Từ xa xưa, màng trinh được xem là chuẩn mực để đánh giá trinh tiết và phẩm hạnh của một người phụ nữ. Thế nhưng, dưới góc nhìn y học không thể dựa vào sự tồn tại và hình thái của màng trinh để kết luận phụ nữ còn trinh hay không. Bài viết dưới đây chia sẻ cụ thể về chức năng và cấu tạo của bộ phận này giúp mọi người có góc nhìn tích cực và toàn diện hơn.
Màng trinh là gì?
Màng trinh là một vạt mô nhỏ và mỏng ở lỗ âm đạo, được hình thành bởi những mảnh mô còn sót lại trong quá trình phát triển của thai nhi. Kích thước, hình dạng và độ dày của màng trinh khác nhau ở mỗi người và có thể thay đổi theo thời gian.
Khi mới sinh ra, màng trinh của phụ nữ thường là một mảnh mô hình vòng bao quanh cửa âm đạo hoặc che phần dưới của lỗ âm đạo. Một số trường hợp khác, nó có thể bao phủ toàn bộ lỗ âm đạo nên gây ra các vấn đề về kinh nguyệt. (1)
Mặc dù theo quan niệm xưa đây được xem là chuẩn mực đánh giá trinh tiết của người phụ nữ, nhưng dưới góc nhìn y học màng trinh không liên quan đến việc phụ nữ có trải qua hoạt động tình dục hay chưa. Màng trinh có thể bị phá vỡ khi thực hiện các công việc hàng ngày hoặc đặt tampon. Khi màng trinh bị rách, phụ nữ có thể bị đau, chảy máu nhẹ hoặc thậm chí không hề có dấu hiệu gì giúp nhận biết.
Quá trình hình thành màng trinh
Quá trình màng trinh hình thành như sau:
- Từ tuần thứ 3 đến tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ, đường sinh dục bắt đầu phát triển, màng trinh bắt đầu được hình thành ở sau âm đạo,
- Đến tuần thứ 7, vách ngăn niệu đạo được hình thành để ngăn cách trực tràng và xoang niệu sinh dục.
- Đến tuần thứ 9, các ống dẫn di chuyển xuống xoang niệu sinh dục, tạo thành ống tử cung và bắt đầu chèn vào xoang niệu sinh dục.
- Đến tuần thứ 12, các ống dẫn trứng hợp nhất lại, tạo ra ống âm đạo tử cung nguyên thủy.
- Đến tháng thứ 5, hoàn tất quá trình tạo ống âm đạo, màng trinh của thai nhi cũng được hình thành và thường bị thủng vào trước hoặc ngay sau khi sinh. Màng trinh có thể dày hơn khi mới sinh, nhưng sẽ mỏng dần và mất đi độ đàn hồi theo thời gian do sự thay đổi nội tiết tố, các hoạt động hàng ngày, sử dụng băng vệ sinh hoặc hành vi quan hệ tình dục.
Màng trinh nằm ở đâu?
Màng trinh có thể nằm ở những vị trí khác nhau xung quanh cửa âm đạo với nhiều kích cỡ và hình dạng. Hai loại phổ biến nhất là màng trinh hình khuyên và hình lưỡi liềm. Màng trinh hình khuyên bao quanh toàn bộ cửa âm đạo, giống như một cái bánh rán với tâm bánh là cửa âm đạo. Màng trinh hình lưỡi liềm nằm phía dưới cửa âm đạo. (2)
Hầu hết trẻ sơ sinh đều có màng trinh hình khuyên, đến khi trẻ bước sang độ tuổi tiểu học sẽ chuyển sang hình lưỡi liềm.
Cấu tạo và vai trò của màng trinh
Cấu tạo màng trinh khá mềm mại, có màu cùng với màu da xung quanh âm đạo (màu thịt), có khả năng co giãn hoặc gấp nếp, hầu như không có dây thần kinh.
Chính giữa có một, hai hoặc nhiều lỗ nhỏ để giúp máu kinh nguyệt thoát ra ngoài vào chu kỳ hàng tháng. Kích thước những lỗ này cũng khác nhau ở mỗi người, có người chỉ hẹp vừa đủ một ngón tay, nhưng lại có người giãn rộng hơn cỡ hai ngón tay. Một số trường hợp màng trinh không có lỗ được xem là dị tật bẩm sinh, có thể gây nhiều vấn đề cho phụ nữ khi bước sang tuổi dậy thì.
