Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại làng Quỳnh. Ảnh: Nhật Thanh
Mảnh đất ấy có gì đặc biệt mà sinh ra nhiều danh nhân đến thế, đặc biệt là người phụ nữ vô cùng độc đáo Hồ Xuân Hương? Câu hỏi ấy luôn theo đuổi trong tâm trí tôi cùng với những lời giảng của PGS.TS Trương Xuân Tiếu, thầy giáo dạy chuyên đề thơ Hồ Xuân Hương trong môn Văn học Việt Nam thời Trung đại khi tôi còn trong trường đại học: Trong nền văn học Việt Nam, có hai tác giả được bạn đọc Phương Tây yêu thích là Hồ Xuân Hương và Vũ Trọng Phụng.
Thầy lý giải, sở dĩ thơ Hồ Xuân Hương được bạn đọc nước ngoài yêu thích bởi tính đa nghĩa của nó. Người Việt hiểu thơ Hồ Xuân Hương qua tiếng Việt đã khó, để người nước ngoài hiểu được càng khó hơn. Mặt khác, việc dịch thơ Hồ Xuân Hương cũng là một thử thách đối với các dịch giả, phải hiểu tiếng Việt, văn hóa Việt lắm người dịch mới truyền tải được phần nào linh hồn thơ Bà Chúa thơ Nôm. Có lẽ vậy mà thơ bà luôn bí ẩn đối với các độc giả nước ngoài. Trong thi đàn văn học Trung đại của Việt Nam, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng lạ và còn nhiều ẩn số. Nhưng có một điều chắc chắn rằng bà là một hiện tượng văn học hiếm gặp cùng tài năng, bản lĩnh của bà.
Làng khoa bảng
Quang cảnh làng Quỳnh. Ảnh: Nhật Thanh
Chính vì vậy, năm 2015 được đi cùng đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An về thăm làng Quỳnh Đôi, tôi đã vô cùng háo hức. Và ấn tượng đầu tiên của tôi về làng chính là… cổng làng. Cổng làng Quỳnh uy nghi bề thế, vừa mang nét truyền thống vừa hiện đại. Được biết chi phí xây dựng cổng làng do con em làng Quỳnh Đôi khắp nơi trên cả nước đóng góp.
Một loạt các di tích lần lượt hiện ra ngay khi bước qua cổng làng Quỳnh. Ngay bên trái cổng làng là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia – mộ và nhà thờ Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích. Hồ Phi Tích (1665 -1754), đậu Hoàng Giáp khoa Canh Thìn (1700), làm quan đến Thượng thư bộ Binh, bộ Hình, tước Quỳnh quận công. Hồ Phi Tích là danh nhân lịch sử tiêu biểu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông là vị quan thanh liêm, đức độ, tài cao, giỏi chính sự, sống hết lòng vì dân, vì nước, nhất là đối với quê hương Quỳnh Đôi.
Kế bên nhà thờ cụ Hồ Phi Tích là bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương – Bà Chúa thơ Nôm. Tiếp đến là mộ nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, tượng đài anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan. Họ là những người con làng Quỳnh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà thờ họ Hồ được xây dựng trên khuôn viên khá rộng, bên cạnh cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Ở đây có những tấm bia lưu danh những danh nhân lịch sử, văn hóa là con cháu có gốc họ Hồ như: Vua Hồ Quý Ly; Hoàng đế Quang Trung (Hồ Thơm); Tam giáp tiến sĩ Hồ Sĩ Dương làm quan bốn triều Vua Lê; Nhị giáp Tiến sĩ Hồ Phi Tích làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư; Tham tụng (Tể tướng) Hồ Sĩ Đống; Phó bảng Hồ Bá Ôn… Trong khuôn viên nhà thờ họ Hồ còn có tượng Hồ Xuân Hương cùng hai tấm bia khắc hai bài thơ Nôm “Bánh trôi nước” và “Đề đền Sầm Nghi Đống” độc đáo của nữ sĩ. Đây chỉ là một số trong hàng chục di tích ở Quỳnh Đôi, với 8 di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia, nhưng bấy nhiêu cũng đủ nói lên tầm vóc của một ngôi làng địa linh nhân kiệt!
Tổ chức giao lưu thơ, nhạc Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương tại làng Quỳnh. Ảnh: Nhật Thanh
Anh cán bộ văn hóa xã bữa ấy dẫn chúng tôi vào trong dâng hương viếng các cụ, vừa giới thiệu cho các văn nghệ sĩ những nét chính về truyền thống khoa bảng làng mình. Theo sử làng thì làng Quỳnh Đôi được hình thành từ năm thứ II Xương Phù (1378). Thời ấy, cụ Hồ Kha giao cho con trai trưởng là Hồ Hồng cùng với các ông Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh cùng nhau đến đây khai cơ, lập làng. Lúc đầu làng có tên là “Thổ Đôi Trang”, đến năm 1528, cụ Hồ Nhân Hy (đời Mạc) đổi tên thành làng Quỳnh Đôi nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Và theo anh cán bộ văn hóa, làng Quỳnh có “những con số khá rắc rối nhưng chắc rằng con em làng Quỳnh Đôi ai cũng nhớ nằm lòng: từ năm 1378 đến 1918 khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng Quỳnh Đôi có 734 người đỗ tú tài và cử nhân, 4 Phó bảng, 7 Tiến sỹ, 2 Hoàng Giáp và 1 Thám hoa”. Quả không hổ danh là làng khoa bảng, trên cả nước không nhiều làng có những con số đáng ngưỡng mộ như vậy.
Niềm tự hào của mỗi người con quê hương
Nhà thơ Dương Huy – người con của làng Quỳnh Đôi rất tự hào với vẻ đẹp phong thủy của làng. Ông cho rằng sự khoáng đạt của quê mình giữa thiên nhiên giúp cho long mạch làng trường thịnh. Ông nói rằng, người quê ông ai cũng nhắc nhớ đến câu “Bắc Hà: Hành Thiện; Hoan Diễn: Quỳnh Đôi” để nói đến hai ngôi làng nổi tiếng nhất nước về sự học hành và đậu đạt với niềm tự hào sâu sắc và cũng là để bảo ban nhau nhớ giữ lấy nếp làng.
Nhà văn Phan Thị Thanh Bình – Chánh Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, là con của nhà thơ Dương Huy khi nghe tôi kể chuyện mình mong mỏi đến làng Quỳnh vì đọc thơ Hồ Xuân Hương đã chia sẻ: “Chắn chắn rồi, Bà Chúa thơ Nôm sẽ là cầu nối cho mọi người tìm đến yêu mến bà và thêm yêu quê hương làng Quỳnh quê tôi”! Nhà thơ Hồ Phi Phục là một đại trí thức, cũng là một người con làng Quỳnh từng chia sẻ với tôi rằng, bác rất tự hào về làng mặc dù bác chỉ sống ở làng khi còn nhỏ 10 năm và mấy năm trở lại đây khi bác về quê an dưỡng tuổi già. Nói về làng, bác Hồ Phi Phục rất tâm đắc với câu nói của học giả Phan Ngọc, đó là đi đâu cũng thấy quê hương là chốn đẹp nhất. Bác cho biết đã viết rất nhiều về các nhân vật của làng từ những danh nhân cho đến người dân bình thường, trong đó có thể kể đến một số nhân vật như: Hồ Xuân Hương, Hồ Sĩ Giàng, Hoàng Trung Thông, Hồ Đức Việt, Hoàng Văn Lân, linh mục Hồ Sĩ Thuyên, cố Oanh… Trong thời gian tới, bác sẽ tiếp tục viết thêm về con người, về phong cảnh, di tích làng Quỳnh.
Bác còn cho biết thêm, làng Quỳnh Đôi là một làng đa diện nhưng nổi bật nhất vẫn là làng học và làng có nhiều đóng góp cho việc bảo vệ Tổ quốc. Danh xưng “Làng văn hóa, xã anh hùng” mà làng được phong tặng là rất xứng đáng. Danh hiệu này đã được Tiến sĩ Hồ Đức Phớc khái quát trong bài tựa cho cuốn sách “Rạng danh người Quỳnh Đôi” rằng, làng Quỳnh là một tấm thảm đẹp và bền vững về truyền thống lẫn tương lai. Nó được dệt nên bởi sợi ngang là các cá nhân, các gia đình và sợi dọc là các dòng họ, mà những nguyên liệu này cực kỳ quý giá.
Một tiết mục trong buổi giao lưu thơ, nhạc Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương tại làng Quỳnh. Ảnh: Nhật Thanh
Tiếp nối truyền thống cha ông, ngày nay con cháu làng Quỳnh vẫn không ngừng học tập, phấn đấu để xây dựng và làm rạng danh quê nhà. Điều đáng quý là ở làng vẫn duy trì những hoạt động nhằm giáo dục truyền thống quê hương như lễ khai bút đầu Xuân vào sáng ngày mùng 2 Tết hàng năm tại đình làng xã Quỳnh Đôi với sự tham gia của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, học sinh ở làng Quỳnh thường được tham gia nhiều hoạt động khác như tham quan các di tích và thi tìm hiểu về các di tích, danh nhân, các dòng họ ở làng Quỳnh… để các em hiểu rõ hơn về tiền nhân và truyền thống quê hương.
Cũng lại một ấn tượng nữa về đất Quỳnh, ấy là… nghĩa trang. Khu vực nghĩa trang rất rộng, đây là nơi quy tụ của bao thế hệ người làng Quỳnh hoặc sau bao phiêu bạt thăng trầm, hoặc sau nỗi đời cơ cực, hoặc sau vinh hoa phú quý đều về với tiên tổ. Mỗi dòng họ một khu vực riêng, những ngôi mộ nhỏ bé, giản dị, dù là quan chức cấp cao hay dân thường, là người giàu sang hay bần hàn đều bình đẳng như nhau. Các ngôi mộ được sắp xếp theo thứ bậc trong dòng họ, không ai vì có điều kiện kinh tế hay địa vị xã hội mà tách ra xây thật nguy nga, bề thế.
Tôi nhớ mãi, trong giờ phút chia tay làng Quỳnh, nhà thơ, nhà Toán học Lê Quốc Hán xúc động khi đứng bên bia đá nhà thờ họ Hồ, ông mân mê từng cái tên như suy ngẫm về một điều gì đó xa xăm. Ông nói, xã hội thịnh suy, các triều đại hưng phế nhưng làng Quỳnh Đôi nói chung, họ Hồ nói riêng luôn sản sinh ra những con người tuấn kiệt, những bậc vĩ nhân làm rạng danh quê hương và non sông đất nước!