc giá cũ, em đã vô cùng yêu thích nó. Đó là một chiếc giá sách được làm từ chất liệu nhựa đặc biệt, vừa cứng cáp, bền, lại không quá nặng. Toàn bộ chiếc giá có màu trắng đẹp lắm, chẳng kém gì những cái giá ở hiệu sách cả.
Giá có bốn cái chân cao chừng một gang tay rất chắc chắn. Trên đó là một cái tủ ngang hình chữ nhật không có cánh, để em cất những chiếc balo, túi của mình. Trên đó là mười hai ô để sách để sách chia thành ba tầng. Mỗi ô đều cao chừng gần hai gang tay, rộng hơn ba mươi cm. Nó vừa to vừa rộng nên rất dễ xếp các loại sách lên. Vừa chạm vào giá sách, em vừa cảm ơn bố mẹ rối rít.
Sau khi lau qua giá, em bắt đầu sắp xếp sách vở vào. Riêng một ô nhỏ, em dùng để đặt bình hoa của mình vào để làm đẹp thêm cho giá. Ngăm nghía giá sách sau khi hoàn thành, em cảm thấy lòng vui phơi phới. Ở trên cùng vẫn còn vài ô trống. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, để được bố mẹ thưởng cho những quyển sách hay và bày lên đó. Chỉ nghĩ thôi mà em đã vui rạo rực rồi.
Tả cái bút nhớ
Hôm trước ngày khai giảng, mẹ đưa em đến hiệu sách để mua đồ dùng học tập. Nào sách, vở, bút chì, bút mực, bút xóa như mọi năm. Thì năm nay, em đã có thêm một món đồ dùng mới khá bắt mắt, đó là một chiếc bút nhớ, hay còn gọi là bút highligh.
Chiếc bút có hình hộp chữ nhật, dài chừng một gang tay. Thân bút to như ba ngón tay của em dựng thẳng. Bên ngoài bút là một lớp nhựa rất cứng cáp, khi sờ lên cảm giác trơn trơn rất thú vị. Vỏ của bút nhớ sẽ có màu đúng như màu mực của nó. Vì em chọn bút có mực màu xanh nê-ông, nên toàn thân vỏ bút cũng có màu đó. Riêng phần nắp bút sẽ có màu đen tuyền như cục than tre vậy. Nổi bật trên thân bút, là dòng chữ cách điệu Thiên Long – tên công ty sản xuất cây bút. Ở dưới, là dòng chữ nhỏ màu đen viết về đặc điểm, thiết kế của cây bút. Và bên cạnh là một loạt các mã vạch. Mẹ em bảo dựa vào mã vạch đó ta có thể kiểm tra xem có phải hàng thật không.
Mở nắp ra, ta sẽ thấy một ngòi bút nhô ra y như cây bút mực. Nhưng ngòi bút nhớ khá to, chừng bằng đầu bút sáp màu, hình chữ nhật, ánh lên màu xanh nê-ông y như vỏ bút. Bên trong thân thì cấu tạo giống như bao chiếc bút khác, chính là một chiếc ruột bút dựng thẳng theo thân bút, nối liền với ngòi bút. Chỉ là, bên trong thân ruột là phần bông đã tẩm đầy mực viết mà thôi.
Chiếc bút nhớ này, em không dùng để viết, mà dùng để đánh dấu các từ khóa, để mục quan trọng trong sách, vở của mình. Chỉ cần kẻ một đường ngang, là từ quan trọng sẽ ánh lên vệt sáng xanh nê-ông rất đẹp và bắt mắt, nhìn qua là thấy ngay, khó mà bỏ qua được. Nhờ vậy, việc học tập của em không chỉ hiệu quả hơn mà còn thú vị hơn nữa.
Với chiếc bút nhớ này, em vô cùng vui vẻ và thích thú bắt đầu một năm học mới với nhiều mục tiêu, hi vọng.
–
Trên đây là các bài văn mẫu Tả đồ dùng học tập lớp 4. Ngoài ra các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 4 , Giải SGK và Giải VBT Tiếng Việt lớp 4 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 4 , Bài tập Luyện từ và câu 4 , Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 .