Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 7 năm 2022 – 2023 Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức, Cánh diều. Thông qua tài liệu này các em làm quen với các dạng đề thi giữa học kì 2 môn Văn 7 sách mới, củng cố cũng như nâng cao kỹ năng giải đề, từ đó chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra giữa học kì 2 Văn 7 sắp tới. Dưới đây là nội dung chính các em cùng tham khảo nhé.
Xem thêm: Bộ đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 7 năm học 2022 – 2023 Sách mới.
Link tải chi tiết từng đề:
- Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Chân trời sáng tạo
- Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức
- Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Cánh diều
1. Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Chân trời sáng tạo
Đề thi giữa học kì 2 Văn 7 CTST – Đề 3
PHẦN I – Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu
Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ. […] Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa. Và khi không còn nhu cầu đó nữa, thì đời sống tinh thần của con người nghèo đi, mòn mỏi đi, cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng. Đây là một câu chuyện nghiêm túc, lâu dài và cần được trao đổi, thảo luận một cách cũng rất nghiêm túc, lâu dài. Tôi chỉ muốn thử nêu lên ở đây một đề nghị: Tôi đề nghị các tổ chức thanh niên của chúng ta, bên cạnh những sinh hoạt thường thấy hiện nay, nên có một cuộc vận động đọc sách trong thanh niên cả nước; và vận động từng nhà gây dựng tủ sách gia đình.
Gần đây có một nước đã phát động phong trào trong toàn quốc mỗi người mỗi ngày đọc lấy 20 dòng sách. Chúng ta cũng có thể làm như thế, hoặc vận động mỗi người trong mỗi năm đọc lấy một cuốn sách. Cứ bắt đầu bằng việc rất nhỏ, không quá khó. Việc nhỏ đấy nhưng rất có thể là việc nhỏ khởi đầu một công cuộc lớn.
(Theo Nguyên Ngọc, Một đề nghị, tạp chí Điện tử Tiasang.com.vn, ngày 19-7-2007)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2: Vì sao tác giả cho rằng: “Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa”?
Câu 3: Theo anh/ chị việc nhỏ và công cuộc lớn mà tác giả đề cập đến trong đoạn văn là gì?
Câu 4: Thông điệp mà tác giả gửi gắm qua đoạn trích?
PHẦN II – TẬP LÀM VĂN (4 điểm)
Câu 1
Xác định phép thế trong những đoạn trích sau:
a. Sách tất nhiên là đáng quý, nhưng cũng chỉ là một thứ tích lũy. Nó có thể làm trở ngại cho nghiên cứu học vấn. (Chu Quang Tiềm, Bàn về đọc sách)
b. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. (Thanh Tịnh, Tôi đi học)
c. Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. (Thanh Tịnh, Tôi đi học)
d. Hoạ sĩ nào cũng đến Sa Pa! Ở đấy tha hồ vẽ.
Câu 2 : Hãy viết một bài văn ngắn (Khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: “Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ”.
Đáp án đề kiểm tra giữa học kì 2 Văn 7 CTST
PHẦN I – Đọc hiểu (6 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2: Lí do vì không đọc sách thì đời sống tinh thần của con người sẽ nghèo đi, cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng.
Câu 3:
– Việc nhỏ là vận động đọc sách và gây dựng tủ sách trong mỗi gia đình, mỗi người có thể đọc từ vài chục dòng mỗi ngày đến một cuốn sách trong một năm.- Công cuộc lớn: Đọc sách trở thành ý thức, thành nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình trong xã hội, phấn đấu đưa việc đọc sách trở thành văn hóa quốc gia, dân tộc.
Câu 4:
– Thông điệp: Từ việc khẳng định đọc sách là biểu hiện của con người có cuộc sống trí tuệ, không đọc sách sẽ có nhiều tác hại tác giả đã đưa ra lời đề nghị về phong trào đọc sách và nâng cao ý thức đọc sách ở mọi người.
PHẦN II – TẬP LÀM VĂN
Câu 1.
