1. Cá chép là loài cá nước ngọt phổ biến, có cả ở sông suối, ao hồ, ngay cả trên những cánh đồng nước thì cá chép cũng sinh sôi nảy nở. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cá chép có họ hàng xa với cá vàng và chúng có khả năng lai giống với nhau. Tuy nhiên, theo thời gian, môi trường sống thay đổi, chúng đã ít “đi lại” với nhau hơn, dẫn đến việc cá chép và cá vàng không phải là cùng một gốc.
Cá chép có ở tất cả các châu lục, nhưng nhiều nhất là ở châu Á và châu Âu. Thông thường, một con cá chép trưởng thành dài từ 30-40cm, nặng từ 1,5-2kg. Nhưng trong tự nhiên, người ta từng ghi nhận những con cá chép rất lớn. Trên sông Danube (châu Âu), ngư dân vẫn đánh bắt được những con cá chép dài tới 1,2m, nặng 40kg.
“Những con cá chép khủng như vậy trên sông Danube không ít. Chúng có thể đã sống trên 20 năm”- Jhon Fistenal, một chuyên gia thủy sản nước ngọt người Áo nói. Những nghiên cứu của nhà khoa học nay cho thấy, trong điều kiện tự nhiên một con cá chép có thể sống tới 45 năm.
Cá chép sống thuận lợi nhất trong môi trường nước rộng, dòng chảy chậm, nhiều rong rêu. Cá chép sống theo bầy, ít nhất từ 5 con trở lên, tuy nhiên người ta không rõ tập tính này giúp ích gì cho sự phát triển loài, vì rằng chúng kiếm ăn một cách riêng rẽ…
Chép là loài ăn tạp, chúng ăn gần như mọi thứ khi chúng bơi ngang qua, bao gồm các loại thực vật thủy sinh, côn trùng, giáp xác. Loài cá này cũng thích sục sạo trong bùn để kiếm mồi.
Trong môi trường sống ổn định, cá chép phát triển đàn rất nhanh. Một con cá chép khi đẻ có thể tới 300.000 trứng 1 lần. Tuy nhiên, số trứng đó không phải tất cả đều nở thành con và cũng không phải tất cả những con non đều sống sót, vì trứng và cá chép non lại là “mồi ngon” cho những loài cá khác.
Giới nghiên cứu cá nước ngọt thế giới chia cá chép thành 4 phân loài là: cá chép châu Âu (có nhiều ở sông Danube và sông Volga; cá chép Deniz, có nhiều ở vùng Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ; cá chép Amur, có nguồn gốc ở miền Đông Á và cá chép Đông Nam Á. Sau này, cá chép đã được nhập cư vào Bắc Mỹ. Tại đây, do môi trường sống thuận lợi, chúng phát triển rất nhanh.
Tới nay, Bắc Mỹ đã trở thành nơi xuất khẩu cá chép lớn nhất thế giới. Người ta còn nhớ, vào năm 1877, một chiếc tàu từ châu Á đã chở 350 con cá chép giống tới Baltimo (Mỹ), được giới thiệu là “loài cá tuyệt hảo nhất thế giới”.
Kể từ đó, chúng được nhân đàn rất nhanh chóng. Tuy trong bữa ăn hàng ngày, người Mỹ không mấy chuộng món cá chép, nhưng họ vẫn rất quý chúng. Bằng chứng là vào năm 2005, người ta đã tổ chức giải vô địch thế giới về cá chép, trên một khúc của dòng sông Saint Lawrence (tiểu bang New York).
Cá chép trong tranh dân gian.
Còn tại nhiều quốc gia, cá chép là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn. Với người Việt Nam, cá chép lại càng thân thuộc. Người ta có thể chế biến nhiều món ăn ngon từ loài cá này.
Trước hết là món cá chép om dưa ngon và bổ dưỡng. Làm món cá này, thường thì người ta rán qua, sau đó mới bỏ vào nồi nước dùng, kèm theo gia vị là dưa muối, cà chua, hành, thì là, dấm bỗng.
