Đường là một gia vị không thể thiếu trong ăn uống, chế biến thực phẩm. Nhưng đường glucose còn khá xa lạ với chúng ta, vậy đường glucose là gì, lợi ích của glucose đối với cơ thể như thế nào thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông qua bài viết này nhé.
Glucose cung cấp nguồn năng lượng thiết yếu giúp duy trì sự sống và các hoạt động hàng ngày của cơ thể. Bất kỳ ai cũng cần bổ sung đầy đủ lượng đường mỗi ngày để có sức khỏe, không còn cảm giác uể oải, mệt mỏi hay đói cồn cào.
1 Glucose là đường gì?
Glucose là một loại đường đơn monosaccharide có công thức phân tử C6H12O6 tồn tại ở dạng mạch hở và mạch vòng. Trong dung dịch, chúng chỉ ở dạng vòng 6 cạnh gồm dạng alpha và beta. Glucose chủ yếu được tạo ra bởi thực vật và hầu hết các loại tảo trong quá trình quang hợp từ nước và carbon dioxide, sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời, là loại carbohydrate phong phú nhất trên thế giới.
Tính chất vật lý của glucose: là bột kết tinh màu trắng hoặc gần như trắng hay tinh thể trắng, gần như trắng hoặc không màu. Đường Glucose vẫn có vị ngọt nhưng không ngọt bằng đường mía. Rất dễ tan trong nước, khó tan trong ethanol 96 %, thực tế không tan trong ethanol tuyệt đối.
Tính chất hoá học: glucose là một hợp chất tạp chức, trong phân tử có cấu tạo của andehyd đơn chức có 1 nhóm -CH=O và ancol 5 chức có chứa 5 nhóm OH liền kề. Vì vậy mà glucose có các tính chất hóa học của andehyd và ancol đa chức:
– Tính chất của ancol đa chức:
+ Hòa tan kết tủa đồng(II) hydroxid Cu(OH)2 cho dung dịch phức đồng-glucose có mà xanh lam.
+ Phản ứng tạo este chứa 5 gốc axetat khi tác dụng với anhidrit axetic.
– Tính chất của andehyd:
+ Phản ứng tráng gương khi cho vào dung dịch AgNO3/NH3, tạo ra kết tủa bạc Ag bám lên thành ống nghiệm (nên còn gọi là tráng bạc).
+ Glucose có thể khử Cu(OH)2 có xúc tác NaOH tạo kết tủa đỏ gạch Cu2O.
+ Glucose làm mất màu dung dịch brom.
+ Phản ứng hydro hóa: gốc CH=O cộng H2 để tạo thành gốc CH2-OH.
– Tính chất khác:
+ Phản ứng lên men rượu: Glucose dưới tác dụng của men xúc tác tạo thành rượu etylic C2H5OH và khí cacbonic CO2.
+ Phản ứng lên men Acid lactic: có men lactic tạo acid lactic CH3-CH(OH)-COOH.
2 Vai trò của đường glucose với cơ thể
Glucose là một chất dinh dưỡng có giá trị của con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ. Cụ thể glucose:
– Cung cấp năng lượng cho cơ thể: Khi đi vào cơ thể, glucose sẽ chuyển hóa thành năng lượng và các dưỡng chất cần thiết khác. Đặc biệt, đường còn có tác dụng kích thích sản sinh insulin giúp làm giảm cảm giác thèm ăn, hệ thống tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
– Hầu hết các tế bào trong cơ thể đều dựa vào glucose để hoạt động. Các tế bào hồng cầu cần glucose để tạo ra năng lượng. Gan dự trữ glucose trở thành một nguồn năng lượng dạng glycogen và sau đó phân phối đến các cơ, tế bào thần kinh và tế bào để giữ cho lượng đường trong máu luôn ổn định.
Trong y học glucose còn được sử dụng để điều trị trong các trường hợp:
– Hạ glucose huyết do suy dinh dưỡng, do ngộ độc rượu, do tăng chuyển hóa khi bị stress hay chấn thương.
– Điều trị cấp cứu trong tình trạng có tăng kali huyết (dùng cùng với calci và insulin).
– Điều trị nhiễm thể ceton do đái tháo đường (sau khi đã điều chỉnh glucose huyết và phải đi kèm với truyền insulin liên tục).
– Phòng và điều trị mất nước do ỉa chảy cấp.
3 Thực phẩm chứa nhiều đường glucose
Hầu hết các loại carbohydrate trong chế độ ăn uống đều chứa glucose, một số loại thực phẩm chứa nhiều đường glucose (hàm lượng glucose tính bằng gam trên 100g): quả táo (2,4g), quả mơ (2,4g), chuối chín (5g), nho (7,2g), cam (2g), đào (2g), lê (2,8g), dứa (1,7g), mận (5,1g), củ cải đường (0,1g), khoai lang (1g), ngô (3,4g),…
4 Lưu ý khi bổ sung đường glucose cho cơ thể
Không phải lúc nào nạp vào cơ thể nhiều đường glucose cũng là tốt. Trong máu, nồng độ glucose không đổi khoảng 0,1%. Nếu lượng glucose trong máu giảm đi thì cơ thể mắc bệnh suy nhược. Ngược lại, nếu lượng đường trong máu vượt quá ngưỡng cho phép (1,8g/l hay 10mmol/l), chúng sẽ bị đào thải vào trong nước tiểu gây chứng bệnh đái tháo đường.
Không được truyền dung dịch glucose ưu trương cho người bệnh bị mất nước vì tình trạng mất nước sẽ nặng thêm do bị lợi niệu thẩm thấu. Truyền glucose vào tĩnh mạch có thể dẫn đến rối loạn dịch và điện giải như hạ kali huyết, hạ magnesi huyết, hạ phospho huyết.
Sử dụng nhiều đường glucose mỗi ngày làm tăng nguy cơ tăng cân và có thể dẫn đến việc tích tụ mỡ trong bụng. Chế độ ăn nhiều đường có thể làm tăng nội tiết hoóc-môn androgen, sản xuất dầu và viêm làm tăng rủi ro bị mụn trứng cá. Vì vậy chỉ nên sử dụng một lượng đường glucose vừa phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, đáp ứng đủ năng lượng mà cơ thể cần để có một sức khỏe tốt nhất.
Hi vọng thông qua bài viết này chúng ta có thể biết rõ hơn về glucose về tính chất cũng như vai trò đối với cơ thể, qua đó có kể hoạch bổ sung thích hợp với tình trạng cơ thể.
Nguồn: wikipedia
Có thể bạn quan tâm:
>>>>> Ăn quá nhiều đường có gây bệnh tiểu đường không?
>>>>> Hướng dẫn chọn và sử dụng đường ăn kiêng đúng cách