Cập nhật năm 2023: Điểm tham quan Cha Diệp thuộc khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy, là một trong những địa điểm nổi tiếng ở Bạc Liêu với câu chuyện cảm động về cuộc đời Cha xứ Trương Bửu Diệp, là người có ơn lớn đối với đạo giáo nơi đây.
Thông tin điểm điểm tham quan Cha Diệp – Trương Bửu Diệp
- Địa chỉ: tọa lạc tại Ấp 2, quốc lộ 1A, Tân Phong, Giá Rai, Bạc Liêu
- Điện thoại: 07813 850 418
Khoảng cách từ trung tâm thành phố Bạc Liêu di chuyển đến địa điểm nhà thờ Tắc Sậy khoảng 37 km. Từ trung tâm Bạc Liêu di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô bằng đường quốc lộ 1A về hướng Cà Mau, mất khoảng gần 1 giờ là đến nhà thờ Tắc Sậy, nơi đặt mộ phần Cha xứ Trương Bửu Diệp.
Giới thiệu tổng quan về nhà thờ Tắc Sậy
Năm 1925, nhà thờ Tắc Sậy được thành lập. Ban đầu nơi đây được Cha Jules DUCQUET một linh mục người Pháp đến truyền đạo. Nhà thờ Tắc Sậy được xem là một nhánh của họ đạo Bạc Liêu thuở xưa.
Tháng 8 năm1926, Cha Phaolô Trần Minh Kính được cử về làm cha xứ đầu tiên tại nhà thờ.
Tháng 3 năm 1930, cha Phanxico Trương Bửu Diệp thay cha Kính về nhận nhiệm sở mới tại nhà thờ.
Trong thời gian ở đây, cha Diệp đã chuyển nhà thờ từ phía trong ra ngoài mặt tiền như vị trí hiện tại. Cha Diệp cũng là người có công to lớn trong việc hình thành và phát triển nhà thờ Tắc Sậy. Sau khi xảy ra nhiều biến cố, nhà thờ đã được xây dựng lại và trở thành địa điểm hành hương công giáo nổi tiếng.
Địa danh Tắc Sậy, theo một số người cao tuổi ở địa phương nói rằng: có một con đường tắt, nhỏ, đi ngang qua nhà thờ nằm giữa đám lau sậy, vì phát âm của người miền Nam, chữ “Tắt” thành chữ “Tắc”.
Nhà thờ Tắc Sậy hiện này thuộc giáo hạt Bạc Liêu, giáo phận Cần Thơ. cha Phanxico Trần Bình Trọng là Cha Chánh xứ. Nơi đây có hơn một ngàn giáo dân với nhiều đoàn thể hoạt động mạnh mẽ.
Kiến trúc nhà thờ Tắc Sậy và mộ phần Cha xứ Trương Bửu Diệp
Thánh đường nhà thờ có kiến trúc độc và lạ gồm 3 tầng:
- Tầng trệt: là nơi dành cho khách nghỉ ngơi
- Tầng 2 và tầng 3: là nơi dâng thánh lễ có tiền sảnh rộng lớn
Nơi đặt phần mộ Cha xứ Trương Bửu Diệp được kiến trúc như một tòa nhà rộng lớn có ba nóc, trong đó nóc chính giữa cao hơn hai nóc phụ và có gắn đồng hồ lớn tạo nên điểm nhấn đặc biệt nổi bật cho cả tòa nhà. Nhiều bức tượng làm bằng gỗ quý được bày trí theo tinh thần tín ngưỡng Công giáo.
Đến với nhà thờ Tắc Sậy ngoài việc viếng thăm mộ phần của cha Bửu Diệp thì du khách có thể chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo của nhà thờ, là một trong những nhà thờ đẹp nhất trong các tỉnh du lịch miền tây.
Câu chuyện về Cha Diệp – Trương Bửu Diệp
Cha Diệp sinh năm 1897 – mất năm 1946, sinh tại Chợ Mới – An Giang. Năm 7 tuổi, mẹ mất nên Cha cùng gia đình qua Campuchia sinh sống.
Năm 1924, Cha được thụ phong linh mục tại Đại chủng viện Nam Vang.
Năm 1930 Cha được cử về làm chánh xứ ở nhà thờ Tắc Sậy sau một thời gian phục vụ ở nhiều nơi.
Trong thời gian ở nhà thờ Tắc Sậy, Cha được nhiều người dân yêu mến. Năm 1945 -1946, khi tình hình chính trị của nước ta đang bị loạn, Cha đã ở lại nhà thờ đồng hành cùng những người giáo dân của mình thay vì di tản đi nơi khác. Sau đó Cha đã bị bắt cùng 70 người giáo dân và bị giết chết vào ngày 12 tháng 3 năm 1946.
Sau khi Cha chết, người dân đã đem chôn xác Cha ở nhà thờ Khúc Tréo. Năm 1969, thi hài Cha được đưa về chôn ở nhà thờ Tắc Sậy. Ngày 4 tháng 3 năm 2010, thi hài Cha Diệp được cải lên lần nữa nhưng vẫn được chôn lại trong khuôn viên nhà thờ.
Có nhiều giai thoại khác nhau về cái chết của Cha cũng như câu chuyện về nhà thờ Tắc Sậy. Nhưng tất cả đều nói lên Cha Diệp là một người can đảm, dám hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ người khác. Cha không chỉ là một vị linh mục tốt mà còn là một vị thánh với tâm hồn nhân hậu.