Quốc kỳ Sri Lanka
Bản đồ Sri Lanka
Địa lý:
Vị trí địa lý: Sri Lanka là một đảo quốc có đường biển bao bọc dài 1.340km nằm ở Ấn Độ Dương, cực Nam Tiểu lục địa Ấn Độ. Sri Lanka là nước có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi: tiếp giáp lục địa Ấn Độ, nằm tại trung điểm nối giữa Đông Á và Đông Phi, và là vị trí cảng thuận lợi trên tuyến đường biển nối liền Đông – Tây.
Thủ đô: Colombo.
Quang cảnh thủ đô Colombo
Diện tích: Khoảng 65.610km2, trong đó 64.740km2 đất liền và 870km2 biển.
Dân số: Khoảng 20 triệu người (năm 2005). Người Sinhalese chiếm đa số (74%), ngoài ra còn có các cộng đồng người Tamil, Hồi giáo, Burghers và thổ dân khác. Mật độ trung bình là 316 người/km2.
Khí hậu: Là một đảo quốc nhiệt đới khá nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng 28 đến 30oC. Tháng 1 là tháng lạnh nhất và tháng 5 là tháng nóng nhất trong năm. Do bị ảnh hưởng chủ yếu bởi gió mùa từ biển Ấn Độ Dương và vịnh Bengal, thường có mưa lớn ở vùng núi cao và vùng Tây Nam của đảo.
Tôn giáo: Sri Lanka có đa số dân theo Phật giáo (70%), còn lại 15% theo Ấn Độ giáo, 7% theo Hồi giáo, và 8% theo Công giáo.
Tượng Phật ở Aukana có từ thế kỷ thứ 5, cao 13m
Ngôn ngữ: Tiếng Sinhala là ngôn ngữ chính (74%), một bộ phận nói tiếng Tamil (18%), tiếng Hindi và các ngôn ngữ khác (8%). Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi chiếm khoảng 10% dân số. Tỷ lệ biết chữ chiếm khoảng 90,2% dân số.
Quốc khánh: 4 tháng 2 (năm 1948)
Đơn vị tiền tệ: Rupee Sri Lanka (LKR)
Cảng Colombo
Lịch sử:
Nước Sri Lanka được thành lập vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Từ thế kỷ thứ 16, Sri Lanka đã bị nhiều đế quốc nhòm ngó vì nguồn lợi quý báu từ quế, chè.
Năm 1517, Bồ Đào Nha xâm lược và chiếm đóng Sri Lanka
Năm 1658 đến lượt người Hà Lan xâm lược Sri Lanka.
Năm 1815, đảo quốc này chính thức trở thành thuộc địa của đế quốc Anh.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai nước này là một căn cứ chiến đấu quan trọng của phe đồng minh chống lại Nhật Bản.
Phong trào đòi độc lập đã xuất hiện trong nước vào đầu thế kỷ 20. Ngày 4/2/1948, thực dân Anh trao trả quyền tự trị cho Sri Lanka (lúc đó gọi là Ceylon) nhưng vẫn nằm trong Khối Liên hiệp Anh.
Vịnh Tangalla
Năm 1977, Đảng Quốc dân Thống nhất (UNP) do ông J.R. Jayewardene làm lãnh tụ thắng cử, lập Chính phủ và đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka.
Thể chế chính trị:
Sri Lanka theo chính thể cộng hòa. Theo Hiến pháp Sri Lanka, Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và cơ quan Hành pháp. Tổng thống được bầu có nhiệm kỳ 6 năm và có quyền chỉ định Thủ tướng và Nội các.
Các nhà lãnh đạo hiện nay:
*Tổng thống Mahinda Rajapakse được bầu từ tháng 11/2005.