Phép thế là:
a. Nó thay thế cho sách.
b. Con đường này thay thế cho con đường làng dài và hẹp.
c. Họ thay thế cho mấy cậu học trò mới.
d. đấy thay thế cho Sa Pa
Câu 2:
“Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ”
a. Giải thích: Nhu cầu trí tuệ thường trực là nhu cầu thường xuyên, cần thiết để mở rộng tri thức và tầm hiểu biết…
b. Bàn luận những tác dụng to lớn của việc đọc sách:
– Văn hóa đọc gắn liền với chữ viết, qua quá trình đọc con người sẽ suy nghĩ, phân tích, tổng hợp, tư duy, biến tri thức thành của mình và trở thành vốn kiến thức để vận dụng vào cuộc sống.
– Đọc sách giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về đời sống, xã hội, con người và nhận thức thức chính mình.” Sách mở rộng ra trước mắt ta những chân trời mới”.
– Việc đọc sách tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm và thái độ, góp phần hoàn thiện nhân cách và làm giàu đời sống tinh thần của con người. “ Mỗi cuốn sách nhỏ là một bậc thang đưa ta tách khỏi phần con để đến với thế giới Người”…….
– Phê phán thực trạng xuống cấp của văn hóa đọc trong thời đại ngày nay đặc biệt là đối với giới trẻ: Văn hóa đọc dần mai một không chỉ gây tổn thất cho việc truyền bá tri thức mà còn làm mất dần đi một nét đẹp có tính biểu hiện cao của văn hóa.
– Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến, rút ra bài học nhận thức, hành động: Những việc làm thiết thực của cá nhân và cộng đồng trong việc nâng cao, phổ biến văn hóa đọc.
c. Rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân
– Cần có phương pháp đọc để có thể hiểu được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua cuốn sách.
– Dành ra thời gian mỗi ngày để đọc sách, vừa giúp chúng ta nâng cao hiểu biết và giúp thư giãn sau một ngày học tập và làm việc căng thẳng.
2. Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức
Đề thi Văn giữa kì 2 lớp 7 KNTT – Đề 3
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
KIẾN VÀ CHÂU CHẤU
Vào một ngày hè nắng chói chang và gió thổi mát rượi, một chú châu chấu xanh nhảy tanh tách trên cánh đồng, miệng chú ca hát ríu ra ríu rít. Bỗng chú bắt gặp bạn kiến đi ngang qua, bạn ấy đang còng lưng cõng một hạt ngô để tha về tổ. Châu chấu cất giọng rủ rê: “Bạn kiến ơi, thay vì làm việc cực nhọc, chi bằng bạn hãy lại đây trò truyện và đi chơi thoả thích cùng tớ đi!”. Kiến trả lời: “Không, tớ bận lắm, tớ còn phải đi kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông sắp tới. Bạn cũng nên làm như vậy đi bạn châu chấu ạ”. “Còn lâu mới tới mùa đông, bạn chỉ khéo lo xa”. Châu chấu mỉa mai. Kiến dường như không quan tâm tới những lời của châu chấu xanh, nó tiếp tục tha mồi về tổ một cách chăm chỉ và cần mẫn.
Thế rồi mùa đông lạnh lẽo cũng tới, thức ăn trở nên khan hiếm, châu chấu xanh vì mải chơi không chuẩn bị lương thực nên giờ sắp kiệt sức vì đói và rét. Còn bạn kiến của chúng ta thì có một mùa đông no đủ với một tổ đầy những ngô, lúa mì mà bạn ấy đã chăm chỉ tha về suốt cả mùa hè.
(Truyện ngụ ngôn “Kiến và Châu chấu”- trang 3-NXB thông tin)
Câu 1. Truyện Kiến và châu chấu thuộc thể loại nào?
A. Truyện ngụ ngôn.
B. Truyện đồng thoại.
C. Truyền thuyết.
D. Thần thoại.
Câu 2. Vào những ngày hè, chú châu chấu đã làm gì?
A. Nhảy tanh tách trên cánh đồng, miệng ca hát ríu ra ríu rít.
B. Siêng năng làm bài tập về nhà cô giáo phát.
C. Cần cù thu thập đồ ăn dự trữ cho mùa đông.
D. Giúp châu chấu mẹ dọn dẹp nhà cửa.
Câu 3. Châu chấu đã rủ kiến làm gì cùng mình?
