1. Địa lý tự nhiên
Huyện Lục Yên có diện tích là 810,01 km2. Phía Bắc giáp huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang, phía Tây giáp huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp huyện Văn Yên và huyện Yên Bình, phía Đông giáp huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang. Địa hình của huyện bị chia cắt bởi 2 dãy núi chính, chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam phía hữu ngạn sông Chảy là dãy núi Con Voi có độ cao trung bình 300 – 400m, đỉnh cao nhất 1,148m, sườn thoải, độ dốc trung bình 400 chia cắt địa bàn thành những thung lũng nhỏ và các khe suối. Phía tả ngạn sông Chảy là dãy núi đá lớn chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam có độ cao trung bình 935m, đỉnh cao nhất 1.035m, có độ dốc lớn, đỉnh nhọn, sườn núi bị cắt xẻ, có độ dốc 700 trở lên, hầu hết được bao phủ bởi rừng tự nhiên.
Nằm giữa 2 dãy núi và triền sông Chảy là vùng đất thấp bằng phẳng, hệ thống sông Chảy chảy qua huyện Lục Yên dài 65 km với nhiều chi lưu lớn như ngòi Trúc Lâu, ngòi Vàn, ngòi Đại Cại, ngòi Biệc…
Huyện Lục Yên nằm trong tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và được chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa (từ tháng 5 – tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 – tháng 4 năm sau), nhiệt độ trung bình từ 22 – 24ºC, độ ẩm trung bình 68-72%. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.500-2.200 mm, số ngày mưa trong năm khoảng 130 ngày.
Lục Yên có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên như: Than nâu ở Hồng Quang có trữ lượng 16.000 tấn; đá hoa cương ở Tân Lĩnh, Liễu Đô có trữ lượng khoảng 250 triệu m3; đá vôi có cường độ 300 – 500 kg/cm2, có hàm lượng CaO cao, trữ lượng khoảng 135 triệu m3; đá quý và bán quý phân bố trên diện tích 113 km2. Ngoài ra, Lục Yên còn có nguồn tài nguyên đá xây dựng, sỏi, cát… rất phong phú.
2. Lịch sử hình thành
Lục Yên là một đơn vị hành chính trên địa bàn Yên Bái đầu thế kỷ XIX thuộc về Hưng Hóa và Tuyên Quang. Vào năm 1910, Lục Yên được sáp nhập vào Yên Bái trở thành một trong 4 huyện và một châu, khi đó có 6 tổng. Khi thành lập 2 huyện mới là Bảo Yên và Văn Yên theo Quyết định số 117/CP ngày 16/12/1964 của Hội đồng Chính phủ, 14 xã của Lục Yên được cắt về huyện Bảo Yên.
Giai đoạn 1965 – 1975 theo Quyết định điều chỉnh các đơn vị cấp xã của Bộ trưởng Bộ Nội vụ số 21/NV ra ngày 28/1/1967, cắt 2 xã An Phú và Phú Mỹ của huyện Yên Bình sáp nhập về huyện Lục Yên. Sau đó theo Quyết định số 23/NV tại huyện Lục Yên, giải thể các xã Quyết Thắng, Tân Thành, Trần Phú, Hợp Thành và Đồng Tâm, điều chỉnh các xóm giải thể về các xã Tân Lập, Hồng Quang, Tô Mậu, Phúc Lợi, Tân Lĩnh. Tiếp theo là quyết định của Hội đồng Chính phủ thành lập thị trấn huyện lỵ Lục Yên.
Tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa VIII ngày 12/8/1991 quyết định chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, trong đó tỉnh Yên Bái gồm Thị xã Yên Bái và 7 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên. Huyện lỵ là thị trấn Yên Thế nằm cách Quốc lộ 70 khoảng 18 km về hướng Đông và cách thành phố Yên Bái 93 km về hướng Bắc. Huyện gồm 24 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, trong đó có 15 xã được Nhà nước công nhận là vùng III.
Ở Lục Yên có một phiên chợ độc nhất cả nước, bán mặt hàng đá quý và đã có lịch sử 25 năm. Từ xa xưa, Lục Yên được mệnh danh là “vùng đất ngọc”, nằm trên đá quý
3. Địa lý hành chính
Trải qua nhiều lần thay đổi về địa danh, địa giới các đơn vị hành chính của huyện. Đến nay, toàn huyện Lục Yên có 24 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn là thị trấn Yên Thế và 23 xã: Tân Phượng, Lâm Thượng, Khánh Thiện, Minh Chuẩn, Mai Sơn, Khai Trung, An Lạc, Tô Mậu, Khánh Hòa, Động Quan, Trúc Lâu, Phúc Lợi, Trung Tâm, An Phú, Phan Thanh, Minh Tiến, Tân Lập, Liễu Đô, Vĩnh Lạc, Mường Lai, Minh Xuân, Tân Lĩnh, Yên Thắng.
4. Địa lý nhân văn
Huyên Lục Yên có diện tích là 810,01 km2. Dân số toàn huyện là 109.406 người (Theo niên giám thống kê năm 2018). Lục Yên có 18 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 53,3%, Kinh 21,2%, Nùng 10,4%, còn lại là các dân tộc khác.
Trên địa bàn huyện Lục Yên có 01 di tích cấp quốc gia là di tích lịch sử khảo cổ học Hắc Y; 10 di tích cấp tỉnh bao gồm: Đền Suối Tiên, Chùa Hang São, Nơi thành lập đội du kích Cổ Văn, Nơi thành lập E165-F312 Khánh Thiện, Thành Cổ Bắc Pha (Pác Pha), Đình Nà Ngàm, Đình Làng Xóa, Đình Làng Mường, Đình Lâm Thượng, Đình – Đền Cây Thị.
