Đảo Phục Sinh (Easter Island) là hòn đảo nổi tiếng với 887 bức tượng đá khổng lồ hình mặt người (được gọi là Moai), thuộc chủ quyền của Chile tại Đông Nam Thái Bình Dương.
Được biết, những bức tượng này do tộc người Rapa Nui cổ tạo ra. Họ đã sống tách biệt với thế giới trong cả ngàn năm, nhưng vào khoảng thập niên 1860 tất cả bỗng biến mất không dấu vết, trở thành bí ẩn lớn mà nhân loại chưa thể trả lời.
Nhưng bí ẩn của đảo không chỉ có như vậy. Ước tính, số người trên đảo ở thời điểm hưng thịnh lên tới hơn 17.000 người. Tuy nhiên, hòn đảo không có sông, hồ hay suối, mà toàn bộ nguồn nước sạch chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa.
Lượng mưa mỗi năm trung bình chỉ rơi vào khoảng 1240mm – tức là không đủ để sống chứ chưa nói đến việc điêu khắc nên những bức tượng Moai khổng lồ.
Vào thế kỷ 18, những người châu Âu đến đây và thuật lại rằng người Rapa Nui đã uống trực tiếp nước biển để sống. Ở thời điểm ấy chẳng ai nghi ngờ, nhưng với khoa học hiện tại thì đó là chuyện không tưởng, vì cơ thể người sẽ không cách nào “tải” được lượng muối có trong nước biển.
Vậy người Rapa Nui đã tồn tại bằng cách nào? Đó chính là bí ẩn mà phải mãi gần đây, các nhà khoa học mới tìm ra manh mối.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Binghamton (New York) cho rằng có một hệ thống nước ngầm quanh đảo. Vốn nền đất trên đảo là đất núi lửa rất xốp, nên nước mưa sẽ ngay lập tức ngấm xuống mà không đọng lại. Tuy nhiên, may mắn là số nước này sẽ chảy ra biển theo thủy triều.
Nước mưa trộn với nước biển sẵn có sẽ tạo ra các vùng nước lợ với nồng độ muối đủ thấp để con người uống được. Người Rapa Nui đã thu thập số nước này để sử dụng.
“Nước sẽ chảy xuống dốc và tích tụ tại khu vực đá xốp tiếp xúc với đại dương,” – trích lời chủ nhiệm nghiên cứu, nhà nhân chủng học Carl Lipo.
“Khi thủy triều xuống thấp, số nước này sẽ chảy trực tiếp vào nước biển, tạo thành nước lợ. Con người có thể lợi dụng hiệu ứng ấy để thu lấy nước sử dụng.”
Lipo và các cộng sự đã xét nghiệm các vùng nước lợ tại một số khu vực xung quanh hòn đảo, và ông nhận ra rằng nồng độ muối trong nước đủ thấp để an toàn cho sức khỏe của con người.
Nguồn nước ấy uống được, nhưng vẫn mang vị mặn. Điều này trùng khớp với các giả định trước đó về chế độ ăn của người dân đảo Phục Sinh, đó là họ ăn rất ít muối. Điều này thì dễ hiểu, bởi họ đã thu đủ muối từ nước uống rồi.
Bên cạnh đó, Lipo còn tin rằng đây cũng chính là lý do vì sao các bức tượng Moai tập trung rất nhiều quanh bờ biển. Đơn giản là vì những khu vực ấy có nước uống được, nên dễ làm việc hơn thôi.
“Vị trí và đặc điểm của các bức tượng giờ đã bắt đầu ăn khớp,” – Lipo cho biết. “Chúng được đặt tại vị trí có thể tìm ra nguồn nước ngọt.”
Bước tiếp theo, Lipo và các cộng sự muốn tìm hiểu xem nguồn nước này có ý nghĩa gì trong việc xây tượng không, qua đó giải quyết được một trong số rất nhiều bí ẩn tồn tại nhiều năm tại hòn đảo kỳ lạ này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hydrogeology.