Cẩm Phả là một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam. Hiện nay, Cẩm Phả được xếp hạng là đô thị loại II và là đô thị lớn thứ hai của tỉnh Quảng Ninh.
1- Vị trí địa lý:
Thành phố Cẩm Phả (Toạ độ: 20o58’10’’ – 21o12’ vĩ độ bắc, 107o10’ – 107o23’50’’ kinh độ đông) cách thành phố Hạ Long 30km, bắc giáp huyện Ba Chẽ, đông giáp huyện Vân Đồn, tây giáp huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long, nam giáp vịnh Bắc Bộ. Vùng vịnh thuộc Thành phố là vịnh Bái Tử Long.
2- Diện tích:
Thành phố Cẩm Phả có diện tích tự nhiên 48.623ha. Địa hình đồi núi. Núi non chiếm 55,4% diện tích. (Trong đó núi đá chiếm tới 2590ha. Núi cao nhất là ở Quang Hanh: núi Đèo Bụt 452m, núi Khe Sím hơn 400m); vùng trung du 16,29%, đồng bằng 15,01% và vùng biển chiếm 13,3%. Ngoài biển là hàng trăm hòn đảo nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi.
Năm 2017: Tổng diện tích đất tự nhiên của Thành phố Cẩm Phả là 38.652 ha. bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp (1.452 ha, chiếm 3,8%), đất lâm nghiệp (19.305 ha, chiếm 49,9%), đất chuyên dụng (9.974 ha, chiếm 25,8%), đất ở (1.350 ha, chiếm 3,5%). (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017).
3- Nhiệt độ, độ ẩm:
Thành phố Cẩm Phả có nhiệt độ trung bình năm 23oC, độ ẩm trung bình 84,6%, lượng mưa hàng năm 2.307mm, mùa đông thường có sương mù.
4- Dân cư:
Năm 2010: 176.500 người
Năm 2012: dân số tại thành phố Cẩm Phả là 195.800 người với mật độ dân số xấp xỉ 403 người/km2.
Thành phố Cẩm Phả có số dân xấp xỉ số dân của thành phố Hạ Long, hầu hết là người Kinh (95,2%), còn lại đáng kể là người Sán Dìu (3,9%). Người các dân tộc khác sống xen kẽ rải rác khó phân biệt. Người Cẩm Phả phần lớn là công nhân ngành than, có gốc từ vùng đồng bắc Bắc Bộ. Dân số Cẩm Phả luôn có một tỷ lệ không bình thường là nam đông hơn nữ (59% và 47%).
Năm 2015: 188.600 người.
Năm 2017: 190.500 người, mật độ dân số trung bình là 492,8 người/km2.
(Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017).
5- Các đơn vị hành chính: Gồm 13 phường và 3 xã.
– Các phường: Mông Dương, Cửa Ông, Cẩm Thịnh, Cẩm Phú, Cẩm Sơn, Cẩm Đông, Cẩm Tây, Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Trung, Cẩm Thuỷ, Cẩm Thạch, Quang Hanh.
– Các xã: Cộng Hoà, Dương Huy, Cẩm Hải.
6- Địa điểm du lịch và đặc sản của địa phương:
– Cẩm Phả là thành phố với nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, Đền Cửa Ông hàng năm thường mở hội vào tháng Giêng, thu hút hàng vạn khách tham quan, chiêm bái. Động Hang Hanh có cửa vào từ vịnh đi thuyền suốt lòng núi. Khu đảo Vũng Đục có nhiều hang động thích hợp cho việc tham quan. Ngoài Hòn Hai, đảo Nêm trong vịnh Bái Tử Long đã hình thành một khu nghỉ, ngơi của công nhân mỏ. Cẩm Phả còn có đảo Rều, một cơ sở nuôi thả hàng nghìn con khỉ vừa là nguồn nguyên liệu cho y dược vừa là một địa chỉ tham quan rất hấp dẫn.
Cẩm Phả đang sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Đặc biệt với việc sở hữu nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có độ mặn và nhiệt độ cao, tỷ lệ Brom chiếm tới 49% tổng độ khoáng đã giúp nguồn khoáng nóng này trở thành một trong ba địa điểm nước khoáng Brom nổi tiếng nhất trên thế giới.
Thành phố vừa đưa thêm loại hình du lịch mỏ than vào hoạt động.
– Giống như các địa phương khác của tỉnh Quảng Ninh, Cẩm Phả cũng có những đặc sản giá trị như: hải sâm, bào ngư, tôm, cua, sò, ngán, hầu hà, sá sùng, rau câu…
Theo QNP
7- Thành tựu kinh tế- xã hội nổi bật.
+ Năm 2017: Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 12,3%, ngành nông- lâm- thủy sản tăng 4,7%, thương mại- dịch vụ tăng 14,2%. Thu NSNN đạt 1.460,6 tỷ đồng, vượt 20,4% kế hoạch của thành phố, cao nhất từ trước đến nay. Các chỉ tiêu kinh tế- xã hội khác đều hoàn thành và hoàn thành vượt mước kế hoạch đề ra. Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, giảo nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Thành lập 2 trường mầm non ngoài công lập (trị giá trên 100 tỷ đồng); huy động xã hội hóa xây dựng trường chuẩn quốc gia năm hoạc 2016-2017 được 8,4 tỷ đồng. Chủ đề công tác năm được triển khai toàn diện,tạo sự chuyển biến rõ nét. Công tác cải cách hành chính được chú trọng; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được nâng lên. (Theo Quảng Ninh toàn cảnh 2017).
+. Năm 2018: Hoàn thành vượt mức 14/14 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu. Trong đó, so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 12,6%; thương mại- dịch vụ tăng 15,2%. Thu ngân sách nhà nước đạt 1.647 tỷ đồng (vượt 2,02%) kế hoạch, tăng 10,08% so với cùng kỳ.Tổng chi ngân sách địa phương đạt 4.554 tỷ đồng, vượt 26,35% kế hoạch, tăng 21,16% so với cùng kỳ. Nhiều dự án của các nhà đầu tư có giá trị hàng nghìn tỷ đồng được triển khai; Chương trình nông thôn mới, nông thôn kiểu mới, giảm nghèo bền vững đạt được kết quả tích cực. Triền khai nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất của 10 trường trên địa bàn với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Chủ đề công tác năm được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; Công tác cải cách hành chính được chú trọng; cơ sở vật chất phục vụ, hiện đại hóa nền hành chính được quan tâm nâng cấp, đầu tư hoàn thiện; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được nâng lên. (Theo: Quảng Ninh toàn cảnh 2018).