Ngùn ngụt khí thế bảo vệ bờ cõi
Kể từ sau chiến tranh Đại Việt – Nguyên Mông lần thứ nhất (năm 1258), Đại Việt có hơn 20 năm để củng cố bộ máy cai trị và xây dựng đất nước. Đây là thời gian quý báu để nhà Trần củng cố lực lượng bảo vệ đất nước. Đế quốc Mông Cổ chưa nuốt nổi mối nhục thua trận và cũng chưa từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta.
Năm 1279, quân Nguyên Mông đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Quân Tống thua trận, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng Vua Tống nhảy xuống biển chết; hậu cung cùng quan lại, binh lính chết theo rất nhiều, theo sử sách ghi có đến mấy vạn người. Nhà Tống bị diệt vong. Ngọn lửa chiến tranh đang cận kề biên giới Đại Việt.
Năm 1281, Vua Trần Nhân Tông từ chối lệnh vào chầu của Vua Nguyên, cử chú họ là Trần Di Ái và Lê Mục, Lê Tuân đi sứ nhà Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái là lão hầu, Lê Mục là hàn lâm học sĩ, Lê Tuân là thượng thư; đồng thời sai Sài Xuân đem cả nghìn binh lính hộ tống nhóm này về Đại Việt. Động thái này của nhà Nguyên nhằm đe dọa Vua nhà Trần là nếu không nghe lời (đầu hàng) thì chúng sẽ lập vua và bộ máy cai trị Đại Việt mới.
Tháng 10/1282, nhà vua mở Hội nghị Bình Than nhằm họp tướng lĩnh, các nhà quý tộc, quan lại bàn kế giữ nước và phân công nhiệm vụ trấn giữ các khu vực trọng yếu. Trước đó, Vua phục chức Phó tướng cho Trần Khánh Dư, một tướng tài bị phạt đòn và giáng chức trước đó.
Tháng 7/1283, Thái tử Nguyên là A Đài và Bình chương A Lạp tập hợp 50 vạn quân ở xứ Hồ Quảng chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đại Việt. Đến tháng 10, Vua Trần Nhân Tông phong cho Trần Quốc Tuấn là Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân; đồng thời cho tập trận với cả quân thủy lẫn quân bộ.
Tháng 8/1284, Trần Quốc Tuấn điều động các vương hầu để đại duyệt binh ở bến Bình Đông, phân công nắm giữ các vị trí trọng yếu. Trong thời gian này, vị tổng chỉ huy quân đội nhà Trần viết Hịch tướng sĩ (Dụ chư tỳ tướng hịch văn) nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của các tướng lĩnh, những nhân vật trọng yếu trong chiến tranh. Lời hịch mạnh mẽ có tính khơi gợi, thúc giục và tính cảnh báo, răn đe trước họa mất nước: “Nay ta bảo rõ các ngươi: Nên phải lo cái nguy để mồi lửa dưới củi; nên tự răn cái sợ do canh nóng thổi dưa; dạy rèn binh sĩ, chăm tập cung tên, khiến ai ai cũng là Bàng Mông, người người đều là Hậu Nghệ, bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, băm thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai…” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 334).
Đến tháng 12/1284, nhà Trần nắm được tin báo về từ nước Nguyên: Vua Nguyên sai Thái tử là Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình chương là A Lạt và bọn A Lý, Hải Nha mang quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành để xâm lược nước ta.
Chỉ sau khi nhận tin giặc đã khởi động chiến tranh, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở Hội nghị Diên Hồng, mời các vị bô lão trong nước họp, hỏi kế sách giữ nước và cho ý kiến về chủ trương chiến đấu hay hàng giặc. Tại Hội nghị, Thượng hoàng đích thân ban yến tiệc cũng như hỏi ý kiến các vị bô lão là nên đánh hay nên hòa.