Món thứ hai cũng dễ làm là cá chép hấp, với những con cá chừng 1kg, kèm theo nước dùng nấu từ xương lợn. Món này không thể thiếu gừng, hạt nêm, đường, tiêu, ớt, hành tím.
Một món nữa là cá chép sốt xì dầu. Khi làm, cá chép phải được rán vàng. Người ta cho rằng, cá chép sốt xì dầu là món ăn lợi khí, tốt cho người phù nề, ho hen.
Ít phổ biến hơn nhưng những ai “đã ăn là nghiện”- đó chính là món ớt xào cá chép. Cá chép được cắt khúc, ướp bột nêm, muối, đường cho thấm. Sau đó phi thơm hành, chút ớt vào xào, thêm nước dùng, nấu riu riu lửa tới khi sền sệt là được. Theo dân gian, món ăn này tốt cho người mắt mờ, nhìn không rõ, mắt hoa do thận yếu.
Với người miền Trung, món cháo cá chép vừa ngon vừ phổ biến. Ở đây, bà con còn gọi là “cháo cá gáy”. Người dân cho rằng, phụ nữ có mang ăn cháo cá chép bổ cho cả mẹ lẫn con.
Ớt xào cá chép – món ăn được nhiều người ưa chuộng.
2. Từ xa xưa, người dân nhiều nước châu Á coi cá chép là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý, sung túc. Người ta còn cho rằng, cá chép là biểu tượng của sự thăng tiến, thành công trong sự nghiệp, từ đó có tích cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Còn với giới kinh doanh, cá chép được cho là biểu tượng của sức mạnh, đức tính bền bỉ và sự cố gắng dẻo dai. Cá chép được xem như một hiện thân của rồng- linh thiêng và cao quý.
Cùng hiện diện trong tư cách một loại thực phẩm trong bữa ăn của con người, thì một số loại cá chép còn được nuôi làm cảnh, trong đó nổi tiếng nhất là con cá Koi của Nhật Bản.
Tương truyền, loài cá rất đẹp này có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đến nay nó đã được coi là loài đặc hữu của người Nhật. Cá chép Nhật rất đa dạng màu sắc, như đen, đỏ, trắng… Người ta cho rằng, nếu nuôi cá Koi trong nhà thì sự thành công sẽ đến, cũng như nó sẽ đem đến may mắn cho gia chủ.
Cũng chính vì thế mà cá Koi chính hiệu Nhật Bản giá rất đắt. Những người kinh doanh cá cảnh bao giờ cũng lưu ý đến chúng trong bộ sưu tập quý của mình. Trên thị trường, một con cá Koi trưởng thành, khỏe mạnh, màu sắc rực rỡ có giá bán trên dưới 100 triệu đồng.
Cá Koi cũng nhiều loại, biết tới nhiều nhất có lẽ là cá Koi bướm. Chúng không chỉ đẹp bởi màu sắc mà còn có bộ vây dài thước tha, khi bơi hết sức uyển chuyển. Vây của chúng dài khoảng 2/3 thân, còn màu thì phủ kín từ đầu tới đuôi.
Một con cá chép Xiêm được ngư dân Thái Lan bắt trên sông Mekong.
Sông Mekong có nhiều loài cá khổng lồ, nặng hàng tạ, trong dó nổi bật là cá chép Xiêm Chúng thường sống ở các khúc sông rộng, sâu, nước quẩn, các vũng nước lớn không chảy xiết. Cá chép Xiêm bơi chậm, ăn các loại rau như trái cây và các loại tảo. Người ta từng bắt được một con cá chép Xiêm dài tới đến 3m và nặng 300kg. Con cá chép Xiêm to nhất bắt được gần đây tại Campuchia, nặng 150kg, vào tháng 8/1994. Tới nay, cá chép Xiêm đã có thê trong Sách đỏ của IUCN.