Rảo một vòng quanh TP Mỹ Tho, đếm sơ đã có đến 40 điểm bán mận An Phước. Màu đỏ thẫm của mận An Phước nổi bật trong những sàng, mâm, sọt bên cạnh màu sắc của những loại trái cây khác. Ngay cả khi “đơn độc” trong một chiếc mâm duy nhất đặt trên chiếc ghế đôn bên gốc cây ven đường, mận An Phước vẫn bắt mắt bởi màu đỏ thẫm đặc trưng.
Ở giác độ sinh học, giống mận An Phước quy tụ nhiều đặc điểm tốt của những giống mận từng có trước đây. Độ lớn “hết ni” của mận An phước chỉ thua duy nhất giống mận bom sữa Cái Bè. Nếu chăm sóc tốt có khi chỉ cần 56 trái mận An Phước đã tròn 1kg. Trái mận An Phước đủ lớn có dạng thuôn hình oản nếu cây không tỉa trái, còn nhiều chùm trái quá sai, trái vẫn giữ độ dài nhưng thon nhỏ, đôi khi thắt eo cổ chai. Thịt trái dẽ, giòn, vị ngọt mát, không hột và có hương vị đặc trưng khi thưởng thức. Nhờ những ưu điểm trên, mận An Phước đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mận An Phước trái to nhờ tỉa trái và chăm sóc đúng cách.
Hiện nay, trên thị trường ĐBSCL , mận An Phước loại nhất trái to, ngon, được bán lẻ với giá 14.00015.000 đồng/kg. Tính ra, giá 1kg mận tương đương với giá 1kg sầu riêng khổ qua xanh. Còn mận loại nhì cũng đạt mức giá 7.000-11.000 đồng/kg. Nhà vườn bán mận xô cũng có hai giá: Vườn ít chăm sóc, trái không to, giá 6.000-7.000 đồng/kg; vườn được chăm sóc tốt, có tỉa trái nên trái to, có giá bán xô 9.00010.000 đồng/kg. Vì vậy, mận An Phước đang hấp dẫn những nhà vườn ở ĐBSCL muốn chuyển đổi giống cây trồng.
Mận An Phước dễ trồng, sau khoảng một năm rưỡi cho trái chiếng, hai năm cho thu hoạch vụ đầu. Trái mận An Phước cứng cáp hơn các giống mận khác, nếu cẩn thận trong thu hái và có dụng cụ chứa đựng thích hợp, có thể phát triển thị trường ra cả nước và xuất khẩu. Ở ĐBSCL, những địa phương chuyên trồng mận trước đây có thể trồng mận An Phước tập trung thành từng vùng nhằm dễ quản lý chất lượng trái, an toàn thực phẩm và áp dụng kỹ thuật tiên tiến, chi phí thấp để phát triển thị trường. Một cây giống mận An Phước tốt là cây chiết được chiết từ một cây mận An Phước đúng giống và nhánh khỏe mạnh. Ghép “treo bầu cải tiến” bằng cách dùng đoạn cành 15cm của chính cây mận An Phước nhúng thuốc kích thích ra rễ, bó bầu và ghép vào vị trí thích hợp trên cành cây mận An Phước cho nhánh. Cây giống cắt xuống còn nguyên bộ lá, đem giâm hai ba tháng mang ra trồng, khỏe mạnh, mau ra trái và trái cây con giống trái cây mẹ.
Một số nhà vườn còn cho biết, để trái mận An Phước thật sự chín mùi, vỏ trái sẽ đỏ sậm có nhà vườn tưới thêm phân ka-li vào giai đoạn 15 ngày trước khi trái chín mùi. Ông N., một kỹ sư chủ trại cây giống tỉnh Vĩnh Long, cho biết, mận An Phước chiết trồng trên đất phèn mới cải tạo cũng cho trái màu sậm.
Bến Tre là tỉnh hiện có diện tích trồng mận An Phước nhiều nhất so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Hầu hết mận thu hoạch được tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh và thị xã Bến Tre. Các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL cũng có một số hộ trồng mận An Phước, nhưng mỗi hộ chỉ một vài cây. Trước đây, tất cả các giống mận bị mất giá do sự phát triển các loại trái cây giá trị cao. Khi có giống mận An Phước, nhiều nhà vườn dù nhạy bén cũng chỉ trồng ít cây ăn chơi. Vì vậy, diện tích trồng mận An Phước tại ĐBSCL chưa nhiều, sản lượng ít nên giá bán lẻ cao, thị trường không ổn định. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển diện tích trồng mận An Phước như hiện nay, một hai năm nữa sản lượng mận sẽ nhiều hơn, có thể giá mận sẽ hạ xuống. Vì vậy, vấn đề mà các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần quan tâm hiện nay là tính toán kỹ diện tích trồng và thị trường tiêu thụ để giúp nông dân tránh cảnh ế hàng, dội chợ trong tương lai.
Bài, ảnh: Tú Nguyên