Đền Chu Văn An – địa điểm thu hút đông đảo học sinh trước mỗi mùa thi
Hè về cũng là khi các kỳ thi quan trọng đến gần, học sinh những ngày này thực sự căng thẳng. Bên cạnh việc ngày đêm đèn sách, ôn luyện, các em cũng có những hoạt động nhằm nâng tinh thần, giúp việc học hiệu quả hơn. Đến thăm những địa điểm gắn liền với “vía học” là một trong những hoạt động được nhiều thế hệ học sinh lựa chọn. Nếu như Hà Nội có Văn miếu Quốc Tử Giám, thì đất Hải Dương nổi tiếng với đền Chu Văn An.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ mùa thi về, ngôi đền nằm trên núi Phượng Hoàng ở Chí Linh lại tấp nập các bạn trẻ đến tham quan vãn cảnh, dâng hương tưởng nhớ người thầy giáo nổi tiếng mẫu mực, tâm đức sáng ngời trong lịch sử. Thầy Chu Văn An tồn tại trong tâm thức của học sinh dưới những câu nói, những bài học quý báu mà ông để lại. Những chia sẻ chân thành từ trái tim giàu lòng yêu thương như còn sống mãi với lớp lớp thế hệ học sinh hậu bối.
“Những năm tháng còn đi học, mình có đến thăm đền thờ thầy Chu Văn An. Từ khi đường lên lăng mộ thầy còn chưa được sửa, nước suối chảy ngang qua chân mát lạnh, mình tìm về ngôi đền thiêng để cầu nguyện chuyện thi cử, học hành. Nước giếng Ngọc cực kỳ trong, mình có múc nước rửa mặt. Cảm giác mát lành ấy làm mình cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo hơn rất nhiều”, Anh Quang Minh (Hải Dương) nói về ngôi đền quê hương, nơi ghi dấu ấn thời học sinh của mình.
Nhà giáo Chu Văn An không chỉ nổi tiếng với trí tuệ, sự hiểu biết sâu rộng mà còn với phẩm chất đạo đức và lòng yêu nước sâu sắc. Ông đã tận tâm dạy dỗ hàng trăm học trò của mình, truyền đạt những kiến thức văn hóa, nhân văn và đạo đức cao quý.
Đó là một tấm gương “vạn thế sư biểu” – người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. Từ ngàn đời nay, biết bao thế hệ học trò đã đến đền thờ nhà giáo Chu Văn An để tưởng nhớ và tri ân ông. Ngôi đền nằm yên bình giữa rừng thông trên núi Phượng Hoàng. Nơi này ghi dấu tháng năm, cho đến nay, chưa bao giờ bị lãng quên bởi hậu bối vẫn đến đây thể hiện lòng biết ơn, tri ân, cầu nguyện, xin chữ và may mắn từ người thầy vĩ đại trên con đường học tập.
Chu Văn An là ai?
Chu Văn An, hay Chu An, sinh ngày 25/8/1292, hiệu Tiều Ẩn là người xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An “tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc”. Học vấn của ông tinh thông, nức tiếng gần xa, “học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa”.
Thời vua Trần Anh Tông, ông thi đậu Thái học sinh (tức Tiến sĩ) nhưng không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Ông dựng một ngôi trường nhỏ tại làng Huỳnh Cung, ngay cạnh làng ông, học trò các nơi đến học rất đông.
Dưới mái trường làng này, nhiều nhân tài đất nước đã xây dựng được tên tuổi như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát,…
Vì sao khi xưa thầy chuyển về núi Phượng Hoàng?
Thầy Chu Văn An từng được vua Trần Minh Tông (trị vì 1314-1329) mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử và con các quan lại.
Đến đời Trần Dụ Tông (trị vì 1341-1369), vua ham chơi, trễ nải chính sự, tin dùng bọn quyền thần, Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ”, xin chém bảy tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Từ ấy, Chu Văn An treo mũ từ quan, về quê dạy học. Sau đó, ông đến xã Kiệt Đặc (nay thuộc phường Văn An, TP. Chí Linh) ở ẩn.
Vùng Kiệt Đặc này có 72 ngọn núi, nhất là núi Phượng Hoàng phong cảnh nên thơ, nơi có tùng xanh, trúc biếc, suối reo, ông bèn ở lại, dựng nhà, mở lớp dạy học bên sườn núi. Học trò kéo đến rất đông – trong cuốn Lịch sử tỉnh Hải Dương, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật đã dẫn lại kỹ càng như vậy.
Không chỉ yêu nghề dạy học, thầy còn tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ và vịnh cảnh tìm vui chốn lâm tuyền. Chính vì vậy, thầy tự đặt cho mình tên mới là Tiều Ẩn (người tiều phu đi ở ẩn).
Ở chốn lâm tuyền vẫn đau đáu vận mệnh quốc gia
Sau khi về ở ẩn, thầy Chu vẫn tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Cả cuộc đời ông gắn liền với nghề “gõ đầu trẻ”. Tâm huyết của ông đặt hết vào việc soạn sách dạy học, làm thơ, viết sách thuốc truyền lại cho hậu thế. Phần lớn các tác phẩm thơ Nôm của ông đều bị thất lạc, hiện chỉ còn lại ít ỏi vài bản chữ Hán.
