Bên cạnh nghị luận văn học, nghị luận xã hội là dạng bài thường gặp trong các bài kiểm tra môn ngữ văn. Để viết bài nghị luận xã hội chặt chẽ, tránh lan man đòi hỏi người viết phải lập dàn ý trước khi thực hiện. Vậy dàn ý nghị luận xã hội như thế nào? Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về mẫu dàn ý nghị luận xã hội.
Dàn ý nghị luận xã hội chung
Trước hết, chúng tôi đưa ra mẫu dàn ý nghị luận xã hội áp dụng chung cho các bài nghị luận xã hội như sau:
1/ Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề
– Nêu vấn đề
– Nêu thao tác nghị luận và phạm vi tư liệu
2/ Thân bài
– Ý 1: Giải thích vấn đề (Trả lời câu hỏi: Hiểu như thế nào ? Câu nói có ý nghĩa như thế nào ? Ý kiến thể hiện quan niệm gì?…)
– Ý 2: Bàn luận về các khía cạnh, các biểu hiện của vấn đề – dùng các dẫn chứng làm sáng tỏ từng khía cạnh, biểu hiện của vấn đề (đặt câu hỏi: Vấn đề được biểu hiện như thế nào? Ở đâu? Bao giờ ? Tại sao ? Có thể lấy dẫn chứng nào làm sáng tỏ?…)
– Ý 3: Khẳng định mặt đúng, ý nghĩa tích cực của vấn đề – Phê phán những biểu hiện lệch lạc trên quan điểm đúng của vấn đề. (tại sao đúng, tại sao sai, đúng chỗ nào, sai chỗ nào? Những biểu hiện lệch lạc, sai trái? Nhìn vấn đề ở góc nhìn thời đại…)
– Ý 4: Rút ra bài học cho bản thân (ý nghĩa về mặt nhận thức, hiểu ra điều gì ? Nhận ra vấn đề có ý nghĩa như thế nào đối với tâm hồn, lối sống của bản thân ? Ý nghĩa về phương hướng hành động – Phải làm gì?…)
– Giải thích
– Phân tích
– Chứng minh
– Bình luận
3/ Kết bài
– Khẳng định ý kiến bản thân về vấn đề đó.
– Ý nghĩa vấn đề đối với con người, cuộc sống.
Dàn ý nghị luận xã hội cho một số dạng bài
Ngoài dàn ý nghị luận xã hội chung, chúng tôi chia sẻ về mẫu dàn ý nghị luận xã hội với một số dạng bài cụ thể:
Thứ nhất: Dàn ý nghị luận xã hội về một hiện tượng trong đời sống
1/ Mở bài
Giới thiệu về hiện tượng đời sống mà đề bài đưa ra
2/ Thân bài
Luận điểm 1: Trình bày sơ qua về hiện tượng đời sống, làm rõ từ ngữ, hình ảnh khái niệm trong hiện tượng đó.
Luận điểm 2: Nêu thực trạng hiện tượng đó và những ảnh hưởng của nó tới đời sống xã hội
Thực tế nó đang diễn ra như thế nào, ảnh hưởng ra sao tới đời sống và thái độ của xã hội đối với vấn đề đó.
Liên hệ thực tế tại địa phương nơi mình sinh sống, đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục để tăng tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề.
Luận điểm 3: Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó: chủ quan, khách quan, do con người, do tự nhiên….để đề xuất phương hướng giải quyết phù hợp.
Luận điểm 4: Đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đó, chỉ rõ việc cần làm, cách thực hiện và cần sự phối hợp của những ai.
3/ Kết bài
Khái quát lại hiện tượng đời sống đó
Thái độ, suy nghĩ của bản thân về hiện tượng đang đề cập đến.
Thứ hai: Dàn ý nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí
1/ Mở bài
Giới thiệu, dẫn dắt tư tưởng, đạo lý cần bàn luận và mở ra hướng giải quyết cho tư tưởng, đạo lý đó.
2/ Thân bài
Luận điểm 1: Giải thích về tư tưởng, đạo lý cần bàn luận
Giải thích rõ nội dung, tư tưởng đạo lý đó, đồng thời giải thích rõ các từ ngữ, khái niệm, thuật ngữ, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có).
Rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý của đề bài
Lưu ý: Bám sát vào tư tưởng, đạo lý mà đề bài yêu cầu, tránh những suy nghĩ mang tính tùy tiện, chủ quan.
Đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh trước rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ tư tưởng, đạo lý.
Luận điểm 2: Phân tích và chứng minh
Nêu ra mặt đúng của tư tưởng, đạo lý đó
Dùng những lý lẽ, lập luận và dẫn chứng xảy ra trong xã hội thực tế để chứng minh.
Chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống văn hóa xã hội
Luận điểm 3: Bình luận mở rộng vấn đề
Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý đó
Đưa ra dẫn chứng minh học, những tấm gương có thật trong đời sống
Luận điểm 4: Rút ra bài học và hành động
Đưa ra kết luận đúng để thuyết phục được người đọc và áp dụng đạo lý, tư tưởng đó vào thực tiễn đời sống.
3/ Kết bài
Đánh giá khái quát về ý nghĩa tư tưởng đạo lý nghị luận
Mở ra hướng suy nghĩ mới và mong muốn bản thân.
Thứ ba: Dàn ý nghị luận xã hội về một vấn đề trong tác phẩm văn học
1/ Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề xã hội mà tác phẩm thể hiện
Mở ra hướng giải quyết vấn đề
2/ Thân bài
Luận điểm 1: Giới thiệu đôi nét về tác phẩm: tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận trong tác phẩm
Luận điểm 2: Bàn luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm
Vấn đề đó là gì, thể hiện như thế nào trong tác phẩm
Rút ra vấn đề có ý nghĩa xã hội để bàn bạc
Lưu ý: Tránh phân tích quá sâu vào tác phẩm vì đề bài là nghị luận về vấn đề xã hội.
Luận điểm 3: Đưa ra các dẫn chứng chứng minh về vấn đề được rút ra, đồng thời khẳng định ý nghĩa của vấn đề trong việc tạo nên giá trị của tác phẩm.
Luận điểm 4: Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống
Bài học rút ra từ chính vấn đề xã hội được đặt ra trong tác phẩm: một về hành động và một về nhận thức.
3/ Kết bài
Đánh giá khái quát, ngắn gọn vấn đề xã hội trong tác phẩm
Phát triển, liên tưởng và mở rộng vấn đề.