A. Cùng nhau thu hoạch rau củ trên cánh đồng.
B. Trò chuyện và đi chơi thoả thích.
C. Cùng nhau về nhà châu chấu chơi.
D. Cùng nhau chuẩn bị lương thực cho mùa đông.
Câu 4. Trạng ngữ trong câu sau được dùng để làm gì ?
“Vào một ngày hè nắng chói chang và gió thổi mát rượi, một chú châu chấu xanh nhảy tanh tách trên cánh đồng, miệng chú ca hát ríu ra ríu rít.”
A. Chỉ nguyên nhân.
B. Chỉ thời gian.
C. Chỉ mục đích.
C. Chỉ phương tiện.
Câu 5. Vì sao kiến không đi chơi cùng châu chấu?
A. Kiến không thích đi chơi.
B. Kiến không thích châu chấu.
C. Kiến đi kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông.
D. Kiến không muốn lãng phí thời gian.
Câu 6. Theo em, châu chấu là những hình ảnh đại diện cho những kiểu người nào trong cuộc sống?
A. Những người vô lo, lười biếng.
B. Những người chăm chỉ.
C. Những người biết lo xa .
D. Những người chỉ biết hưởng thụ.
Câu 7. Vì sao kiến lại có một mùa đông no đủ?
A. Kiến còn dư thừa nhiều lương thực.
B. Kiến chăm chỉ, biết lo xa.
C. Kiến được bố mẹ cho nhiều lương thực.
D. Được mùa ngô và lúa mì.
Câu 8. Từ “kiệt sức” có nghĩa là gì?
A. Không còn sức để làm.
B. Không có sức khỏe.
C. Yếu đuối.
D. Yếu ớt.
Câu 9. Nếu là châu chấu trong câu chuyện, em sẽ làm gì trước lời khuyên của kiến?
Câu 10. Bài học tâm đắc nhất mà em rút ra từ câu chuyện?
II. VIẾT (4.0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Trò chơi điện tử là món tiêu khiển khiển hấp dẫn, nhiều bạn vì mải chơi mà sao nhãng học tập”. Em hãy viết bài văn bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến trên?
– HẾT –
Đáp án đề thi giữa học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức
Phần
Câu
Nội dung
Điểm
I
ĐỌC HIỂU
6,0
1
A
0,5
2
A
0,5
3
D
0,5
4
B
0,5
5
C
0,5
6
A
0,5
7
B
0,5
8
A
0,5
9
– HS nêu được : – Em sẽ nghe theo lời kiến
– Em sẽ chăm chỉ cùng kiến đi kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông
1,0
10
Bài học rút ra:
– Luôn chăm chỉ trong học tập và làm việc, không được ham chơi, lười biếng.
– Biết nhìn xa trông rộng.
1,0
II
VIẾT
4,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
0,25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.
Viết bài văn nghị luận trình bày quan điểm về trò chơi điện tử
0,25
c. Yêu cầu đối với bài văn nghị luận
HS có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
0,5
– Nêu được vấn đề cần nghị luận
– Giải thích được khái niệm trò chơi điện tử là gì?
– Thực trạng của việc chơi trò chơi điện tử của lứa tuổi học sinh.
– Chỉ ra những lợi ích và tác hại của trò chơi điện tử.
– Đề xuất giải pháp.
2.5
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
0,25
e. Sáng tạo: Có sự sáng tạo về dùng từ, diễn đạt, lựa chọn lí lẽ, dẫn chứng để bày tỏ ý kiến một cách thuyết phục.
0,25
3. Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Cánh diều
Đề thi giữa kì 2 Văn 7 Cánh diều – Đề 3
PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (5 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
BÒ VÀ ẾCH
Ếch đang ngồi trên một hòn đá giữa ao cùng các anh chị em của mình. Thỉnh thoảng, ếch lại phóng lưỡi ra bắt lấy một con chuồn chuồn bay ngang qua rồi nhai tóp tép. Nó rất thỏa mãn. Khi nó nhìn lên đồng cỏ, một con bò đang ăn cỏ lọt và tầm mắt.
“Con vật kia mới to lớn làm sao chứ”, cô em út của ếch há hốc miệng nhận xét.