Có lần, ngồi ngắm cảnh ao ba ba trên núi Phượng Hoàng mà ông chạnh lòng thương cảm thời thế, nghĩ về vận mệnh quốc gia mà lòng đau đáu. Ông xót xa cho hình ảnh người quân tử vắng bóng còn lũ nịnh thần vẫn nhởn nhơ. Hai câu thơ trong bài Miết trì (Ao ba ba) đã thể hiện điều ấy:
“Ngư du cổ chiếu long hà tại?
Vân mãn không sơn hạc bất quy”.
(Cá bơi ao cũ, rồng đâu tá?
Mây phủ non hoang, hạc chẳng về).
Đến đền Chu Văn An cầu gì, xin gì?
Trong Chí Linh huyện sự tích có viết: “Quần sơn la liệt trận bày/Tả hữu tung cánh, phượng bay ngang trời”, ý chỉ các dãy núi thấp dần theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, nối với đồng bằng phù sa soi mình xuống sóng nước của dòng Lục Đầu Giang.
Truyền thuyết kể rằng xưa kia trên bầu trời Chí Linh bỗng xuất hiện đàn chim phượng hoàng bay lượn, chọn nơi non nước hữu tình đáp xuống rồi hóa thành dãy núi 72 ngọn. Trong đó ngọn Phượng Hoàng là nơi đắc địa nhất, cũng chính là nơi đặt đền thờ thầy Chu Văn An.
Lễ hội đền Chu Văn An diễn ra vào mùa thu, đúng mùa tựu trường, thời gian từ ngày 1-25/8 âm lịch (chính hội ngày 25 – ngày sinh của thầy) hoặc ngày giỗ thầy gọi là Về Nguồn (26/11). Lễ khai bút đầu xuân hàng năm diễn ra tại đền vào ngày 6 tháng Giêng, chữ thư pháp Hán Nôm có “Chính, Học, Thuần, Hành” và 10 chữ Quốc ngữ “Tâm, Đức, Chí, Nghĩa, Trung, Tài, Minh, Trí, Thành, Vinh”. Trước mỗi kỳ thi hoặc ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều đoàn học sinh cùng các thầy cô giáo trong cả nước hội ngộ về đền để tưởng nhớ và tri ân thầy.
Trong những dịp đặc biệt như vậy, nhiều học sinh đã về thăm đền thờ và nhờ nguồn cội của tri thức để tìm sự động viên và củng cố đam mê trong hành trình học tập phía trước. Đó không chỉ là một cuộc hành trình để thấu hiểu thêm về tài năng của người thầy, mà còn là một nơi trong lành, mát mẻ mang lại cho học sinh những giây phút thư giãn, giảm bớt áp lực học tập.
Khác với nhiều đền thờ khác, du khách đến đây, nhiều người dâng lễ bằng bút, sách vở để cầu may chuyện thi cử, học hành, công danh thuận lợi.
Theo chia sẻ của nhóm học sinh đến từ Hà Nội, bạn M.Huyền cho biết: “Lớp mình tổ chức đi thăm đền thờ Chu Văn An, ngoài việc dâng hương, xin chữ, mình cũng cầu nguyện cho cả lớp mình đỗ đại học”.
Khác với M.Huyền một chút, bạn Mai Hương (sinh năm 2005) chia sẻ: “Có những lúc em chán chường, than vãn nhưng em đều học cách tự chữa lành, nội tâm kiên định, yêu thương chính mình. Hành trình trở về thăm đền thầy Chu có thể giúp em điều đó. Không chỉ xin chữ để thêm động lực học tập tốt hơn, em cũng muốn thấu hiểu thêm về cuộc đời của một thầy giáo vĩ đại”.
Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với việc xin chữ. Trong khuôn viên đền, điện Lưu Quang là nơi thầy Chu dạy học xưa kia. Điện nằm bên phải đền xuôi về phía Tây núi. Mỗi khi du khách đến thăm đền, bên ngoài đền là tiếng reo vui của những nhành thông mã vĩ, còn bên trong điện là khung cảnh xin chữ tựa như món quà cầu may.
Tương truyền khi xưa ở khu đền có giếng son cổ, dưới đáy có bùn màu đỏ tươi được thầy Chu dùng viết chữ. Nhiều thế kỷ qua đi, vùi lấp nhiều chuyện cũ, vùi cả giếng son này. Nhưng người dân trong vùng đã chế được loại mực son bằng nguyên liệu có ở nơi này.
Bảng xin chữ tại đền có ghi lại về việc xin chữ, học sinh đến thăm thầy, vào xin chữ lấy may, từ ấy mà thành tục. Ai đến chắp tay kính cẩn cúi mình tri ân thầy cũng đều muốn mang một chữ nào đó về cho có khước (may).
