1. Vị trí địa lý
Huyện Chợ Gạo nằm ở phía Đông, cách thành phố Mỹ Tho – trung tâm tỉnh Tiền Giang 10 km, là cửa ngõ đi về các huyện phía Đông và ra biển, có kênh Chợ Gạo là tuyến giao thông thủy quan trọng nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ranh giới hành chính được xác định như sau:
– Phía Đông: giáp huyện Gò Công Tây;
– Phía Tây: giáp thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang;
– Phía Nam: giáp sông Tiền;
– Phía Bắc: giáp huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Dân số: 177.811 người, tổng số hộ gia đình 48.100 hộ (tính đến thời điểm tháng 9 năm 2013).
Diện tích tự nhiên: 23.139 ha.
Diện tích đất nông nghiệp 19.412 ha; đất phi nông nghiệp 3.727 ha.
Mật độ dân số trung bình 768 người/km2, nhân dân trong huyện sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh và buôn bán nhỏ.
2. Đặc điểm Kinh tế – Xã hội
a. Một số vấn đề trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện
Chợ Gạo thuộc nhóm vùng kinh tế – đô thị trung tâm của tỉnh Tiền Giang (gồm thành phố Mỹ tho, huyện Châu Thành và Chợ Gạo); huyện có 19 đơn vị hành chính – gồm 01 thị trấn và 18 xã, với tổng diện tích tự nhiên 23.139 ha. Cũng như một số huyện khác trong tỉnh, Chợ Gạo là huyện thuần nông, khoảng 80% hộ gia đình là nông dân. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn toàn huyện được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo ngày một tốt hơn. 100% các xã trong huyện đều đã có đường cho xe ô tô đến được trung tâm của xã; trên 80% các tuyến đường chính đã được nhựa hóa và trên 60% các tuyến đường do xã quản lý đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; công tác cung cấp nước sạch, điện, thông tin liên lạc đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phục vụ cho sản xuất.
Gắn sản xuất nông nghiệp, địa bàn huyện được chia làm 02 vùng gồm:
– Vùng thuộc hệ Ngọt hóa Gò Công: gồm 07 đơn vị – xã Xuân Đông, Hòa Định, Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Bình Phan, Bình Phục Nhứt và thị trấn Chợ Gạo. Vùng này chủ yếu sản xuất các loại lúa thơm phục vụ xuất khẩu, sản xuất rau màu và cũng là khu vực trồng tập trung các loại cây công nghiệp như dừa – khoảng 5.000 ha, ca cao – khoảng 955 ha …
– Các xã thuộc hệ Bảo Định: gồm 12 đơn vị – xã Hòa Tịnh, Phú Kiết, Lương Hòa Lạc, Trung Hòa, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Thanh Bình, Song Bình, Long Bình Điền, Đăng Hưng Phước, Tân Thuận Bình, Quơn Long là vùng chuyên sản xuất nếp Bè – khoảng 2.500 ha, trồng rau màu và là vùng trồng cây ăn trái tập trung – trong đó có hơn 2.800 ha cây Thanh long đã được bảo hộ xuất xứ hàng hóa.
– Thanh long và nếp Bè là 02 sản phẩm của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trên cơ sở đó, huyện đã thành lập Hợp tác xã để sản xuất, kinh doanh và quảng bá thương hiệu cho 02 loại sản phẩm này. Hiện các sản phẩm đang từng bước thâm nhập thị trường một số nước như Đức, Nhật, Mỹ… Để đáp ứng cho việc phát triển thương hiệu, sử dụng có hiệu quả lợi thế so sánh đối với 02 sản phẩm này, huyện đang triển khai chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, góp phần tiêu thụ hàng hóa nông sản, đồng thời tạo điều kiện để khai thác tốt các thương hiệu hàng hóa đã được công nhận.
– Cùng với phát triển cây lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được đầu tư phát triển theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của huyện với khoảng 102.000 con heo, 39.000 con bò và 1,6 triệu con gia cầm lấy trứng và thịt mỗi năm; công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có nhiều tiến bộ, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng tập trung và bền vững.
– Ngoài ra, huyện Chợ Gạo cũng có tiềm năng lớn về phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch; phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng sông nước ở xã Xuân Đông, các di tích lịch sử, văn hóa (Khu di tích Óc eo, Đền thờ Thủ Khoa Huân…) và du lịch nhà vườn Thanh long (trái cây đặc sản địa phương).
