Buồng trứng là cơ quan sinh sản chính của nữ giới nhưng không phải ai cũng nắm rõ những kiến thức về nó như vị trí, cấu tạo hay chức năng… Chình vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về cơ quan này để chị em hiểu rõ hơn về cơ thể mình.
Buồng trứng là gì?
Buồng trứng là một bộ phận thuộc cơ quan sinh dục nữ. Trong cơ thể phụ nữ có 2 buồng trứng nằm ở 2 bên phải và trái. Mỗi buồng trứng có hình dạng giống như hạt dẻ và có chức năng sản xuất trứng cũng như tạo ra các hormone quan trọng cho quá trình sinh sản và kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt.
Trong quá trình rụng trứng, một quả trứng được giải phóng từ buồng trứng và di chuyển xuống tử cung thông qua ống dẫn trứng. Nếu quả trứng này được thụ tinh bởi tinh trùng, thì nó có thể phát triển thành một phôi thai và bắt đầu quá trình mang thai.
Chức năng của cơ quan này không chỉ liên quan đến sản xuất trứng mà còn đến việc sản xuất hormone như estrogen và progesterone, các hormone này có vai trò quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt, điều chỉnh sự phát triển của bộ phận sinh dục và các biến đổi khác trong cơ thể nữ liên quan đến quá trình sinh sản và sự phát triển tình dục.
Vị trí buồng trứng
Buồng trứng nằm trên thành chậu hông bé, hai bên tử cung, phía sau vòi tử cung, dưới eo chậu trên khoảng 10mm. Vị trí buồng trứng sẽ thay đổi tùy thuộc vào số lần sinh nở của người phụ nữ. Với người phụ nữ chưa sinh nở thì cơ quan này ở tư thế đứng, trục dọc nằm thẳng đứng.
Thông thường, buồng trứng có màu hồng nhạt và thường nhẵn nhụi cho đến tuổi dậy thì. Sau tuổi dậy thì mặt của cơ quan này sẽ bị sần sùi vì việc rụng trứng hàng tháng ở nữ giới làm rách vỏ, để lại sẹo. Sau thời kỳ mãn kinh, bề mặt sẽ nhẵn nhụi lại.
Khi có các dấu hiệu bất thường tại cơ quan sinh sản, hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Liên hệ hotline 0916.690.018 hoặc điền vào form dưới đây
Cấu tạo của buồng trứng
Buồng trứng dài khoảng 3cm, rộng 1,5cm, dày 1 cm, có hình hạt đậu dẹt. Theo các chuyên gia, kích thước của cơ quan này sẽ tăng gấp đôi trong quá trình mang thai và nhỏ đần sau 30 tuổi. Cấu tạo gồm 3 phần:
- Hai mặt: mặt trong và mặt ngoài được hình thành bởi lớp biểu mô dày đặc có liên kết với nhau
- Hai bờ: bờ tự do và bờ mạc treo
- Hai đầu: đầu vòi và đầu tử cung.
Buồng trứng được bao bọc bởi lớp bề mặt, dưới là vỏ , bên dưới lớp vỏ, thuộc phần trung tâm là tuỷ.
Bề mặt ngoài buồng trứng có màu trắng và thường thấy rõ ở phụ nữ trẻ. Lớp tế bào này sẽ dẹt theo tuổi và làm cho buồng trứng có màu xám đục.
- Vỏ: Nằm ngay dưới lớp áo trắng, chứa các nang buồng trứng và thể vàng. Trong lớp mô đệm của vỏ có các sợi mô liên kết lưới và tế bào hình thoi cùng các tế bào cơ trơn.
- Tuỷ buồng trứng: Tập trung ở trung tâm, bao gồm mô đệm được cấu tạo bởi mô liên kết có nhiều sợi chun, tế bào cơ trơn cùng các mạch máu, đặc biệt là tĩnh mạch. Tuỷ buồng trứng có nhiều mạch máu hơn lớp vỏ.
- Nang trứng: Ở bé gái vừa chào đời, trong lớp vỏ buồng trứng đã hình thành nhiều nang trứng nguyên thuỷ. Mỗi nang trứng nguyên thuỷ có một tế bào trung tâm là noãn, được bao quanh bởi một lớp tế bào trụ nhỏ hay tế bào dẹt gọi là các tế bào nang.
Sau dậy thì, một số nang trứng nguyên thuỷ phát triển tạo các nang trứng chín. Một trong số các nang trứng chín này vỡ ra tạo hiện tượng rụng trứng ở nữ giới.
Có thể bạn quan tâm:
- Thực phẩm giúp ngừa ung thư buồng trứng
- Đa nang buồng trứng làm gì để sớm có thai?
- Nguyên nhân gây lão hóa buồng trứng
Chức năng của buồng trứng
Sản xuất trứng
Buồng trứng là nơi sản xuất và lưu trữ các tế bào trứng. Mỗi tháng, một số nang trứng sẽ phát triển, và một trong số chúng có thể trở thành trứng chín để rụng ra ngoài dẫn đến quá trình hành kinh và thụ thai nếu gặp tinh trùng.
Đây cũng là chức năng ngoại tiết của buồng trứng.
Sản xuất hormone
Buồng trứng là một tuyến nội tiết của cơ thể, có nhiệm cụ sản xuất 2 hormone sinh dục quan trọng là: estrogen và progesterone
- Estrogen: Estrogen là hợp chất steroid, được tổng hợp từ cholesterol và có thể cả từ acetyl coenzyme A.
Có 3 loại estrogen có mặt trong huyết tương là: estradiol, estrone và estriol. Tác dụng của hormone estrogen là bảo tồn đặc tính sinh dục nữ thứ phát từ tuổi dậy thì bao gồm: phát triển các cơ quan sinh dục, phát triển mỡ dưới da, giọng nói trong, dáng mềm mại, vai hẹp hông nở.
Estrogen còn tác dụng tới tử cung, cổ tử cung, vòi trứng và đều nhằm giúp trứng đã thụ tinh di chuyển dễ dàng vào tử cung. Ngoài ra estrogen còn tác dụng lên âm đạo, tuyến vú, chuyển hoá và xương.
- Progesterone: Tác dụng quan trọng nhất của progesterone là kích thích bài tiết ở niêm mạc tử cung vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, chuẩn bị niêm mạc tử cung sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh vào làm tổ.
Hormone này giúp làm giảm co bóp cơ tử cung, ngăn cản việc đẩy trứng đã thụ tinh ra ngoài và tạo môi trường cho thai phát triển. Ngoài ra, progesterone còn tác dụng lên cổ tử cung, vòi trứng, tuyến vú và thân nhiệt.
Một số bệnh thường gặp tại buồng trứng
Có một số vấn đề y tế thường gặp tại cơ quan sinh sản của phái đẹp, đặc biệt là tại nơi sản xuất trứng, bao gồm:
U bì buồng trứng
Đây là các u chứa các tế bào và cấu trúc khác nhau, thậm chí có thể chứa răng, tóc và các phần khác của cơ thể. Chúng thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cần phẫu thuật để loại bỏ tránh những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Buồng trứng đa nang (PCOS)
Đây là một tình trạng khi có quá nhiều nang trứng không phát triển trong buồng trứng. PCOS gây ra nhiều triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, tăng sự phát triển lông, và thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do trứng không chín và không thể thụ tinh.
U nang buồng trứng
Các u nang thường là các túi chứa chất lỏng bên trong. Thông thường thì u nhỏ không gây ra triệu chứng, nhưng trong một số trường hợp, u có thể phát triển lớn và gây đau bên bụng hoặc gây vỡ nang, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.
Ung thư
Một số trường hợp u ác tính có thể xuất hiện tại buồng trứng. Đây là một bệnh ung thư nghiêm trọng, có thể không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Điều quan trọng là nhận biết sớm để có cơ hội điều trị tốt hơn.
Làm thế nào để có buồng trứng khỏe mạnh?
Để duy trì sức khỏe của buồng trứng nói riêng và cơ thể nói chung, bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong lối sống và chăm sóc sức khỏe của mình:
- Xây dựng chế độ ăn uống cân đối, giàu dinh dưỡng, đảm bảo nhận đủ các loại vitamin, khoáng chất, protein và chất béo cần thiết.
- Duy trì lối sống vận động có lợi như tập thể dục đều đặn, hạn chế vận động quá sức và ăn uống bổ sung thực phẩm dinh dưỡng.
- Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, tập thể dục, và quản lý thời gian có thể giúp cải thiện tình trạng của buồng trứng.
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào và đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết.
Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc