Thị xã Gò Công ở trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang, là đô thị đứng thứ 2 của tỉnh (sau thành phố Mỹ Tho). Phía Đông giáp huyện Gò Công Đông, phía Tây giáp huyện Gò Công Tây, phía Bắc giáp tỉnh Long An, phía Nam giáp huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông. Diện tích tự nhiên 101,98 km2. Dân số 96.352 người (năm 2013). Trong đó:
. Nam 47.102 người.
. Nữ 49.250 người.
. Mật độ dân số 945 người/km2.
. Phân bố địa bàn cư trú:
. Khu vực nội thị: 29.058 người.
. Nông thôn: 67.294 người.
Thị xã Gò Công được chia thành 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường (1, 2, 3, 4 và 5) và 7 xã (Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận, Tân Trung, Bình Đông và Bình Xuân).
Thị xã Gò Công có đường Quốc lộ 50 đi qua, nối với thành phố Hồ Chí Minh cách 60 km về phía Bắc, nối với thành phố Mỹ Tho cách 35 km về phía Tây. và có các đường tỉnh lộ đi về các thị trấn ven biển cách 15 km về phía Đông. Rạch Gò Công bắt nhánh từ sông Vàm Cỏ, bao quanh phía Bắc thị xã và chảy qua nội thị theo hướng Bắc – Nam nối với các kênh rạch khác đi ra sông Tiền. Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuỷ bộ thuận tiện, thị xã Gò Công ngày càng phát huy vị trí đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
Địa bàn thị xã cũng trải qua nhiều thay đổi về địa lý hành chính. Tại trung tâm thị xã ngày nay, trước kia là hai làng Bình Thuận Đông và Bình Thuận Tây. Năm 1836, đổi tên là làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi, thuộc tổng Hòa Lạc. Thời Pháp thuộc, hai làng Thuận Tắc là Thuận Ngãi nhập lại gọi là làng Thành Phố.
Năm 1840, dưới triều vua Minh Mạng vùng đất này là huyện lỵ của huyện Tân Hoà, thuộc phủ Hoà Thạnh, tỉnh Gia Định; năm 1852 lại nhập vào phủ Tân An vẫn thuộc tỉnh Gia Định. Sau hiệp ước Nhâm Tuất 1862, thực dân Pháp vẫn giữ Gò Công là huyện lỵ của huyện Tân Hoà. Từ năm 1867 là Châu thành, Gò Công của khu Tham biện Tân Hoà thuộc tỉnh Sài Gòn. Từ năm 1924, tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công đặt tại làng Thành Phố. Khi Pháp tái chiếm Gò Công (10/1954), đây vẫn là tỉnh lỵ. Sau hiệp định Genève, từ 1958 đến 1963 là quận lỵ của quận Gò Công thuộc tỉnh Định Tường. Từ năm 1964 đến 30-4-1975 là tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng vẫn đặt thị xã Gò Công là tỉnh tỵ của tỉnh Gò Công. Sau ngày 30-4-1975, thị xã Gò Công được tổ chức đầy đủ các cơ quan hành chính, tổ chức và đoàn thể cách mạng. Từ năm 1976, khi Gò công và Mỹ Tho hợp nhất thành tỉnh Tiền Giang, Gò Công là thị trấn của huyện Gò Công, tiếp theo là thị trấn của huyện Gò Công Đông.
Ngày 16/2/1987, theo quyết định số 37/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, Gò Công vẫn là một tỉnh lỵ nhỏ, nhiều nét cổ xưa, đường phố hẹp, ngắn, những dãy phố với mái ngói âm dương, những tiệm buôn bán có biển hiệu chữ Hoa, chữ Việt liền kề, bến xe ngựa, bến xe ca, bến xe tải, bến đò còn vắng khách, nhà lồng chợ thoáng đãng, buổi tối đường phố vẫn còn thắp đèn dầu. Năm 1936, xây dựng nhà máy nước, năm 1937 mới xây dựng nhà máy điện công suất nhỏ. Một vài cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ như xay xát lúa gạo, sửa chữa xe nhỏ. Chợ Gò Công thành lập năm 1917, chủ yếu buôn bán lúa gạo và các sản vật địa phương.
Trên mảnh đất này đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử. Năm 1861-1862 những đội quân chống Pháp của ba tỉnh miền Đông về tụ nghĩa dưới ngọn cờ của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định. Tháng 3-1963, nghĩa quân Trương Định đã anh dũng chống lại cuộc tấn công qui mô của liên quân Pháp – Tây Ban Nha. Tháng 8-1964, mảnh đất này là nơi an nghỉ cuối cùng của người anh hùng dân tộc Trương Định. Người dân địa phương còn ghi nhận công lao của bà Trần Thị Sanh, người vợ thứ của Trương Định, là một người giàu tinh thần yêu nước, bà từng là nguồn hậu cần lớn của cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Trương Định.
