Mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng là loại mâu thuẫn đặc thù, chỉ có trong xã hội loài người, mà cũng chỉ trong các xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp. Sau đây là bài viết: Mâu thuẫn đối kháng tồn tại ở đâu?
Định nghĩa mâu thuẫn
Đối với mâu thuẫn không đối kháng thì nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, đó là mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội, khuynh hướng xã hội có chung lợi ích cơ bản, chỉ đối lập về lợi ích không cơ bản, cục bộ, tạm thời. Đối với mâu thuẫn đối kháng thì hiện vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Giáo trình triết học Mác-Lênin viết: “Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp, những tập đoàn người, những xu hướng xã hội có lợi ích cơ bản đối lập nhau” Trong Từ điển Triết học, “mâu thuẫn đối kháng là những mâu thuẫn đặc thù của quan hệ xã hội của xã hội bóc lột; cơ sở của những mâu thuẫn này là lợi ích không thể điều hoà của các giai cấp, các tập đoàn, các lực lượng xã hội đối địch”.
Như vậy, hiểu theo định nghĩa thứ nhất thì mâu thuẫn đối kháng là sự đối lập giữa những giai cấp, những tập đoàn người, những xu hướng xã hội có lợi ích cơ bản đối lập nhau. Đây thực chất là một cách hiểu nhằm “mềm hoá” khái niệm mâu thuẫn, bởi vì “lợi ích cơ bản đối lập nhau” thì chưa đủ để khẳng định là mâu thuẫn đối kháng hay không đối kháng, chẳng hạn lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân là thống nhất với nhau nhưng không có nghĩa là không có đối lập nhau. Do đó, vấn đề là ở chỗ, sự đối lập nhau về lợi ích cơ bản ấy phải ở tính chất nào, mức độ nào thì mới trở thành mâu thuẫn đối kháng. Hiểu theo cách thứ hai thì xem ra lại hơi “cứng”. Bởi lẽ, nếu cho rằng lợi ích cơ bản trong mâu thuẫn đối kháng là “không thể điều hoà được” thì sẽ khó giải thích nhiều hiện tượng mâu thuẫn đối kháng vẫn “có thể điều hoà được” lợi ích cơ bản thông qua sự dàn xếp trên bàn thương lượng, qua biện pháp ngoại giao,…
Mâu thuẫn đối kháng thường gặp
Những mâu thuẫn đối kháng thường được đề cập tới là mâu thuẫn giữa giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ, địa chủ và nông nô, tư sản và vô sản, giữa các nước đi xâm lược và các dân tộc bị xâm lược, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, giữa địch và ta,… Những mâu thuẫn không đối kháng thường được nhắc đến là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, giữa dân chủ và tập trung, dân chủ và chuyên chính, giữa quá trình lịch sử – tự nhiên của sự phát triển xã hội và hoạt động tự giác, có ý thức trong việc sáng tạo xã hội mới của con người, mâu thuẫn trong các đảng cộng sản, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mâu thuẫn giữa xoá bỏ giai cấp và chuyên chính giai cấp, giữa việc nhà nước tiêu vong và sự tăng cường nhà nước…
Như vậy, phải nhận thức rõ vấn đề bản chất đối kháng và hiện tượng đối kháng trong hai loại mâu thuẫn trên, chúng ta mới giải thích được những biểu hiện đa dạng, phức tạp của chúng trong thực tế. Mâu thuẫn đối kháng có thể được biểu hiện thông qua hiện tượng không đối kháng; ngược lại, mâu thuẫn không đối kháng có khi lại biểu hiện ở hiện tượng đối kháng. Đối kháng là khái niệm dùng để chỉ sự xung đột gay gắt giữa các cá nhân, nhóm, tầng lớp, giai cấp, khuynh hướng xã hội, do chỗ giữa chúng có lợi ích đối lập nhau.