“Em nghĩ thế thật à?” – Ếch hỏi. “Anh cũng có thể tự biến thành to lớn như thế”, và nó phình ngực lên hết cỡ.
“Con bò vẫn lớn hơn nhiều” – Cô em út nói.
“Ái chà vậy thì anh sẽ biến thành lớn hơn nữa” – Con ếch ngu ngốc bèn huênh hoang. Và nó phình to ra, phình to ra, dãn hết bộ da cho đến khi nó đã căng hết cỡ.
“Con bò vẫn lớn hơn nhiều” – Cô em út nói bằng giọng lí nhí vì sợ người anh lớn sẽ tức giận.
“Anh có thể biến thành to hơn nữa, thật sự anh có thể làm thế” – Con ếch giận dữ hét lên. Và nó phình ra, phình ra nữa cho tới khi – bụp một tiếng to – nó nổ banh xác! Và đó là kết cục của con ếch.
(Trích Ngụ ngôn Aesop, Fulvio Testa kể lại, Huyền Vũ dịch, NXB Văn học)
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại/ tiểu loại nào?
A. Văn bản thơ
B. Văn bản truyện
C. Văn bản thông tin
D. Văn bản tản văn
Câu 2. Nhân vật chính trong truyện là:
A. Bò
B. Cô ếch út
C. Ếch
D. Ếch và cô ếch út
Câu 3. Việc gì khiến “ếch” tự thấy thỏa mã? Điều đó thể hiện tính cách gì của nó?
A. Bắt mồi quá dễ dàng. Thể hiện sự ngộ nhận về khả năng của bản thân.
B. Bắt con chuồn chuồn rất dễ dàng. Thể hiện khả năng nahnh nhẹn, giỏi giang.
C. Bắt mồi quá dễ dàng. Thể hiện tài năng vượt trội
D. Bắt con mồi rất dễ dàng. Thể hiện sự tài giỏi so với đám anh chị em nhà ếch.
Câu 4. Câu “Em nghĩ thế thật à? Anh có thể tự biến mình thành to lớn như thế” bộc lộ suy nghĩ, thái độ gì của con ếch?
A. Ngạc nhiên vì con bò to và tin rằng mình có thể biến to được như nó.
B. Không tin lời cô ếch út nói và muốn chứng minh sức mạnh của mình với em.
C. Không tin là con bò to và tin rằng biến thành to như vậy được.
D. Phủ nhận có con vật mạnh hơn mình.
Câu 5. Theo em, hành động phình to hết cỡ của con ếch (tới lần thứ ba) thể hiện điều gì về tính cách nhân vật này?
A. Qúa ảo tưởng, hiếu thắng và kiêu ngạo về sức mạnh bản thân.
B. Không hiểu rõ khả năng của bản thân
C. Kiêu ngạo, tự phụ và không hiểu rõ hạn chế của bản thân
D. Không muốn cô ếch út thất vọng và tin tưởng vào sức mạnh bản thân
Câu 6. Chi tiết nào dưới đây thể hiện mâu thuẫn, tạo kịch tính cho câu chuyện trên?
A. Con bò xuất hiện và cô ếch út ngạc nhiên trước sự to lớn của nó
B. Cô ếch út khen con bò to trước mặt con ếch vốn ngạo mạn, tự phụ
C. Con bò xuất hiện trước mặt con ếch đang bắt mồi
D. Cô ếch út khen con bò to trước mặt con ếch vốn kiêu căng
Câu 7. Vì sao con ếch lại nhận một kết cục bất ngờ như vậy (nổ banh)?
A. Qúa kiêu căng, hiếu thắng
B. Qúa tự tin vào năng lực bản thân
C. Không hiểu rõ đặc điểm/ khả năng của bản thân
D. Tất cả đáp án trên
Câu 8. Thủ pháp nghệ thuật nào sử dụng khi liên tưởng đặc điểm có thực của con ếch với ý nghĩa biểu tượng của nó?
A. So sánh
B. Nhân hóa
C. Đối chiếu, liên tưởng
D. Tỷ dụ/ ẩn dụ
Câu 9. Con ếch trong truyện tượng trưng cho kiểu/ hạng người nào trong xã hội?
