Update: 3/1/2019
Biên tập từ Nguồn:
https://www.tienphong.vn/
https://www.facebook.com/SieuKyNangVan/
https://hoc247.vn/
Đề DEMO: Bàn về chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nhà văn Nguyễn Tuân viết: “Ngô Tất Tố đã đưa ra, đã dám đưa ra một nhân vật đàn bà nông thôn khỏe khoắn, lành mạnh như chị Dậu”. Hãy phân tích nhân vật chị Dậu qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” để làm sáng tỏ ý kiến trên.
PHẦN 1: ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC.
– Nhân vật là linh hồn của cả một tác phẩm, mang chở nội dung phản ánh, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, là nơi kí thác quan niệm về con người, về nhân sinh của nhà văn. Một nhân vật văn học lớn bao giờ cũng thể hiện một số phận, một quan niệm nhân sinh độc đáo và thường điển hình cho một tầng lớp xã hội, một giai cấp, thậm chí một thời đại.
Với dạng đề yêu cầu phân tích nhân vật thì nhiệm vụ của chúng ta là làm sáng tỏ những đặc điểm của nhân vật đó, đồng thời thể hiện được “ý đồ” mà tác giả muốn gửi gắm khi xây dựng nhân vật ấy.
– Nhân vật trong tác phẩm văn học là “con đẻ”, là sản phẩm sáng tạo của một nhà văn nhất định. Nó là kết quả của một quá trình khám phá, chiêm nghiệm. Nó là sản phẩm từ sự tổng hợp, nhào nặn. Cũng do thế, nhân vật mang dấu ấn của cá nhân sáng tạo ra nó. Phân tích nhân vật còn để nhận ra tài năng, đặc điểm bút pháp của nhà văn, để thêm thú vị khi thưởng thức một giá trị thẩm mĩ.
Không ít học sinh còn đối chiếu máy móc nhân vật với hiện thực lịch sử, với sự thực cuộc đời để đánh giá đúng, sai, hay, dở mà quên đi một sự thực khác: nhân vật có thể mang màu sắc “siêu thực”, có thể đi lối riêng theo cách dẫn dắt, theo ý đồ và bút pháp nghệ thuật của nhà văn.
– Một nhân vật văn học thành công cũng như một con người sinh động ngoài đời vậy. Đó là “con người này” trong sự phân biệt với con người khác. Nó có tính cách riêng, số phận riêng không thể lẫn. Bởi thế, suy cho cùng, phân tích một nhân vật làm sáng tỏ một tính cách, một số phận. Song vấn đề là nhà văn không trực tiếp bước vào tác phẩm mà nói lên điều ấy. Tính cách, số phận nhân vật hiện lên sinh động trong tác phẩm qua nhiều phương diện cụ thể. Đó chính là 6 phương diện chúng ta cần lưu ý ở phần 3.
PHẦN 2: NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH KHI LÀM DẠNG ĐỀ PHÂN TÍCH/ CẢM NHẬN VỀ NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC:
– Thứ nhất, biến bài phân tích nhân vật thành một bài miêu tả.
Quá trình phân tích một nhân vật văn học cần gắn với sự cảm thụ, đánh giá bút pháp nghệ thuật miêu tả của nhà văn. Chữ phân tích ở đây không nên hiểu chỉ là một thao tác nghị luận (chỉ ra các đặc điểm của nhân vật) mà bao hàm cả sự nhận xét, đánh giá bằng cảm thụ, suy nghĩ của mình.
– Thứ hai, bài phân tích nhân vật chỉ dừng ở cấp độ cụ thể mà không nâng lên tầm khái quát để rút ra tư tưởng, quan niệm của nhà văn.
Nên nhớ rằng khi xây dựng một nhân vật (nhất là nhân vật chính), bao giờ nhà văn cũng muốn gửi gắm qua đó một cách nhìn nhận về xã hội, một quan niệm nhân sinh. Nếu phân tích nhân vật mà chỉ dừng ở nhân vật nghĩa là chưa ý thức được vị trí của nhân vật ấy trong chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
PHẦN 3: DÀN BÀI CỦA BÀI VĂN PHÂN TÍCH/ CẢM NHẬN VỀ NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC:
I. Mở bài:
+ Giới thiệu tác giả (đề tài, phong cách, đánh giá…), tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, giá trị…).
