Guam là một vùng lãnh thổ có diện tích 544 km2 ở phía Tây Thái Bình Dương, hiện được Mỹ sử dụng như là một căn cứ quân sự chiến lược. Gần 1/3 vùng lãnh thổ này được quân đội Mỹ kiểm soát, và có khoảng 6.000 binh lính Mỹ hiện diện tại đây.
Do Guam là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, và đồng thời nằm trong tầm bắn của các tên lửa tầm xa và tầm trung của CHDCND Triều Tiên, nên nó trở thành mục tiêu rất hợp lý đối với Bình Nhưỡng.
Hôm thứ Hai vừa qua, hai máy bay ném bom B-1B của không quân Mỹ đã bay từ Guam để tham gia vào các đội bay đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm thực hiện diễn tập trên bán đảo Triều Tiên, cách Guam gần 3.400km.
Trong một lần diễn tập khác hồi tháng trước, Mỹ đã hai lần cho 2 máy bay ném bom siêu thanh cất cánh từ Guam đến bán đảo Triều Tiên, sau 2 cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên.
Guam có vị trí khá xa đất liền: quốc gia gần nơi này nhất là quần đảo Micronesia, cách khoảng 920km. Xa hơn một chút là Papua New Guinea nằm cách 2.200km, còn Philippines thì nằm cách 2.570km và Nhật Bản nằm cách 2.620km.
Các căn cứ quân sự Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Daily Mail
Khoảng 40% trong tổng số 162.000 dân của Guam là người Chamorro bản địa, trong khi người gốc Philippines chiếm 25%.
Mặc dù đã có một bộ phận người dân Guam phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đây, nhưng các khoản chi tiêu của quân đội Mỹ đóng vai trò quan trọng thứ nhì trong nền kinh tế của hòn đảo này, chỉ sau ngành du lịch.
Theo trang web du lịch chính thức của Guam, đây là một điểm đến không giống bất kì nơi nào khác, với “những bãi biển có các hạt cát hình ngôi sao, bầu trời trong xanh và cảnh hoàng hôn nổi tiếng thế giới”.
Guam được người Tây Ban Nha tuyên bố thuộc chủ quyền của họ vào năm 1565, và trở thành lãnh thổ của Mỹ vào năm 1898 sau một cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ.
Nhật Bản đã chiếm giữ hòn đảo này khoảng 36 tháng trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1950, một đạo luật của quốc hội Mỹ đã biến nơi này thành lãnh thổ có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ.
Căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam. Ảnh: Wikimedia
Guam có chính phủ tự trị nhưng quyền lực hạn chế, với một thống đốc được dân bầu, một cơ quan lập pháp nhỏ và đoàn đại biểu không có quyền biểu quyết trong Hạ viện Mỹ. Các công dân ở đây không đóng thuế thu nhập cho chính phủ Mỹ hay bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng được công nhận là công dân Mỹ.
Mỹ hiện có một căn cứ hải quân cùng một trạm tuần duyên ở phía Nam đảo Guam, và một căn cứ không quân ở phía Bắc hòn đảo, vốn từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh với Việt Nam.
Bảo vệ hòn đảo này là hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối của quân đội Mỹ, hay còn gọi là THAAD, được sử dụng để bắn hạ các tên lửa đạn đạo.
Thủ phủ của Guam là Hagåtña và thành phố lớn nhất của hòn đảo này là Dededo. Các ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Anh và tiếng Chamorro. Đã có những phong trào nhằm giúp Guam có được chính quyền tự trị lớn hơn hoặc thậm chí là trở thành một bang của Mỹ. Hồi những năm 1980, đã từng có một nỗ lực lớn nhưng bất thành để biến hòn đảo này thành một lãnh thổ thịnh vượng chung của Mỹ, tương tự như Puerto Rico.
Lê Thanh Hải
Nguồn The Guardian