1. Công chứng giấy uỷ quyền là gì?
Hiện trong các văn bản pháp luật chỉ đề cập đến hợp đồng uỷ quyền còn giấy uỷ quyền chỉ là một trong các hành vi pháp lý đơn phương mà trong thực tế được nhiều người sử dụng.
Đồng thời, tại Luật Công chứng năm 2014, việc công chứng cũng được đặt ra với hợp đồng uỷ quyền mà không đề cập đến giấy uỷ quyền. Và thực tế thường các bên cũng sẽ chứng thực chữ ký trong giấy uỷ quyền bởi theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chứng thực chữ ký được định nghĩa như sau:
Chứng thực chữ ký là việc cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác thực chữ ký của người yêu cầu chứng thực được ký trong văn bản, giấy tờ là chữ ký của người đó. Bởi việc ký vào giấy tờ, văn bản phải được thực hiện trước mặt người có thẩm quyền chứng thực chữ ký.
Như vậy, công chứng giấy uỷ quyền thực chất chính là chứng thực chữ ký trong giấy uỷ quyền. Và giấy uỷ quyền là hành vi pháp lý đơn phương về việc một cá nhân, tổ chức uỷ quyền cho một cá nhân, tổ chức khác nhân danh mình thực hiện công việc mà không cần thể hiện rõ sự đồng ý của người được uỷ quyền.
Do đó, những công việc, giao dịch là đối tượng của giấy uỷ quyền thường khá đơn giản, không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản.
Ví dụ: Giấy uỷ quyền nộp hồ sơ làm sổ đỏ, nhận thay bằng tốt nghiệp, nhận hộ lương hưu…
2. Công chứng giấy uỷ quyền thực hiện như thế nào?
Công chứng giấy uỷ quyền hay chính là chứng thực giấy uỷ quyền được thực hiện theo quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:
2.1 Cơ quan có thẩm quyền chứng thực
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc chứng thực giấy uỷ quyền được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP gồm:
– Phòng Tư pháp cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy uỷ quyền. Người thực hiện chứng thực là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp.
– Uỷ ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy uỷ quyền. Người thực hiện chứng thực là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Lưu ý: Việc chứng thực chữ ký có thể thực hiện ở một trong các cơ quan nêu trên và ở bất cứ tỉnh, thành phố nào ở Việt Nam, thuận tiện cho người yêu cầu chứng thực nhất.
2.2 Hồ sơ cần có
Để chứng thực giấy uỷ quyền, người có yêu cầu uỷ quyền cần phải chuẩn bị các giấy tờ sau đây:
– Giấy tờ cần xuất trình: Bản chính Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn sử dụng; giấy uỷ quyền mà người yêu cầu chứng thực sẽ ký (nếu có). Nếu không có dự thảo giấy uỷ quyền thì người có thẩm quyền nêu trên sẽ thực hiện soạn thảo theo đúng phạm vi uỷ quyền của người có yêu cầu.
– Giấy tờ cần nộp: Bản sao hoặc bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Trong một số trường hợp, người có thẩm quyền còn yêu cầu xuất trình và nộp giấy tờ liên quan đến phạm vi uỷ quyền. Ví dụ:
– Uỷ quyền nhận lương hưu: Người yêu cầu chứng thực cần nộp sổ lương hưu để lấy căn cứ soạn thảo nội dung uỷ quyền.
– Uỷ quyền nhận sổ đỏ: Người yêu cầu công chứng cần nộp kèm theo bản sao và xuất trình bản chính giấy hẹn trả kết quả nhận sổ đỏ của cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ…
2.3 Người yêu cầu chứng thực cần phải làm gì?
Thủ tục chứng thực giấy uỷ quyền được thực hiện theo Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Theo đó, người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các công việc sau đây:
– Trình bày yêu cầu chứng thực giấy uỷ quyền gồm thông tin của các bên, phạm vi uỷ quyền, nội dung uỷ quyền, thời hạn uỷ quyền…
– Sau khi người có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu, người này sẽ kiểm tra hồ sơ, giấy tờ và soạn dự thảo giấy uỷ quyền (nếu có). Công việc tiếp theo mà người yêu cầu cần thực hiện đó là kiểm tra lại toàn bộ nội dung của giấy uỷ quyền và được người có thẩm quyền giải đáp chi tiết, cụ thể.
– Người yêu cầu sau khi đã chấp nhận đầy đủ nội dung giấy uỷ quyền thì sẽ được người có thẩm quyền hướng dẫn ký tên (điểm chỉ nếu có) vào giấy uỷ quyền trước mặt người có thẩm quyền chứng thực.
– Sau khi ký tên, người thực hiện sẽ kiểm tra lại giấy tờ bản chính, xác định người yêu cầu minh mẫn, làm chủ được hành vi, nhận thức được đầy đủ hành vi của mình thì sẽ ghi lời chứng theo mẫu và ký tên, đóng dấu vào giấy uỷ quyền.
– Người yêu cầu chứng thực nhận lại giấy uỷ quyền đã được chứng thực hoàn tất.
2.4 Phí chứng thực là bao nhiêu?
Trước khi thực hiện xong chứng thực giấy uỷ quyền, người yêu cầu phải thực hiện việc nộp lệ phí chứng thực. Chứng thực chữ ký giấy uỷ quyền sẽ mất 10.000 đồng/trường hợp (căn cứ Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC).
2.5 Mẫu chứng thực giấy uỷ quyền mới nhất
Trên đây là thông tin về: Công chứng giấy uỷ quyền. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.