Từ bao đời nay, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, nhất là dân tộc Thái, Tày… Người dân nơi đây ưu ái mệnh danh hoa ban là vua của các loài hoa, là một trong những sản vật của núi rừng Tây Bắc những ngày tháng ba này. Hoa ban chính là loài hoa biểu tượng cho núi rừng Tây Bắc và tượng trưng cho tình yêu lứa đôi.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
hoa Ban Tây Bắc. – Ảnh: Thúy Ngoạn/VOV-Tây Bắc
Theo tiếng dân tộc Thái thì hoa ban có ý nghĩa là hoa ngọt. Cây hoa ban có chiều cao từ 2 – 6 m, thân sần sùi, màu xám, nhiều cành, nhiều nhánh dài. Hoa ban có mùi thơm, dễ chịu, nở rộ vào mỗi mùa xuân.
Vào tháng 3 hàng năm, hoa ban phủ kín khắp núi rừng Tây Bắc, tạo nên một cảnh sắc thơ mộng, lãng mạn. Du khách đến với Tây Bắc có thể dễ dàng bắt gặp những cành hoa ban khoe sắc ở khắp mọi. Những chùm hoa ban trắng xòe cánh tinh khôi hay hồng tím nhẹ nhàng khoe vẻ đẹp thanh tao, thơ mộng cùng mùi hương thơm quyến rũ ngây ngất. Hoa ban có năm cánh xòe thành hình quạt, với nhiều sắc màu như tím, trắng, đỏ, nhưng phổ biến nhất vẫn là màu trắng. Màu trắng hoa ban thường được những thi sĩ ví von như vẻ đẹp tinh khôi trong sáng của những thiếu nữ nơi miền sơn cước. Cảm nhận về giá trị của loài hoa này, bà Nguyễn Thị Lan, người dân ở thành phố Lai Châu, chia sẻ: “Tôi sống ở Tây Bắc hơn 40 năm từ lúc còn trẻ. Ngày trước, hoa chỉ mọc ở các dãy núi, những năm gần đây hoa ban đã được trồng ở dọc đường tuyến phố rất đẹp. Đến mùa ban nở, ở các vùng tổ chức lễ hội hoa ban rất vui, rất bổ ích. Nhiều món ăn cũng được chế biến từ hoa ban.”
Trong cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc, tồn tại ba truyện kể về sự tích hoa Ban, đó là các truyện Pi Khum-Noọng Ban, truyện Cầm Đôi-Hiến Hom và truyện Bun Trai-Bun Nhinh (hay truyện hai Bun). Cách kể và tên nhân vật của các truyện tuy có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng hoa ban làm biểu tượng cho sự thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Bởi vậy hoa ban có màu trắng tinh khiết của cô gái và màu tím thủy chung của tình yêu lứa đôi. Hoa ban còn tượng trưng cho lòng hiếu thảo và biết ơn. Ông Điêu Chính Cẩm, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, kể: “Hoa ban là nét riêng của Tây Bắc. Từ xa xưa cũng có rất nhiều truyền thuyết kể về hoa ban như chuyện chàng Khum – Nàng Ban và nhiều chuyện khác nữa. Nói chung lại hoa là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái Tây Bắc.”
Hoa Ban trên các tuyến phố. – Ảnh: Thúy Ngoạn/VOV-Tây Bắc
Đối với đồng bào người Thái, cây ban có rất nhiều công dụng. Vỏ cây ban dùng nhuộm vải chàm giữ được màu bền đẹp; hoa và lá ban sao vàng hạ thổ, là vị thuốc quý trị chứng ho khan hoặc viêm họng; quả cây ban bóc lấy hạt luộc hoặc nấu cũng rất ngon; búp ban non cũng là món ăn quen thuộc của người Thái. Bà con còn chế biến hoa ban thành rất nhiều món: hoa ban nộm với mầm giềng, măng ngọt hoặc rau rừng hay hoa ban xào tỏi, hoa ban nấu canh chân giò, hoa ban đồ chấm chẳm chéo nước măng chua… Hoa ban kết hợp với mùi thơm của tỏi, giềng, vị cay của ớt, mák khén hay vị chua của nước chấm, tất cả đã tạo thành món ăn đặc trưng được lưu truyền từ bao đời nay mà chỉ có ở người Thái Tây Bắc. Trong mâm cơm hàng ngày của gia đình người Thái hay bữa tiệc đón khách phương xa, món đặc sản hoa ban đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã một lần được thưởng thức. Ông Lý Hiến Hoa, người Việt từng sống ở nước ngoài, cảm nhận: “Hoa ban lúc đầu tôi cứ tưởng là để ngắm cảnh thôi. Nhưng không ngờ hoa ban lại là món ăn đặc sắc của dân tộc Thái nữa. Món ăn từ hoa ban rất ngon, rất đậm đà.”
Mùa hoa ban nở cũng hàng năm là dịp đồng bào dân tộc Thái mở các lễ hội như: xên bản, xên mường, Nàng Han, Then Kin Pang hay lễ hội Hoa Ban. Bà con dùng hoa ban để trang trí làm đẹp và chế biến các món ẩm thực, dâng lễ cầu mùa, cầu phúc và gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Đây là cơ hội tuyệt vời để du khách tìm hiểu về hoa ban, cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc./.