Xứ sở của những vườn nho: Chile được cả thế giới biết đến là một trong số những quốc gia hàng đầu về sản xuất rượu vang, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư chỉ sau các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Mỗi năm, trung bình quốc gia này sản xuất ra khoảng 1,3 tỷ lít rượu vang.
Những trái anh đào nổi tiếng nhất: Chile là nhà xuất khẩu quả anh đào số một trên thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, tổng số lượng anh đào được bán ra thị trường là 1.158.000 tấn, trong đó hơn 60% được bán tại khu vực châu Á.
Tòa Đại tháp Santiago cao 300m với tổng cộng 64 tầng, là tòa nhà chọc trời cao nhất khu vực Nam Mỹ và cao thứ hai trong số các quốc gia Mỹ Latin. Từ đài quan sát của tòa tháp này, du khách có thể chiêm ngưỡng dãy núi Andes kỳ vĩ cũng như khung cảnh của toàn bộ thành phố Santiago.
Sa mạc Atacama ở phía Bắc Chile được các chuyên gia công nhận là nơi khô hạn nhất hành tinh, với lượng mưa một năm chỉ ở khoảng 1,5 cm. Bên cạnh đó, tháng 7 là thời điểm sa mạc này ngập tràn trong sắc hoa, và đây là một khung cảnh tráng lệ dành cho các du khách.
Chile là chiếc nôi sản sinh ra những cây viết vĩ đại như Gabriela Mistral và Pablo Neruda. Đây là hai đại diện tiêu biểu và họ lần lượt giành giải Nobel Văn học các năm 1945 và 1971. Gabriela Mistral là người phụ nữ đầu tiên thuộc cộng đồng Iberia ở châu Mỹ và là phụ nữ Mỹ Latin thứ hai giành được giải thưởng trên.
Nhà máy năng lượng mặt trời tập trung Dominador số 0 tại vùng Antofagasta phía Bắc Chile được khánh thành trong năm 2021 có tổng diện tích trên 700 héc ta, với 10.600 tấm pin mặt trời truyền năng lượng tới một tháp máy thu cao 252m. Dự kiến, nhà máy này sẽ giảm thiểu được lượng phát thải ra môi trường là 400.000 tấn CO2 mỗi năm, và toàn bộ khu phức hợp này sẽ giúp cắt giảm 630.000 tấn cácbon điôxít.
Làng Triệu Sao- trạm nghiên cứu Nam Cực: Đây là một trong hai khu vực dân sự tọa lạc tại Nam Cực, thuộc khu Căn cứ Tổng thống Eduardo Frei Montalva, bao gồm một trường học, một bệnh viện, một bưu cục, một ngân hàng và nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình.
Cuộc gặp gỡ lịch sử: Đầu giờ sáng ngày 23/5/1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón đoàn đại biểu Chile được dẫn đầu bởi Chủ tịch Thượng viện (và sau này là Tổng thống Chile) Salvador Allende. Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho mỗi vị khách một bức ảnh của Người với dòng chữ “Chào thân ái và quyết thắng.”Sau này, khi đã trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Chile, Salvador Allende đã đặt tấm ảnh Bác trên bàn làm việc tại Phủ Tổng thống La Moneda.
Núi lửa cao nhất thế giới còn hoạt động: Nằm ở phía Bắc Chile, núi lửa Ojos del Salado là một ngọn núi lửa dạng tầng cao 6893m và là núi lửa cao nhất trên thế giới còn đang hoạt động.
Đảo Phục Sinh và những linh hồn bảo vệ hòn đảo: Theo truyền thuyết địa phương, các pho tượng Moai đại diện cho những vị tổ tiên và thủ lĩnh quan trọng của người dân sống tại Rapa Nui, và họ tin rằng sau khi qua đời, những người này có khả năng khuếch tán sức mạnh siêu nhiên để bảo vệ bộ lạc. Chính vì vậy, các pho tượng được đặt quay lưng với biển và hướng mặt về phía vùng đất của bộ lạc.
Những xác ướp cổ xưa nhất trên thế giới được tìm thấy tại Chile. Tại khu vực phía Bắc thung lũng Camarones, các xác ướp thuộc nền văn hóa Chinchorro đã được phát hiện, với niên đại 5050 TCN.
Bầu trời tuyệt diệu: Vùng trời phía Bắc Chile được đánh giá là nơi nguyên bản và trong sạch nhất hành tinh để quan sát các vì tinh tú, và khu vực này trở thành địa điểm lý tưởng để tiến hành các nghiên cứu khoa học. Vì vậy, phần lớn các đài quan sát trên thế giới được đặt tại Chile, trong đó có thể kể đến một số đài quan sát như Paranal, ALMA, La Silla. Hiện nay, trên 40% các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quan sát thiên văn được đặt tại Chile và dự kiến, trong 10 năm tới, con số này sẽ là 60%.
Công viên Quốc gia Torres del Paine ở vùng Magallanes và Địa Cực phía Nam Chile được biết đến với những vách núi trông như những tòa tháp, những núi đá granite khổng lồ được tạo hình một cách tự nhiên bởi dòng chảy của sông băng. Công viên này được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển bởi Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO.