Làm lý lịch tư pháp số 2 có được ủy quyền?
Theo khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp 2009, trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Như vậy, đối với trường hợp cá nhân muốn xin lý lịch tư pháp số 2 phải tự mình đi thực hiện.
Thủ tục làm lý lịch tư pháp số 2
Căn cứ: Điều 45, 46 Luật Lý lịch tư pháp 2009
1. Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cơ quan tố tụng
Cơ quan tố tụng thực hiện xin cấp lý lịch tư pháp số 2 như sau:
– Gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú;
– Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì gửi văn bản yêu cầu đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Văn bản yêu cầu phải ghi rõ thông tin về cá nhân đó gồm: Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng.
Lưu ý: Trong trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng có thể yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua điện thoại, fax hoặc bằng các hình thức khác và có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân
Cá nhân cần cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 tiến hành qua các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp:
– Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
– Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
– Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Từ 01/7/2021 không cần sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú, tạm trú).
Bước 2: Nộp hồ sơ
– Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;
– Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi đóng phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp, công dân nhận giấy hẹn cấp phiếu và đến nhận kết quả theo thời gian ghi trong giấy hẹn.
Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.
(Trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu).
Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Theo Điều 4 Thông tư 244/2016/TT-BTC, phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người.
Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ là 100.000/lần/người.
(Trẻ em; người cao tuổi; người khuyết tật; người thuộc hộ nghèo; người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu được miễn lệ phí).
Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 Phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thu thêm 3.000 đồng/Phiếu.
Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ chi tiết.