Sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng là vấn đề đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm và xây dựng khung pháp lý, đặc biệt là trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ, quyền tác giả dễ bị xâm phạm như hiện nay. Tại Việt Nam, có lẽ Quý Khách hàng đã ít nhất một lần nghe đến Cục Bản quyền tác giả nhưng liệu Quý Khách hàng có hiểu rõ nhiệm vụ, quyền hạn hay các thủ tục cần thực hiện tại cơ quan này hay không? Bài viết sau đây của NPLaw sẽ mang đến cho Quý Khách hàng các thông tin cần biết về vấn đề trên.
1. Luật Sở hữu trí tuệ số: 50/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005;
2. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009;
3. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019;
4. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022;
5. Quyết định số 912/QĐ-BVHTTDL được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 11 tháng 4 năm 2023 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
I. Cục Bản quyền tác giả là cơ quan nào?
Cục Bản quyền tác giả là một tổ chức hành chính độc lập, được thành lập nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan theo chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Tại Cục Bản quyền tác giả, người dân liên hệ để thực hiện các thủ tục chủ yếu là đăng ký quyền cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho các cá nhân, tổ chức và là cơ quan giải quyết và xử lý vi phạm bản quyền tác giả.
II. Cơ cấu tổ chức Cục Bản quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 912/QĐ-BVHTTDL năm 2023, cơ cấu tổ chức của Cục Bản quyền tác giả được xác định như sau:
1. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng;
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm:
(1) Văn phòng Cục;
(2) Phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan;
(3) Phòng Quản lý Công nghiệp văn hóa;
(4) Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là trung tâm giám định, thông tin và chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan.
III. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bản quyền tác giả
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 912/QĐ-BVHTTDL, Cục Bản quyền tác giả hiện nay thực hiện 23 nhiệm vụ, quyền hạn, tuy nhiên có thể tóm tắt bao gồm một số nhóm chính sau đây:
1. Tham mưu cho Bộ trưởng về việc xây dựng, phát triển văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
2. Thực hiện các cải cách, chuyển đổi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và quyền tác giả theo chương trình, kế hoạch của Bộ;
3. Quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục;
4. Quản lý, khai thác, tổ chức, giám sát các hoạt động về quyền tác giả và quyền liên quan;
5. Cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; lập và quản lý sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; chứng thực bản quyền;
6. Phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa;
7. Chủ trì, phối hợp kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan. Phối hợp thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan;
8. Hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan;
9. Quản lý, hoạch định chiến lược sử dụng nguồn lực nhân sự, tài chính,… nhằm phục vụ các vấn đề trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan;
10. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao hoặc theo quy định của pháp luật.
IV. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về Cục Bản quyền tác giả
Liên quan đến Cục Bản quyền tác giả, một số thắc mắc thường được đặt ra như sau:
1. Cục Bản quyền tác giả trực thuộc Bộ nào?
Cục Bản quyền tác giả là tổ chức hành chính được thành lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chức năng chung của Cục Bản quyền tác giả được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 912/QĐ-BVHTTDL là tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa trên phạm vi cả nước; quản lý các dịch vụ công về lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Cục Bản quyền tác giả có con dấu riêng không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 912/QĐ-BVHTTDL, Cục Bản quyền tác giả có con dấu riêng. Ngoài ra, Cục còn có tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước.
3. Cục Bản quyền tác giả nằm ở đâu?
Cục Bản quyền tác giả Việt Nam có trụ sở chính ở Hà Nội và 2 văn phòng đại diện ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:
– Trụ sở chính ở Hà Nội: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội.
– Địa chỉ VPĐD ở TPHCM: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
– Địa chỉ VPĐD ở Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
4. Cục Bản quyền tác giả có được quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan không?
Theo quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Bản quyền tác giả tại Điều 2 Quyết định số 912/QĐ-BVHTTDL, cụ thể là khoản 13, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật là một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bản quyền tác giả.
Như vậy, Cục Bản quyền tác giả là cơ quan được quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan.
5. Có bắt buộc phải đăng ký bản quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả không?
Cục Bản quyền tác giả có quyền hạn trong việc giải quyết thủ tục đăng ký bản quyền cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Tuy nhiên, các tác giả không bắt buộc phải đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm của mình tại Cục Bản quyền tác giả. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022, cơ chế bảo hộ quyền tác giả được bảo hộ theo cơ chế tự động, nghĩa là được bảo hộ ngay từ khi tác giả sáng tạo ra tác phẩm. Bao gồm tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định. Bên cạnh đó, tác phẩm được bảo hộ phải không vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm an ninh quốc phòng.
Mặc dù không bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả, nhưng thủ tục này có thể giúp tác giả bảo vệ quyền lợi của mình thuận lợi hơn và giảm bớt nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình trong trường hợp có tranh chấp.
V. Vấn đề liên quan đến Cục Bản quyền tác giả có cần liên hệ luật sư không?
Các vấn đề liên quan đến Cục Bản quyền tác giả phần lớn có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các đối tượng như tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, giải quyết tranh chấp,… Do đó, khi giải quyết các vấn đề này, Quý Khách hàng cần có sự tư vấn từ những đơn vị hoặc người có chuyên môn trong lĩnh vực luật nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng. Các công ty luật hoặc văn phòng luật sư hiện nay đều có các luật sư hoặc chuyên viên có kiến thức pháp luật vững vàng, kinh nghiệm phòng phú, chuyên môn cao, có thể tư vấn nhằm giúp Quý Khách hàng thực hiện các thủ tục hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến Cục Bản quyền tác giả.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (Hãng luật NPLaw) là một công ty chuyên về luật uy tín, hiện có cung cấp dịch vụ tư vấn các vấn đề về Cục Bản quyền tác giả cũng như các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung. Quý Khách hàng có mong muốn được tư vấn vui lòng liên hệ hotline 0913 449 968 hoặc truy cập trang web nplaw.vn để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các thủ tục. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.
Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về Cục Bản quyền tác giả. Quý Khách hàng khi cần được tư vấn về việc thực hiện các thủ tục hoặc giải quyết công việc liên quan đến Cục Bản quyền tác giả hãy lưu ý các nội dung trên. Trong trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc có vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn giải quyết. Trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ – HÃNG LUẬT NPLAW
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn