Thành phố Đồng Hới là một đơn vị hành chính gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của tỉnh Quảng Bình. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, thành phố Đồng Hới vẫn không ngừng phát triển. Trong thời kỳ 1964 – 1975, cùng với Quảng Bình, Đồng Hới vừa là tuyến đầu đánnh Mỹ vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng, nơi đã có những phong trào “xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu, tiếc xương”, “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”… những tên làng, tên đất, tên người như: dòng Nhật Lệ, Trận địa pháo lão dân quân Đức Ninh, em bé Bảo Ninh; các anh hùng: Quách Xuân Kỳ, Trương Pháp, Lê Trạm, Nguyễn Thị Suốt, Nguyễn Thị Khứu, Phạm Dung Hạnh, Phạm Thị Nghèng… đã đi vào lịch sử.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, năm 1976 tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở sát nhập 3 tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế, thành phố Đồng Hới chỉ giữ vai trò trung tâm kinh tế văn hoá của các huyện, khu vực phía Bắc. Sau ngày tái lập tỉnh Quảng Bình (tháng 7/1989), Đồng Hới trở lại vai trò là trung tâm tỉnh lỵ. Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã có định hướng xây dựng thành phố trở thành trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá – xã hội và khoa học kỹ thuật; nơi có vai trò là động lực phát triển của cả tỉnh. Đồng thời xây dựng thành phố Đồng Hới theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đô thị hạt nhân, tác động thúc đẩy tiến trình đô thị hoá trên địa bàn toàn tỉnh.
Với quyết tâm xây dựng lại quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã dạy, Đảng bộ, quân và dân Đồng Hới phát huy ý chí tự lực, tự cường, ý Đảng, lòng dân hoà quyện, xây dựng quê hương ngày càng đổi thay trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001-2005 là 12,5%, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ giàu ngày càng tăng, hộ nghèo ngày càng giảm, không có hộ đói.
Kết quả sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, quân và dân Đồng Hới đã được khẳng định, ngày 28/10/2003 Bộ Xây dựng có quyết định công nhận Đồng Hới là đô thị loại III và chỉ 10 tháng sau, ngày 16/8/2004, Chính phủ đã có Nghị định thành lập thành phố Đồng Hới trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Đây là niềm tự hào và vinh dự lớn, là mốc son quan trọng đánh dấu quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đồng Hới nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung, đồng thời là động lực thúc đẩy đảng bộ, quân và dân thành phố tiếp tục phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh.
1. Vị trí địa lý
Thành phố Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình nằm trên quốc lộ 1A, Đường sắt Thống nhất Bắc Nam và đường Hồ Chí Minh, có vị trí địa lý 17o21’ vĩ độ bắc và 106o10’ kinh độ đông.
Thành phố có vị trí trung độ của tỉnh Quảng Bình, cách khu du lịch di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong nha – Kẻ Bàng 50 km, cách khu du lịch suối Bang 50 km, cách khu cụm Cảng biển Hòn La 60 km và cửa khẩu quốc tế Cha Lo 180 km, Đồng Hới nằm ngay dọc bờ biển, có sông Nhật Lệ chảy giữa lòng thành phố, bờ biển với chiều dài 12 km về phía Đông thành phố và hệ thống sông, suối, hồ, rừng nguyên sinh ở phía tây thành phố rất thích hợp cho phát triển du lịch, nghỉ ngơi, giải trí.
Phạm vi hành chính:
– Phía Bắc giáp huyện Bố Trạch
– Phía Nam giáp huyện Quảng Ninh
– Phía Đông giáp biển
– Phía tây giáp huyện Bố Trạch, huyện Quảng Ninh
2. Đặc điểm tự nhiên.
* Diện tích tự nhiên: 155,54 km2
* Dân số: 103.988 người
Trong đó:
– Đất nội thị: 55,58km2
– Dân số nội thị: 68.165 người
– Mật độ dân số nội thị: 1.226 người/ km2
– Đất ngoại thị: 99,69 km2
– Dân số ngoại thị: 35.823 người
– Mật độ dân số ngoại thị: 359 người/ km2
* Khí hậu: Nhiệt độ trung bình năm 24,40C, lượng mưa trung bình từ 1.300 đến 4.000 mm, tổng giờ nắng 1.786 giờ/năm, độ ẩm trung bình trong năm khoảng 84% và thuộc chế độ gió mùa: gió Đông Nam (gió nồm), gió Tây Nam (gió nam), gió Đông Bắc.
* Địa hình, địa chất: Địa hình, địa chất của Đồng Hới đa dạng bao gồm vùng gò đồi, vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng cát ven biển.
– Vùng gò đồi: Nằm ở phía Tây thành phố, vắt ngang từ Bắc xuống Nam, gồm các xã, phường Đồng Sơn, Thuận Đức, có độ cao trung bình 12 – 15m, với diện tích 6.493ha, chiếm 41,7% so với tổng diện tích của thành phố. Cư dân ở đây sinh sống bằng nghề trồng rừng, làm rẫy, chăn nuôi và trồng trọt.
Thổ nhưỡng của vùng có đặc điểm chung là độ phì ít, nghèo chất dinh dưỡng, tầng đất màu không dày, độ dốc trung bình 7 – 10%, thường có hiện tượng rửa trôi, xói mòn.
– Vùng bán sơn địa và đồng bằng: Là một vòng cung gò đồi không cao lắm (độ cao trung bình 10m), bao bọc lấy khu vực đồng bằng từ Đông Bắc – Bắc đến Tây Bắc – Tây Nam và Nam – Đông Nam, bao gồm các xã, phường Bắc Lý, Nam Lý, Nghĩa Ninh, Bắc Nghĩa, Đức Ninh, Đức Ninh Đông, Lộc Ninh và Phú Hải. Diện tích đất tự nhiên 6.287ha, chiếm 40,2% so với diện tích toàn thành phố. Cư dân sinh sống bằng nghề tiểu thu công nghiệp và nông nghiệp.
Thổ nhưỡng của vùng có đặc diểm chung là không màu mỡ, bị chua phèn, tuy nhiên nhờ có mạng lưới sông ngòi, ao, hồ dày nên vẫn có thuận lợi trong trồng trọt và sản xuất.
– Vùng đồng bằng: Thành phố Đồng Hới có vùng đồng bằng nhỏ hẹp, địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai kém phì nhiêu; độ cao trung bình 2,1m, dốc về hai phía trục đường Quốc lộ 1A, độ dốc nhỏ, chỉ khoảng 0,2%. Diện tích tự nhiên khoảng 576ha, chiếm 3,8% so với diện tích toàn thành phố. Đây là nơi tập trung dân cư và các cơ sở hạ tầng kinh tế chủ yếu của thành phố.
– Vùng cát ven biển: nằm ở phía Đông của thành phố, gồm các xã, phường Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành, có diện tích 2.198ha, chiếm 14,3% so với diện tích của thành phố.
Đây là vùng biển vừa bãi ngang vừa cửa lạch; địa hình có những đụn cát cao liên tục (cao nhất 24,13m); giữa các đụn cát thỉnh thoảng có những hồ nước, khe nước ngọt tự nhiên, quanh năm có nước (bàu Tró, bàu Nghị, Bàu Tràm, bàu Thôn, Bàu Trung Bính…)
3. Đơn vị hành chính.
Thành phố Đồng Hới có 16 đơn vị hành chính, gồm 10 phường và 6 xã: