Theo thông tin trên mạng thì người ta thường nhầm lẫn và cho rằng lạc đà trữ nước trong bướu để sống sót trên sa mạc. Điều đó không đúng. Thực tế, bướu lạc đà chứa toàn mỡ. Nguồn nước chính của chúng là dòng máu, nơi gần 150 lít nước uống trong một lần được tích trữ.
Không giống như các loài động vật có vú khác – có tế bào máu hình cầu, tế bào máu của lạc đà lại có hình bầu dục, chúng có thể trôi dễ dàng qua thành mạch cho dù bị mất nước, và vì thế chúng có thể hấp thu rất nhiều nước mà không bị đứt vỡ mạch máu. Lạc đà cũng tự bảo vệ mình trước điều kiện sa mạc khắc nghiệt bằng cách toát mồ hôi ít hơn rất nhiều so với các loài vật khác, chúng còn đóng chặt lỗ mũi của mình lại để nước không bị bay hơi đi, đi tiểu rất ít và phân thì khô, phản xạ ánh nắng mặt trời qua bộ lông. Chiếc bướu chứa mỡ cũng là để tạo ra nước mỗi khi mỡ chuyển hóa thành năng lượng.
* Trẻ em thường hay bị sốt, nhưng trường hợp nào thì tự cho uống thuốc hạ nhiệt, trường hợp nào phải đưa ngay đi bệnh viện?
Hoàng Ánh Tuyết, Yên Khánh, Ninh Bình
Theo kinh nghiệm của các BS Tony Smith và Sue Davidson thì nên đưa đến bệnh viện ngay nếu trẻ dưới 6 tuổi mà bị sốt ngay sau khi tiêm chủng, hoặc sốt có kèm theo các triệu chứng như buồn ngủ bất thường, có những nốt bầm và phẳng không nhạt đi khi ấn vào, co giật quá 5 phút, không chịu bú quá 3 giờ (dưới 3 tháng) hay quá 6 giờ (trên 3 tháng tuổi). Cũng cần đưa đến bệnh viện trong vòng 24 giờ nếu trẻ sốt, bật dậy lúc nửa đêm, khóc không dỗ được, kéo tai do bị nhiễm khuẩn tai giữa (thường gặp ở trẻ trên 6 tháng tuổi).
Trường hợp trẻ sốt và thở nhanh bất thường do viêm tiểu phế quản hay viêm phổi cũng cần đưa ngay đến bệnh viện. Trẻ bị sốt viêm màng não do nhiễm khuẩn có triệu chứng là vừa sốt vừa buồn ngủ bất thường, bồn chồn, khóc thét, có các nốt đỏ bầm và phẳng, không nhạt đi khi ấn vào, cũng cần đưa đi bệnh viện ngay. Nếu trẻ đau họng dữ dội, ói mửa, nổi ban ở những nếp gấp ở da như ở nách chẳng hạn (nghi bị bệnh Tinh hồng nhiệt) hay nếu trẻ nổi mẩn lốm đốm đỏ hay hồng, mắt đỏ, sổ mũi, ho khan… đều cần đưa đến bác sĩ trong vòng 24 giờ. Trường hợp sốt do cảm lạnh, do tiêu chảy bình thường, do sau tiêm phòng 1 tuần, do nóng quá vì mặc nhiều quần áo hay do thời tiết quá nóng… thì có thể điều trị ở nhà.