Mục tiêu đến năm 2015 và định hướng 2020 của huyện là ngoài việc đảm bảo ổn định và phát triển về kinh tế, quốc phòng – an ninh, văn hóa – xã hội, huyện sẽ tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư để xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Chợ Gạo (xã Tân Thuận Bình), Cụm công nghiệp Bình Ninh (xã Bình Ninh) và khai thác, sử dụng tốt thương hiệu Thanh long, nếp Bè.
b. Thuận lợi khi đầu tư trên địa bàn Chợ Gạo
– Về hạ tầng cơ sở
+ Đối với phát triển sản xuất nông nghiệp: được đảm bảo các nhu cầu về nước cho tưới tiêu thông qua hệ thống các cống ngăn mặn, ngăn triều cường hiện có (bao gồm hệ Ngọt hóa Gò Công, hệ Bảo Định); đảm bảo nhu cầu về nước sạch cho sản xuất, kinh doanh thông qua hệ thống cung cấp nước sạch hiện có.
+ Đối với vận chuyển, lưu thông hàng hóa: đảm bảo được thực hiện thông suốt thông qua các tuyến giao thông lớn như Quốc lộ 50 nối liền thành phố Mỹ Tho với các huyện phía Đông và Thành phố Hồ Chí Minh; kênh Chợ Gạo được xem là tuyến đường thủy huyết mạch nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ; Đường Cần Đước – Chợ Gạo đã xây dựng xong, sẽ tạo cho Chợ Gạo trở thành một điểm nối liền gần gũi với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa.
– Về mặt bằng đầu tư:
+ Cụm công nghiệp Chợ Gạo đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt quy hoạch chi tiết, có quy mô diện tích 50,4 ha, có đường giao thông cả đường thủy và đường bộ, hiện trạng đường đi đến dự án sử dụng tuyến tránh Quốc lộ 50, đường huyện 25C, đường thủy kênh Chợ Gạo và đường Cần Đước – Chợ Gạo (đường tỉnh 879D) cặp khu quy hoạch đã xây dựng xong. Dân cư tại khu vực quy hoạch không nhiều, nhà cửa vật kiến trúc ít (trong khu quy hoạch có 57 hộ dân, với số lượng 57 căn nhà cấp 4 và thô sơ), đất đai chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp nên thuận lợi cho việc bồi thường, giải tỏa. Khả năng cung cấp điện, nước thuận lợi đảm bảo yêu cầu khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
+ Cụm công nghiệp Bình Ninh: Được Ủy ban nhân dân tỉnh tiền Giang phê duyệt quy hoạch chi tiết, có diện tích 14,6 ha, có đường giao thông thủy và đường bộ (Đường tỉnh 877, đường thủy sông Tiền). Khả năng cung cấp điện, nước thuận lợi đảm bảo yêu cầu khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động; giáp ranh huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông thuận lợi trong thu hút lực lượng lao động. Hiện nay, tại xã Bình Ninh đã hình thành được các cơ sở sản xuất của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty TNHH MTV Jako Vina, Công ty TNHH MTV Centum Vina, Công ty TNHH Daechang Vina,… tạo điều kiện thu hút đầu tư hình thành vùng sản xuất công nghiệp.
– Về nguồn lao động: nguồn lao động của huyện khá dồi dào, chủ yếu là lao động trẻ, đã từng bước được đào tạo, nâng cao tay nghề, đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu của các nhà đầu tư – với khoảng 115.921 lao động, kể cả lao động kỹ thuật và cán bộ làm khoa học.
Trên cơ sở đó, thời gian qua, huyện đã thu hút được một số nhà đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng nhà ở (Khu dân cư Long Thạnh Hưng – diện tích 23,6 ha ở xã Long Bình Điền và thị trấn Chợ Gạo; nhà ở khu phố 4, 5 – thị trấn Chợ Gạo); thu hút được một số nhà đầu tư vốn nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, gia công quần, áo khoác, áo lông vịt, ba lô, túi xách xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Châu Âu, Châu Á,…. như Công ty TNHH MTV Wondo Vina, Công ty TNHH MTV Jako Vina (Hàn Quốc),…
c. Những lĩnh vực cần được khai thác, mời gọi đầu tư
– Xây dựng và phát triển cụm công nghiệp của huyện góp phần giải quyết nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản; nâng cao giá trị của hàng hóa nông sản và góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của huyện – hiện phải phân tán đi làm việc ở các địa phương khác và ngoài tỉnh.
– Đầu tư công nghệ, trang thiết bị để phát triển trên lĩnh vực chế biến lương thực – gạo xuất khẩu, phát triển vùng chuyên canh và nâng cao giá trị các loại đặc sản của huyện gồm Thanh long và nếp Bè, tiêu thụ sản phẩm từ cây cacao, các loại cây ăn trái khác,…
– Tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư thực hiện công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm,..