Xuôi sông ra biển
Bây giờ người ta có thể đến sông Gành Hào bằng cả đường bộ hoặc đường sông. Nếu đi đường bộ, xuất phát từ tượng đài lớn ngay trung tâm thành phố Cà Mau theo đường Hùng Vương hướng về cầu Gành Hào. Đây là chiếc cầu bắc ngang qua sông, đoạn chảy giữa lòng thành phố Cà Mau sôi động. Hoặc nếu muốn đi đường sông, có thể đến bến tàu B (đường Lương Thế Trân, phường 8, TP Cà Mau), chọn chuyến tàu với giờ giấc thích hợp hoặc thuê hẳn một chiếc đò chạy dọc sông Gành Hào để chủ động hơn trong hành trình khám phá sông nước.
Nói đến vẻ đẹp sông Gành Hào có lẽ phải chia ra theo từng đoạn, quãng: đoạn sông chảy ngang qua thành phố Cà Mau, đoạn sông chảy ngang qua Đông Hải (Bạc Liêu), đoạn sông đổ ra biển,… Ở mỗi đoạn, sông Gành Hào lại mang một nét đẹp riêng. Trước đây, dòng sông Gành Hào sáng, trưa, chiều, tối đều khoác lên mình mầu đỏ nhạt của phù sa, song dần về sau mầu sắc ấy đã bị biến đổi. Phải nói đến đoạn sông chảy ngang qua nội ô thành phố Cà Mau, hai bên sông nhà cửa mọc san sát, phía sau nhà nhô ra sông (theo kiểu nhà sàn), những bến đò, nhà xưởng… Khách du lịch đến Cà Mau thường ngồi trên đò chèo đi giữa sông Gành Hào ngắm cảnh. Cuộc sống gắn bó mật thiết với sông đã khiến nhiều người quên đi việc bảo vệ môi trường, vì thế một thời gian dài con sông Gành Hào đã bị ô nhiễm nặng nề, bao nhiêu rác thải sinh hoạt, nước xả công nghiệp, nước bẩn… trút xuống dòng sông khiến Gành Hào trở nên đen kịt kèm theo mùi hôi thối nồng nặc. Trò chuyện với anh Công Trường (ngụ tại phường 8, TP Cà Mau), anh cho biết: “Nước sông Gành Hào đã bị đổi màu từ nhiều năm nay, chẳng ai dám lội xuống nước vì rất độc, chỉ cần thò tay xuống một lúc sẽ nổi đầy mẩn, ngứa”. Những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm sông Gành Hào phần nào được cải thiện. Tuy không thể mang dáng dấp của dòng sông xa xưa nhưng Gành Hào đã dần lấy lại sắc nước đỏ nặng phù sa.
Càng xuôi sông Gành Hào về hướng Biển Đông, càng thấy cảnh quan hai bên bờ sông xinh đẹp hữu tình. Đi một quãng lại gặp một bến phà với những chiếc phà ngày đêm chuyên cần đưa khách qua sông, với những cái tên mộc mạc dung dị, không bóng bẩy nhưng đậm đà phong vị của mảnh đất nơi đây: bến phà Hai Hạt – Chòi Mòi (Út Sài Gòn), bến phà Thầy Ký, bến phà Cái Méc, Cái Méc B, bến phà An Phúc… Hai bên sông, những cây mắm, bần, đước mọc liền kề phủ xanh bờ bãi. Những xóm nhà xa xa, những chiếc ghe chở hàng hóa, ghe thương hồ, ghe biển neo đậu lại một bến nào đó đủ sắc màu, rộn rã tiếng người nói cười làm nên sinh khí của một vùng sông nước. Trong khung cảnh ấy hiện lên hình ảnh của những con người sống dựa vào sông, vật lộn với thiên nhiên để sinh tồn. Cuộc sống trên sông bao giờ cũng gian khổ, nguy hiểm, ông cha ta có câu: “Con ơi nhớ lấy câu này/Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua” cũng vì cớ ấy. Tuy vậy, dòng sông Gành Hào đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc mưu sinh khó khăn của người dân nơi đây. Từ dòng sông, bao nhiêu tôm cá được khai thác, trở thành những món ăn, đặc sản trứ danh của vùng đất cuối trời Tổ quốc như: tôm khô, cá khô, mắm,…
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ”
Từ Cà Mau xuôi sông Gành Hào về đất Bạc Liêu, ra biển Đông Hải sẽ đi ngang qua nhiều khu chợ, cảng như chợ Cái Keo, cảng cá Gành Hào,… Cuối dòng sông là chợ Gành Hào thuộc thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Đây là khu chợ nổi tiếng được mệnh danh là “phố biển” của “đất Bạc” (Bạc Liêu). Không quá khó để di chuyển đến chợ Gành Hào, ở trung tâm thành phố Cà Mau hoặc Bạc Liêu, chỉ cần tìm chuyến xe về Bến xe Gành Hào là đã đến được nơi cần đến.
Chợ Gành Hào nằm ngay cửa biển nên hải sản tươi sống là sản phẩm chủ yếu. Đoạn sông Gành Hào đổ ra biển rộng và sâu hơn những đoạn khác, với cửa sông rộng hơn 300 m, sâu 19 m. Ở nơi đây tàu ghe neo đậu tấp nập, những chuyến ra khơi liên tục diễn ra, tiếng máy ì ạch hòa cùng tiếng sóng biển vỗ về, tiếng người trao đổi giá cả trên bến chợ rộn rã cả một vùng sông biển. Đến chợ Gành Hào, khách du lịch có thể mua được nhiều loại hải sản còn sống như mực, cá đuối, cá khoai, tôm, cua, ghẹ,… hoặc thưởng thức những món ăn được chế biến từ hải sản trong nhà hàng với không gian lồng lộng gió biển.
