Hòn Vọng Phu, một biểu tượng của tình nghĩa thủy chung
“Bình Ðịnh có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh/ Em về Bình Ðịnh cùng anh/ Ðược ăn bí đó nấu canh nước dừa”. Câu ca dao nổi tiếng trên đã truyền tụng qua biết bao nhiêu đời. Hòn Vọng Phu không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp của thiên nhiên núi Bà ban tặng mà còn mang đậm bởi chất cổ tích. Qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn, độc giả sẽ hiểu thêm về địa danh với tên gọi đặc biệt này.
Ở vào phía Nam đầm Đạm Thủy, sừng sững một quần thể núi non mà từ bao đời nay được coi là danh sơn của Bình Định. Đó là núi Bà (chữ Hán: Bà sơn). Núi Bà mặt nhìn ra biển cả, lưng tựa vào dãy Trường Sơn bao la, một phong cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều chân núi choài ra biển tạo nên bao ghềnh đá, bãi biển đẹp. Theo Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 17, thì núi Bà được ghi lại rằng: “Núi Bà ở phía đông nam huyện Phù Cát, có tên nữa là núi Phô Chinh. Thế núi cao dốc hùng vĩ, đỉnh núi có phiến đá lớn, bằng phẳng như cái mâm, chân núi có khối đá đứng sừng sững, như hình người, dân địa phương lập đền thờ, đảo vũ thường linh nghiệm”.
“Bình Ðịnh có núi Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh/ Em về Bình Định cùng anh/ Được ăn bí đó nấu canh nước dừa”.
Khối đá sừng sững được nhắc đến ở núi Bà đó chính là hòn Vọng Phu (nay thuộc thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Hòn Vọng Phu là hai khối đá xanh một cao, một thấp trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào, giống hệt một người đàn bà tay dắt đứa con đang đứng ngóng nhìn ra khơi xa.
Hòn Vọng Phu là biểu tượng của lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng trong tâm thức dân gian. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 19, 20 còn ghi rõ về sự tích hòn Vọng Phu ở tỉnh Bình Định như sau: “Hòn Vọng Phu: ở phía đông nam huyện Phù Cát và phía Bắc núi Càn Dương, trên núi có khối đá giống hình người đàn bà ẵm con, tay bên trái dắt một đứa con nữa, lựng dựa núi cao, mặt nhìn biển Nam. Tương truyền xưa ở thôn Chính Uy (Oai) có người đàn bà sinh được một trai, một gái, đều còn bé. Một hôm trong nhà phơi thóc, gà hàng xóm đến ăn, người mẹ bảo con đuổi gà, đứa con trai lấy hòn đá ném gà, không ngờ ném lầm trúng vào đầu em gái, máu chảy lênh láng. Mẹ giận đuổi đi, đứa con trai sợ trốn biệt, hơn 20 năm sau mới trở về thì mẹ đã chết mà em gái cũng lưu lạc, tìm kiếm mãi không thấy.
Một mình không người thân, mới bèn ngụ làm ăn ở thôn ấy, sinh sống, rồi sau lấy vợ người thôn Chính Minh, sinh được một trai, một gái. Một hôm rỗi việc, vợ chồng ngồi bắt chấy cho nhau, chồng thấy đầu vợ có cái sẹo, bèn hỏi, vợ nói rõ mọi chuyện, chồng biết mình lấy lầm phải em, rất đỗi hổ thẹn, bèn đáp thuyền sang phương Nam mà không trở về. Vợ nhớ mong, mới bế hai con lên núi trông chồng, trong lòng bi thương nên hóa thành đá”.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 17 ghi chép về núi Bà – một địa danh nổi tiếng ở vùng đất Bình Định, trên đỉnh núi này có hòn Vọng Phu. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Chuyện về hòn núi mang tên “vọng Phu”, nghĩa là mong ngóng đợi chồng có khá nhiều nơi trên đất nước ta. Tuy nhiên, sự tích hòn Vọng Phu ở tỉnh Bình Định được ghi chép trong Mộc bản triều Nguyễn mang một màu sắc riêng, nó không giống với hòn Tô Thị ở Đồng Đăng, Lạng Sơn. Sự tích vợ ngóng chờ chồng của nàng Tô Thị ở Lạng Sơn (cũng như một số tích khác) là vì do chiến tranh, loạn lạc, khiến nàng phải bồng con ngóng đợi chồng về cho đến ngày hóa đá. Còn hòn Vọng Phu ở Bình Định, lại hóa thân của một phụ nữ gặp cảnh đời quá đỗi éo le.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hòn Vọng Phu ở tỉnh Bình Định vẫn tồn tại cùng với thời gian. Đến với hòn Vọng Phu, đứng trước thiên nhiên rộng lớn, du khách còn được chiêm nghiệm về tình người và những đạo nghĩa trong cuộc sống. Đó như một lời nhắc nhở và gửi gắm về sự cảm phục đức thủy chung, một phẩm hạnh có thực của người phụ nữ Việt Nam.
CAO THỊ QUANG