Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng chi tiết và cụ thể của Đọc Tài Liệu với hệ thống luận điểm, luận cứ, sơ đồ tư duy kèm theo bài văn mẫu hay và chất lượng giúp các em tham khảo.
Hướng dẫn lập dàn ý phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng
>> Tham khảo: Phân tích Chí khí anh hùng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
1. Phân tích đề
– Kiểu đề: thuộc dạng đề nghị luận văn học, phân tích một đoạn trích tác phẩm.
– Vấn đề nghị luận: nội dung, nghệ thuật của đoạn trích Chí khí anh hùng.
– Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các chi tiết, câu văn, từ ngữ thuộc phạm vi văn bản Chí khí anh hùng.
2. Xác lập luận điểm, luận cứ
– Luận điểm 1: Khát vọng lên đường của Từ Hải
+ Hoàn cảnh cuộc sống của Thúy kiều và Từ Hải
+ Hình ảnh từ Hải ra đi với tư thế hào hùng.
– Luận điểm 2: Cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải
+ Lời của Thúy Kiều
+ Lời đáp, hứa hẹn của Từ Hải.
– Luận điểm 3: Quyết tâm ra đi của Từ Hải.
3. Sơ đồ tư duy
4. Chi tiết dàn ý phân tích Chí khí anh hùng
a) Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều:
+ Nguyễn Du là cây đại thụ của nền văn học trung đại Việt Nam.
+ Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học.
– Giới thiệu đoạn trích Chí khí anh hùng: Từ câu 2213 đến câu 2230 trong Truyện Kiều, lúc này Từ Hải đã cứu Kiều thoát khỏi cảnh lầu xanh, hai người sống hạnh phúc được nửa năm, Từ Hải từ biệt Thúy Kiều ra đi lập sự nghiệp lớn.
b) Thân bài
* Khát vọng lên đường của Từ Hải (4 câu thơ đầu)
(+) Hoàn cảnh chia tay
– Thời gian
+ “Nửa năm”: Khoảng thời gian Kiều và Từ Hải chung sống.
+ “Hương lửa đương nồng”: Tình yêu nồng nàn, say đắm của Thúy Kiều – Từ Hải.
=> Thời điểm Từ Hải ra đi lập nên sự nghiệp lớn cũng chính là lúc cuộc sống lứa đôi với Thúy Kiều mới đang bắt đầu và vô cùng mặn nồng hạnh phúc.
=> Ý chí quyết tâm, khí chất anh hùng.
(+) Hình ảnh Từ Hải
– Lí do ra đi:
+ “Trượng phu”: Là từ chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng với hàm nghĩa khâm phục, ngợi ca.
=> Cách nói này thể hiện thái độ trân trọng với các vị anh hùng, dựng lên dáng vẻ bệ vệ, oai nghiêm, đĩnh đạc của một tướng võ.
+ “Thoắt”: là nhanh chóng trong khoảnh khắc bất ngờ.
=> Nó cho thấy cách nghĩ, cách xử sự dứt khoát, khác thường của Từ Hải. Đó chính là tính cách của người anh hùng.
+ “Động lòng bốn phương”: Chỉ chí khí anh hùng, khát khao tung hoành.
=> Đó cũng là lí tưởng anh hùng thời đại, không bị ràng buộc bởi vợ con, gia đình mà để ở bốn phương trời, ở không gian rộng lớn, quyết mưu sự nghiệp phi thường.
– Tư thế ra đi
+ “Trông vời trời bể mênh mang”: cụm từ mang cảm hứng vũ trụ.
=> Tầm nhìn xa trông rộng và suy nghĩ phi thường.
+ “Thanh gươm yên ngựa”: một mình, một gươm, một ngựa
=> Tư thế hiên ngang, dũng mãnh, phóng khoáng
+ “Lên đường thẳng rong”: đi liền một mạch, không lưu luyến, bịn rịn.
=> Tư thế oai phong, hào hùng sánh ngang với trời đất.
⇒ Từ Hải là con người của khát vọng, công danh phi thường.
* Cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải (12 câu thơ tiếp)
(+) Lời của Kiều
– Xưng hô: “chàng – thiếp” => dịu dàng, ân cần.
– “Phận gái chữ tòng”: Ý thức bổn phận
– “Một lòng xin đi”: quyết tâm theo Từ Hải
=> Thúy Kiều kính trọng và hết mực yêu thương chồng. Xứng danh là tri kỷ của Từ Hải.
(+) Lời của Từ Hải
– Lời đáp
+ “Tâm phúc tương tri”: Coi Kiều là tri kỉ, hiểu mình hơn ai hết.
+ “Nữ nhi thường tình”: Người phụ nữ ủy mị, yếu đuối
=> Khuyên Kiều vượt lên tình cảm thông thường để xứng đáng làm vợ một anh hùng.
– Lời hứa
+ Mười vạn tinh binh”, “Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”: tương lai thành công.
+ “Rõ mặt phi thường”: chứng tỏ được tài năng xuất chúng
=> Từ Hải nói lên niềm tin tưởng sắt đá vào tương lai, sự nghiệp
+ “Rước nàng nghi gia”: cho Kiều danh phận, cuộc sống viên mãn
=> Từ Hải là người anh hùng có chí khí, thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với người tri kỉ.
– Lời khuyên
+ “Bốn bể không nhà” : thực tế khó khăn, gian nan.
+ “Theo càng thêm bận” : việc lớn sẽ bị ảnh hưởng, không quan tâm, lo cho Kiều được
+ “Đành lòng chờ đó ít lâu” : an ủi, mong Kiều bằng lòng chờ đợi.
+ “Một năm sau”: thời gian cụ thể, hứa hẹn sẽ thành công
=> Từ Hải là người chồng tâm lí – người anh hùng nhưng rất vẫn đời thường, gần gũi, chân thực.
=> Từ Hải là người anh hùng có khát vọng lớn lao, tin tưởng vào tương lai lại là người tâm lí, rất đời thường.
* Quyết tâm ra đi của Từ Hải (2 câu thơ cuối)
– Hành động: Quyết lời, dứt áo ra đi
=> Thái độ, hành động dứt khoát, không hề do dự, bịn rịn.
– Hình ảnh ẩn dụ: “chim bằng”: Là loài chim quý tượng trưng cho người anh hùng.
=> Khẳng định Từ Hải chính là bậc anh hùng cái thế, có tầm vóc phi thường, sánh ngang với đất trời, vũ trụ
⇒ Từ Hải là người anh hùng có tài năng, bản lĩnh, chí khí, ước mơ công lí.
* Đặc sắc nghệ thuật
– Sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng
– Lời đối thoại bộc lộ tính cách.
– Nghệ thuật xây dựng hình tượng người anh hùng qua dáng vẻ, hành động.
c) Kết bài
– Khái quát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
– Ý nghĩa của đoạn trích: Thể hiện ước mơ về người anh hùng lý tưởng và ca ngợi tấm chân tình của Từ Hải và Thúy Kiều.
Trước khi triển khai dàn ý chi tiết thành bài văn hoàn chỉnh, các em có thể đọc tham khảo mẫu bài phân tích Chí khí anh hùng dưới đây để mở rộng vốn từ, rút kinh nghiệm về cách trình bày cho bài làm của mình.
Bài văn tham khảo phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng
Truyện Kiều một trong những kiệt tác của Nguyễn Du nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Tác phẩm không chỉ cho người đọc thấy số phận bi thương, gặp nhiều oan trái của nàng Kiều. Trong hành trình mười lăm năm lưu lạc Kiều đã gặp biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người, nhưng người duy nhất yêu thương và bảo vệ được nàng chính là Từ Hải. Vẻ đẹp của nhân vật Từ Hải đã được kết tinh trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”.
Trải qua nhiều sóng gió, Thúy Kiều đã gặp được Từ Hải – người anh hùng cái thế “đầu đội trời, chân đạp đất” lúc bấy giờ. Gặp được Thúy Kiều, Từ Hải vô cùng quý trọng nàng, và đã ngỏ ý với Kiều: “Một lời đã biết đến ta/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau/ Ngỏ lời nói với văn nhân/ Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”. Thúy Kiều trở về chung sống cùng Từ Hải, cuộc sống gia đình vô cùng hạnh phúc, yên ấm. Nhưng chỉ được nửa năm, Từ Hải động lòng bốn phương quyết tâm lên đường lập sự nghiệp phi thường.
Bài thơ mở ra bằng câu thơ:
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Cuộc sống hôn nhân của họ mới bắt đầu hình thành, đây đồng thời cũng là giai đoạn vợ chồng yêu thương nồng nàn và thắm thiết nhất trong cuộc sống hôn nhân. Nếu như những người bình thường chắc chắn sẽ thỏa nguyện, bằng lòng trong hoàn cảnh hạnh phúc ngập đầy như vậy. Nhưng Từ Hải lại là một người hoàn toàn khác, chàng là một người phi thường ngay từ vẻ bề ngoài: “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Và khác thường trong cả tài trí: “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”. Từ Hải hơn hẳn người khác cả về sức mạnh và trí tuệ, bởi vậy, chàng không bằng lòng với cuộc sống êm đềm hiện tại, Từ Hải quyết tâm ra đi.
