1. Khái quát về quá trình lịch sử hình thành và phát triển thành phố Cao Lãnh
Theo các nhà sử học, sách Gia Định thành thông chí, sách Đại Nam thực lục tiền biên và Bia Tiền Hiền làng Mỹ Trà (lập năm 1876), vào cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn cho di dân từ các tỉnh miền Trung vào khai phá Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, trong số lưu dân có nhiều người từ thôn Bả Canh thuộc phủ Quy Nhơn, trấn Bình Định đã vào sinh sống ven bờ rạch Cái Sao Thượng và sông Con (sông Cao Lãnh ngày nay) hình thành nên xóm Bả Canh và phát triển thành khố trường Bả Canh, một trong 09 khố trường ở Nam bộ được nhà nước Trung ương chính thức thành lập, và nếu như cho rằng khố trường Bả Canh được lập sau cùng vào năm 1741 thì cũng đã 265 năm. Khố trường Bả Canh giải thể, thôn Mỹ Trà được hình thành; xét về mặt lịch sử, tuy không phải là một cấp hành chính, khố trường chỉ thực hiện chức năng thu thuế, quản lý đất đai, con người và xã hội nhưng là cơ sở đầu tiên mang tính quản lý Nhà nước của thị xã Cao Lãnh sau này.
Thời Nhà Nguyễn, năm 1808, thôn Mỹ Trà nằm trong tổng Kiến Phong huyện Kiến An, dinh Trấn Định, cư dân đông đúc khi chợ Vườn (chợ Câu Lãnh, nay là chợ Cao Lãnh) được hình thành. Năm 1833, Nam kỳ được chia thành 06 tỉnh, dinh Trấn Định thành tỉnh Định Tường, thôn Mỹ Trà nằm trong huyện Kiến Đăng, đến năm 1838 nằm trong huyện Kiến Phong (được tách ra từ huyện Kiến Đăng). Năm 1913, Pháp lập quận Cao Lãnh thuộc tỉnh Sa Đéc. Từ năm 1956, chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Kiến Phong, lấy khu vực thị tứ Mỹ Trà của quận Cao Lãnh làm tỉnh lỵ và tồn tại đến ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Năm 1976, tỉnh Đồng Tháp được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong, khu thị tứ Mỹ Trà – Cao Lãnh trở thành thị trấn của huyện Cao Lãnh. Năm 1983, do yêu cầu khai thác vùng Đồng Tháp Mười, thị xã Cao Lãnh được thành lập và đến năm 1989 trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp. Năm 2005, thị xã Cao Lãnh được Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III.
Ngày 16 tháng 01 năm 2007, thị xã Cao Lãnh được Chính phủ công nhận là thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp, với 15 đơn vị hành chính, gồm 08 phường và 07 xã.
2. Phạm vi, ranh giới, vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và phát triển kinh tế – xã hội
2.1. Phạm vi ranh giới
Khu vực địa giới hành chính thành phố Cao Lãnh gồm 15 đơn vị hành chính gồm: 8 phường:1, 2, 3, 4, 6, 11, Mỹ Phú, Hòa Thuận thuộc khu vực nội thành và 7 xã: Hòa An, Mỹ Ngãi, Mỹ Tân, Mỹ Trà, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới thuộc khu vực ngoại thành.
Tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố Cao Lãnh là 10.726,6 ha. Trong đó, diện tích nội thị là 3.013,7 ha, chiếm 28,10%, khu vực ngoại thị là 7.712,9 ha, chiếm 71,90%
Sơ đồ: Ranh giới hành chính cấp xã, phường thành phố Cao Lãnh
2.2 Vị trí, chức năng, vai trò
a) Vị trí:
Thành phố Cao Lãnh nằm ở tả ngạn sông Tiền dọc theo quốc lộ 30, cách Thành phố Hồ Chí Minh 154km, Thành phố Cần Thơ 80km, có vị trí địa lý:
– Phía Bắc và phía Đông giáp huyện Cao Lãnh
– Phía Nam giáp huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, qua sông Tiền.
-
Phía Tây giáp huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, qua sông Tiền
Sơ đồ: Vị trí thành phố Cao Lãnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long
b) Chức năng, vai trò:
Là trung tâm kinh tế – văn hóa của Tỉnh, trên địa bàn thành phố có nhiều loại hình dịch vụ cao cấp khác như: hệ thống tài chính – ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính – viễn thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục…
Thành phố Cao Lãnh là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp. Đây là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, là thành phố chăm sóc sức khỏe và là cơ sở hậu cần cho sự phát triển bền vững của một trong sáu vùng kinh tế lớn của đồng bằng sông Cửu Long.
Là đô thị trung tâm kinh tế phát triển hạt nhân vùng trọng điểm của tỉnh, phát triển mạnh thương mại – dịch vụ với chức năng là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Hình: Khu Công nghiệp Trần Quốc Toản
Điều kiện tự nhiên cũng là một lợi thế của thành phố Cao Lãnh. Địa chất hình thành từ trầm tích phù sa sông, giàu hữu cơ và dinh dưỡng, thích hợp cho trồng trọt. Sông ngòi và cảnh quan tự nhiên hấp dẫn tạo nên đặc trưng của một đô thị sông nước, là cơ hội cho việc phát triển các khu dịch vụ nghĩ dưỡng tái tạo sức khỏe.
Là trung tâm công nghiệp của tỉnh, có vị trí quốc phòng quan trọng, nơi tập trung đông dân cư, nơi trực tiếp đón nhận và chuyển giao công nghệ cho các khu vực trong vùng, là nơi trung chuyển và tiêu thụ nhiều loại sản phẩm hàng hóa với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, có tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy sự phát triển tỉnh Đồng tháp và các tỉnh trong vùng.
Là trung tâm kinh tế của khu vực: huyện Lấp Vò, huyện Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, là vùng tiêu biểu về phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Là cầu nối với thành phố Cần Thơ, thành phố Long Xuyên và các tỉnh lân cận. Hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi cho việc giao thương, mua bán.
3. Tình hình phát triển kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu:
Cơ cấu kinh tế thành phố Cao Lãnh trong các năm chuyển dịch mạnh ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ và lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực nông – lâm – thủy sản. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trong 3 năm giai đoạn 2016-2018 đạt 10,06%/năm.
Năm 2018 cơ cấu kinh tế của thành phố Cao Lãnh ước thực hiện như sau: khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 52,65% tương đương 16.194 tỷ đồng, tăng 10,11%; khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 42,88% tương đương 13.190 tỷ đồng, tăng 9,52%; khu vực nông – lâm – thuỷ sản chiếm 4,47% tương đương 1.376 tỷ đồng, tăng 3,15%.
- Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp
Sản xuất công nghiệp được cũng cố, đổi mới, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với phát triển sản phẩm mới để duy trì, tăng trưởng. Cơ cấu sản xuất trong ngành tuy chưa có nhiều thay đổi nhưng trong nội bộ từng lĩnh vực phân ngành có sự thay đổi bù đắp lẫn nhau theo chiều sâu về công nghệ, thiết bị và quy mô sản xuất được mở rộng.
Về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao và ngày càng ổn định, các cơ sở sản xuất ngày càng quan tâm đến đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất và chú trọng đầu tư trong việc cải tiến mẫu mã hàng hóa, tạo ra các sản phẩm phù hợp theo thị hiếu của người tiêu dùng với các sản phẩm chủ lực như chế biến thủy sản, dệt may, giày da…
Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, giá trị công nghiệp ước đạt 9.156 tỷ đồng, đạt 71,29% so với kế hoạch, tăng 6,76% so với cùng kỳ.
- Thương mại – Dịch vụ
Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố ngày càng nhộn nhịp và thu hút người dân, ngày càng nhiều các loại hình kinh doanh được triển khai trên địa bàn, cụ thể như các cửa hàng thức ăn nhanh, cửa hành kinh doanh thời trang, siêu thị Co.opmart Cao Lãnh, siêu thị Điện máy Xanh, Thế giới di động, FPT, Trung tâm thương mại Vincom Plaza… các cửa hàng dịch vụ và trung tâm thương mại đã đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ và làm đa dạng, phong phú thêm các loại hình thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, hàng hóa kinh doanh, dịch vụ đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Mặt khác, thành phố thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến giá cả, thị trường, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, chống mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng…
- Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Duy trì tăng trưởng và phát triển ổn định theo hướng nông nghiệp đô thị. Thành phố đã tổ chức triển khai đến người nông dân những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chất lượng cây trồng được thực hiện theo hướng an toàn, năng suất cao, giảm giá thành, nông dân sản xuất có lãi; gắn kết tiêu thụ theo hướng thực hiện các mô hình nông nghiệp đô thị.
Giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm 2017 đạt 1.334 tỷ đồng, tăng 3.09% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất lúa năm 2017 là 6.383 ha, năng suất trung bình 6,27 tấn/ha; tổng diện tích trồng cây ăn trái là 2.668,7 ha, chủ yếu là cây xoài và cây nhãn (tăng 161,7 ha).
Riêng năm 2018, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Vì vậy, trong cơ cấu kinh tế của thành phố, khu vực nông, lâm nghiệp – thủy sản chiếm tỉ trọng không cao. Tuy nhiên, thành phố đã triển khai nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị nên đã nâng cao được năng suất, chất lượng và hiệu quả, với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp – thủy sản ước đạt 1.212 tỷ đồng, tăng 1,75% so với cùng kỳ.
Kinh tế hợp tác có nhiều khởi sắc; mô hình hoạt động các Tổ hợp tác và hợp tác xã được duy trì và phát triển, Tổ hợp tác hoa kiểng mang lại hiệu quả cao. Mô hình Hội quán tiếp tục phát huy hiệu quả, thể hiện được vai trò trung tâm kết nối cộng đồng bên trong Hội quán và bên ngoài xã hội.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được nhân dân tích cực đồng tình thực hiện, năm 2019 Thành phố đã được công nhận địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
đ) Ngành trồng trọt
Diện tích lúa xuống giống cả năm ước đạt 6.460 ha; diện tích đất trồng trọt hàng năm ước đạt 2.914 ha, với chủ yếu là cây xoài, nhãn, hoa lan, kiểng và hoa màu. Năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện các giải pháp như áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất, áp dụng kỹ thuật cho xoài ra hoa, rải vụ; lai tạo giống xoài mới; chế biến đa dạng sản phẩm xoài, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu… Do đó, đã nâng cao được thu nhập cho người sản xuất, nâng cao năng lực hợp tác xã sản xuất và kinh doanh xoài trên địa bàn.
e) Ngành chăn nuôi, thủy sản
– Số lượng đàn gia súc, gia cầm giảm so với năm 2016, nguyên nhân giảm chủ yếu là do giảm số lượng cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh, môi trường vì nằm gần các khu vực nhạy cảm như khu dân cư tập trung, trường học, bệnh viện nên số lượng đàn gia súc, gia cầm giảm tương ứng. Tuy nhiên, thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường; công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên và bằng biện pháp đồng bộ nên ngăn chặn được nguy cơ bùng phát dịch bệnh và hạn chế ô nhiểm môi trường do chăn nuôi gây ra.
– Thủy sản vẫn được giữ ổn định, diện tích thả nuôi ước đạt 116,0 ha, sản lượng ước đạt 1.424 tấn. Trong đó, chủ yếu tập trung tại các xã Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới.
f. Du lịch:
Thành phố Cao Lãnh tập trung phát triển các loại hình du lịch: Du lịch văn hóa lịch sử tại khu vực trung tâm: Công viên Văn Miếu tại phường 1, khu di tích lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc…
Du lịch sinh thái miệt vườn: Khu du lịch sinh thái cồn Tân Thuận Đông, một số dự án đang được xây dựng tại khu vực ven sông Tiền (khu sản xuất hoa kiểng gắn với khu lưu trú homestay ven sông,.., khu vực làng Bích họa Cao Lãnh (đây là dự án đánh dấu sự hợp tác xây dựng cầu Cao Lãnh giữa Việt Nam và Úc).
Cồn Tân Thuận Đông đang phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn với không gian gần 1000 ha trồng xoài nằm giữa sông Tiền. Tuy nhiên, hiện trạng phát triển du lịch còn kém hiệu quả, do chưa được đầu tư hạ tầng dịch vụ tương xứng, người nông dân thiếu kinh nghiệm trong làm dịch vụ du lịch.
Hình thức lưu trú tại trung tâm cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế, chủ yếu là khách sạn với tiêu chuẩn từ cơ bản đến cao cấp. Loại hình du lịch homestay phát triển kết hợp trong khu di tích lăng cụ phó bảng, tại khu vực làng Hòa An. Ngoài ra một số điểm dịch vụ trên cồn Tân Thuận Đông cũng bắt đầu khai thác loại hình này, phụ vụ đa dạng nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
Là một thành phố trẻ với bản sắc của một đô thị sông nước, thành phố Cao Lãnh có nhiều tiềm năng trong khai thác các lợi thế và đặc trưng riêng của mình để phát triển du lịch trong tương lai. Đây cũng là một bài toán trong định hướng quy hoạch xây dựng, cần phát triển cân bằng nhằm bảo tồn các giá trị xanh hiện có.
g. Quy mô dân số, mật độ dân số và tỷ lệ lao động:
– Dân số toàn đô thị thành phố Cao Lãnh năm 2018 đạt 211.912 người. Trong đó dân số thường trú và tạm trú trên 6 tháng là 205.353 người, dân số tạm trú dưới 6 tháng tương đương 6.559 người với số ngày tạm trú trung bình ở cả 2 khu vực nội thị và ngoại thị là 33 ngày/người.
– Mật độ dân số trên diện tích tự nhiên toàn đô thị đạt 1.975,57 người/km2. Mật độ dân số khu vực nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 8.711 người/km2.
– Dân số có khả năng lao động (gồm những người trong độ tuổi lao động và ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn có khả năng lao động) của thành phố Cao Lãnh năm 2018 là 94.087 người, có xu hướng tăng. Tổng lao động tham gia trong các ngành kinh tế của toàn đô thị năm 2018 là 91.899 người. Trong đó, lao động phi nông nghiệp toàn đô thị là 72.770 người, chiếm tỷ lệ 80,43% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế.
f. Đất đai
– Tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố đạt 10.726,6 ha.
– Diện tích khu vực nội thành đạt 3.013,7 ha, chiếm 28,10 % diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Trong đó, đất xây dựng đô thị chiếm 1.426,4 ha (13,30% diện tích tự nhiên) bao gồm:
– Đất dân dụng chiếm 1.140,9 ha (10,64% diện tích tự nhiên), đạt bình quân 92,17 m²/người; đất ngoài dân dụng chiếm 281,1 ha (2,62% diện tích tự nhiên). Cụ thể các loại đất thành phần như sau:
+ Đất ở tại đô thị chiếm 674,7 ha.
+ Đất công trình công cộng chiếm 128,08 ha. Trong đó đất công cộng cấp đô thị chiếm 100,45 ha, đất công cộng đơn vị ở chiếm 27,63 ha.
+ Đất cây xanh chiếm khoảng 44,4 ha (0,43% đất tự nhiên)
+ Đất giao thông đô thị chiếm khoảng 293,74 ha (2,74% đất tự nhiên), đạt bình quân 23,64 m²/người.
– Đất ngoài dân dụng chiếm khoảng 285,5 ha (2,66% đất tự nhiên) gồm đất sản xuất kinh doanh phí nông nghiệp, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, đất an ninh quốc phòng và đất nghĩa trang, nghĩa địa.
– Đất khác chiếm 1.587,30 ha (14,80% diện tích đất tự nhiên): gồm đất sản xuất nông nghiệp chiếm 1.222,7 ha (11,4% diện tích tự nhiên). Đối tượng sử dụng đất nông nghiệp khá đa dạng, chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Đất sông ngòi, kênh rạch chiếm 361,2 ha (3,37% diện tích tự nhiên). Đất có mặt nước chuyên dùng chiếm 3 ha (0,03% diện tích tự nhiên)
Diện tích đất khu vực ngoại thành chiếm 7.712,9 ha, chiếm 71,9 % diện tích đất tự nhiên toàn thành phố.