Căn cứ để phân biệt mâu thuẫn
Vấn đề này cũng có nhiều quan điểm khác nhau. M.M.Rôđentan cho rằng, cơ sở của những mâu thuẫn đối kháng là “lợi ích không thể điều hoà của các giai cấp, các tập đoàn, các lực lượng xã hội đối nghịch”. Tác giả Nguyễn Ngọc Hà lại cho rằng, “khi căn cứ vào lợi ích đối lập là cơ bản hay không cơ bản để phân biệt mâu thuẫn đối kháng với mâu thuẫn không đối kháng chúng ta sẽ gặp phải khó khăn trong việc xác định tiêu chuẩn phân biệt lợi ích cơ bản với lợi ích không cơ bản”. Và, do vậy theo tác giả, nếu hiểu theo cách này thì sẽ không thể giải thích được tại sao trong thực tế, nhiều mâu thuẫn đối kháng hết sức gay gắt vẫn có thể được dàn xếp trên bàn thương lượng, chứ không phải nhất thiết dẫn đến tình trạng một mất một còn giữa các mặt đối lập. Bởi vì, hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, chính ý thức giúp con người có thể điều hoà được lợi ích của nhau để cùng tồn tại và phát triển. Từ đó, tác giả cho rằng, một đặc trưng để phân biệt mâu thuẫn đối kháng với mâu thuẫn không đối kháng là “có hay không có tính chất bạo lực trong quan hệ giữa con người với con người”. Chúng tôi cho rằng, nếu hiểu theo cách này, sẽ gặp phải khó khăn khi nhận dạng mâu thuẫn đối kháng lúc còn ở giai đoạn chưa chín muồi, tức là ở giai đoạn mà sự đấu tranh giữa các mặt đối lập chưa diễn ra gay gắt, chưa có dấu hiệu bạo lực. Mặt khác, việc hiểu theo cách này cũng sẽ mâu thuẫn với khẳng định trước đó của tác giả cho rằng, có nhiều mâu thuẫn đối kháng hết sức gay gắt vẫn có thể được dàn xếp trên bàn thương lượng, chứ không nhất thiết phải sử dụng bạo lực.
Chúng tôi nhất trí với cách hiểu của tác giả Rôdentan, nhưng cần phải giải thích rõ hơn vấn đề tại sao lợi ích của các lực lượng xã hội ấy lại không thể điều hoà được để từ đó, có thể nhận thức được những biểu hiện hết sức đa dạng, phức tạp của mâu thuẫn đối kháng trong thời đại ngày nay.
Nguồn gốc của mâu thuẫn
Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, nguồn gốc xuất hiện hai loại mâu thuẫn này là từ sự đối lập về lợi ích, nhưng ở các mức độ và tính chất khác nhau. V.E.Côdơlốpxki cho rằng, “mâu thuẫn đối kháng xã hội, đó là mâu thuẫn được đặc trưng bằng sự thù địch không thể điều hoà của những lợi ích giai cấp, bằng việc không thể giải quyết nó một cách căn bản, có tính cách mạng mà lại không thủ tiêu cơ sở kinh tế làm nảy sinh và tái sinh mâu thuẫn đó, tức là sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất”(5). Theo quan điểm này thì mâu thuẫn đối kháng có nguồn gốc hay nguyên nhân từ chế độ chiếm hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất và do vậy, nó chỉ được giải quyết triệt để khi thủ tiêu chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Tác giả Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất không phải là nguồn gốc, là nguyên nhân duy nhất làm xuất hiện mâu thuẫn đối kháng, mà ngoài nguyên nhân đó, còn có nguyên nhân từ sự thiếu thốn, “làm không đủ ăn”, “cung không đủ cầu” và ở chính “ý thức” của con người. Theo đó, mâu thuẫn đối kháng có nguồn gốc từ cả những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Chúng tôi cho rằng, cần phải hiểu nguồn gốc của mâu thuẫn đối kháng một cách toàn diện (nguồn gốc kinh tế, xã hội; nguồn gốc sâu xa, trực tiếp) để từ đó, đề ra giải pháp khắc phục việc phát sinh mâu thuẫn này một cách triệt để, có hiệu quả.