A. Kiêu căng, tự phụ
B. Ảo tưởng sức mạnh bản thân, hiếu thắng
C. Thích thể hiện
D. Thích chạy đua theo người khác
Câu 10. Bài học ngụ ý được gửi gắm qua câu chuyện trên là:
A. Những người hay gặp may mắn dễ ảo tưởng vào năng lực của bản thân, cần hiểu rõ những thế mạnh và hạn chế của bản thân, tránh kiêu ngạo
B. Không nên bị ảnh hưởng bởi những lời khích bác của người khác
C. Cần rèn luyện kiên trì, bền bỉ để có một sức mạnh, năng lực tốt
D. Hiểu rõ khả năng của bản thân mình, tránh so sánh, ghen tỵ với người khác
PHẦN II – TẬP LÀM VĂN (5 điểm)
Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”
Đáp án Đề kiểm tra Văn 7 giữa kì 2 Cánh diều
PHẦN I – TRẮC NGHIỆM
Câu12345678910Đáp ánBCCDABCDBA
PHẦN II – TẬP LÀM VĂN (5.0 điểm)
1. Mở bài:
Giới thiệu khái quát về nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn đẽo cày giữa đường.
2. Thân bài:
* Đặc điểm nhân vật:
– Hoàn cảnh:
Mang toàn bộ tài sản, của cải trong nhà ra để mua gỗ.Mở cửa hàng đẽo cày ở ngay bên vệ đường.- Tính cách, phẩm chất:
Có ý chí: muốn làm giàu từ đôi bàn tay của chính mình.Không có chính kiến, lập trường vững vàng: nghe theo ý kiến của người khác rồi từ đó, thay đổi cách đẽo cày.* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
– Tình huống truyện đơn giản.
– Ngôn ngữ, hình ảnh thân thuộc, gần gũi.
– Khắc họa nhân vật thông qua hành động, suy nghĩ.
* Ý nghĩa hình tượng nhân vật:
– Từ những việc làm của nhân vật, người xưa muốn khuyên nhủ con người cần sống có chính kiến, biết suy nghĩ toàn diện mọi vấn đề.
3. Kết bài:
Nêu ấn tượng, đánh giá về nhân vật người thợ mộc trong câu chuyện.
– HẾT –
Đề thi Văn giữa kì 2 lớp 7 sách cũ
Đề thi Văn giữa kì 2 lớp 7 Số 1
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống. Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ. Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao !”
(SGK Ngữ văn lớp 7, tập 2)
Câu 1 (1 điểm) Đoạn văn trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
Câu 2 (1 điểm) Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào? Thái độ, tình cảm của tác giả được gửi gắm trong đoạn văn?
Câu 3 (1 điểm) Câu: “Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống.” sử dụng phép tu từ nào? Tác dụng của phép tu từ đó?
Phần II. Tạo lập văn bản (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0đ) Viết đoạn văn ngắn chứng minh rằng: Nói dối có hại cho bản thân.
Câu 2 (5,0đ) Hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ: “Có chí thì nên”
Đáp án Đề thi giữa kì 2 lớp 7 môn Văn
Phần 1. Đọc hiểu
Câu 1
– Đoạn văn được trích từ văn bản “Đức tính giản dị của Bác Hồ” (0,5 đ)
-Tác giả là Phạm Văn Đồng 0,5 đ
Câu 2
– Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt: Nghị luận. 0,5 đ
– Thái độ tình cảm của tác giả được gửi gắm trong đoạn văn: Kính trọng khâm phục ca ngợi đức tính giản dị của Bác Hồ 0,5 đ
Câu 3
– Câu: “Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống.” Sử dụng phép tu từ: Liệt kê (0,5 đ)
– Tác dụng: 0,5 đ
+ Làm cho câu văn thêm sinh động hấp dẫn
+ Nhấn mạnh làm rõ, cụ thể hơn đức tính giản dị của Bác Hồ trong lối sống.
+ Bồi dưỡng cho ta tình cảm kính yêu Bác Hồ.
Phần 2. Tạo lập văn bản
Câu 1 (2,0đ) Viết đoạn văn ngắn chứng minh rằng: Nói dối có hại cho bản thân.