Những người nhiều năm sống ở chợ Gành Hào luôn dành cho biển cả một tình yêu sâu nặng và tấm lòng tri ân. Sông, biển đã cho họ cuộc sống ấm no, nuôi dưỡng họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ sống thật thà, chân chất, phẩm chất ấy được thể hiện thông qua cách buôn bán, giao tiếp với khách du lịch. Cô Trần Thị Phương Thùy (62 tuổi, bán hải sản ở kiot số 6, chợ Gành Hào) cho biết: “Cô bán ở đây từ khi cô còn là con gái. Mấy chục năm bán hải sản cô chưa biết nói thách giá là gì. Giá cả bao nhiêu thì cô nói bấy nhiêu. Mình sống chân thật thì trời thương, biển cho tôm cá. Đến chợ Gành Hào này đừng sợ các cô chú bán đắt, đồ tươi vậy chứ rẻ rề hà”. Cách nói chuyện của người dân ở đây dung dị, không bóng bẩy cầu kỳ nhưng vẫn làm mát lòng người khác. Mặc dù cuộc mưu sinh vẫn còn lắm gian nan, đời ngư phủ chưa bao giờ yên ổn khi hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với sóng dữ, song những người dân nơi đây vẫn niềm nở vui vẻ, hiền lành nhân hậu, khí khái, mang trên mình những phẩm chất tốt đẹp của người phương Nam bao đời.
Nắng chiều rực rỡ, những chuyến ghe biển đã bắt đầu cập bến cảng, sắc rám nắng khỏe khoắn trên bờ lưng của người ngư phủ đứng trên mũi ghe vận chuyển từng mẻ cá tôm lên bờ trở thành một hình ảnh rất đỗi thân thương. Cảng cá Gành Hào lại rộn ràng tấp nập gợi nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Trãi năm xưa: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”. Đó chính là nhịp sống sôi động, ồn ã của vùng cửa sông Gành Hào tận Đông Hải xa xôi.
Nơi khởi đầu của những khúc ca
Về sông Gành Hào, chắc hẳn trong tim những người mến mộ cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và dòng nhạc dân ca trữ tình đều vang lên những giai điệu ngọt ngào của ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang: “Lời ai ca dưới ánh trăng này/Rừng đước mênh mông đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai/Ngày ấy ra đi con sông buồn tím một dòng trôi”… Sông Gành Hào đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật. Vũ Đức Sao Biển – một nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo trong thời gian sống tại Bạc Liêu đã cho ra hàng loạt ca khúc về đất và người phương Nam. Trong số những ca khúc ấy, “Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang” đã được gợi tứ từ chính dòng Gành Hào và được điệu Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu nuôi dưỡng xúc cảm. Anh Phạm Tuấn Vũ (phóng viên báo Bạc Liêu) đã chia sẻ cảm xúc của mình khi nghe bài hát của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong không gian sinh thành ra nó như sau: “Mỗi lần qua Gành Hào, nghe điệu hát, trong tôi dâng tràn những cảm xúc khó tả, bởi những âm điệu buồn thương da diết. Sông Gành Hào thật đẹp, lại có cái gì đó mênh mông”. Rõ ràng, đặt âm nhạc trong không gian mà nó ra đời mới có thấu cảm hết những gì mà người nghệ sĩ chuyển tải thông qua giai điệu, ca từ ngọt ngào.
Chị Nguyễn Thanh Thu (người Bình Định) cũng chia sẻ: “Hiếm lắm mình mới có chuyến đi về Bạc Liêu, Cà Mau, nghe nói đến sông Gành Hào đã lâu, cũng đã từng nghe nhiều lần bài hát Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, nhưng khi thật sự đến sông Gành Hào mới cảm nhận hết cái hay của bài hát. Chuyến đi ấy giúp mình thêm yêu mảnh đất phương Nam mộc mạc nghĩa tình”.
Phải chăng khi viết Dạ cổ hoài lang, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng đã từng lang thang đâu đó trên dòng sông này, nghe tiếng sóng Gành Hào vỗ về, ngắm trăng soi xuống dòng nước mênh mông bất tận. Theo tháng năm con sông ấy vẫn bồi đắp phù sa, bồi đắp tâm hồn của bao người. Đối với những người sinh ra và lớn lên bên bờ sông, Gành Hào còn là cả khoảng trời tuổi thơ của họ. Con sông này bao đời đã làm giàu cho đất Cà Mau và “xứ Bạc”, chở đầy cá tôm thúc đẩy sự phát triển cho ngành thủy – hải sản ở Bạc Liêu.
Sông Gành Hào nằm ở tọa độ 9o5’19’’B, 105o17’13’’Đ, là một trong những con sông dài nhất tỉnh cực Nam. Sông có chiều dài 55 km, bắt nguồn từ sông Giồng Kè (TP Cà Mau), chảy ngang qua những dòng sông khác nhỏ hơn như Ao Kho, Mương Điều, sau đó nhập vào dòng nước đổ về từ Kênh xáng Quản Lộ – Phụng Hiệp, Kênh xáng Cà Mau – Bạc Liêu, hình thành nên sông Gành Hào. Về hướng chảy sông Gành Hào có sự thay đổi, ban đầu sông chảy theo hướng Nam, đến xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) sông Gành Hào rẽ ngoặt sang hướng Đông chảy dài cho đến khi đổ ra Biển Đông tại cửa Gành Hào. Sông Gành Hào đã trở thành ranh giới phân chia hai huyện: Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) và Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), là đầu mối giao thông của hai tỉnh cuối cùng đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời tạo nên cảnh sắc thiên nhiên trù phú cho vùng đất này.