Không giống như các cơ quan hoặc mô khác trong hệ thống cơ quan sinh dục nữ có chức năng rõ ràng, màng trinh chỉ là tàn dư của những mảnh mô còn sót lại trong quá trình phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng màng trinh có vai trò ngăn không cho vi khuẩn và các tác nhân gây hại xâm nhập vào âm đạo. (3)
Màng trinh ở phụ nữ có mấy loại?
Có 5 loại khác nhau, được phân loại theo hình dạng màng trinh được hình thành khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Một số loại là bình thường, một số khác được coi là dị tật bẩm sinh, tức là khi sinh ra phụ nữ đã có màng trinh khác thường này.
1. Màng trinh hình khuyên hoặc hình lưỡi liềm
Hai dạng này được xem là dạng điển hình và bình thường của màng trinh. Hầu hết các trường hợp màng trinh có hình khuyên khi sinh, sau đó sẽ chuyển sang hình lưỡi liềm.
2. Màng trinh lỗ sàng
Bề mặt có nhiều lỗ nhỏ, điều này giúp máu kinh nguyệt thoát ra ngoài một cách dễ dàng. Tuy nhiên, phụ nữ có màng trinh lỗ sàng sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san thay thế băng vệ sinh truyền thống mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.
3. Màng trinh không lỗ
Nghĩa là màng trinh che phủ hoàn toàn cửa âm đạo, điều này khiến máu kinh nguyệt không thể chảy ra ngoài mà lại chảy ngược vào âm đạo gây đau đớn. Tỷ lệ xảy ra màng trinh không lỗ là hiếm gặp, xác suất chỉ ở mức 1/1000 bé gái.
4. Màng trinh lỗ rất nhỏ
Ngoại trừ một lỗ thủng nhỏ, màng trinh sẽ bao phủ toàn bộ cửa âm đạo. Mặc dù máu kinh nguyệt chỉ chảy qua lỗ thủng đó, nhưng vì hình dạng này khá đặc biệt nên phụ nữ cũng gặp khó khăn trong việc sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san thay thế băng vệ sinh truyền thống.
5. Màng trinh có vách ngăn
Màng trinh có hai lỗ nhỏ ngăn cách bởi một lớp mô thừa ở giữa, điều này khiến phụ nữ như có hai màng trinh. Khi mắc dị tật này, phụ nữ sẽ khó sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san. Cách xử trí được khuyến cáo là đến ngay cơ sở y tế uy tín để được tiến hành tiểu phẫu, loại bỏ dải mô thừa để đưa âm đạo về kích thước bình thường.
Làm thế nào để nhận biết màng trinh bình thường hay bất thường?
Nếu màng trinh có bất thường, tình trạng sẽ được phát hiện khi nữ giới bước vào độ tuổi dậy thì. Hầu hết các dị tật màng trinh sẽ khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san khi đến kỳ kinh nguyệt. Thậm chí, phụ nữ có thể không thấy máu kinh nguyệt xuất hiện do màng trinh che phủ hoàn toàn cửa âm đạo khiến máu kinh không thể thoát ra ngoài mà chảy ngược vào trong gây đau đớn.
Khi nhận thấy hoặc nghi ngờ bản thân có màng trinh bất thường, chị em nên thăm khám sớm để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng xử trí hiệu quả.
Những nguyên nhân khiến màng trinh bị rách
Như đã chia sẻ, hành vi quan hệ tình dục không phải là nguyên nhân duy nhất gây rách màng trinh. Một số hoạt động thường ngày hoặc thói quen sinh hoạt có thể gây ra tình trạng rách này, chẳng hạn như: (4)
- Đạp xe.
- Cưỡi ngựa.
- Tham gia các hoạt động leo trèo.
- Tập thể dục hoặc vận động mạnh.
- Sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san khi đến kỳ kinh.
- Thủ dâm.
- Khám phụ khoa, như xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung).
Nhìn chung, bất kỳ tác động mạnh nào ở vùng âm đạo đều có thể gây rách màng trinh. Không có gì lạ nếu phụ nữ không biết màng trinh của mình bị rách khi nào và rách như thế nào. Quan trọng hơn, không phải ai cũng sẽ bị rách màng trinh, bị đau đớn hay chảy máu ở lần quan hệ đầu tiên. Vì thế, không nên lấy điều này làm tiêu chuẩn để đánh giá trinh tiết và phẩm hạnh của một người phụ nữ.
Có thể kiểm tra màng trinh còn hay đã rách không?
Dấu hiệu của màng trinh bị rách là chảy máu nhẹ hoặc lốm đốm, đau, khó chịu hoặc thấy vùng da xung quanh cửa âm đạo. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, màng trinh của phụ nữ sẽ bị mòn tự nhiên theo thời gian. Sau khi rách, lớp màng sẽ xuất hiện dưới dạng một mảng da nhỏ.
Chị em có thể tự kiểm tra xem màng trinh còn hay đã rách bằng cách ngồi xổm trên giường hoặc ghế, dang rộng hai chân, dùng gương soi đặt ở vị trí 45 độ để quan sát rõ lỗ âm đạo. Dùng ngón tay mở vành môi âm đạo, nếu nhìn thấy một mảnh mô xung quanh phần dưới cùng của cửa âm đạo, đó chính là màng trinh. Nếu chỉ thấy lỗ tròn giữa màng trinh hoặc lớp da cuộn về thành âm đạo, có thể màng trinh đã bị rách.
Cần nhớ rằng, việc tự kiểm tra sự tồn tại của màng trinh tại nhà có thể không chính xác. Tốt nhất, nếu có bất kỳ nghi ngờ hay lo lắng nào, chị em hãy đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và kiểm tra chính xác nhất.
Những câu hỏi thường gặp về màng trinh
1. Có phải mọi cô gái đều có màng trinh?
Hầu hết phụ nữ sinh ra đều có màng trinh, nhưng vẫn có một số ít trường hợp không có hoặc có màng trinh rất nhỏ. Ngoài nguyên nhân bẩm sinh, còn có nhiều nguyên do khác khiến phụ nữ không có màng trinh như:
- Dị tật ở âm đạo.
- Tai nạn lúc nhỏ khiến màng trinh bị rách.
- Hoạt động thể chất quá mạnh.
Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, phụ nữ vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường mà không cần đến sự can thiệp y tế nào. Do đó, chị em không cần quá lo lắng nếu ở lần quan hệ tình dục đầu tiên không thấy dấu hiệu màng trinh bị rách.
2. Quan hệ bằng tay có làm rách màng trinh không?
Quan hệ tình dục bằng tay vẫn có khả năng làm rách màng trinh bởi nó chỉ nằm cách cửa âm đạo khoảng 1-2cm và rất mỏng manh. Nếu bạn tình đưa tay vào sâu trong âm đạo có thể làm rách màng trinh.
3. Màng trinh có tự lành lại sau khi rách không?
Chắc chắn là KHÔNG, màng trinh của phụ nữ không thể tự lành lại sau khi bị rách. Đây là lớp màng mô được hình thành trong quá trình phát triển và không thể tái sinh ở phụ nữ trưởng thành.
Các bất thường của màng trinh như màng trinh không thủng có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và nặng nề như đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt, tụ máu tiểu khung, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm trùng tiểu khung,… nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể đe dọa sức khỏe và chất lượng sống của người phụ nữ.
Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ thăm khám, chẩn đoán và điều trị cá thể hóa… tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ có phác đồ điều trị riêng, phù hợp và hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho người phụ nữ.
“Khi có nghi ngờ hoặc lo lắng về sức khỏe phụ khoa, khuyến cáo nữ giới nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống. Tuyệt đối không tự ý điều trị theo phương pháp dân gian, quảng cáo trên mạng hoặc từ người không đủ chuyên môn để tránh những hậu quả khó lường”, bác sĩ… khuyến cáo.
Để đặt hẹn tư vấn và thăm khám với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị em vui lòng liên hệ đến:
Hy vọng thông qua bài viết này mọi người đã hiểu rõ hơn màng trinh là gì và có cái nhìn đúng đắn hơn, không nên đánh giá trinh tiết và phẩm hạnh của một người phụ nữ thông qua lớp màng trinh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay băn khoăn nào, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia hỗ trợ!