– Nói dối là một thói xấu và là một hiện tượng tương đối phổ biến. (0,25)
– Việc nói dối gây ra nhiều tác hại xấu đến chính bản thân. Nó làm ta mất đi sự tín nhiệm của mọi người xung quanh, làm mất đi tư chất và nhân cách của một con người. Nó còn có hại đối với công việc mà bạn đang làm, nói nối dối sẽ khiến sự tín nhiệm trong công việc bạn mất đi. Dẫn chứng (1,5)
– Chúng ta cần có thái độ chân thành trung thực để luôn được tôn trọng và đảm bảo uy tín (0,25)
Câu 2. Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ “Có chí thì nên”
a. Mở bài: 1 điểm
Dẫn dắt giới thiệu câu tục ngữ: Không một thành công nào đến dễ dàng nếu con người không có quyết tâm phấn đấu. Hiểu được điều này, ông cha cha đã đúc kết thành câu tục ngữ “Có chí thì nên”. Đây là một chân lí hoàn toàn đúng đắn.
b. Thân bài: 3,5 điểm
*Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: 1đ
– “Chí” là gì? Là hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, ý chí, nghị lực, sự kiên trì. Chí là điều cần thiết để con người vượt qua trở ngại.
– “Nên” là thế nào? Là sự thành công, thành đạt trong mọi việc.
– “Có chí thì nên” nghĩa là thế nào? Câu tục ngữ nhằm khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi ta làm bất cứ một việc gì, nếu chúng ta có ý chí, nghị lực và sự kiên trì thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để đi đến thành công.
*Giải thích cơ sở của chân lí:
Tại sao người có ý chí nghị lực thì dẫn đến thành công?
– Bởi vì đây là một đức tính không thể thiếu được trong cuộc sống khi ta làm bất cứ việc gì, muốn thành công đều phải trở thành một quá trình, một thời gian rèn luyện lâu dài. Có khi thành công đó lại được đúc rút kinh nghiệm từ thất bại này đến thất bại khác. Không chỉ qua một lần làm việc mà thành công, mà chính ý chí, nghị lực,lòng kiên trì mới là sức mạnh giúp ta đi đến thành công. Càng gian nan chịu đựng thử thách trong công việc thì sự thành công càng vinh quang, càng đáng tự hào.
– Nếu chỉ một lần thất bại mà vội nản lòng, nhụt chí thì khó đạt được mục đích.
– Anh Nguyễn Ngọc Kí bị liệt cả hai tay, phải tập viết bằng chân và đã tốt nghiệp trường đại học và đã trở thành một nhà giáo mẫu mực được mọi người kính trọng.
– Các vận động viên khuyết tật điều khiển xe lăn bằng tay mà đạt huy chương vàng.
c. Kết bài:
– Khẳng định giá trị kinh nghiệm của câu tục ngữ đối với đời sống thực tiễn, khẳng định giá trị bền vững của câu tục ngữ đối với mọi người.
Đề thi Văn giữa kì 2 lớp 7 Số 2
PHÒNG GD&ĐT NAM TRỰC
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ II
Môn: Ngữ văn 7
(Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (2.0 điểm)
a. Thế nào là câu chủ động? Cho một ví dụ về câu chủ động?
b. Tìm cụm chủ – vị dùng để mở rộng câu trong ví dụ sau đây và cho biết cụm chủ – vị được mở rộng làm thành phần gì của câu?
Con mèo nhảy làm đổ lọ hoa.
Câu 2: (2.0 điểm)
Thế nào là phép tương phản trong nghệ thuật văn chương? Chỉ ra hai mặt tương phản được thể hiện trong văn bản “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn?
Câu 3: (6.0 điểm)
Giải thích câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”.
Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 7 số 2
Câu 1
a.
– Câu chủ động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật thực hiện một hoạt động hướng vào người, vật khác (chỉ chủ thể của hoạt động).
– Cho ví dụ đúng.
b.
– Cụm chủ vị dùng để mở rộng câu: Con mèo nhảy.
– Cụm chủ vị dùng để mở rộng câu làm thành phần chủ ngữ.
Câu 2
- Phép tương phản trong nghệ thuật là việc tạo ra những hành động, cảnh tượng, tính cách trái ngược nhau để qua đó làm nỏi bật một ý tưởng bộ phận trong tác phẩm hoặc tư tưởng chính của tác phẩm.