5. Tiềm năng kinh tế
Với vị trí địa lý có nhiều tiềm năng phát triển, hệ thống giao thông thuận lợi, giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa trong khu vực, hình thành một hệ thống thương mại khá sôi động ở địa phương. Hoạt động dịch vụ tương đối đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực như: Nhà hàng, khách sạn, vận tải, tín dụng, bưu chính viễn thông….
Là huyện nằm trong tour du lịch của 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ với điểm đến là đền Đại Cại, Đền Suối Tiên, Bình nguyên xanh Khai Trung, Hang Chùa São, Chợ đá quý, các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ… thường xuyên thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 81.001 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 12.774 ha, đất lâm nghiệp là 57.943 ha còn lại là các loại đất khác (Theo niên giám thống kê năm 2018). Huyện Lục Yên có tài nguyên rừng tự nhiên trên 16.000 ha, rừng trồng trên 21.000 ha… góp phần tạo nên môi trường sinh thái phục vụ cho sản xuất và đời sống. Lục Yên có nguồn tài nguyên kháng sản quí hiếm đó là đá quí, đá bán quí, đá hoa trắng, đá xây dựng, sỏi, cát… đây là những tiềm năng khoáng sản có thể làm giàu cho địa phương trong quá trình phát triển.
Xác định lợi thế địa phương, hiện nay huyện Lục Yên đã quy hoạch vùng phát triển kinh tế phù hợp: Với 09 xã dọc Quốc lộ 70 tập trung làm kinh tế trang trại, khai thác chế biến gỗ rừng trồng; vùng đồng bằng tập trung thâm canh cây lương thực hàng hóa; các xã vùng cao phát huy lợi thế làm du lịch, chăn nuôi, trồng rừng. Qua đó, hình thành rõ nét các vùng tre măng, cây quế, cây ăn quả có múi, đặc biệt nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, đến nay tỷ lệ độ che phủ đạt 67%. Qua tích tụ ruộng đất, hiện đã có nhiều trang trại trồng cây ăn quả rộng vài chục ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Năm 2017, cam sành Lục Yên được chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên”, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 2.000 tấn quả, mở ra hướng đi mới trong nông nghiệp nông thôn miền núi.
Được thiên nhiên ban tặng cho loại đá trắng có độ tinh khiết rất cao, từ năm 2000 Lục Yên bước đầu tiến hành khai thác, chế biến, xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, Nhà nước đã cấp 35 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho 32 doanh nghiệp, với tổng diện tích gần 595 ha. Trong đó, có những đơn vị đang thăm dò, khai thác, chế biến đá vôi trắng có hiệu quả là: Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam, công suất hai triệu mét khối/năm; Công ty CP khai khoáng Thanh Sơn, công suất 35.000 m3/năm; Công ty TNHH MTV Vạn Khoa Lục Yên, công suất 470.000 tấn sản phẩm/năm; Công ty CP Stone Base Việt Nam, công suất 60.000 tấn/năm, đã góp phần vào nguồn thu ngân sách, kiến tạo nhiều công trình phúc lợi, làm đổi thay diện mạo của một huyện miền núi. Nhiều mặt hàng xuất khẩu từ đá xẻ, đá khối, đá hạt, đá siêu mịn có mặt trên thị trường thế giới.
Ở Lục Yên có một chợ phiên độc nhất cả nước, bán mặt hàng đá quý và đã có lịch sử 25 năm. Từ xa xưa, Lục Yên được mệnh danh là “vùng đất ngọc”, nằm trên đá quý. Theo những người trong nghề, xưa ở lòng hồ Thác Bà đã có chợ Ngọc. Người nông dân đi làm đồng, trẻ em đi chơi dễ dàng nhặt được những viên đá đủ màu sắc nhưng chỉ để chơi. Tới những năm 80 thế kỷ trước, chính quyền tổ chức khai thác địa chất mới phát hiện nơi đây có nhiều loại đá quý, chất lượng thuộc hàng quý nhất thế giới. Những viên đá có giá trị nhất Việt Nam đều được khai thác từ đây. Từ đó Lục Yên trở thành thủ phủ của đá quý. Người dân tứ phương đổ xô về đây khai thác. Chợ phiên bán mặt hàng đặc biệt này cũng hình thành. “Vùng đất ngọc” đã thay đổi cuộc sống nhiều người. Những năm trước còn tìm được những viên đá có giá trị bạc tỷ đồng, còn giờ đây khai thác được những mặt hàng này đã hiếm dần.
Hàng được bày lên mặt bàn thành từng mớ. Hàng là các loại đá quý, đá bán quý các loại. Có thứ đã qua chế tác, có thứ còn để thô nguyên gốc. Nhưng dù ở dạng nào, những thứ hàng được bán ở cái chợ này đều khoe sắc lung linh.
Lục Yên tự hào có viên ruby đỏ được giữ làm bảo vật quốc gia, tên ‘Ngôi sao Việt Nam’. Đó là viên đá ruby lớn nhất, có trọng lượng 2.160 gram tương đương 10.800 cara. Ngoài ra rất nhiều viên đá quý có giá trị khác được khai thác từ đây.
Đây là nơi duy nhất trong cả nước có nghề làm tranh đá quý. Tại đây, bạn cũng có thể tìm hiểu về nghề làm đá quý cũng như được thấy những bức tranh quý trị giá vài trăm triệu đồng.
(Bài viết có sử dụng tài liệu do Ban Tuyên Giáo và phòng Văn hóa thông tin huyện Lục Yên cung cấp và trên trang Thông tin điện tử UBND huyện Lục Yên)