*Ông Ratnasiri Wickremanayake, Phó Chủ tịch Đảng Tự do Sri Lanka, được chỉ định là Thủ tướng thứ 14 của Sri Lanka từ tháng 11/2005
Quốc hội: Là cơ quan lập pháp cao nhất, gồm 225 ghế, bầu theo nhiệm kỳ 6 năm. Mặc dù Sri Lanka có 9 tỉnh thành, nhưng chỉ có 8 Hội đồng nhân dân được thành lập, vì hai tỉnh Miền Đông và miền Bắc đã được sát nhập theo Hiệp định Indo-Sri Lanka. Chủ tịch Quốc hội hiện nay là ông W.G.M Lokubandara.
Tòa án:Luật pháplà tổng thể hỗn hợp giữa các luật phổ thông của Anh, Italia, Hà Lan, Đạo Hồi, Sinhala. Chánh án Tòa án Tối cao và Tòa Thượng thẩm do Tổng thống chỉ định.
Các đảng chính trị:
Hai đảng lớn nhất là Đảng Tự do Sri Lanka (SLFP) và Đảng Quốc dân Thống nhất (UNP) đã thay nhau cầm quyền từ khi Sri Lanka giành được độc lập (1948).
Đảng Cộng sản Sri Lanka chủ yếu tham gia hoạt động trong phong trào Liên minh cánh tả.
Tổ chức những con hổ giải phóng Tamil (The Liberation Tigers of Tamil Eelam – LTTE), gọi tắt là Hổ Tamil, là tổ chức ly khai cực đoan.
Kinh tế:
GDP: Năm 2005, tổng sản phẩm quốc nội – GDP đạt 21,98 tỷ USD, trong đó nông nghiệp chiếm 18%, công nghiệp 27%, dịch vụ 55%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.050 USD/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,7%.
Tài nguyên: Sri Lanka có nguồn tài nguyên đá vôi, đất sét, phốt phát, cát tự nhiên và đá quý rất phong phú. Hệ động thực vật vùng nhiệt đới đa dạng.
Voi là con vật gắn bó với đời sống người dân Sri Lanka
Cơ cấu kinh tế: Sri Lanka về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp chỉ chiếm vị trí quan trọng trong việc thu hút nguồn lao động quốc gia, còn xuất khẩu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các nghành công nghiệp sản xuất.
Xuất nhập khẩu: Ba sản phẩm truyền thống nổi tiếng: trà, dừa và cao su là những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của nước này, đóng góp trên 60% nguồn thu từ xuất khẩu. Hiện Sri Lanka đứng đầu thế giới về sản xuất cao su bán thành phẩm và xuất khẩu trà đen, xơ dừa. Năm 1977, Sri Lanka bắt đầu bỏ chính sách kinh tế tập trung và thực hiện chính sách theo hướng tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống của Sri Lanka là Hoa Kỳ, các nước phương Tây, Trung Đông, nhưng nay đã bắt đầu phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản, và các nước Đông Nam Á. Năm 2005, tổng giá trị xuất khẩu của Sri Lanka đạt 6,4 tỷ USD, tổng giá trị nhập khẩu đạt 8,3 tỷ USD.
Thu hoạch trà trên cánh đồng
Chính sách đối ngoại:
Sri Lanka thi hành chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, không liên kết, phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và với tất cả các nước, nhất là với Ấn Độ, Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước phương Tây, các nước trong các tổ chức khu vực và liên khu vực. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Sri Lanka đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Hiện nay Sri Lanka cũng đang chú trọng mở rộng quan hệ sang hướng Đông, đặc biệt là với Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước ASEAN.
Sri Lanka đang tích cực vận động để trở thành một bên đối thoại của ASEAN và trở thành thành viên APEC. Sri Lanka tích cực hoạt động trong các tổ chức quốc tế, khu vực và liên khu vực như SAARC (Hợp tác các nước khu vực Nam Á), BIMST-EC (Nhóm hợp tác kinh tế một số nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á), IOR-ARC (Tổ chức Hợp tác khu vực các nước ven Ấn Độ Dương).
(P.D.L., Phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại, ngày 28-11-2006)
Nguồn: http://www.mofa.gov.vn
http://www.primeminister.gov.lk