Sách giáo khoa Ngữ văn 7 (Cánh Diều) do NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phối hợp với và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam(VEPIC) sản xuất. Sách được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thống nhất với cấu trúc chung của bộ sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở.
Bộ sách được tích hợp cao để phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Ngoài Bài Mở đầu, 2 bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì I và học kì II, sách Ngữ văn 7 có 10 bài học chính: Truyện (3 bài), Thơ (2 bài), Kí (1 bài), Nghị luận (2 bài), Văn bản thông tin (2 bài).
Mỗi bài học gồm 12 tiết, bắt đầu bằng hoạt động đọc hiểu 2 văn bản chính; sau đó vận dụng kiến thức đã hình thành để thực hành tiếng Việt, thực hành đọc hiểu một văn bản khác cùng thể loại hoặc kiểu văn bản và rèn luyện các kĩ năng viết, nói và nghe.
Nội dung và thiết kế của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 bộ Cánh Diều có 4 điểm mạnh.
Điểm mạnh về cấu trúc sách
Bám sát các yêu cầu của chương trình Ngữ văn 2018 để tổ chức hệ thống bài học.
Sách xác định được cấu trúc hợp lí, đồng thời bảo đảm tỉ lệ hài hòa giữa các loại văn bản: Ưu tiên văn bản văn học (6 bài), chú ý đúng mức văn bản nghị luận (2 bài) và văn bản thông tin (2 bài). Phân bổ các bài học theo thể loại và kiểu văn bản một cách hài hòa ở 2 tập sách: mỗi tập đều có 3 văn bản văn học, 1 văn bản nghị luận và 1 văn bản thông tin. Bên cạnh các văn bản được thể hiện bằng phương tiện ngôn ngữ, còn có một số văn bản đa phương thức kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ (số liệu, kí hiệu, biểu bảng, sơ đồ, hình ảnh,…).
Sách Ngữ văn 7 bộ Cánh Diều cũng bảo đảm tích hợp cao giữa các văn bản đọc hiểu, thực hành đọc hiểu, thực hành đọc hiểu, thực hành tiếng Việt, viết và nói – nghe ở những bài học khác nhau.
Điểm mạnh về cấu trúc bài học
Bộ sách giáo khoa Cánh Diều thực hiện tư tưởng THỰC HỌC của Nghị quyết 29 bằngphương châm “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”. Phương châm này được thể hiện ở một số phương diện sau: lựa chọn các nội dung bài đọc thiết thực, gần gũi với đời sống; luôn đặt ra các tình huống, câu hỏi, bài tập yêu cầu huy động kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống vào giải quyết vấn đề; luôn yêu cầu thực hành, vận dụng những gì học được vào giao tiếp hằng ngày;…
Thực hiện tích hợp cao, nhằm phát triển năng lực: Mỗi bài học đều rèn luyện đủ 4 kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; các nội dung rèn luyện liên quan chặt chẽ với nhau theo yêu cầu tích hợp ngang.
Nội dung bài học có tính mở, giảm tải: sách giáo khoa Ngữ văn 7 có nội dung mở để phù hợp với nhiều đối tượng và điều kiện dạy, học khác nhau.
Điểm mạnh về ngữ liệu và hình thức trình bày
Sách Ngữ văn 7 bộ Cánh Diều kế thừa một số văn bản đọc hay, và những đơn vị kiến thức văn học, tiếng Việt cơ bản, đáp ứng được đặc trưng thể loại và kiểu văn bản theo yêu cầu của chương trình mới và phản ánh được thành tựu văn học, văn hóa của dân tộc.
Đổi mới bằng cách bổ sung vào một số văn bản đọc hiểu phù hợp với tâm lí lứa tuổi (nội dung đề tài, đặc điểm thể loại, yêu cầu về độ dài, độ khó…), đáp ứng được yêu cầu mới.
Sách được thiết kế sáng sủa, rõ ràng, dễ hiểu; in màu và có nhiều hình ảnh, bảng biểu, minh họa đẹp. Kênh hình trở thành các nội dung dạy và học.
Điểm mạnh về phương pháp dạy học và đánh giá
Chú trọng dạy cách học, phương pháp học; không chạy theo nhồi nhét nội dung; sách tập trung hướng dẫn cách đọc, cách viết, cách nói và nghe; cách vận dụng tiếng Việt trong thực hành giao tiếp.
Chú trọng thực hành thông qua các hoạt động, không nặng về lí thuyết, lấy mục tiêu tạo ra được sản phẩm giao tiếp, làm chính.
Rèn luyện và thực hành các kĩ năng theo quy trình. Về đọc hiểu: hướng dẫn kĩ thuật đọc và đọc hiểu theo mô hình câu hỏi 3 cấp độ, khắc phục lối giảng văn, phân tích tác phẩm, thầy thuyết giảng một chiều. Về viết và nói – nghe: rèn luyện theo quy trình 4 bước.
Đổi mới đánh giá theo yêu cầu của chương trình: đánh giá năng lực (đọc, viết, nói và nghe); sử dụng ngữ liệu đánh giá mới; thay đổi cách hỏi và yêu cầu đọc hiểu, viết; vận dụng các hình thức khác nhau (trắc nghiệm, tự luận, bài tập nghiên cứu…).
Khuyến khích giáo viên sử dụng các phương tiện và thiết bị dạy học theo yêu cầu mở: hiện đại, phù hợp và khả thi…
Sau 2 năm đưa vào sử dụng trong các trường phổ thông, sách giáo khoa Cánh Diều đã trở thành người bạn đồng hành, được nhiều giáo viên, nhà trường tin tưởng lựa chọn.
Tiếp nối thành công đó, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Công ty CP Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam tiếp tục biên soạn và cho ra mắt bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 với đầy đủ các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bộ sách đã được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, là một trong những bộ sách được đưa vào sử dụng trong nhà trường từ năm học tới.