Giun kim có tên khoa học Enterobius vermicularis gây ra các triệu chứng như ngứa hậu môn, biếng ăn, mất ngủ… Vậy giun kim kí sinh ở đâu? Hình ảnh đặc điểm cấu tạo và cách di chuyển của chúng có gì đặc biệt?
Ký sinh trùng giun kim là gì?
Giun kim là loại giun ký sinh sống trong ruột và trực tràng của người nhiễm bệnh. Giun kim có màu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía, miệng có 3 môi, những môi này có thể thụt vào trong miệng.
Đặc điểm cấu tạo hình thể của giun kim
Giun kim là một loài giun tròn có thân hình trụ và lớp biểu bì với ba lớp chính bên ngoài được tạo thành từ collagen và các hợp chất khác do lớp biểu bì tiết ra. Lớp biểu bì bảo vệ tuyến trùng để chúng có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa của động vật. Giun kim lột xác bốn lần, hai lần đầu tiên trước khi nở và sau đó là trước khi trưởng thành. (1)
Giun kim có hình ống, nhỏ, màu trắng đục, đầu hơi phình, có 2 mép hình lăng trụ chạy dọc 2 bên thân. Con đực dài 2 – 5mm, rộng 0,1 – 0,2 mm và có đuôi cong, trong khi con cái dài 8-13 mm, rộng 0,3-0,5 mm với đuôi nhọn. Cả hai đều có ba môi bao quanh miệng. Phần cuối thực quản có ụ phình. Gần cuối đuôi là hậu môn.
Giun kim sống ở môi trường nào?
Giun kim phát triển và sinh sản trong ruột của con người. Trứng được tống ra ngoài cơ thể qua hậu môn ở người để tiếp tục lây bệnh cho người khác. (2)
Giun kim lây nhiễm từ hậu môn sang miệng, trực tiếp bằng tay hoặc gián tiếp qua quần áo, giường chiếu, thức ăn hoặc các vật dụng khác bị ô nhiễm. Trứng giun kim có thể lây nhiễm trong vòng vài giờ sau khi bám trên da xung quanh hậu môn và có thể tồn tại trong 2-3 tuần trên quần áo, giường ngủ hoặc các đồ vật khác.
Mọi người bị nhiễm bệnh do nuốt trứng giun kim trên ngón tay, móng tay, quần áo, giường ngủ và các đồ vật và bề mặt khác. Do kích thước nhỏ, trứng giun kim đôi khi có thể bay trong không khí và người bệnh có thể nuốt phải khi hít thở.
Giun kim kí sinh ở đâu để phát triển?
Giun trưởng thành sống chủ yếu ở ruột non rồi xuống ruột già. Chúng thường nằm ở manh tràng và các đoạn ruột lân cận, dính lỏng lẻo vào niêm mạc ruột. Giun kim đực chết sau khi giao hợp. Giun kim cái thường di chuyển đến rìa hậu môn để đẻ trứng, kích thích niêm mạc hậu môn gây ngứa và sưng tấy. Một con giun cái đẻ khoảng 4.000 – 200.000 trứng. Sau khi đẻ hết trứng, giun kim chết. Vì vậy, vòng đời của giun kim rất ngắn, chỉ khoảng 1-2 tháng.
Trứng giun kim phát triển rất nhanh. Sau 4-8 giờ kể từ khi đẻ, trứng phát triển thành trứng có ấu trùng, đào thải ra ngoài theo phân. Nếu một người ăn phải trứng có ấu trùng, nó sẽ di chuyển xuống đường tiêu hóa đến dạ dày. Khi ở trong dạ dày, ấu trùng phát triển thành giun di chuyển xuống ruột non và khi trưởng thành sẽ di chuyển xuống ruột già.
Một số trứng ở vùng hậu môn có thể trở thành ấu trùng, ấu trùng chui vào hậu môn phát triển thành ruột nên dễ tái nhiễm giun kim.
Trứng giun kim có bao nhiêu loại?
Trứng dài và dẹt đặc trưng ở một bên, kích thước 50-60 µm x 20-30 µm. Trứng có 5 lớp màng: một lớp bên trong – lipoidal, ba lớp ở giữa được gọi là màng lucida và một lớp màng albumin bên ngoài bao bọc quả trứng. Lớp màng này tuy gây ngứa cho người nhưng lại rất quan trọng trong vòng đời giun kim vì chúng làm cho trứng dính vào vật chủ.
Giun kim di chuyển bằng cách nào?
Giun kim đẻ trứng xung quanh hậu môn của người nhiễm bệnh, thường vào ban đêm. Cùng với trứng giun còn tiết ra chất nhầy gây ngứa.
Nếu trứng dính vào đầu ngón tay của người bệnh khi họ gãi, giun kim có thể chui vào miệng hoặc dính vào các bề mặt và quần áo. Nếu người khác chạm vào bề mặt các vật dụng này, có thể đưa trứng giun vào miệng.
Trứng giun kim có thể tồn tại đến 2 tuần trước khi nở. Nếu trứng nở quanh hậu môn, giun sơ sinh có thể vào lại ruột. Trứng đã được nuốt sẽ nở bên trong ruột. Sau 2 tuần, giun đạt kích thước trưởng thành và bắt đầu sinh sản, bắt đầu lại chu kỳ.
Vòng đời của ký sinh trùng giun kim sống được bao lâu?
Vòng đời của ký sinh trùng giun kim kéo dài khoảng 1 – 2 tháng
- Giun đực sau khi giao phối sẽ chết và bị tống ra ngoài theo phân.
- Giun cái mang trứng di chuyển về phía trực tràng tới hậu môn, rồi đẻ trứng lên các nếp nhăn ở hậu môn vào buổi tối.
- Sau khi đẻ xong giun cái teo lại và chết.
- Trứng vừa sinh ra đã có phôi và chỉ sau vài giờ đã có thể truyền bệnh. Mắt thường không nhìn thấy trứng giun kim trong phân. Tay bị dơ hoặc đồ vật bị ô nhiễm đều có thể truyền trứng giun vào miệng.
- Trứng xuống ruột nở thành ấu trùng, ấu trùng đi xuống manh tràng rồi đến đại tràng và phát triển thành giun trưởng thành.
- Giun kim sau đó bám vào màng nhầy và hấp thụ chất dinh dưỡng trong ruột.
Giun kim có nguy hiểm không? Gây hại như thế nào?
Giun kim thường gây bệnh ở trẻ nhỏ, bệnh kéo dài với những tình trạng sau:
- Rối loạn đường tiêu hóa: người bệnh ngứa hậu môn, nhất là vào buổi tối khi đi ngủ. Vào thời điểm này, nhiệt độ của giường ấm nên giun dễ kích thích đẻ trứng. Người bệnh sẽ bị đau hậu môn, tấy đỏ hoặc tiêu chảy, chán ăn, ăn khó tiêu, buồn nôn, nôn, đau bụng âm ỉ. Thậm chí, gây viêm ruột thừa, thủng ruột…
- Ảnh hưởng giấc ngủ, thần kinh: trẻ khó ngủ, bứt rứt, khó chịu, suy nhược thần kinh, dễ khóc về đêm, thậm chí đái dầm.
- Giun kim còn gây di tinh ở nam giới trưởng thành. Ở phụ nữ, giun kim chui vào âm đạo mang theo vi sinh vật gây viêm âm đạo. Ngoài ra, giun có thể gây rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh…). Giun kim cũng có thể xâm nhập và gây viêm phổi, thực quản, hốc mũi, cổ tử cung.
Triệu chứng của nhiễm giun kim ở người
Nhiễm giun kim thường có các biểu hiện như sau:
- Hậu môn ngứa ngáy (đặc biệt là vào ban đêm).
- Biếng ăn.
- Cảm thấy không khỏe.
- Viêm âm đạo.
- Giun trưởng thành đôi khi có thể được nhìn thấy trong phân và trứng có thể bám vào da xung quanh hậu môn.
- Khó chịu, cáu kỉnh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh, nhất là trẻ em nên đi khám bác sĩ ngay nếu đang gặp phải triệu chứng sau:
- Hậu môn ngứa ngáy vào ban đêm.
- Thấy giun trong phân.
- Nếp nhăn hậu môn trở nên đỏ và tấy.
Trung tâm Xét nghiệm BVĐK Tâm Anh đạt chuẩn ISO 15189:2012, được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại từ các hãng nổi tiếng của Âu – Mỹ như: Abbott, Roche, Beckman Coulter, Sysmex, Siemens… Điều này góp phần tối ưu mức độ chính xác, nâng cao hiệu quả thăm khám, điều trị chuyên sâu với những ca bệnh khó nên người dân càng tin tưởng. Đặc biệt, việc xét nghiệm ký sinh trùng như: giun kim, giun đũa, giun lươn, sán lá gan, dị ứng… đảm bảo diễn ra nhanh chóng, chính xác, giúp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Thường xuyên rửa tay với xà bông trước khi ăn cũng như sau khi đi vệ sinh là biện pháp tốt nhất để phòng tránh giun kim. Ngoài ra, nếu nghi ngờ có dấu hiệu bị giun kim ký sinh trong cơ thể, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được điều trị kịp thời.