Xưa kia học trò đến thăm thầy thường được thầy ân cần hỏi han, trò chuyện. Từ đó, thầy thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi người. Khi lạy thầy ra về tự tay thầy viết tặng chữ. Người làm quan thầy cho chữ LIÊM, chữ CHÍNH, chữ DŨNG, chữ TÂM. Người đang dùi mài kinh sử thầy cho chữ TRÍ, chữ TUỆ, chữ ĐẠT, chữ MINH, chữ THÀNH. Người đang gặp khó khăn, trở ngại thầy cho chữ NHẪN, chữ AN. Người dân đến thăm thầy cho chữ PHÚC, chữ LỘC, chữ THỌ, chữ AN.
Việc ấy thành thông lệ, ai đến thăm thầy cũng mong xin được chữ mà mình tâm niệm. Ai được thầy cho chữ cũng coi như vật báu, mang về treo ở nơi trang trọng trong nhà để hàng ngày chiêm nghiệm. Dù nay thầy chẳng còn nữa nhưng Ban quản lý đền vẫn tiếp tục giữ gìn nét đẹp văn hoá đó.
Chữ ở đền được viết bằng màu son đỏ gắn liền với tích giếng son dưới chân núi Phượng Hoàng mà trước đây thầy dùng son đỏ dưới giếng viết chữ phê bài cho học sinh. Màu đỏ cũng nhằm đem lại sự may mắn cho quý khách.
Lưu danh sử sách
Uy tín của thầy Chu Văn An vang mãi muôn đời, hậu thế kính ân không chỉ ở tài học mà còn ở tâm hồn thanh cao, đạo làm người chuẩn mực. Ông dạy học rất nghiêm, coi trọng chữ đức, trí thức đương thời lúc ấy đều kính mến ông, coi ông như “núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu của kẻ sĩ”. Bởi ngay cả với những học trò thành danh, khi đã làm quan to trong triều, thầy Chu cũng không kiêng dè mà răn dạy nghiêm khắc.
Trong sách Lĩnh Nam chích quái còn ghi lại một truyền thuyết, mặc dù mang nhiều màu sắc huyền thoại nhưng đã phần nào thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân ta.
Tục truyền có một thần Rồng ở đầm làng, mộ tiếng thầy Chu, thường hiện thành một chàng trai trẻ tới trường Huỳnh Cung học tập. Có người rình biết mách với thầy.
Gặp năm đại hạn, ruộng đồng khô khốc, nứt nẻ hết, lúa má hỏng cả, người dân lo buồn mãi không thôi. Thầy Chu bèn gặp riêng anh học trò kia bảo làm mưa để cứu trăm họ.
Anh học trò liền đáp: “Việc mưa nắng là mệnh trời không ai dám phạm, nhưng lệnh thầy con không dám cãi”. Rồi anh ta cầm bút nhúng vào nghiên mực mà vẩy tứ tung lên khoảng không. Chớp mắt, mưa đổ xuống ào ào, đồng lúa xanh tốt trở lại. Ao hồ ngập nước, người vật thỏa thuê. Bỗng tiếng sét đánh xuống, sáng hôm sau ở đầm làng có xác thuồng luồng chết nổi lềnh bềnh.
Thầy Chu biết là anh học trò Long Cung đã vì thầy vì dân mà chết. Thầy vô cùng thương tiếc, bèn cùng dân làng vớt xác thuồng luồng, an táng cẩn thận. Hiện nay, ở ngoài lũy ven làng còn mả, tục gọi Mả Thuồng Luồng, tên chữ là Cù Long Phụ. Niềm tin vẫn còn hằn chặt trong dân gian rằng, hễ trời hạn hán, cứ đến cầu ở Cù Long Phụ hoặc đến đền Đức Thánh Chu ắt có mưa.
Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi năm 1370, thầy tuổi đã cao nhưng vẫn chống gậy về kinh bái yết vua. Vua có ban chức gì thầy cũng từ chối. Trở lại núi Phượng Hoàng, thầy Chu Văn An mất năm Canh Tuất (1370) tại Chí Linh, lăng mộ được đặt bên sườn Nam núi Phượng Hoàng. Nhiều học trò làm nhà bên mộ thầy để quanh năm tế lễ, tỏ lòng tiếc thương thầy.
Sau khi thầy mất, vua Trần phong tước Văn Trinh công, hiệu Tiều Ẩn Khang Tiết tiên sinh, sắc phong Thượng Đẳng Thần và cho phối thờ tại Văn Miếu. Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn rằng: “Văn Trinh Công thờ vua thì nói thẳng trước mặt; việc xuất hay xử đều có lí lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh; cao thượng, tiết tháo, thiên tử cũng không bắt nổi làm tôi, nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn; lời nói lẫm liệt mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta”.
Nằm cuộn mình giữa rừng thông xanh, đền thờ thầy Chu Văn An là địa điểm du lịch tâm linh có ý nghĩa lớn lao với nhiều cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên trong cả nước. Nếu có dịp đến Hải Dương, đừng quên ghé thăm đền thờ thầy Chu ở đỉnh Phượng Hoàng – nơi đã đi vào thơ ca một cách thật thi vị:
“Kiệt sơn thất thập nhị phong,
Phượng Hoàng bậc nhất trong vùng Chí Linh.”