Top các mẫu kết bài Vợ chồng A Phủ siêu hay. Ở bài viết trước Butbi đã chia sẻ cho các bạn các mẫu mở bài Vợ chồng A Phủ. Trong bài viết này Butbi tiếp tục đem đến cho các bạn một số mẫu kết bài Vợ chồng A Phủ hay ngắn gọn, súc tích giúp các bạn nắm được cách viết cũng như tham khảo thêm các mẫu kết bài để kết thúc bài viết của mình sao cho hay để đạt kết quả tốt nhất trong các kì thi.
Tham khảo thêm:
- Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ
- Mở bài phân tích Vợ chồng A phủ hay
- Soạn bài Vợ chồng A phủ chi tiết
- Các tác phẩm văn học 12 cần chú ý
Kết bài Vợ chồng A Phủ số 1
Như vậy, bằng sự gắn bó cùng vốn am hiểu sâu sắc về đời sống, văn hóa, phong tục của vùng đất Tây Bắc, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài không chỉ phác họa lên bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, khoáng đạt mà còn giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa, lối sống, phong tục tập quán và về cuộc sống khổ cực của những người nông dân Tây Bắc trước cách mạng. Đó là những con người có số phận bất hạnh, khốn khổ bị vây hãm, chà đạp bởi cường quyền, thần quyền đại diện cho họ đó là Mị và A Phủ, thế nhưng dù bị áp bức đến cùng cực như thế nhưng họ vẫn mang theo niềm tin, sự sống mãnh liệt, khát khao tự do để vươn lên khỏi cái bạo tàn, để giải phóng bản thân.
Kết bài Vợ chồng A Phủ hay số 2
Qua việc khắc họa chân thực về cuộc sống và số phận bất hạnh của những người nông dân cùng khổ là Mị và A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã mở ra một bức tranh hiện thực đầy tăm tối, ngột ngạt của người dân miền núi Tây Bắc dưới chế độ phong kiến thực dân đen tối, nơi giai cấp thống trị có thể tự do áp bức, bóc lột, tước đoạt đi tự do, hạnh phúc và cả quyền sống của những người dân lao động nghèo vô tội. Hành trình vượt lên khỏi nghịch cảnh, giải phóng bản thân, đi theo ánh sáng cách mạng của Mị và A Phủ cũng chính là quá trình giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc miền núi. Tác phẩm không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của Tô Hoài khi bênh vực, thương xót, đồng cảm với số phận bất hạnh của con người mà còn thể hiện niềm tin vững mạnh của tác giả vào cách mạng, khẳng định chỉ có đi theo cách mạng, đi theo Đảng con người mới có thể thực sự tìm thấy tự do, phá bỏ mọi xiềng xích áp bức để hướng đến cuộc sống hạnh phúc.
Kết bài hay cho Vợ chồng A Phủ số 3
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc khi lên án tố cáo thế lực cường quyền, thần quyền lạc hậu, cổ hủ và bạo tàn ở vùng núi Tây Bắc đã đẩy người dân vô tội vào tận cùng của đau khổ, đọa đầy. Đồng thời, truyện ngắn này cũng là tiếng nói cảm thông, trân trọng của Tô Hoài đối với những người nông dân nghèo, bất hạnh như Mị và A Phủ. Nhà văn đồng cảm với số phận bất hạnh đầy đau khổ, bị tước đoạt đi tự do, hạnh phúc, qua đó ca ngợi sức sống tiềm tàng mãnh liệt ẩn sâu bên trong những con người khốn khổ ấy.
Kết bài phân tích Vợ chồng A phủ nhân vật Mị số 1
Như vậy qua hình tượng nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả một cách chân thực thực trạng cuộc sống của những con người nhỏ bé nơi miền núi cao Tây Bắc, họ bị áp bức, bị chà đạp đến cùng cực, nhàu nát, đồng thời lên án, tố cáo, vạch trần tội ác của bọn phong kiến, qua đó ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây, họ là những người có sức sống mãnh liệt, luôn khát khao hướng tới tự do, hạnh phúc. Đó cũng chính là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác phẩm này đem lại.
Kết bài Vợ chồng A phủ nhân vật Mị số 2
Thông qua nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã thay mặt toàn dân đứng lên tố cáo cái thế lực phong kiến đã áp bức, bóc lột và chà đạp nên quyền sống cơ bản của con người, đẩy họ vào bước đường cùng của cuộc sống. Cũng qua nhân vật ấy tác giả đã ca ngợi khát vọng sống, khát vọng tự do hạnh phúc mãnh liệt của những con người nghèo khổ ấy, qua đó cũng thấy được tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tình giai cấp của dân tộc Việt trong những năm tháng khó khăn gian khổ.
Kết bài Vợ chồng A phủ nhân vật A Phủ số 1
Qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật A Phủ với hình tượng người lao động nghèo khó, luôn khao khát tự do, tràn đầy sức sống và tình yêu cuộc sống. Từ đó ta càng thấy được tài năng và niềm đồng cảm sâu sắc mà tác giả dành cho những con người lao động nghèo khổ, đầy bất hạnh nơi đây.
Kết bài phân tích Vợ chồng A phủ nhân vật A Phủ số 2
Như vậy, bằng khả năng khắc họa nhân vật tài tình của mình, Tô Hoài đã xây dựng được một nhân vật hết sức tiêu biểu, đại diện cho những chàng trai miền Tây Bắc – A Phủ. Một chàng trai tốt bụng, khỏe mạnh, có tài năng và cá tính mạnh mẽ. A Phủ là một biểu tượng của những chàng trai miền núi mộc mạc, chân chất. Đồng thời, hình tượng nhân vật A Phủ cũng đã góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của thiên truyện này.
Mẫu kết bài phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ số 1
Với những cảnh đời éo le, bất hạnh, với những nỗi khổ đau đến cùng cực, tưởng chừng sẽ mãi mãi phải chìm trong u tối, thì các nhân vật đã thức tỉnh, vùng dậy một cách đầy bất ngờ và cương quyết, đó chính là thành công lớn nhất và lá giá trị cao đẹp của tác phẩm. Tác giả đã có sự xót thương và cảm thông sâu sắc trước nỗi đau của Mị và A Phủ, trân trọng ca ngợi nhân phẩm, khát vọng giải phóng, khát vọng tự do và tin vào khả năng tự làm chủ trước cuộc đời của hai con người đau khổ này.
Mẫu kết bài phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ số 2
Tóm lại qua “Vợ chồng A phủ” Tô Hoài đã để lại những ý nghĩa tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của tác giả với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng, hướng tới tự do cho con người tiêu biểu là số phận của Mị và A Phủ.
Mẫu kết bài phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị
Qua phân tích trên ta thấy Mị là bức chân dung tĩnh lặng. Hầu như trong thời gian làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí, Mị chỉ nói có vài ba câu. Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn câm lặng ấy lại là một sức sống mãnh liệt, một khát vọng tự do lớn lao như mạch suối ngầm trong mắt. Đọc xong “Vợ chồng A Phủ” ta nhớ, ta yêu một cô gái tên Mị ở Hồng Ngài càng bị đọa đày, đau khổ lại càng khao khát muốn vươn lên một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Một cô Mị có sức sống mãnh liệt để có thể hiểu hơn một cô Mị du kích Phiềng Sa anh dũng sau này.
So với phần mở bài và thân bài “Vợ chồng A Phủ” thì phần kết bài viết rất đơn giản, các bạn chỉ cần tổng kết lại vấn đề mà không cần phô bày quá nhiều ý tứ. Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp các bạn hoàn thiện bài viết của mình nhanh gọn và súc tích hơn.