Các vị bô lão tay lấm chân bùn, được triều đình mời vào hoàng cung để bàn quốc gia đại sự nên ai nấy đều phấn chấn tinh thần. Đại Việt Sử ký toàn thư chỉ nghi lại ngắn gọn: “Thượng hoàng cho gọi các bô lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, cho ăn và hỏi kế. Các bô lão đều nói là nên đánh, muôn người cùng lời như một”. Hội nghị gây được tiếng vang lớn các bô lão đã thay lời của nhân dân đồng lòng đứng lên chống trả ngoại xâm.
Tầm quan trọng của “lão quyền” và “dân quyền”
Trong cuộc chiến Đại Việt – Nguyên Mông lần thứ 2, trong Nguyên sử có ghi: Quân nhà Trần càng đánh càng đông. Đây là chi tiết chứng tỏ người dân nghe lời hiệu triệu của triều đình sẵn sàng tòng quân giết giặc. Bởi thế, trong ngày đầu kháng chiến ác liệt, Trần Nhân Tông mới có thơ tự hào và cũng là tự động viên mình, vùng động viên tướng sĩ: “Cối Kê cựu sự quân tu ký/Hoan Diễn do tồn thập vạn binh” (Cối Kê việc cũ người nên nhớ/Hoan Diễn hãy còn mười vạn quân).
Các bức vẽ ghi lại quang cảnh Hội nghị Diên Hồng.
Hội nghị Diên Hồng có tác dụng thăm dò cũng như xác định mức độ căm phẫn của nhân dân đối với kẻ thù. Từ đó có thể nhận ra được mức độ nhân dân ủng hộ chính quyền. Qua đó đo lường được nội lực, sức mạnh của quân và dân ta trước khi vạch ra chiến lược chiến tranh.
Bên cạnh đó, hội nghị còn thể hiện sự tôn trọng của triều đình đối với các bô lão qua động thái mời các trưởng lão đến tham dự yến hội. Điều này cũng khẳng định tầm quan trọng của “lão quyền” và “dân quyền” đối với Đại Việt cũng như xã hội Việt Nam sau này.
Không những thế, hội nghị Diên Hồng còn có tác dụng đoàn kết nhân dân cả nước. Củng cố và làm lớn mạnh mối quan hệ nhân dân – chính quyền. Cho thấy dù người dân có địa vị thấp nhưng tiếng nói và sức mạnh của họ vẫn được triều đình trọng dụng. Cũng như muốn bảo toàn được nước non bờ cõi nhà vua vẫn phải dựa vào sức dân của chính mình.
Hội nghị Diên Hồng cũng đảm bảo hoạt động chính quyền minh bạch sau này. Tạo niềm tin cũng như sự ủng hộ chính quyền cho người dân. Gây dựng sự chính danh cho chính quyền khi quyết định cuộc chiến.
Hội nghị tôn trọng bô lão, tầng lớp có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội thay thế chính quyền – làm người tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của bậc quân vương. Được các bô lão đả thông tư tưởng, quần chúng nhân dân tự nguyện cống hiến cho Nhà nước. Từ đây tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội. Vua nhà Trần khéo léo sử dụng sức mạnh của dân chủ và đoàn kết dân tộc từ thế kỷ 13.
Đây cũng là công cụ đắc lực trong việc nắm lòng dân, củng cố thêm sức mạnh cầm quyền của Vua nhà Trần. Hội nghị giống như hội nghị của nhân dân, nơi mà nhân dân được đóng góp ý kiến vào vận mệnh tương lai của mình. So với việc sống dưới chân thiên tử, tính mạng do vua quyết định thì để họ tự bảo vệ chính mình bằng con đường đứng lên kháng chiến sẽ khiến dân chúng phấn khởi hơn.
Thực tế, trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, thắng lợi vang dội của nhà Trần là thắng lợi của toàn quân, toàn dân. Đó là nhờ chính sách trọng dân, tinh thần dân chủ của nhà vua, của triều đình mà thể hiện đỉnh cao, rõ nhất là ở hội nghị Diên Hồng, nơi các bô lão nói riêng, người dân nói chung được bày tỏ ý kiến và thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của mình. Hội nghị giống như lời hiệu triệu của cả dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước và ý chí không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.