Trụ sở UBND huyện Hoài Đức
Địa danh Hoài Đức đã xuấ hiện từ lâu. Theo sách “Việt sử thông giám cương mục” thì tên gọi Hoài Đức có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện: Giao Chỉ và Hoài Đức. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi và địa giới của Hoài Đức biến đổi nhiều lần.
Đến tháng 11/1953, huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng được tách bởi huyện Liên Bắc. Hoài Đức bao gồm 10 xã: Kim Chung, Thọ Nam, An Thượng, Sơn Trang, Hữu Hưng, Dương Cát, Đại La, Phương Sơn, Vân Côn, Mã Tân.
Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất (1956), Hoài Đức có thêm 2 xã mới sáp nhập về là xã Cương Kiên và xã Văn Khê. Đồng thời để phù hợp với những quy định mới về quản lý đơn vị hành chính, một số xã được tách ra, thay đổi lại. Lúc này Hoài Đức có 25 xã.
Ngày 20/4/1961: Kỳ họp khóa II, kỳ 2, Quốc hội đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ nhất, một số xã của huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Đông) được sáp nhập vào Hà Nội.
Năm 1965, huyện Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Tây mới được thành lập do hợp nhất 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây.
Từ ngày 27/12/1975, Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Sơn Bình hình thành do sáp nhập 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.
Ngày 29/12/1978: Quốc hội khóa IV, kỳ họp thứ 4 đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ 2, Hoài Đức cùng với các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình và 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú được sáp nhập vào Hà Nội đồng thời tiếp nhận 4 xã Tân Phú, Đại Thành, Cộng Hòa, Tân Hòa của huyện Quốc Oai.
Tháng 8/1991: tỉnh Hà Tây được tái lập, tách từ tỉnh Hà Sơn bình. Tại kỳ hợp thứ 9 quốc hội khóa VIII ngày 12/8/1991, ranh giới thành phố Hà Nội được điều chỉnh, Hoài Đức cùng với 4 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây được trao trả cho tỉnh Hà Tây.
Năm 1994, chuyển giao các xã Phụng Châu, Tiên Phương cho huyện Chương Mỹ và các xã Tân Phú, Đại Thành, Cộng Hòa, Tân Hòa cho huyện Quốc Oai. Đồng thời, thị trấn Trạm Trôi được thành lập và trở thành huyện lị của huyện.
Năm 2003, chuyển xã Yên Nghĩa vào thị xã Hà Đông.
Năm 2006, chuyển xã Dương Nội vào thành phố Hà Đông mới được thành lập.
Từ 1/8/2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, huyện Hoài Đức được sáp nhập vào Hà Nội.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính; song Hoài Đức vẫn được nhắc đến như một vùng đất giàu truyền thống văn hiến, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đến nay cơ cấu hành chính của huyện gồm 1 thị trấn Trạm Trôi và 19 xã: Kim Chung, Đức Giang, Đức Thượng, Yên Sở, Lại Yên, Sơn Đồng, Minh Khai, An Khánh, An Thượng, La Phù, Đông La, Vân Côn, Vân Canh, , Song Phương, Cát Quế, Di Trạch, Dương Liễu, Tiền Yên, Đắc Sở với diện tích 82,67 km2, dân số 198.424 người với tổng số 48.776 hộ, 132 thôn và tương đương thôn. Huyện có 54 làng cổ truyền thống, 12 làng nghề truyền thống và nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có 81 di tích đã được Nhà nước ra Quyết định xếp hạng cấp Quốc gia và cấp Thành phố.
Hoài Đức năm trong một miền đất cổ, có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, là một trong những địa bàn sinh tụ chính của cư dân Văn Lang thời dựng nước đặc biệt trong huyện có hàng loạt các di tích đều thờ Lý Bí và Lý Phục Man, người có công xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập vào thế kỷ thứ VI như đình Giá Lưu Xá, đền Di Trạch, đình chùa Đại Tự (xã Kim Chung), quán Giá (xã Yên Sở).
Hoài Đức còn là đất sinh ra và nuoi dưỡng nhiều nhân tài, là niềm tự hào của quê hương, đất nước. “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót”.
Với vị trí địa lý:
– Phía Bắc giáp huyện Đan Phượng.
– Phía Tây giáp huyện Quốc Oai.
– Phía Nam giáp quận Hà Đông.
– Phía Đông giáp huyện Từ Liêm.
Hoài Đức trở thành một cửa ngõ quan trọng của thủ đô Hà Nội với nhiều tuyến giao thông quan trọng như Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, các trục tỉnh lộ 442 và nhiều dự án như đường vành đai 4 và các khu đô thị.
Trong những năm vừa qua, với những thuận lợi khó khăn đan xen tốc độ thay đổi nhanh theo quy hoạch kinh tế – xã hội của thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đưa huyện Hoài Đức trở thành đô thị, đất canh tác bị thu hồi, các khu đô thị mới được hình thành. Sự thay đổi này có những mặt thuận lợi song cũng có những mặt khó khăn và tác động trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội và tập quán của nhân dân.
Đứng trước những thách thức đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Hoài Đức ngày càng nỗ lực phấn đấu quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ Chính trị – Kinh tế – Văn hóa – Xã hội mà nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra.