Nước đường đỏ rất dễ thực hiện nhưng lại có tác dụng cải thiện tình trạng đau bụng kinh ngay tại nhà an toàn và hiệu quả. Chị em có thể tham khảo và lưu lại khi cần áp dụng ngay nhé.
Vì sao nước đường đỏ giảm đau bụng kinh?
Có lẽ đường đỏ ít được chị em nghĩ đến nhưng thực ra loại đường này được bán nhiều và sử dụng phổ biến không kém với loại đường trắng.
Đường đỏ được làm từ mía, màu sắc thường là đỏ/vàng hơi sẫm vì đây là loại đường nguyên chất, chưa qua tinh luyện nên có tên là đường đỏ (hoặc đường vàng tùy người gọi).
Trong đường đỏ có chứa nhiều nguyên tố vi lượng hữu ích cho sức khỏe con người, đặc biệt là chị em vào thời điểm “tới tháng”, điển hình như canxi, sắt, các loại vitamin B1, B6 và đặc biệt là vitamin C dồi dào… Đường đỏ có tính ôn cũng như có hàm lượng đường thấp nhất trong ba loại đường được sử dụng phổ biến hiện nay nên đường đỏ được đánh giá cao về lợi ích mang lại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Loại đường đúng mà chúng ta nên sử dụng đó là đường phên (còn gọi là đường phên đỏ, đường mía thô) – một sản phẩm đường nguyên sơ nhất làm trực tiếp từ nguyên liệu mật mía (dạng cô đặc của mật mía). Nhờ không trải qua quá trình làm trắng hay tinh luyện nào nên đường phên giữ lại được nhiều chất khoáng, dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và sắt có lợi cho sức khỏe.
Theo Đông y, đường đỏ là vị thuốc có tác dụng bổ huyết cũng như có khả năng giúp phục hồi sức khỏe tuyệt vời. Chính vì thế, chị em từ lâu đã sử dụng loại đường này trong làm đẹp, phục hồi da, bao gồm giúp làm mờ các vết nám, tàn nhang, làm mịn và trắng da cũng như hạn chế được dấu hiệu lão hóa da. Mặt khác, đường đỏ còn có công dụng tuyệt vời trong việc bổ huyết, điều hòa kinh nguyệt, cải thiện triệu chứng đau bụng kinh, làm sạch sản dịch,… nên uống nước đường đỏ là mẹo dân gian mà chị em có thể áp dụng ngay tại nhà. Việc kết hợp đường đỏ cùng nước nóng sẽ giúp chị em làm ấm vùng bụng, cơ thể cũng ấm lên, mang lại cảm giác dễ chịu nhanh chóng, cơn đau cũng dịu đi nhiều.
Ngay cả với người thể chất kém cũng có thể dùng đường đỏ để giúp tăng cường sức khỏe hiệu quả.
Cách nấu nước đường đỏ trị đau bụng kinh
Như có đề cập ở trên, nước đường đỏ giảm đau bụng kinh vừa hiệu quả vừa dễ làm nên chị em có thể áp dụng ngay mà không cần suy nghĩ.
Dưới đây là những cách nấu nước đường đỏ giảm đau bụng kinh tại nhà:
Nước đường đỏ, táo đỏ, nhãn nhục, kỷ tử
Công thức này kết hợp đường đỏ, táo đỏ, nhãn nhục cùng kỷ tử có công dụng dưỡng sinh, giúp bồi bổ sức khỏe cho chị em phụ nữ sau khi sinh, đồng thời cũng có tác dụng điều hòa kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh rất hiệu nghiệm. Nếu chị em thường xuyên uống loại nước này sẽ trẻ trung mà ngay cả chính bản thân cũng không ngờ.
Nguyên liệu
- 60 gram táo đỏ;
- 30 gram long nhãn;
- 30 gram câu kỷ tử;
- 30 gram đường đỏ.
Cách thực hiện
- Rửa sạch nguyên liệu táo đỏ, kỷ tử, long nhãn (nhãn nhục khô), sau đó ngâm nước lạnh trong vòng 1 tiếng;
- Cho tất cả các nguyên liệu đã rửa sạch vào nồi, đổ thêm 0,8l nước, thêm đường đỏ vào rồi khuấy tan;
- Đậy nắp nồi, đun lửa to đến khi sôi thì giảm nhỏ và nấu thêm trong khoảng 30 phút rồi tắt bếp;
Bạn có thể dùng khi nước còn ấm là tốt nhất. Hoặc có thể cất vào tủ lạnh uống dần.
Nước sơn tra (táo mèo), nhãn nhục đường đỏ
Cách nấu nước đường đỏ giảm đau bụng kinh này sẽ giúp chị em điều hòa kinh mạch, thông mạch máu, làm mờ các vết bầm, giảm đau.
Những chị em thường xuyên đau bụng kinh, da mặt tái nhợt, thiếu sức sống nên áp dụng cách làm này để cải thiện vấn đề hiệu quả.
Nguyên liệu
- 15 gram sơn tra;
- 5 gram nhãn nhục khô;
- 30 gram đường đỏ.
Cách thực hiện
- Sơn tra tách lấy thịt quả, cho vào nồi cùng nhãn nhục khô, hai chén nước;
- Đun lửa liu riu cho đến khi nước cạn còn khoảng một chén thì thêm đường đỏ vào;
- Dùng khi ấm hay lạnh đều được.
Nước gừng đường đỏ, táo đỏ
Đây là thức uống đơn giản mà hiệu quả được chị em áp dụng phổ biến. Nước đường đỏ nấu cùng gừng và táo đỏ có công dụng điều hòa kinh nguyệt, làm ấm cơ thể, thích hợp với chị em hay đau bụng kinh, bị nám da.
Nguyên liệu
- 30 gram gừng khô/gừng tươi;
- 30 gram táo đỏ;
- 30 gram đường đỏ.
Cách thực hiện
- Rửa sạch gừng và táo đỏ, cắt gừng thành từng miếng nhỏ, táo đỏ bỏ hạt;
- Cho táo, gừng và đường đỏ vào nồi, thêm nước rồi đun sôi;
- Chị em có thể uống nước và ăn táo đỏ.
Ăn gì giúp giảm đau bụng kinh?
Bên trên là các cách nấu nước đường đỏ giảm đau bụng kinh mà chị em có thể áp dụng ngay. Ngoài nước đường đỏ, chị em còn có thể kết hợp ăn một số loại thực phẩm để gia tăng hiệu quả giảm đau bụng kinh.
Các loại đậu
Trong trường hợp uống nước đường đỏ không thật sự có tác dụng giảm chứng thống kinh, chị em có thể chọn ăn các loại đậu, nhất là đậu nành rất giàu chất xơ, có thể giảm nhẹ các triệu chứng sung huyết trong tử cung và làm dịu cơn đau bụng.
Ngoài ra, hiệu quả từ các loại đậu còn tác động đến quá trình tiêu hóa, tăng thành phần nước trong phân thải ra, giúp quá trình đại tiện được dễ dàng, góp phần đào thải chất tàn dư và độc tố trong cơ thể ra ngoài.
Ăn đậu giúp giảm thống kinh và cảm giác mệt mỏi vào ngày “đèn đỏ” vì chúng rất giàu vitamin B, có tác dụng giảm thống kinh và triệu chứng mệt mỏi trong ngày “đèn đỏ” của phụ nữ. Chị em nên kết hợp nhiều loại đậu đa dạng khác nhau, tuy nhiên lưu ý là không lạm dụng đậu cũng như không ăn một lần quá nhiều để không gây tác dụng phụ.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh có chứa nhiều thành phần như canxi, magie, kali… mang lại công dụng giảm thống kinh hiệu quả, an toàn; đồng thời còn giúp cơ thể cảm thấy thả lỏng, điều chỉnh căng thẳng thần kinh.
Chị em lưu ý là các loại rau lá xanh đậm còn giàu vitamin K có khả năng làm giảm tình trạng xuất huyết quá nhiều.
Ngoài ra, việc bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, quả óc chó, hạt lanh,… cũng rất hiệu quả trong việc ức chế Prostaglandin – loại axit béo không bão hòa, tham gia vào quá trình sản sinh cơ chế làm co thắt cơ và gây thống kinh.
Quả dứa
Theo nghiên cứu, dứa chứa hàm lượng mangan cao nên hiệu quả trong việc giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định và bớt thống kinh, xuất huyết kéo dài.
Những chị em bị thiếu hụt chất mangan thường chảy máu nhiều hơn 50% trong kỳ kinh nguyệt so với người có đủ chất này.
Trà thảo mộc
Ngoài dứa, trong trà thảo mộc cũng rất giàu mangan. Trong ngày “đèn đỏ”, chị em uống các loại trà thảo mộc sẽ nhận được hiệu quả tích cực. Các loại trà thảo mộc tham khảo như trà hoa cúc, trà hoa lài hoặc các loại nước mát nấu từ mã đề, cẩu kỷ tử, la hán quả… Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoàn toàn có thể sử dụng thức uống này để giảm các triệu chứng khó chịu.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp