Di chỉ khảo cổ trên bãi Mịn (khu đất chợ trâu của làng) rộng tới 250.000 m2, nằm bên bờ Tiêu Tương bắt nguồn từ đầm Phù Lưu, khai quật năm 1965, được gọi là Di chỉ Phù Lưu chứng tỏ đây là nơi cư trú của con người thuộc cuối thời đại Đá mới, sơ kỳ thời đại Đồng thau, cách đây khoảng 4.000 năm. Con người thời đó đã biết làm ruộng, làm đồ gốm bằng bàn xoay, dệt vải thô, đánh bắt cá, luyện đồng.
Đình làng Phù Lưu. (Nguồn ảnh: Internet).
Đông bắc Phù Lưu là Loa Hồ, ngày xưa là một đoạn vòng của sông Tiêu Tương. Phó bảng Nguyễn Đức Lân, người Phù Lưu, đã sáng tác “Loa hồ bách vịnh” (1852), 100 bài thơ vịnh phong cảnh, nói lên vẻ đẹp hiếm có của Loa Hồ. Dòng sông Tiêu Tương thấm đẫm mối tình bi thương Trương Chi – Mị Nương, réo rắt tiếng sáo tương tư của Trương Chi đã được nhạc sĩ Văn Cao viết nên bản tình ca tuyệt diệu.
Thế kỷ XV- XVI đã có chợ Phù Lưu nên làng mang tên thôn Thị. Đầu thế kỷ XIX, làng Giầu có 180 hộ thì 80% hộ không có ruộng, chuyên nghề buôn bán, chợ vào cả đình. Chợ Giầu (Phù Lưu) là trung tâm buôn bán của cả tỉnh Bắc Ninh, họp một tháng 6 phiên vào các ngày 4,9,14,19,24,29. Có phố Chợ Trên, phố Chợ Giữa, phố Chợ Dưới, khu đình là trung tâm. Chợ trâu bò rất rộng.
Phía nam Phù Lưu là rừng Báng thuộc làng Đình Bảng, quê vua Lý Thái Tổ, có khu lăng mộ của 9 vị vua nhà Lý. Phía tây nam là rừng Sặt, có lăng mộ một số quý tộc nhà Trần.
Phù Lưu vừa có sắc thái của văn minh nông nghiệp vừa có biểu hiện của văn minh đô thị, có truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học rất tiêu biểu. Ở cổng làng có đôi câu đối:
“Dĩ nhân tâm vi bản
Đạt trí thức do văn”.
Tạm dịch:
Thuận lòng người là gốc
Có trí thức ở văn hóa.
Các đình, đền và chùa của làng đều được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa (Quyết định ngày 31/1/1992). Đình Phù Lưu dựng từ cuối thế kỷ XVI, thờ Thánh Tam Giang (Trương Hồng, Trương Hát) ghi nhớ công lao 2 vị tướng tài của Triệu Việt Vương (thế kỷ VI). Đình có quy mô bề thế, tòa đại đình đồ sộ 5 gian 2 chái, 70 cột vững chãi, khung gỗ lim, mái lợp ngói, bốn đầu đao cong vút, thanh thoát. Năm 1798, Thượng tướng quân Nguyễn Lệnh Công người Phù Lưu đã tu bổ đình và cấm họp chợ trong đình. Khoảng giữa thế kỷ XIX, đình được sửa lần thứ 2. Năm 1933, Tổng đốc Hoàng Thụy Chi, cũng người Phù Lưu, sửa lợp lại đình, lát lại sân, xây cổng theo lối tam quan, lắp cánh cổng sắt, dựng đài bằng đá trên đặt tượng Phật, đến nay vẫn còn. Từ trước năm 1945, làng Phù Lưu đã như một thị trấn. Ông còn mua đá về lát toàn bộ đường làng. Đường chính trong làng lát 4 tấm đá màu xanh da trời kích thước 50 x 50 cm, đường ngõ lát 2 tấm. Chỗ nào không có đường lát đá là hết đường làng. Con đường đá như một dòng sông xanh mát chảy khắp làng, niềm tự hào của người Phù Lưu. Hai bên đường chính, có những cột trụ trên lắp đèn dầu. Tối đến, tuần phiên trong làng đi thắp các đèn dầu, sáng như phố thị. Có lẽ chưa có nơi nào chiếu sáng đường làng văn minh như vậy.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình Phù Lưu có những đặc điểm độc đáo. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Chu Quang Trứ nhận định nghệ thuật chạm khắc các hoạt cảnh trai gái cưỡi rồng, đấu vật, chèo thuyền… theo một quan niệm về không gian vũ trụ rất hồn nhiên (1993). Đây là một trong năm ngôi đình cổ lớn có giá trị của nước ta, đứng thứ 5 sau bốn ngôi đình nổi tiếng cả nước ở Tây Đằng, Lỗ Hạnh, Thổ Hà, Yên Sở. Cây đề cổ thụ hàng trăm năm bao trùm khắp nửa sân đình là chứng nhân của bao sự kiện đã qua.
