Thị xã Long Khánh nằm ở giữa về phía Đông của tỉnh Đồng Nai và là một huyện trung du nằm trên cửa ngõ vào TP Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp huyện Thống Nhất và huyện Xuân Lộc, phía Nam giáp huyện Cẩm Mỹ, phía Đông giáp huyện Xuân Lộc, phía Tây giáp huyện Thống Nhất. Tổng diện tích tự nhiên: 194,09 km2, chiếm 3,3% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số 2006: 141.242 người, chiếm tỷ lệ 6,36% dân số toàn tỉnh, mật độ 724 người/Km2 Thị xã có 15 đơn vị hành chính có 6 phường và 9 xã gồm:Phường Xuân Bình, phường Xuân An, phường Xuân Hòa, phường Xuân Trung, phường Xuân Thanh, phường Phú Bình, xã Bàu Trâm, xã Bảo Vinh, xã Bảo Quang, xã Suối Tre, xã Xuân Lập, xã Bàu Sen, xã Xuân Tân, xã Hàng Gòn và xã Bình Lộc. Các cơ quan chuyên môn: Phòng Nội Vụ. Phòng Lao động – Thương Binh – Xã hội. Phòng Tài chính – Kế hoạch Phòng Giáo dục Đào tạo. Phòng Văn hoá – Thông tin Trung tâm Văn hóa Thể thao Phòng Y tế Trung tâm Y tế Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình Phòng Tài nguyên và Môi trường Phòng Tư pháp Phòng Kinh tế Phòng Quản lý Đô thị Ban Quản lý dự án Ban Quản lý chợ Thanh tra Thị xã Trung tâm phát triển quỹ đất Văn phòng HĐND và UBND Thị xã Phòng Dân tộc Những lợi thế của thị xã: + Thị xã Long Khánh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với vùng kinh tế chiến lược Đông Nam bộ, Cao nguyên và Miền Trung có nhiều tuyến đường giao thông quốc gia đi qua, có vị trí rất quan trọng về các mặt chính trị- kinh tế – xã hội và an ninh- quốc phòng đối với tỉnh và cả khu vực. + Thị xã Long Khánh là đầu mối giao lưu hàng hóa với các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên…là điều kiện cho phát triển thương mại-dịch vụ. + Khoáng sản có Puzlan trữ lượng lớn làm phụ gia cho xi măng. + Là Thị xã có diện tích đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cây có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu đó là : cao su, cà phê, chôm chôm, sầu riêng… Đã quy hoạch 02 Khu công nghiệp diện tích khoảng 204 ha nằm trên địa bàn Thị xã, đã thu hút 04 dự án đầu tư nước ngoài, một số doanh nghiệp nhà nước, trên 100 doanh nghiệp ngoài quốc doanh… Cơ cấu kinh tế năm 2006: Công nghiệp – Xây dựng chiếm 30,4%; Nông – Lâm nghiệp – Thủy sản chiếm 23%; Dịch vụ chiếm 46,6%.
1. Di tích lịch sử văn hóa “Mộ Cự Thạch” Hàng Gòn
Vùng đất đỏ Bazan Long Khánh được biết đến bởi có những vườn trái cây: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ; những vườn càphe, rừng cao su bạt ngàn, còn có một di tích kiến trúc cổ được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia. Đó là ngôi mộ cổ Hàng Gòn, là một kiến trúc đá khá độc đáo trong lòng đất. Ngôi mộ được phát hiện 1927 và được trùng tu 1992. Kiến trúc của Ngôi mộ là những tấm đá hoa cương ghép theo hình hộp, những trụ đá ngổn ngang quanh mộ như chứng tỏ kỳ tích một thời của lớp cư dân cổ trên đất Đồng Nai. Loại đá này không có nguồn gốc tại Đồng Nai, việc tìm kiếm và vận chuyển từ đâu đến vẫn là những điều bí ẩn mà người Việt cổ Đồng Nai còn dấu kín, đây là biểu hiện hùng hồn về sức mạnh, sự sáng tạo của chủ nhân ngôi mộ này.
Tọa lạc trên đất xã Hàng Gòn, cách thị xã Long Khánh 8 km về phía nam, trên trục quốc lộ 56 hướng đi về BàRịa Vũng Tàu, là một nấm mộ cổ được kết cấu bởi những phiến đá hoa cương lớn và những trụ đá dài và rất nặng.
Ngôi mộ hình hộp (ảnh) dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m, trên đỉnh trụ đá có khoét lõm hình yên ngựa. Năm 1928 trường Viễn Đông Bác Cổ đã xếp hạng và ghi vào danh mục các di tích lịch sử “Mộ Đông Dương-Mộ Dolmen Hàng Gòn”. Năm 1984, Bộ văn hóa đã xếp hạng mộ Cự thạch Hàng Gòn là di tích Quốc gia-một trong 10 di tích quan trọng ở Nam bộ.
