Thời Pháp thuộc, văn hóa thế giới lại vào Việt Nam qua trung gian của nước Pháp nên Mạc Tư Khoa đổi thành Moscou, rồi thời tự chủ ta có thể giao tiếp trực tiếp với bất cứ nước nào trên thế giới, ta gọi địa danh ấy là Mat xcơ va, rồi bỗng dưng bây giờ lại theo Anh – Mỹ gọi là Moscow. Trong khi đó, từ Mockba của hệ Slavic chuyển qua hệ La-tinh rất gần tiếng Việt và đọc đúng như chính người Nga gọi tên thủ đô của họ là Moskva, lại rất ít được dùng đến.
Hầu như bây giờ danh từ riêng của mọi nước trên thế giới và từ không dịch được, trừ những từ đã dùng quen thuộc, ta đều dùng nguyên xi theo kiểu tiếng Anh. Điều này là ta tự nguyện lệ thuộc vào người khác, làm cho trong văn bản tiếng Việt lổn ngổn những tiếng Anh trông như cơm trắng ghế… lúa mì. Thậm chí từ riêng của hai nước sát cạnh và thân thuộc với ta như Lào và Campuchia nhiều khi cũng dùng theo kiểu Pháp hoặc kiểu Anh. Nhiều người vẫn thích viết là Vientiane theo Pháp-Anh hơn là Viêng Chăn theo kiểu Việt Nam. Ngay cả thời còn lệ thuộc vào văn hóa Trung Hoa, ông bà ta cũng đủ tự trọng để không bê nguyên xi tiếng Hán vào mà Việt hóa thành từ Hán-Việt để dùng. Nhờ vậy mà những từ riêng như: Luân Đôn, Khổng Tử, Nhật Bản hay từ chuyên môn như: Đảng bộ, kinh tế, học thuyết, giải tích, định luật, bổ đề, nguyên tử… nằm trong văn bản tiếng Việt không thấy lổn ngổn và không ai cho đó là từ nước ngoài.
Nhưng công bằng mà nói khi chuyển danh từ riêng nước ngoài thành tiếng Việt là rất nhiêu khê, đặc biệt với những hệ ngôn ngữ khác La-tinh. Thêm vào đó chưa có cơ quan có thẩm quyền về ngôn ngữ nào lập ra quy chuẩn thống nhất để Việt hóa các từ đó.
Trước năm 1975, ở miền Nam, các bậc học giả và các nhà chuyên môn đầu ngành như GS Lê Văn Thới, Chu Phạm Ngọc Sơn, Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Chung Tú… đã lập ra nhóm soạn thảo và Việt hóa từ riêng và từ chuyên môn nước ngoài không dịch được để dùng thống nhất trong toàn miền Nam. Rất tiếc là các vị học giả đáng kính đó mới soạn và công bố được đến chữ C thì công trình bị ngưng lại. Tuy vậy, các vị cũng đã định ra một số nguyên tắc căn bản và cần thiết để Việt hóa từ nước ngoài không dịch được.
Nếu thống nhất được một số nguyên tắc căn bản như vậy để chuyển ngữ thì tình trạng dùng từ riêng nước ngoài không lộn xộn như hiện nay. Chẳng lẽ công việc cần thiết như vậy các cơ quan thẩm quyền về ngôn ngữ lại không làm được ư?
Huỳnh Ngọc Chênh
……………………….
(*): Montesquieu, J.J. Rouseau, Napoleon, Karl Marx