Chùa Phù Lưu (Pháp Quang Tự) được xây dựng từ thế kỷ XV-XVII, chùa hiện nay là kiến trúc đã được sửa dựng vào thời vua Thành Thái. Gác chuông chồng diêm tám mái thì dựng vào năm 1933. Tượng Phật A-di-đà, tượng Tam thế bằng gỗ ở chùa là những tác phẩm điêu khắc đẹp từ thời nhà Lê còn lại. Chùa có nhiều bia, là những tài sản văn tự quý, tư liệu văn hóa giá trị, như các bia: Kính Thiên Trù (đài kính Trời), Chung lâu, Pháp Quang quán, bia hậu Phật… Đền Phù Lưu cũng thờ Thánh Tam Giang như đình, kiến trúc thời nhà Nguyễn.
Ngày hội làng (từ 7/3 đến 16/3 âm lịch, hội chính vào ngày 8/3), bài vị và ngai thờ Thánh được rước từ đền ra đình, dân làng tổ chức tế lễ rồi sau lại rước về đền. Sau lễ là hội rộn ràng, vui vẻ, ca múa, hát quan họ, cờ người, tổ tôm điếm, đu, bơi, đấu vật, chọi gà…
Ngoài đình, đền và chùa, Phù Lưu còn có Hương Hiền Từ. Ở một số làng có văn chỉ là nơi ghi tên các người đỗ đạt nhưng có lẽ rất ít làng xây dựng văn chỉ bề thế như Hương Hiền Từ. Khác với Văn Miếu ở kinh đô và một vài tỉnh chỉ thờ các bậc Nho sĩ, Thánh hiền, Hương Hiền Từ thờ những bậc khoa bảng trong làng và những vị có công với làng để tỏ lòng tôn sư trọng đạo và biết ơn tiền nhân.
“Dòng sông” của làng. (Nguồn ảnh: Internet).
Người Phù Lưu có nhiều điều kiện trong việc học hành. Phụ nữ Phù Lưu duyên dáng, thanh lịch (ngạn ngữ có câu: “Mặt Kẻ Báng, dáng Kẻ Giầu”). Nhờ tài đảm đang buôn bán, những người mẹ, người vợ ở đây chăm lo cuộc sống gia đình như một thiên chức, tạo điều kiện để đàn ông, con trai dùi mài đèn sách, do đó, số người đi học, đi thi đỗ đạt thời xưa khá nhiều. Trong thời đại mới, Hội Khuyến học của làng hoạt động rất tích cực bao nhiêu năm dòng, đến tận ngày nay. Có một giai đoạn, cứ tối đến, tiếng loa khuyến học của làng lại cất lên báo hiệu các cháu đã đến giờ học, làm bài.
Tổng Phù Lưu có nhiều người đỗ đạt nhất huyện Từ Sơn thì làng Phù Lưu có số người đỗ nhiều hơn cả. Làng có 4 vị đỗ tiến sĩ trong đó có Hoàng Văn Hòe, Chu Tam Dị; một người đỗ Phó bảng là Nguyễn Đức Lân; 6 người đỗ Cử nhân trong đó có Hoàng Văn Định, Hoàng Văn Kỳ, Hoàng Thụy Chi; 10 người đỗ Tú tài trong đó có Hoàng Huy Hằng, Hoàng Văn Quế, Hoàng Thụy Liên.
Ở sân Hương Hiền Từ có tấm bia “Hương Hiền Từ bi minh” do Tổng đốc, Hội trưởng Hội Tư văn Phù Lưu Hoàng Thụy Chi soạn và dựng năm Quý Dậu (1933), trên văn bia nêu rõ mối quan hệ địa linh nhân kiệt ở làng Phù Lưu; trong nhà thờ có 3 ban thờ, ban giữa có bia Hương Hiền Từ khắc năm Quý Dậu. Bia chia làm 2 phần, phần đầu là “Hữu công ư dân giả liệt vị” (kể các vị có công với dân) ghi 3 người:
Tiền triều lão thần Võ tướng công, có công dựng đình.
Thái bảo Nguyễn Kiên Điều (Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân), có công mở chợ.
Ngự sử Hoàng Văn Định, có công biên soạn hương ước của làng.
Phần thứ hai là “Đại khoa liệt vị” kể các vị đại khoa gồm 4 người: Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Nguyễn Công (…), Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Chu Tam Dị, Phó bảng Nguyễn Đức Lân, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Hoàng Văn Hòe – danh sĩ theo vua Hàm Nghi chống Pháp và đã hy sinh.
Ở Phù Lưu, thời xưa có nhiều bậc túc nho, khoa bảng. Ngoài những vị kể trên, còn có các cụ: tú tài Hoàng Thụy Liên (con thứ 12 của Hoàng Văn Định), tú tài Hoàng Tích Phụng (cháu nội Hoàng Văn Định), làm Tri huyện nhưng tích cực tham gia Đông kinh nghĩa thục. Hoàng Tích Phụng tham gia vận động phong trào “Hóa dân cường quốc” đổi mới đất nước, giành độc lập. Cử nhân Hoàng Thụy Chi là một học giả, có 49 tác phẩm nghiên cứu, biên khảo Hán Nôm về nhiều lĩnh vực.
Thời hiện đại, các con cụ Hoàng Tích Phụng là những nhà văn hóa có tiếng như: nhà báo Hoàng Tích Chu mở đầu cho một phong cách báo chí mới, họa sĩ Hoàng Tích Chù của trường Mỹ thuật Đông Dương, nhà soạn kịch Hoàng Tích Linh, đạo diễn điện ảnh Hoàng Tích Chỉ. Phù Lưu còn có nhà văn Kim Lân, nhạc sĩ Hồ Bắc, nhà báo Phạm Văn Hảo, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Đăng Bảy, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, nhà thơ – nhà báo Hoàng Hưng, con của bác sĩ Hoàng Thụy Ba (một trong hai bác sĩ đầu tiên tốt nghiệp trường Y khoa Đông Dương tại Paris, 1927. Thống kê của phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn (2017) cho biết: Phù Lưu có 5 giáo sư, 4 phó giáo sư, 28 tiến sĩ, hơn 100 thạc sĩ, hàng nghìn cử nhân, bác sĩ, kỹ sư.
Từ ngày 21/9/2009, làng Phù Lưu trở thành khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, các nhà thờ họ được tôn tạo, một số trở thành Nhà lưu niệm như Nhà lưu niệm họ Chu, họ Hoàng, được công nhận là di tích văn hóa tỉnh Bắc Ninh. Ngay ở Hương Hiền Từ, xuất hiện Nhà văn hóa Phù Lưu với nhiều hiện vật, tư liệu… bên cạnh đó là Nhà lưu niệm Kim Lân, Nhà lưu niệm văn học Nga – ở Việt Nam có lẽ là duy nhất.