Lòng bốn phương ở đây có thể hiểu là ý chí lập công danh, sự nghiệp của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến. Trong xã hội phong kiến, làm trai phải lập nên sự nghiệp lớn và để lại tiếng thơm muôn đời. Bốn phương là nam bắc đông tây, còn có nghĩa là thiên hạ, thế giới. Đồng thời bốn phương cũng thể hiện ý chí tung hoành ngang dọc của kẻ làm trai: “Chí làm trai Nam Bắc Tây Đông/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển”. Nguyễn Du đã sử dụng rất tài tình từ “thoắt” nó cho thấy ý chí, lòng quyết tâm thức dậy nhanh chóng và khi lòng quyết tâm đó đã được xác lập thì ngay lập tức phải thực hiện. Đó là hành động mạnh mẽ, dứt khoát của người kẻ có hùng tâm tráng chí ôm trùm thiên hạ.
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong
Hành động của Từ Hải hết sức dứt khoát, không chút lưu luyến, bịn rịn: thẳng rong – đi liền một mạch. Chàng ra đi trong tâm thế ung dung, tự tại, đó là khí phách của một người trượng phu. Sự ra đi dứt khoát còn được thể hiện trong đoạn đối thoại với Thúy Kiều: Nàng rằng phận gái chữ tòng/ Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi. Trước quyết tâm ra đi của Từ Hải, nàng bày tỏ ước nguyện để được đi theo Từ Hải, đó cùng là thực hiện trọn đạo tam tòng “xuất giá tòng phu”. Đây là nguyện ước hoàn toàn chính đáng, đi cùng để đỡ đần cho chồng, để cùng chung vai gánh vác, chia sẻ những khó khăn. Nhưng ngược lại Từ Hải trách Thúy Kiều: “Từ rằng: tâm phúc tương tri/ Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”. Từ Hải trách Kiều vẫn chưa thoát khỏi những thói thường của nữ nhi, nhưng trách ấy cũng là lời động viên nàng hãy vượt lên những tình cảm ấy để xứng đáng là tâm phúc tương tri của Từ Hải. Đằng sau câu thơ cho thấy sự tự tin của Từ Hải khi đặt mình lên trên thiên hạ nên yêu cầu người đầu gối tay ấp với mình cũng phải hơn những người phụ nữ bình thường khác.
Trước khi đi, Từ Hải còn đưa ra lời hẹn ước với Thúy Kiều: “Bao giờ mười vạn tinh binh/ Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường/ Làm ra rõ mặt phi thường/ Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”. Câu thơ được Từ Hải sử dụng số từ chỉ số lượng nhiều: mười vạn, động từ mạnh: dậy đất, rợp đường. Cho thấy tương lai huy hoàng chỉ cần sau một năm có thể làm nên sự nghiệp lớn để rước Thúy Kiều về với cuộc sống vinh hiển hạnh phúc. Lời nói vừa là lời động viên Kiều, vừa cho thấy sự bản lĩnh, tự tin của Từ Hải, chàng ý thức sâu sắc tài năng, năng lực của bản thân. Ngoài ra, Từ Hải còn an ủi vợ: “Bằng nay bốn biển không nhà/ Theo càng thêm bận biết là đi đâu”. Trong sự an ủi có sự lo lắng, giải thích để Thúy Kiều an lòng ở lại.
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Không gian mở ra vô cùng rộng rãi, khoáng đạt xứng với tầm vóc vĩ đại, với tráng trí bốn phương của Từ Hải. Câu thơ đã thể hiện hiện chí lớn của người anh hùng: khao khát được vẫy vùng, tung hoành giữa trời đất cao rộng giống như lời giới thiệu của Nguyễn Du “Đội trời đạp đất ở đời”. “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”: tái hiện hình ảnh người anh hùng Từ Hải: chim bằng tượng trưng cho khát vọng của người anh hùng tạo nên sự nghiệp lớn. Chim bằng bay lên cùng gió mây chính là hình ảnh người anh hùng Từ Hải trong giây phút lên đường.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc là yếu tố tạo nên thành công của tác phẩm. Từ Hải là hình tượng mang tính ước lệ được thể hiện qua hình ảnh, qua các hành động cử chỉ. Từ Hải là con người sánh ngang tầm vũ trụ, mang trong mình hùng tâm tráng trí lớn lao.
Đoạn trích Chí khí anh hùng đã khắc họa thành công hình tượng Từ Hải với phẩm chất và chí khí lớn lao của người anh hùng. Từ Hải mang trong mình khát vọng lớn làm nên sự nghiệp vĩ đại. Qua nhân vật này, Nguyễn Du cũng gửi gắm mơ ước về tự do, công lí trong xã hội cũ.
>>> Một số bài văn hay khác:
- Cảm nhận về nhân vật Từ Hải
- Tuyển tập mở bài Chí khí anh hùng hay nhất
Với dàn ý phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng chi tiết trên đây của Đọc tài liệu, hy vọng các em đã nắm được cách làm dạng bài này, những ý chính và trình tự triển khai các ý chính. Ngoài ra, rất nhiều bài Văn mẫu lớp 10 hay nhất cũng được chúng tôi chọn lọc và thường xuyên cập nhật để phục vụ việc học tập cho các em. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!