Thế giới có khoảng 1 tỷ người đã và đang nhiễm giun kim. Giun kim có thể tạo ra các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung cũng như các vấn đề về đường tiêu hoá và bụng. Vậy bệnh giun kim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa nhiễm giun kim ra sao?
Bệnh giun kim là gì?
Bệnh giun kim là bệnh do nhiễm ký sinh trùng giun kim khi nuốt phải trứng giun, giun kim sẽ ký sinh vào cơ thể con người để tồn tại và sinh sản. Bệnh giun kim có triệu chứng điển hình là ngứa hậu môn, khó ngủ. Giun kim ở người không thể lây nhiễm cho bất kỳ loài động vật nào khác. Giun cái trưởng thành dài 8-13 mm và giun đực dài 2-5 mm, màu trắng nhìn giống như sợi chỉ nhỏ. Giun kim có thể sống 2 – 3 tuần.
Nguyên nhân bị nhiễm giun kim
Người bệnh bị nhiễm giun kim do nuốt phải trứng giun kim trực tiếp hay gián tiếp. Những quả trứng này được giun ký sinh quanh hậu môn và có thể dính lên các bề mặt khác như tay, đồ chơi, giường, quần áo, bồn cầu,… Trứng có thể lây nhiễm từ tay lên miệng, khiến người bệnh nuốt phải trứng và bị nhiễm giun kim. Trứng giun kim rất nhỏ, bay dễ dàng trong không khí nên chúng ta có thể nuốt phải. (1)
Trứng giun vào cơ thể người sẽ có thời gian ủ bệnh từ 1 – 2 tháng hoặc lâu hơn và trưởng thành ở ruột non. Giun cái trưởng thành di chuyển đến ruột già và đẻ trứng quanh hậu môn vào ban đêm. Lúc này, người bệnh đang ngủ có cảm giác ngứa hậu môn và mất ngủ. Người bị nhiễm giun kim có thể lây truyền ký sinh trùng cho người khác, thậm chí người bệnh có thể tự tái nhiễm hoặc bị tái nhiễm bởi trứng giun.
Các triệu chứng của nhiễm giun kim
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng khi nhiễm giun kim thường không rõ ràng. Người bệnh rất khó nhận biết mình có bị nhiễm giun kim hay không nếu không khám định kỳ. (2)
Ở giai đoạn nhiễm giun kim trong thời gian dài, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng:
- Ngứa vùng hậu môn hoặc âm đạo.
- Mất ngủ, khó chịu, nghiến răng và bồn chồn.
- Thỉnh thoảng đau bụng và buồn nôn.
Đối tượng nào có nguy cơ nhiễm giun kim?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun kim bao gồm:
- Trẻ nhỏ: bệnh giun kim không phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi nhưng lại thường gặp ở trẻ từ 5 – 10 tuổi. Trứng giun dễ lây lan từ người bệnh sang các thành viên trong gia đình, người chăm trẻ hoặc những trẻ khác.
- Sống ở nơi đông đúc: những người sống ở vùng dịch tễ thường có ca bệnh giun kim sẽ đối diện nguy cơ nhiễm giun kim cao hơn.
Nhiễm giun kim có lây không? Lây qua đường nào?
Có. Giun kim rất dễ lây lan ở khoảng cách gần. Người bệnh nhiễm giun kim khi vô tình nuốt hoặc hít phải trứng giun kim. Trứng giun vào miệng thông qua thức ăn, đồ uống bị nhiễm trứng hoặc tay bẩn. Sau khi nuốt phải, trứng nở trong ruột và trưởng thành trong vài tuần.
Giun kim đẻ trứng thường gây ngứa hậu môn. Khi gãi vào chỗ ngứa, trứng sẽ bám vào ngón tay và móng tay, sau đó lây lan sang các bề mặt khác, chẳng hạn như đồ chơi, giường hoặc bồn cầu. Trứng cũng có thể truyền gián tiếp từ ngón tay bị nhiễm sang đồ ăn, thức uống, quần áo của người này sang người khác.
Tác hại của giun kim gây ra là gì?
Các tác hại mà giun kim có thể gây ra cho người bệnh gồm:
- Hậu môn ngứa ngáy vào ban đêm: nhiệt độ giường ấm áp là điều kiện kích thích giun cái chui ra hậu môn đẻ trứng và gây ngứa.
- Rối loạn tiêu hóa: giun kim có thể chui vào ruột gây rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn và đau bụng. Thậm chí, giun còn có thể lọt vào ruột thừa gây viêm ruột thừa
- Các triệu chứng khác: trẻ nhiễm giun kim trong thời gian dài có thể khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng,…
Biến chứng có thể gặp khi nhiễm bệnh giun kim
Hầu hết người nhiễm giun kim không có biến chứng nguy hiểm nhưng trong một số ít trường hợp có thể xảy ra: (3)
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có khả năng tiến triển nghiêm trọng nếu người bệnh không được điều trị.
- Viêm âm đạo và viêm nội mạc tử cung nếu giun di chuyển từ hậu môn đến âm đạo, ảnh hưởng đến tử cung, ống dẫn trứng và các cơ quan khác trong vùng chậu.
- Các vấn đề về đường tiêu hóa và bụng sẽ xảy ra nếu giun kim xuất hiện với số lượng lớn. Hơn thế nữa, giun kim sẽ hút chất dinh dưỡng từ cơ thể và làm người bệnh giảm cân.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trẻ dưới 2 tuổi, thai phụ hoặc đang cho con bú nếu nghi ngờ nhiễm giun kim phải đi điều trị ngay.
Ngoài ra, nhóm đối tượng sống trong môi trường dịch tễ giun kim cũng nên đi khám tầm soát.
Với nhóm trẻ và người bệnh thường thấy ngứa ngáy hậu môn vào ban đêm và có thể kè các triệu chứng trên cũng nên đi tầm soát bệnh giun kim kí sinh.
Phương pháp chẩn đoán bệnh giun kim
Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thu thập trứng giun kim bằng kỹ thuật Graham (hay Scotch tape):
- Dán một miếng băng dính trong suốt lên vùng da nhăn quanh hậu môn ngay khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng.
- Trứng sẽ dính vào băng.
- Mang băng dính cho bác sĩ và làm theo chỉ dẫn.
- Bác sĩ sẽ xét nghiệm mẫu băng xem có trứng giun hay không.
- Tốt nhất là thực hiện kiểm tra băng ngay khi người bệnh thức dậy, trước khi tắm hoặc sử dụng phòng tắm.
- Lấy mẫu liên tiếp trong nhiều ngày sẽ cho ra kết quả chính xác hơn.
Cách khác để chẩn đoán bệnh chính là trực tiếp nhìn thấy giun kim. Khi người bệnh ngủ, giun kim cái trưởng thành sẽ chui ra khỏi trực tràng để đẻ trứng quanh hậu môn. Những con giun nhỏ, mỏng, màu trắng xám quanh hậu môn này có thể nhìn thấy bằng mắt thường sau khi người bệnh ngủ thiếp đi.
Người bệnh có thể dính chúng lên băng keo hoặc nói cho bác sĩ biết rằng đã nhìn thấy giun. Ngứa hậu môn vào buổi tối hoặc ban đêm là triệu chứng điển hình của bệnh giun kim và việc tìm thấy giun trưởng thành hoặc trứng sẽ giúp xác định bệnh, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Cách điều trị bệnh nhiễm giun kim
Giun kim truyền từ người này sang người khác dễ dàng nên tất cả các thành viên trong gia đình người bệnh và bất kỳ ai tiếp xúc ở khoảng cách gần cũng cần điều trị để ngăn lây nhiễm hoặc tái nhiễm giun kim.
- Thuốc uống: Các loại thuốc được sử dụng để điều trị giun kim là mebendazole, pyrantel pamoate hoặc albendazole. Thuốc được sử dụng 1 liều và lặp lại cùng loại thuốc đó sau 2 tuần. Liều thuốc đầu tiên không thể tiêu diệt trứng giun kim hoàn toàn. Do đó, liều thứ hai sẽ ngăn giun con nở ra từ trứng không bị loại bỏ sau liều thuốc đầu. Thuốc chống chỉ định sử dụng cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi.
- Thuốc bôi: kem hoặc thuốc mỡ có thể cải thiện tình trạng ngứa hậu môn.
- Dọn dẹp nhà cửa: ngoài uống thuốc, bạn thường xuyên dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa để có thể loại bỏ trứng giun kim. Tốt nhất, bạn dùng máy hút bụi ở khu vực trải thảm, tránh giũ quần áo và giường chiếu để trứng giun không văng vào không khí, khử trùng bất kỳ bề mặt nào có thể có trứng như sàn nhà, mặt bàn và bồn cầu.
Biện pháp ngăn ngừa tình trạng nhiễm giun kim
Dưới đây là các biện pháp ngăn ngừa nhiễm giun kim:
- Rửa tay thường xuyên: sử dụng xà phòng và nước ấm để rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi thay tã, trước khi ăn và sau khi chơi với thú cưng. Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay.
- Giữ gìn vệ sinh: thường xuyên khử trùng đồ chơi, nhà vệ sinh, đồ dùng, bát đĩa và các bề mặt khác bằng xà phòng và nước để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Tắm thường xuyên: người bệnh nên tắm hàng ngày, nhất vùng hậu môn để loại bỏ trứng ra khỏi cơ thể. Tắm vòi sen hiệu quả hơn tắm bồn vì bồn tắm làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Người bệnh không nên tắm ở các cơ sở công cộng như hồ bơi cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh.
- Cắt móng tay: tránh để móng tay dài vì trứng giun có thể lọt vào kẽ móng tay
- Tránh chạm vào vùng hậu môn: không chạm hoặc gãi hậu môn vì có nguy cơ tái nhiễm cho chính người bệnh và lây lan cho người xung quanh.
- Giặt ga trải giường, khăn tắm và quần áo lót thường xuyên cho đến khi bệnh hoàn toàn được điều trị. Không nên giũ quần áo trước khi giặt vì trứng có thể văng khắp nơi và lây nhiễm.
Trung tâm Xét nghiệm BVĐK Tâm Anh TP.HCM đạt tiêu chuẩn ISO 15189:2012, được đầu tư đồng bộ các loại máy móc hiện đại với công nghệ tiên tiến từ các nước Âu-Mỹ. Nhờ đó, Trung tâm Xét nghiệm sớm trả kết quả, đảm bảo quá trình xét nghiệm ký sinh trùng diễn ra một cách chính xác và nhanh chóng nhất. Đặc biệt đây còn là nơi quy tụ những chuyên gia hàng đầu, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ký sinh trùng, giúp đảm bảo quá trình xét nghiệm chuẩn xác, điều trị hiệu quả.
Trẻ em rất dễ nhiễm giun kim. Vì vậy cha mẹ nên luyện tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, đồng thời nên cắt móng tay cho trẻ thường xuyên và không để trẻ mút tay. Không nên cho trẻ mặc quần thủng mông vì giun kim sẽ dễ chui vào hậu môn của bé hơn.