Toàn cầu có 740 triệu người nhiễm giun móc. Giun móc cản trở chức năng miễn dịch của cơ thể và làm tăng nguy cơ bị co giật và tiêu chảy. Vậy bệnh giun móc là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh giun móc để phòng bệnh.
Bệnh giun móc là gì?
Bệnh giun móc là một bệnh nhiễm giun tròn trong ruột người. Giun móc ký sinh trong cơ thể bằng cách ngoạm 2 đầu móc vào niêm mạc ruột để hút máu. Giun móc hút khoảng 0,2-0,34 ml máu mỗi ngày. Người bị giun móc ký sinh có thể phát ban, ngứa, gây ra các vấn đề về đường hô hấp và đường tiêu hóa, cuối cùng là thiếu máu do mất máu liên tục.
Bệnh giun móc phổ biến như thế nào?
Thế giới có khoảng 740 triệu người nhiễm giun móc. Bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt ở vùng có vệ sinh kém, khí hậu nóng ẩm, tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người…. Người ở nông thôn nhiễm giun móc cao hơn người ở thành thị, nhất là vùng trồng hoa màu hoặc cây công nghiệp như dâu tằm, mía, cà phê, thuốc lá… (1)
Hai loài giun móc gây bệnh phổ biến ở người là Ancylostoma duodenale và Necator americanus. Hai loài đều có mặt ở những khu vực nóng ẩm của châu Phi, châu Á và châu Mỹ.
Trẻ em trong độ tuổi đi học và người lớn đều có thể nhiễm giun móc. Không giống như giun đũa và giun tóc, giun móc tuy cũng truyền qua đất nhưng ít phổ biến ở người lớn. Hậu quả nghiêm trọng nhất của nhiễm giun móc là gây ra bệnh thiếu máu và thiếu hụt protein do mất máu tại vị trí giun trưởng thành bám vào niêm mạc ruột. Khi trẻ em liên tục bị nhiễm nhiều giun, lượng sắt và protein bị mất có thể làm trẻ chậm lớn và chậm phát triển trí tuệ.
Triệu chứng nhiễm bệnh giun móc
Những người bị nhiễm giun móc có thể biểu hiện một số triệu chứng sau:
- Phát ban da ở một vùng da với triệu chứng da đỏ, nổi sần lên và ngứa.
- Giảm cân.
- Ăn mất ngon.
- Xuất hiện các biến chứng về hô hấp (chẳng hạn như thở khò khè và ho).
- Sốt.
- Đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Mệt mỏi và suy nhược.
- Thiếu máu, thiếu sắt hoặc suy dinh dưỡng.
- Thiếu máu trầm trọng ở trẻ em gây ra các vấn đề về phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ em.
- Suy tim và phù lan rộng do thiếu máu trầm trọng.
Nguyên nhân nhiễm bệnh giun móc
Giun móc có thể lây lan khi một người bị nhiễm giun móc đi vệ sinh trong đất hoặc khi sử dụng phân người làm phân bón. Bệnh không có lây truyền trực tiếp từ người sang người mà qua chủ yếu 2 đường sau:
1. Đường ăn uống
Người bị nhiễm giun móc thường qua đường ăn uống do thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Thời gian từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể đến khi trưởng thành mất khoảng 42 – 45 ngày. Lúc đầu, ấu trùng tấn công qua da, niêm mạc lên tim, phổi và bị nuốt trở lại vào dạ dày, ruột non để hút máu. Trường hợp ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống thì chúng không di chuyển qua phổi mà ký sinh trực tiếp tại tá tràng hoặc ruột non.
2. Qua đường da, niêm mạc
Ấu trùng giun móc giai đoạn III sẽ xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc (kẽ ngón chân, cẳng chân…) theo tĩnh mạch về tim, phổi. Tại phổi, ấu trùng thay vỏ 2 lần thành ấu trùng giai đoạn IV và V. Ấu trùng giai đoạn V lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun móc trưởng thành.
Ai có nguy cơ mắc bệnh giun móc?