+ Giới thiệu vấn đề nghị luận.
II. Thân bài:
1. Giải thích nhận định đặt ra ở đề bài (nếu có)
2. Lần lượt phân tích/ cảm nhận về các phương diện của nhân vật theo yêu cầu đề.
Vd:
* Lai lịch:
– Đây là phương diện đầu tiên góp phần hình thành đặc điểm tính cách, chi phối con đường đời của nhân vật, cũng như mục đầu tiên ta thường khai trong bản “Sơ yếu lí lịch” là thành phần xuất thân, hoàn cảnh gia đình vậy.
– Lưu ý không phải tác phẩm nào chúng ta cũng cần phải chú ý đến lai lịch của nhân vật. Chúng ta chỉ chú ý đến lai lịch của nhân vật khi đó là một dụng ý của nhà văn trong việc khắc họa số phận và tính cách của nhân vật mà thôi.
*Ngoại hình:
– Trong văn học, nhà văn miêu tả ngoại hình nhân vật thường với hai mục đích:
+ Thứ nhất, để cá thể hóa nhân vật, nghĩa là tạo ấn tượng riêng về nhân vật ấy (không thể lẫn vào các nhân vật khác).
+ Thứ hai, qua vẻ bề ngoài mà phần nào hé mở tính cách, bản chất của nhân vật ấy. Một nhà văn có tài thường chỉ qua một số nét khắc họa chấm phá có thể giúp người đọc hình dung ra diện mạo, tư thế cùng bản chất của một nhân vật nào đó.
Khi cảm nhận, phân tích ngoại hình nhân vật cần thấy rằng phần lớn trường hợp, đặc điểm tính cách, chiều sâu nội tâm được thống nhất với vẻ bề ngoài. Song cũng có những trường hợp cái bên trong và vẻ bên ngoài của nhân vật “trật khớp”, thậm chí trái ngược nhau.
Trong phân tích nhân vật, cần qua các chi tiết ngoại hình mà “đọc” đúng nội tâm, bản chất của đối tượng.
* Ngôn ngữ:
– Qua lời ăn tiếng nói, qua cách dùng từ, giọng điệu của một người, chúng ta có thể nhận ra nghề nghiệp, trình độ văn hóa, nhận ra tính cách của con người ấy.
– Ngôn ngữ của nhân vật văn học thành công thường được cá thể hóa cao độ, nghĩa là mang đậm dấu ấn của một cá nhân. Nhà văn có tài là người biết sống với nhiều nhân vật, nắm bắt được nhiều kiểu ngôn ngữ.
* Nội tâm:
– Khi phân tích nhân vật cần quan tâm đến thế giới bên trong với những cảm giác, cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ… Thế giới bên trong này thường tương tác với thế giới bên ngoài (môi trường thiên nhiên, sự biến chuyển của đời sống xã hội, quan hệ và hành vi của các nhân vật khác xung quanh) đồng thời cũng có quy luật vận động riêng của nó.
– Một nghệ sĩ tài năng thường cũng là một bậc thầy trong việc nắm bắt và diễn tả tâm lí con người. Miêu tả chân thực, tinh tế đời sống nội tâm nhân vật là chỗ thử thách tài nghệ nhà văn và cảm nhận, phân tích được một cách kĩ lưỡng, thuyết phục mặt này cũng thành nơi chứng tỏ năng lực của người phân tích tác phẩm.
* Cử chỉ, hành động:
– Bản chất của con người ta bộc lộ chân xác, đầy đủ nhất qua cử chỉ, hành động. Phân tích nhân vật, vì thế, cần tập trung khai thác kĩ phương diện này. Đó là sự thật hiển nhiên.
– Nhưng đáng chú ý là bản chất nhân vật không chỉ bộc lộ ở việc nhân vật ấy làm mà còn qua cách làm việc đó của nhân vật nữa.
* Lời các nhân vật khác về nhân vật:
Để khắc họa tính cách, bản chất một nhân vật, nhà văn còn mượn lời nói, lời đánh giá của các nhân vật khác. Lắm khi, nhà văn còn “tổ chức” cho các nhân vật khác thảo luận, bàn bạc về nhân vật ấy.
⛔ LƯU Ý:
– Mỗi nhân vật được nhà văn xây dựng theo một phương thức riêng. Có nhân vật thiên về hành động (ví dụ Trương Phi – Tam quốc diễn nghĩa), có nhân vật thiên về diễn biến tâm trạng và hành động (Mị – Vợ chồng A phủ), hoặc có nhân vật lại thiên về diễn biến tâm trạng (Bà cụ Tứ- Vợ nhặt), hoặc có những nhân vật kịch (Trương Ba, Vũ Như Tô) lại thiên về lời nói và hành động kịch. Bên cạnh đó, không phải bất cứ nhân vật nào cũng được nhà văn thể hiện đầy đủ các phương diện: lai lịch, ngoại hình, ngôn ngữ, nội tâm, cử chỉ, hành động, qua lời các nhân vật khác. Tùy trường hợp mà có chỗ nhiều, chỗ ít, chỗ đậm, chỗ nhạt. Bởi thế, không phải cứ máy móc tìm đủ, phân tích đủ mà cần biết tập trung, xoáy sâu vào các phương diện thành công nhất của tác phẩm hoặc xoáy vào khía cạnh mà vấn đề nghị luận đặt ra.
Đề bài yêu cầu phân tích một khía cạnh của nhân vật (Ví dụ phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích “Trao duyên”) thì chỉ chú ý phân tích kĩ khía cạnh đó để làm nổi bật vấn đề. Không sa đà kể lể về cuộc đời, hoàn cảnh sống, ngoại hình,… của nhân vật.
Đề bài yêu cầu phân tích nhân vật để chứng minh nhận định thì cần chú ý phân tích những khía cạnh của nhân vật để làm nổi bật vấn đề, chứng minh, làm rõ nhận định đó.
– Cũng không cứ phải tuần tự theo sáu phương diện như thế mà có thể sắp xếp theo cách riêng, sao cho bài văn của mình hấp dẫn.
– Trong quá trình phân tích có thể so sánh với nhân vật khác (chỉ ra nét tương đồng hoặc khác biệt) để làm nổi bật vấn đề. Chú ý: so sánh với các nhân vật có điểm tương đồng hoặc cùng thời kì, cùng chủ đề…
– Để có căn cứ phân tích, để có chất liệu làm bài, khi đọc tác phẩm cần ghi nhớ các chi tiết, các hình ảnh về từng phương diện ấy.
3. Đánh giá về nhân vật:
– Ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khác với phân tích cả tác phẩm, đề bài dạng này chỉ yêu cầu phân tích nhân vật. Cho nên, phần nghệ thuật nên chăm chút cho những thủ pháp giúp nhân vật trở nên điển hình, ví dụ như:
+ Nghệ thuật xây dựng cốt truyện (giúp nhân vật bộc lộ tính cách).
+ Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật.
+ Kết cấu.
+ Nghệ thuật xây dựng các tuyến nhân vật khác
…
III. KẾT BÀI:
– Tổng kết, khẳng định lại vấn đề:
(1) đặc điểm điển hình của nhân vật.
(2) đặc điểm/phong cách/ bút pháp nổi trội của tác giả trong việc xây dựng thành công nhân vật.
=> Khẳng định giá trị của tác phẩm và sự đúng/ sai của vấn đề cần nghị luận (với dạng bài nêu suy nghĩ về 1 nhận định).
————-
BÀI LÀM MINH HỌA:
ĐỀ BÀI: Bàn về chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nhà văn Nguyễn Tuân viết: “Ngô Tất Tố đã đưa ra, đã dám đưa ra một nhân vật đàn bà nông thôn khỏe khoắn, lành mạnh như chị Dậu”. Hãy phân tích nhân vật chị Dậu qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” để làm sáng tỏ ý kiến trên.