Những năm đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã từng đến Gò Công khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân sĩ trí thức ở đây. Nhân sĩ Huỳnh Đình Điển cùng một số người quê Gò Công đã tích cực tham gia phong trào Minh Tân. Ông là người ủng hộ Phan Chu Trinh trên nhiều lĩnh vực. Năm 1927, đây cũng là nơi tỉnh hội Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội tỉnh Gò Công lập trụ sở, mở cơ sở kinh tế và hoạt động. Năm 1930, tại đây đã xuất hiện cờ đỏ, truyền đơn báo hiệu Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Tháng 8-1945, nơi đây chứng kiến cuộc mít tinh chào mừng Cách mạng thành công và sự ra mắt của Chính quyền Cách mạng tỉnh Gò Công. Tháng 8-1954, tại đây đã diễn ra cuộc mít tinh chào mừng Hiệp định Genève của hơn 20.000 nhân dân Gò Công tạo nên tiếng vang lớn trong vùng. Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng vũ trang cách mạng đã tiến công vào trung tâm tỉnh lỵ đánh dấu một mốc son trong lịch sử đấu tranh của quân dân Gò Công.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thị xã Gò Công đẩy mạnh công việc phục hồi sau chiến tranh, chuyển dần những cơ sở dịch vụ hậu cần của quân đội ngụy trước đây sang những tổ sản xuất nông nghiệp, tổ sản xuất thủ công nghiệp, phục vụ đời sống. Cùng với sự phục hồi chung của đất nước, đời sống kinh tế – xã hội của thị xã cũng từng bước đi vào ổn định.
Từ năm 1987, thị xã Gò Công đã được xác định cơ cấu kinh tế “thương mại – dịch vụ – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – nông nghiệp”. Việc chỉnh trang đô thị đã tạo nên những nét đổi mới ở nội thị, hoạt động thương mại, dịch vụ được thuận lợi hơn. Các ngành công nghiệp được chú trọng, ngành điện tập trung ưu tiên cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt. Các hợp tác xã thủ công nghiệp được khuyến khích, đã thu hút hàng trăm lao động. Sản xuất nông nghiệp đã phát huy hiệu quả chương trình “Ngọt hoá Gò Công”, đưa đời sống kinh tế ở nông thôn ngày càng được cải thiện. Đến cuối năm 2000, kinh tế thị xã luôn ở mức tăng trưởng khá và ổn định, tạo tiền đề cho việc chuyển dịch theo hướng công nghiệp, hoá hiện đại hoá.
Địa bàn thị xã Gò Công vốn là trung tâm văn hoá của vùng Gò Công. Nơi đây có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao trong các kỳ thi xưa rồi làm quan dưới các triều vua nhà Nguyễn. Ông Phạm Đăng Hưng đã từng làm quan Thượng thư dưới 3 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Con gái ông là bà Phạm Thị Hằng là vợ vua Thiệu Trị, là mẹ vua Tự Đức tức Thái hậu Từ Dũ nổi tiếng trong lịch sử. Đây cũng là quê hương của nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhà văn Sơn Vương… Trong những năm 1925-1930, tại đây đã có Nhà xuất bản Nữ lưu thơ quán của Phan Thị Bạch Vân nổi tiếng toàn quốc, tập hợp nhiều cây bút tiến bộ đương thời cổ động cho nữ giới mở mang học vấn và bảo vệ luân lý đạo đức. Đây cũng là quê hương của nữ thi sĩ Lê Thị Kim (nữ sĩ Manh Manh), của bà Cao Thị Khanh, chủ bút tờ Phụ nữ tân văn… Những sản phẩm độc đáo của vùng Gò Công như: điệu lý con sáo Gò Công, tủ thờ Gò Công hiện vẫn còn được lưu giữ. Ngoài ra, Gò Công còn có những di tích quan trọng như Lăng Hoàng Gia, đền thờ anh hùng Trương Định, đình Trung, miếu thờ Võ Tánh…
Định hướng phát triển tới năm 2015 là đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, ổn định, tăng trưởng nhanh và bền vững theo cơ cấu kinh tế “Thương mại – dịch vụ – du lịch, công nghiệp và nông nghiệp”, xây dựng thị xã Gò Công thành một trung tâm thương mại – dịch vụ và phát triển công nghiệp chế biến, trung tâm văn hoá, giáo dục – đào tạo vùng phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật công trình; hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nội, ngoại thị, giao thông đối ngoại; hoàn chỉnh mạng lưới điện, thông tin liên lạc cấp thoát nước… đảm bảo cho thị xã Gò Công phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, văn minh tiến bộ vì mục tiêu “Dân giàu , nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng , văn minh”; phấn đấu đạt tiêu chí thị xã văn minh đô thị vào năm 2015.