- Hai mặt tương phản:
- Cảnh người dân đang hộ đê trong trạng thái nguy kịch.
- Cảnh tên quan đang cùng nha lại chơi bài trong đình với không khí tĩnh mịch, nghiêm trang.
Câu 3
* Yêu cầu:
- Về hình thức: Bài viết đảm bảo là một bài văn hoàn chỉnh, bố cục rõ ràng, trình bày mạch lạc, sạch sẽ và ít sai lỗi chính tả, ngữ pháp.
- Về nội dung: Bài viết cần đạt được một số ý cơ bản sau:
a. Mở bài
- Dẫn dắt để giới thiệu nội dung vấn đề và trích dẫn câu tục ngữ.
b. Thân bài
- Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ.
- Thương thân: Yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quí trọng… bản thân mình.
- Thương người: Yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ…những người xung quanh.
- => Lời nhắn nhủ: Yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương, trân trọng chính bản thân mình.
- Phải “Thương người như thể thương thân” bởi:
- Không ai có thể sống đơn độc, lẻ loi mà cần phải có sự hòa nhập cộng đồng.
- Nhiều người có hoàn cảnh đáng thương cần sự chung tay giúp đỡ của người khác, của cộng đồng để có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.
- Mọi người cùng tiến bộ, phát triển thì xã hội, đất nước cũng sẽ phát triển tốt đẹp hơn.
- Giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc, nó sẽ khiến ta thấy thanh thản hơn.
- Đây là nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc ta.
- Tinh thần “thương người như thể thương thân” được thể hiện:
- Xem việc quan tâm giúp đỡ người khác là lẽ sống và phải xuất phát từ tình cảm chân thành, tự nguyện, tự giác.
- Giúp đỡ người khác bằng những việc làm thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
- Cần lên án, phê phán những người có lối sống ích kỉ, hẹp hòi…
- (Nêu dẫn chứng về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta trong chiến tranh; phong trào từ thiện hiện nay, đặc biệt là phong trào từ thiện của học sinh… để làm sáng tỏ những điều đã giải thích).
- Những việc đã, đang và sẽ làm của bản thân.
c. Kết bài
- Câu tục ngữ thể hiện một đạo lí đúng đắn.
- Lời khuyên.
* Lưu ý: Trên đây là những gợi ý định hướng, giám khảo có thể vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, không rập khuôn máy móc. Cần trân trọng những sáng tạo của học sinh.
Đề thi Văn giữa kì 2 lớp 7 Số 3
PHÒNG GD&ĐT NAM TRỰCĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ IIMôn: Ngữ văn 7(Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (1,0 điểm)
Phân biệt ca dao và tục ngữ.
Câu 2: (1,0 điểm)
Thế nào là câu đặc biệt? Trong đoạn trích sau đây những câu nào là câu đặc biệt?
“Mọi người lên xe đã đủ. Cuộc hành trình tiếp tục. Xe chạy giữa cánh đồng hiu quạnh. Và lắc. Và xóc”.
Câu 3: (3,0 điểm)
Cho đoạn văn: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xăm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”
(Ngữ văn 7 – tập 2)
a, Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì?
b, Viết đoạn văn khoảng 17 đến 20 dòng trình bày cảm nhận của em về đoạn văn đó
Câu 4: (5,0 điểm)
Nhân dân ta thường nhắc nhở nhau: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Hãy chứng minh lời nhắc nhở đó là nét đẹp truyền thống đạo lí của dân tộc Việt Nam.
