Và ca khúc của Nhật Lai: Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa…
Hà Đông là vùng đất địa linh nhân kiệt trải từ sông Đáy đến sông Nhuệ. Xưa, làng Cầu Đơ thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa nổi tiếng với cây cầu Đơ sơn trắng toát, mái ngói đỏ tươi bắc qua dòng sông Nhuệ xanh trong. Năm 1831 vua Minh Mạng chọn vùng đất bao bọc bởi sông Đáy, sông Tô Lịch và sông Hồng để lập ra tỉnh Hà Nội, lấy thành Thăng Long làm tỉnh lỵ.
Năm 1884 Pháp lập ra thành phố Hà Nội, gồm thành Thăng Long và các phố cổ bao quanh, đến năm 1888 chiếm luôn làm nhượng địa. Năm 1896 vua Thành Thái gom phần đất phía tây nam thành phố Hà Nội lập ra tỉnh Cầu Đơ, tỉnh lỵ đóng tại làng Cầu Đơ. Năm 1902 Pháp lấy thêm những vùng đất cao ráo xung quanh thành phố Hà Nội, lập ra tỉnh Hà Nội mới. Năm 1904 Toàn quyền Đông Dương Pôn Đu-me (Paul Doumer) chủ trương thay các địa danh quê kệch bằng những cái tên văn vẻ mỹ miều. Có vài đề xuất đưa lên, và đề xuất của Đốc học Cầu Đơ là Vũ Phạm Hàm được chọn. Từ đó tỉnh Cầu Đơ mang tên Hà Đông, tỉnh lỵ vẫn chỗ cũ nhưng đổi là thị xã Hà Đông.
Ở phía tây nam Hà Nội, sao chọn tên Hà Đông? Bởi Vũ Phạm Hàm muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của vùng đất Cầu Đơ đối với thủ phủ của Đông Dương, bèn dẫn một câu trong sách của Mạnh Tử: “Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội”, nghĩa là: Hà Nội gặp chuyện bất ổn thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội”.
Không chịu nằm một chỗ, Hà Đông vươn đến tận Đà Lạt. Thật vậy, hiện nay tại phường 8 của thành phố ngàn hoa có Làng hoa Hà Đông. Đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi thấy tất thảy nam phụ lão ấu nói rặt giọng Hà Nội. Làng hoa đầu tiên của Đà Lạt đấy!
Chuyện rằng, đầu thế kỉ 20 Pháp quy hoạch Đà Lạt thành nơi nghỉ mát. Thấy nơi đây khí hậu ôn đới và thổ nhưỡng tuyệt vời, Quản đạo Đà Lạt là Trần Văn Lý đề xuất với Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội Trung ương Bắc Kỳ, cho dân làng nghề hoa và rau vào Đà Lạt lập nghiệp. Hoàng Trọng Phu giao cho Trần Văn Lý cùng Thương tá Canh nông tỉnh Hà Đông là Lê Văn Định tuyển người ở các làng Nghi Tàm, Ngọc Hà, Tây Tựu, Xuân Tảo, Vạn Phúc. Những làng này khi đó thuộc tỉnh Hà Đông. Giữa năm 1938 nhóm đầu tiên 33 người mang theo nhiều hạt giống quí hiếm, đặt chân đến Đà Lạt. Thấy làm ăn tốt, họ kéo gia đình bà con vào khai hoang lập ấp. Cuối năm đó, ấp Hà Đông đã thành danh xưng trong giao dịch ở Đà Lạt.
Sơn Tây có nghĩa là núi ở phía tây, bởi núi Ba Vì, Tản Viên ở phía tây kinh thành Thăng Long. Năm 1469 nhà Lê thành lập ra Sơn Tây thừa tuyên, gọi tắt là trấn Sơn Tây. Dân gian quen gọi là xứ Đoài, ví như trong thơ Quang Dũng:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương.
Tuy thế, danh xưng xứ Đông không phải của Hà Đông mà là trấn Hải Đông ở phía đông Thăng Long, nay thuộc tỉnh Hải Dương và một phần Hải Phòng, Quảng Ninh.
Ban đầu, trấn sở Sơn Tây đóng ở xã La Phẩm, sau dời về xã Đường Lâm. Năm 1832 vua Minh Mạng lập ra tỉnh Sơn Tây, dời tỉnh lỵ đến xã Thuần Nghệ. Năm 1884 Pháp lập ra tỉnh Sơn Tây mới, là vùng đất được bao quanh bởi sông Đà, sông Hồng và sông Đáy, tỉnh lỵ là thị xã Sơn Tây bên hữu ngạn sông Hồng.
Năm 1975 Hà Tây sáp nhập với Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, tỉnh lỵ vẫn là thị xã Hà Đông. Năm 1991 Hà Sơn Bình tách ra như trước 1975, tỉnh lỵ cứ là thị xã Hà Đông. Cuối năm 2006, hai thị xã Hà Đông, Sơn Tây được nâng cấp lên thành phố.
Ngày 1-8-2008 toàn bộ tỉnh Hà Tây tan biến vào thủ đô Hà Nội, thành phố Sơn Tây bị giáng xuống thị xã, thành phố Hà Đông biến thành quận Hà Đông. Từ đây địa danh Hà Tây không còn nữa.