Có 1 thị trấn và 24 xã. Cái Bè là huyện nông nghiệp, nằm về phía tây, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 50 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 113 km. Phía bắc giáp tỉnh Long An, phía nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp và phía đông giáp huyện Cai Lậy. Diện tích tự nhiên là 420, 9km2, chiếm 17,23% diện tích toàn tỉnh.
Dân số theo thống kê năm 2004 có 287.481 người, trong đó: 139.171 nam, 147.766 nữ. Mật độ 683 người/km2.
Phân bố địa bàn định cư: Khu vực thị trấn, thị tứ 16.087 người; nông thôn 217.394 người.
Mật độ dân số cao nhất là thị trấn Cái Bè: 3.696 người / km2 và thấp nhất là xã Mỹ Tân (xã mới thành lập năm 1990): 252 người / km2.
Huyện được chia thành 24 đơn vị hành chính với 1 thị trấn và 24 xã gồm: thị trấn Cái Bè, Đông Hoà Hiệp, Hoà Khánh, Mỹ Lương, An Hữu, Hoà Hưng, Hội Cư, Hậu Thành, Thiện Trí, An Thái Trung, Mỹ Đức Đông, Mỹ Đức Tây, An Thái Đông, Tân Thanh, Tân Hưng, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, Mỹ Trung, Thiện Trung, Hậu Mỹ Phú, Hậu Mỹ Trinh, Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B và Mỹ Tân.
Huyện Cái Bè có đường Quốc lộ 1A chạy dọc từ đông sang tây dài 27 km, Quốc lộ 30 dài 9 km từ ngã ba xã An Thái Trung đi Đồng Tháp, đây là hai tuyến đường bộ huyết mạch. Ngoài ra còn có nhiều tỉnh lộ như các đường 861, 863, 865, 869, 875 với tổng chiều dài gần 60 km.
Ngoài đường bộ, ở Cái Bè còn có các kinh rạch quan trọng gồm: rạch Cái Bè, rạch Cái Cối, rạch Bằng Lăng, kênh Nguyễn Văn Tiếp, rạch Cổ Cò, rạch Trà Lọt, kênh 28, rạch Ruộng và hàng chục kinh, rạch lớn nhỏ khác, chằng chịt đan xen với tổng chiều dài trên 500 km. Cái Bè là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống thủy lợi tự nhiên tốt nhất trong tỉnh.
Là huyện có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh, diện tích trồng lúa 3 vụ là 59.983 ha, nhưng cao nhất là diện tích trồng cây ăn trái với 140.600 ha. Huyện có 3 xã có diện tích đất nông nghiệp tương đối rộng, đó là xã Hậu Mỹ Trinh: 29.600 ha, Hậu Mỹ Bắc A: 25.260 ha và Hội Cư: 24.120 ha. Ngoài 3 xã nói trên còn có 3 vùng đất bãi bồi có diện tích tương đối rộng như: đất bãi bồi Cổ Lịch (còn gọi là cồn Cổ Lịch) với diện tích trồng cây ăn trái là 70 ha, cồn Hoà Khánh với diện tích hơn 40 ha và cồn Qui với diện tích hơn 80 ha, hiện trở thành một ấp thuộc xã Tân Thanh.
Cái Bè xưa vốn là lỵ sở của dinh Long Hồ. Chợ Cái Bè lập năm 1732, lúc đó gọi là chợ Long Hồ,nay là thị trấn Cái Bè. Dưới chế độ cũ, Cái Bè là đơn vị cấp quận thuộc tỉnh Mỹ Tho; từ năm 1955, chính quyền Sài Gòn cắt bớt các xã Tân Mỹ, Đốc Binh Kiều, Mỹ An, Mỹ Hoà và một phần đất xã Mỹ Trung của Cái Bè để sáp nhập vào quận Mỹ An thuộc tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Ngày 9.8.1961, chính quyền Sài Gòn ra nghị định 760-NV thành lập quận Giáo Đức, quận lỵ đặt tại xã An Hữu; quận Cái Bè đổi tên thành quận Sùng Hiếu. Theo thống kê năm 1970, quận Sùng Hiếu và Giáo Đức có diện tích 504,9 km2 (lớn hơn diện tích huyện Cái Bè ngày nay 100 km2). Quận Sùng Hiếu kéo dài đến xã Mỹ Thành, Phú An (thuộc huyện Cai Lậy hiện nay). Dân số hai quận cộng lại có 127.915 người. Quận Sùng Hiếu có 11 xã và quận Giáo Đức có 10 xã.
Về phía chính quyền cách mạng, thời điểm này vẫn giữ nguyên là huyện Cái Bè với có 16 xã và một thị trấn.
Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, địa bàn huyện là căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy Tiền Giang, Khu ủy Khu 8, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ…Các trận đánh quan trọng: trận chiến thắng Cổ Cò tháng 2/1947 – đây là trận quyết chiến chặn đánh giao thông của bộ đội Nam bộ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp; trận tập kích đoàn tàu Pháp ở Thiên Hộ năm 1952; trận Kinh Bùi năm 1953… Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chiến công được ghi nhận là: trận đánh đoàn tàu Mỹ trên sông rạch Ruộng vào năm 1967; trận diệt gọn tiểu đoàn Mỹ ở đập Ông Tải; trận đánh bắn cháy máy bay ở Á Rặc, thuộc xã Thiện Trí, huyện Cái Bè….Đó là những chiến công tiêu biểu cho hàng ngàn chiến công của quân và dân trong huyện.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cái Bè đã có hơn 4.000 thương binh, liệt sĩ, gần 100.000 người có công với cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho quân dân huyện Cái Bè, 10 xã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, 216 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng lực lượng vũ trang như: Ngô Văn Nhạc, Nguyễn Văn Mười, Đỗ Hoài Nam, Đoàn Thị Nghiệp, Phạm Thị Thao, Trần Văn Thế…
Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân Cái Bè đã đoàn kết xây dựng, khôi phục kinh tế. Thành tựu lớn nhất là đã tập trung cải tạo đất nông nghiệp từ một vụ thành đất trồng lúa 3 vụ, cải tạo vườn tạp để trở thành vườn chuyên canh. Mạng lưới thương nghiệp, dịch vụ phát triển rất mạnh, hầu như xã nào cũng có 1 – 2 chợ, huyện lỵ có chợ tập trung hàng hoá dồi dào, trái cây cũng nhiều chủng loại, các bến bãi tập kết xe, trái cây, lúa gạo, cá được khai thác mạnh mẽ. Cây ăn trái ở Cái Bè gồm có cam mật, quít đường, bưởi long, ổi, mận, xoài… Đặc biệt, xoài cát Hoà Lộc (Hòa Hưng), bưởi lông Cổ Cò (Mỹ Lương) là hai đặc sản nổi tiếng trên thương trường.
Sau 1975, có hơn 100 công trình thủy lợi lớn và vừa được xây dựng, trong đó có hàng chục công trình do Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hơn 20 triệu ngày công lao động để làm mới và khôi phục đường giao thông nông thôn để ngày nay cả 24 xã đều có đường xe chạy đến tận xóm ấp, trong đó có 22 xã xe ô tô đến tận trung tâm xã. Giao thông đường thủy rất thuận lợi, lòng kênh rạch hàng năm luôn được nạo vét, chính vì thế mà chợ búa, trường học, trạm, trại được xây dựng rất nhanh, các ngành nghề thủ công như bánh phồng, báng tráng rế… phát triển. Các dịch vụ, mua bán trao đổi hàng hoá ở Cái Bè hoạt động rất mạnh, bảo đảm đời sống nhân dân, thuận tiện trong giao lưu mua bán và tiêu dùng sinh hoạt.
Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần và phúc lợi xã hội cũng từng bước được cải thiện. Với truyền thống hiếu học, hàng năm ở Cái Bè có hơn 50.000 học sinh ở tất cả các cấp học, trên 95% trẻ em đến trường, trẻ 6 tuổi đều được vào lớp 1. Đội ngũ giáo viên trên 2000 người trong đó có hơn 600 người có trình độ cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, ngành y tế huyện cũng không ngừng phát triển, Cái Bè đã có hơn 300 y bác sĩ, một bệnh viện huyện , hai bệnh viện khu vực. Tất cả các xã đều có trạm xá với hơn 41% xã có bác sĩ, 100% xã có y sĩ và y tá hộ lý. Phong trào thể dục – thể thao, văn hoá – văn nghệ phát triển rộng khắp. Trong huyện có 3 rạp hát lớn và nhiều sân khấu nhỏ với 16 câu lạc bộ hát cho nhau nghe…
Về mặt văn hoá, khu vực rạch Cái Cối có thể xem như là vùng miệt vườn tiêu biểu của Nam bộ. Ở đây có nhóm họ Lê -Lê Văn Thoại, ông nội của tướng Lê Văn Duyệt, là người từ Mộ Đức, Quảng Ngãi đến đây khai phá đầu tiên. Họ Đoàn- Đoàn Cảnh Cư, tướng thuộc triều Gia Long…Đây cũng là vùng đất sản sinh nhiều nhân tài làm văn hoá nghệ thuật như Nguyễn Tống Triều, một trong những người sáng lập nghệ thuật cải lương, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà thơ Bảo Định Giang… Các di tích quan trọng trong huyện gồm có phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Tân Hưng), miếu Hà Dương Thủy thần ở xã Hòa Khánh, đình Mỹ Lương, các di tích chiến thắng Á Rặc (xã Thiện Trí), chiến thắng đập Ông Tải (Hậu Mỹ Trinh ), chiến thắng Thẻ 23 (xã Hội Cư)…. Cái Bè còn là nơi có tiềm năng du lịch đáng kể. Khu du lịch Cái bè gồm các tuyến tham quan chợ nổi Cái Bè, nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp, cồn Cổ Lịch, cầu Mỹ Thuận…