Đáp án đề thi giữa học kì 2 lớp 7 môn Văn số 3
Câu 1: (1,0 điểm) Học sinh phân biệt được sự khác nhau giữa ca dao và tục ngữ trên các phương diện sau:
- Về hình thức: Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn còn ca dao là những lời thơ dân ca…( 0,25 điểm)
- Về phương thức biểu đạt: Tục ngữ – Nghị luận; Ca dao – Biểu cảm (0,25 điểm)
- Về nội dung: Tục ngữ thể hiện kinh nghiệm của nhân dân lao động về thiên nhiên, lao động sản xuất về con người và xã hội… (0,5 điểm)
Câu 2: (1,0 điểm)
- Học sinh nêu được khái niệm về câu đặc biệt: Là loại câu không cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ (0,5 điểm)
- Học sinh xác định đúng 2 câu đặc biệt trong đoạn văn
- Và lắc. (0,25 điểm)
- Và xóc. (0,25 điểm)
Câu 3: (3,0 điểm)
a. (0,75 điểm)
- Đoạn văn được trích trong tác phẩm: “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”. (0,25 điểm)
- Tác giả Hồ Chí Minh. (0,25 điểm)
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận. (0,25 điểm)
b. (2,25 điểm)
- Về hình thức: Đảm bảo yêu cầu về đoạn văn (0,25 điểm)
- Về nội dung: Cần đảm bảo những yêu cầu sau:
- Giới thiệu đoạn văn trích trong văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Hồ Chí Minh (0,5 điểm)
- Đoạn văn nêu ra vấn đề ngắn gọn xúc tích và là lời khẳng định: Truyền thống yêu nước là tài sản tinh thần vô giá của nhân dân ta. (0,5 điểm)
- Tác giả sử dụng câu văn dài, giọng văn khúc triết sôi nổi, hình ảnh so sánh, những động từ mạnh “kết thành, lướt qua, nhấn chìm” trong cùng một câu …. thể hiện rõ niềm tự hào, xúc động và đầy kiêu hãnh của người viết … (0,5 điểm)
- Lòng yêu nước là một khái niệm trừu tượng thông qua cách diễn tả người đọc hiểu và cảm nhận nó một cách cụ thể rõ ràng, từ đó mỗi người nhận thức rõ trách nhiệm của mình là phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc. (0,5 điểm)
Câu 4: (5,0 điểm)
I. Yêu cầu chung:
- Cơ bản làm đúng kiểu bài văn nghị luận chứng minh.
- Xây dựng được bố cục ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài; lời văn lôi cuốn thể hiện được quan điểm, thái độ, những tình cảm, cảm xúc chân thành, trong sáng rõ ràng.
II. Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể làm nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản theo định hướng sau:
1. Mở bài: (0,5 điểm)
- Giới thiệu về lòng biết ơn của con người.
- Dẫn câu tục ngữ.
- Khẳng định: Là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
2. Thân bài: (4,0 điểm)
* Giải thích: (0,5 điểm)
- Nghĩa đen: Khi ăn quả phải biết ơn người trồng cây,
- Nghĩa bóng: Người được hưởng thành quả phải nhớ tới người tạo ra thành quả đó. Thế hệ sau phải ghi nhớ công ơn của thế hệ trước.
* Chứng minh: Dân tộc Việt Nam sống theo đạo lí đó. (3,5 điểm)
- Học sinh trình bày được những dẫn chứng phù hợp, sắp xếp hợp lý thể hiện truyền thống Ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc ta. (Học sinh cơ bản phải biết kết hợp dẫn chứng và lý lẽ) (2,0 điểm)
- Các thế hệ sau không chỉ hưởng thụ mà còn phải biết gìn giữ, vun đắp, phát triển những thành quả do các thế hệ trước tạo dựng nên. (1,5 điểm)
3. Kết bài: (0,5 điểm)
- Khẳng định lại đó là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Nêu ý nghĩa của câu tục ngữ đối với ngày hôm nay.
- Liên hệ bản thân.
* Lưu ý: Trên đây là những gợi ý cơ bản, khi chấm, giáo viên căn cứ vào bài làm cụ thể của HS để đánh giá cho phù hợp, trân trọng những bài viết sáng tạo, lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc…
……………………………
Như vậy là VnDoc đã chia sẻ xong Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 7 có đáp án. Tài liệu nhằm giúp các em có thêm tài liệu ôn tập, củng cố kiến thức cũng như rèn luyện thêm tại nhà. Chúc các em ôn thi tốt, nếu thấy tài liệu hữu ích hãy chia sẻ cho các bạn cùng tham khảo nhé.
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 7 có đáp án. Để luyện thêm các đề thi khác, mời các bạn vào chuyên mục Đề thi giữa kì 2 lớp 7 trên VnDoc nhé. Chúc các em đạt điểm cao trong bài thi sắp tới của mình.