Năm 1927, khi chủ trì việc mở tuyến đường giao thông từ Long Khánh đi Bà rịa (liên tỉnh lộ 2) kỹ sư người Pháp Jean Bouchot đã phát hiện một ngôi mộ bằng đá với những trụ nằm ngổn ngang trong địa phận đồn điền cao su W.Bazé thuộc công ty Cao su Xuân Lộc (nay thuộc nông trường Hàng Gòn, xã Hàng Gòn thị xã Long Khánh). Được phép của trường Viễn Đông Bác Cổ, Jean Bouchot chủ trì việc khai quật di chỉ vào mùa mưa năm 1927 trong vòng 1 tháng. Kết quả khai quật đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, trở thành một đề tài hấp dẫn, mới mẽ, được các nhà khoa học đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Di tích là một nấm mồ được làm bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng. Ngôi mộ hình hộp, dài 4,2m, ngang 2,7 mét, cao 1,6mét được ghép bới 6 tấm đá hoa cương được bào khá nhẵn ở mặt ngoài; bên trong đục đẽo sơ sài. Bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Liên kết giữa tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5 mét, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,10m x 0,3m phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.
Mộ Cự thạch Hàng Gòn được đánh giá là loại hình Dolmen lớn nhất so với các ngôi mộ khác đã phát hiện ở châu Á. Năm 1928, trường Viễn Đông Bác Cổ đã xếp hạng và ghi vào danh mục các di tích lịch sử “mộ Đông Dương-mộ Dolmen Hàng Gòn” Năm 1984, Bộ văn hóa xếp hạng Mộ Cự thạch Hàng Gòn là di tích quốc gia-một trong mười di tích quan trọng ở Nam bộ.
Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một di tích độc đáo cả về nghệ thuật và kỹ thuật của các tộc người cổ ở Nam Á nói chung và người Việt cổ nói riêng. Chắc hẳn người cổ ở Đồng Nai với sức mạnh đại đoàn kết và tài năng sáng tạo đã vượt qua bao khó khăn để dựng nên một kỳ tích còn lưu lại cho hậu thế.
Sự tồn tại của di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn hơn hai ngàn năm qua đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về văn minh được mệnh danh “văn minh lưu vực cổ sông Đồng Nai”, mặc dù việc hiểu về chủ nhân kiến trúc Mộ Cự thạch, hình thức tín ngưỡng liên quan của cư dân cổ vẫn cón là một sự bí ẩn hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu.
Hơn nửa thế kỷ từ khi được phát hiện cho đến nay, di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa của di tích thu hút sự quan tâm của nhiều giới và khách tham quan.
Để hiểu rõ về di tích, nhiều người muốn đi tìm sự bí ẩn của nó, muốn giải mã về sự hiện diện của nó trong đời sống của con người xưa cách đây hơn 2.000 năm. Thế nhưng, đi tìm sự bí ẩn của quá khứ, nhiều người lại càng bắt gặp những bí ẩn khác chưa giải thích được. Và chính điều đó đã trở thành điểm thu hút hấp dẫn để mọi người từ ngạc nhiên đến thán phục khi chiêm ngưỡng kiến trúc như kỳ bí của nó.
(theo Biên Hòa Đồng Nai 300 năm)
2. Cụm di tích Tòa hành chánh Long Khánh
Tòa hành chánh Long Khánh được xây dựng theo kiến trúc pháp (ảnh), trước ngày giải phóng, đây là trụ sở làm việc của ngụy quyền tỉnh Long Khánh. Nơi đây, đánh dấu sự kiện lịch sử từ ngày 9/4/1975. quân đoàn 4 cùng với các lực lượng vũ trang, dân quân địa phương đã mở chiến dịch Xuân Lộc tiến công đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu cuối cùng của Mỹ ngụy ở phía Đông Sài Gòn và sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, trước khí thế cách mạng của quân dân ta, chế độ ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để bảo vệ thủ phủ Sài Gòn, chúng gom tàn quân xây dựng tuyến phòng thủ Xuân Lộc-Long Khánh.
Để mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam, Bộ Tư lệnh Miền mở chiến dịch Xuân Lộc từ ngày 9/4/1975, sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, lực lượng cách mạng đã đánh tan hệ thống phòng thủ của địch, giải phóng thị xã Long khánh và tiến về Sài Gòn. Ngày 21/4 năm 1975 Long Khánh được hoàn toàn giải phóng, mở đường cho các binh đoàn chủ lực ta bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn và toàn miền nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc.
Di tích ghi lại cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Long Khánh, Đồng Nai và cả nước trong công cuộc giải phóng đất nước vào mùa xuân lịch sử năm1975. Cụm di tích Xuân Lộc-Long Khánh, nơi ghi nhận một chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân dân Long Khánh cũng đã dựng bia chiến thắng để ghi công và tự hào về truyền thống vẻ vang này.
Ngày 16/11/1988 Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Tòa hành chánh Long Khánh là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Hiện nay di tích Tòa hành chánh Long Khánh được bố trí làm phòng Bảo tàng và Thư viện của Thị xã.