Bangalore là thủ phủ của bang Karnataka, vùng kết tụ đô thị lớn thứ năm của Ấn Độ. Diện tích toàn vùng đô thị 540km2, dân số trên 19 triệu người; diện tích nội thị 70,9km2, dân số ở thời điểm tháng 3-2021 là trên 10,4 triệu người. Riêng “dân công nghệ” tại Bangalore là 1,85 triệu/4,5 triệu lao động công nghệ trong toàn quốc.
Bangalore được thành lập năm 1537. Đầu những năm 1960, Jawaharlal Nehru – Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, đã tiên đoán Bangalore sẽ là thành phố tương lai của quốc gia. Đến những năm 1970, điều đó dần trở thành hiện thực với kế hoạch phát triển thành phố điện tử của R. K. Baliga. Được chính phủ ủng hộ, ông trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phát triển điện tử Karnataka State. Đến năm 1978, công ty này là thành viên sáng lập thành phố điện tử có quy mô 134ha tại Bangalore.
Khi làn sóng tự do hóa kinh tế Ấn Độ nổi lên từ năm 1991, thành phố điện tử này bước vào giai đoạn phát triển “bùng nổ”; còn công ty của Baliga trở thành tập đoàn với trên 100 công ty công nghệ thông tin, điện tử thành viên, có trên 60.000 nhân viên. Chính quyền thành phố đã vạch kế hoạch phát triển Bangalore trở thành đầu tàu và trung tâm của các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại của toàn Ấn Độ. Bangalore được xây dựng theo hình mẫu của Thung lũng Silicon (Silicon Valley, California, Mỹ) và tập trung các khu công nghệ cao về nghiên cứu và phát triển, thiết bị điện tử và phần mềm.
Để phát triển bền vững, Bangalore đặc biệt chú ý đến khâu quy hoạch, chia thành phố thành hai khu vực chính là Thành phố điện tử và Công viên công nghệ quốc tế Bangalore. Thành phố điện tử thành lập vào năm 1978, rộng 134ha, chia thành 3 khu vực ứng với giai đoạn I, giai đoạn II và giai đoạn III của quá trình phát triển. Đây là nơi đặt cơ sở của 200 công ty công nghệ cao, trong số đó có nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Siemens, Hewlett Packard, Motorola, Yahoo, Infosys và Wipro… Công viên công nghệ quốc tế Bangalore có diện tích 28ha, khai trương vào năm 1998, có sự góp mặt của hơn 100 công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học, viễn thông, điện tử và các ngành công nghệ cao khác với sự hiện diện của nhiều công ty công nghệ nổi tiếng thế giới như SAP, iGate, Dell, Oracle, GM, Aviva… Công viên này là nơi làm việc của 27.000 chuyên gia công nghệ. Với doanh thu từ công nghệ ước đạt 17 tỷ USD/năm, Bangalore là thành phố đứng thứ 4 về GDP của Ấn Độ và hiện đứng thứ 18/20 thành phố sáng tạo nhất thế giới, xếp thứ 11 về hiệu suất hoạt động và thứ 7 tổng thể về giá trị.
R. K. Baliga đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến thành công của Silicon Plateau (tức Bangalore) là cơ sở hạ tầng công nghiệp hoàn chỉnh, giáo dục kỹ thuật hiện đại và chính sách công nghiệp tiến bộ. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác đã giúp Bagalore trở thành thành phố công nghệ phát triển nhanh nhất châu Á như chính sách hỗ trợ đặc biệt của chính phủ, môi trường sinh thái khởi nghiệp tốt với cơ chế thu hút nhân tài hợp lý…
Nổi lên hàng đầu về công nghệ, Bangalore đang hướng tới việc xây dựng một đô thị lớn thực sự hiện đại, một thành phố sáng tạo mẫu mực cho cả thế giới. Bên cạnh việc mở thêm nhiều khu công nghệ mới; trong đó có đặc khu kinh tế, khu công nghệ đặc biệt cho ngành hàng không vũ trụ, khu công nghệ sinh học…, Bangalore còn có nhiều resort, khách sạn, công viên, vườn hoa, cung điện, đền thờ… nhằm thu hút đông đảo cư dân mới và du khách để phát triển thành trung tâm văn hóa đa dạng. Tại đây, các công ty, nhà hàng đều làm ăn phát đạt; thu nhập của người lao động ngày càng cao và thành phố được đánh giá như “thiên đường của người lao động”. Những người làm công nghệ thông tin chiếm phần lớn trong số người giàu tại Bangalore, nhưng khác với quan niệm truyền thống, họ không khô khan, khép kín mà sống rất cân bằng, ngoài 5 ngày làm việc là thời gian tham quan, du lịch, vui chơi giải trí… Lối sống của cư dân ở đây là làm việc hiệu quả và tận hưởng.
Cần nói thêm là chính quyền Bangalore đã sớm có các giải pháp để hạn chế mặt trái của quá trình phát triển. Tại Bangalore, người ta thường nói với nhau từ “B2B” (Back to Bangalore: Quay trở về với Bangalore). Đây là khẩu hiệu cổ vũ các chuyên gia từ khắp thế giới trở về Bangalore để làm nên một “Thung lũng Silicon Ấn Độ”. Bangalore đã chứng tỏ rằng, để đạt được những thành công vượt trội, kỳ diệu, đạt được tốc độ phát triển nhanh nhất thì phải có giải pháp đúng và phải kiên trì bài học phát triển bền vững. Sau khi Bangalore giành được danh hiệu thành phố năng động nhất thế giới vào năm 2017, chính quyền thành phố đã khẳng định: Để giữ vững vị thế cạnh tranh trên thế giới, phải tập trung vào những yếu tố phát triển lâu dài. Để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn, phải kết hợp các ngành công nghiệp tri thức chuyên biệt, các tổ chức giáo dục chất lượng và nâng cao điều kiện sống.