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh giun móc bao gồm: (2)
- Đi chân trần hoặc tiếp xúc da trực tiếp với đất.
- Người đang mang thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ.
- Người tắm nắng trên cát bị nhiễm giun.
- Người sống ở vùng ấm áp, nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.
- Người sống ở những khu vực có quản lý vệ sinh và vệ sinh kém.
- Công nhân tiếp xúc với đất bị ô nhiễm, đặc biệt là nông dân, thợ sửa ống nước, thợ điện và người diệt côn trùng, thợ vùng mỏ than.
- Trẻ em nghịch đất cát bị nhiễm giun.
- Nguy cơ gia tăng khi sử dụng phân bón làm từ phân người.
Giun móc ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?
Sau khi ấu trùng nhiễm bệnh xâm nhập qua da, chúng sẽ di chuyển khắp cơ thể:
- Chúng di chuyển qua các mạch máu đến tim và sau đó là phổi.
- Người bệnh ho ra ấu trùng từ phổi và nuốt chúng.
- Ấu trùng theo ống tiêu hóa vào ruột non, tại đây chúng bám vào niêm mạc thành ruột để sinh sống và trưởng thành.
- Trứng đã thụ tinh sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể thông qua phân để lây nhiễm sang vật chủ khác.
- Toàn bộ quá trình có thể chỉ mất từ 2 – 3 tháng, thế nhưng giun có thể sống trong cơ thể người từ 2 năm trở lên.
Biến chứng bệnh giun móc
Giun móc hút máu trong ruột để sinh trưởng và phát triển. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời mà để bệnh giun móc trở nặng sẽ có thể dẫn đến nguy cơ thiếu máu và thiếu protein. Thiếu máu nặng có thể gây chóng mặt, mệt mỏi, chuột rút cơ, khó thở và đau ngực.
Trẻ bị nhiễm giun móc trong thời gian dài có thể bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu chất sắt và protein. Điều này có thể làm chậm phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ.
Bệnh giun móc có lây không?
Có. Bệnh giun móc rất dễ lan truyền khi tiếp xúc với phân của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với đất bị nhiễm bệnh. (3)
Trứng giun móc được truyền qua phân của người bị nhiễm bệnh. Nếu một người bị nhiễm bệnh đi vệ sinh bên ngoài (gần bụi rậm, trong vườn hoặc cánh đồng) hoặc nếu phân của người bị nhiễm bệnh được sử dụng làm phân bón, trứng sẽ lắng đọng trên đất. Sau đó, chúng có thể trưởng thành và nở ra, giải phóng ấu trùng. Ấu trùng trưởng thành có thể xuyên qua da người. Nhiễm giun móc chủ yếu lây truyền khi đi chân trần trên đất bị ô nhiễm. Cũng có loài lây truyền qua việc ăn phải ấu trùng. (4)
Bệnh giun móc ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn. Chúng phổ biến nhất ở những nơi ấm áp, ẩm ướt và vùng nhiệt đới, đặc biệt những nơi thiếu vệ sinh. Bệnh giun móc có thể lây truyền thông qua việc tiếp xúc với phân của người bị nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc với đất bị nhiễm bệnh.
Nhiễm giun móc ở chó, mèo và các động vật khác thường từ loài giun móc khác với loài lây nhiễm cho người. Giun móc động vật có thể gây phát ban khi chúng di chuyển dưới da. Phát ban ngứa này xuất hiện dưới dạng một đường màu đỏ mỏng, nổi lên, lan rộng trên da khi ấu trùng di chuyển. Chúng có thể xâm nhập vào da, nhưng sẽ không trưởng thành hoặc đẻ trứng bên trong vật chủ là người.
Phương pháp chẩn đoán bệnh giun móc
Người bị nhiễm giun móc thường có dấu hiệu lâm sàng:
- Da xanh, niêm mạc nhợt
- Đau vùng thượng vị, đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu.
- Có thể viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và hết sau 1-2 ngày.
Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh giun móc, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm một mẫu phân. Họ phân tích mẫu phân dưới kính hiển vi để tìm trứng giun móc.
Nếu người bệnh đi đến nơi có khả năng bị nhiễm giun móc cao, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu. Tổng phân tích tế bào máu có thể cho ra kết quả tăng bạch cầu ái toan, là dấu hiệu bệnh giun móc có thể xuất hiện vài tuần trước khi trứng có trong phân.
Cách điều trị bệnh giun móc
Các loại thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị nhiễm giun móc là mebendazole và albendazole. Tỷ lệ chữa bệnh giun móc và giảm trứng vượt trội khi người bệnh uống 3 liều mỗi ngày và sử dụng liên tiếp một trong hai loại thuốc này, tuy nhiên chúng không được áp dụng các chiến dịch điều trị hàng loạt. (5)
Ngoài ra mebendazole thích hợp cho các trường hợp ổn định không có biến chứng với chế độ điều trị 3 ngày, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 100mg. Người bệnh cũng có thể sử dụng pyrantel pamoate 11 mg/kg (tối đa 1g) uống hàng ngày trong ba ngày.
Hiệu quả của albendazole, mebendazole và pyrantel pamoate uống một liều đối với nhiễm giun móc lần lượt là 72%, 15% và 31%. Hiệu quả điều trị thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, phạm vi phân bố và nhóm tuổi. Cả mebendazole và albendazole thường an toàn và ít tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu, cảm giác khó chịu ở bụng.
Phụ nữ mang thai và cho con bú có nguy cơ thiếu máu do nhiễm giun móc cao hơn. Albendazole và mebendazole đều thuộc loại C khi mang thai theo hệ thống FDA. Trong khi albendazole cần thận trọng khi cho con bú, WHO cho phép phụ nữ đang cho con bú sử dụng mebendazole.
Việc điều trị có thể thất bại xảy ra khi người bệnh sử dụng lặp đi lặp lại cùng một loại thuốc sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc. Phương pháp điều trị thay thế cho trường hợp này sẽ là Pyrantel pamoate và levamisole, tuy nhiên chúng sẽ không có công hiệu tương đương với albendazole.
Phối hợp tẩy giun và bổ sung sắt sẽ có nhiều tác dụng điều trị đối với người bệnh thiếu máu, đặc biệt là trường hợp suy dinh dưỡng. Ở những bệnh nhân bị thiếu máu nặng thì việc truyền máu có thể là điều cần thiết. Nếu người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biến chứng do bệnh giun móc gây ra sẽ được bác sĩ chỉ định theo dõi phản ứng thường xuyên và sử dụng các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Biện pháp phòng ngừa nhiễm giun móc
Một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp phòng tránh nhiễm giun móc bao gồm:
- Mang giày, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ nhiễm bẩn cao.
- Sử dụng vật trung gian để ngăn da tiếp xúc trực tiếp với đất khi ngồi trên mặt đất.
- Tránh tiêu thụ đất hoặc thực phẩm chưa rửa có thể bị nhiễm giun móc.
- Không đại tiện ngoài trời hoặc đi vào đất.
- Không sử dụng phân bón làm từ phân người.
- Che chắn hộp cát cho trẻ chơi sao cho sạch sẽ.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn như đeo găng tay và giày khi làm vườn.
- Trị giun móc cho thú cưng như chó, mèo.
- Cẩn thận khi đi du lịch đến các địa điểm du lịch nơi phổ biến.
Bệnh giun móc nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được chú trọng đầu tư về máy móc hiện đại lẫn đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tự hào trở thành một trong những nơi hội đủ chất lượng và tiêu chí phục vụ người bệnh đến xét nghiệm các bệnh do giun thường gặp, để các bác sĩ có thể thăm khám và lên phác đồ điều trị kịp thời cho từng người.
Nhiễm bệnh giun móc là căn bệnh không còn xa lạ ở các nước có khí hậu nóng ẩm, đặc biệt là các nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Nếu nghi ngờ bị nhiễm giun móc, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để điều trị hiệu quả.