I. Vị trí địa lý và địa hình
1. Vị trí địa lý
Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 30km; có tọa độ địa lý từ 21007’19’’ – 21o14’22’’ vĩ độ Bắc và 105036’50’’ – 105047’24’’ kinh độ Đông. Địa giới hành chính của huyện như sau:
Phía Bắc giáp thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Phía Tây giáp huyện Yên Lạc, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc.
Phía Nam giáp huyện Đan Phương, thành phố Hà Nội.
Phía Đông giáp huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Huyện Mê Linh có diện tích tự nhiên 14.246 ha, dân số xấp xỉ 226.800 người, có 18 đơn vị hành chính (16 xã và 2 thị trấn). Hệ thống giao thông tương đối phát triển, có đường bộ, đường sắt, đường sông, gần sân bay quốc tế Nội Bài (đường cao tốc Hà Nội – Nội Bài chạy qua địa phận thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh).
2. Địa hình
Mê Linh là huyện nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam theo hướng ra sông Hồng, chia làm 3 tiểu vùng như sau:
– Tiểu vùng đồng bằng chiếm 47% diện tích tự nhiên, địa hình nhấp nhô, do phù sa cũ của hệ thống sông Hồng, sông Cà Lồ bồi đắp; thích hợp trồng màu, phát triển công nghiệp, xây dựng.
– Tiểu vùng ven đê sông Hồng chiếm 22% diện tích tự nhiên, địa hình tương đối bằng phẳng, đất phù sa do sông Hồng bồi đắp; thích hợp phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái.
– Tiểu vùng trũng chiếm 31% diện tích tự nhiên, là vùng đất bãi ngoài đê, đất phù sa có hàm lượng dinh dưỡng trung bình và cao, được thủy lợi hóa tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao.
II. Điều kiện tự nhiên
1. Thủy văn
Hệ thống sông, hồ, kênh và đầm trên địa bàn huyện khá phong phú (với tổng diện tích trên 200ha), có tác động lớn về mặt thủy lợi, tạo điều kiện quan trọng cho giao lưu phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, lớn nhất là sông Hồng – tuyến đường thủy nối Hà Nội với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, chảy qua phía Nam của huyện với chiều dài 19km, lưu lượng nước bình quân đạt 3.860m3/s. Sông Cà Lồ là phụ lưu cấp 1 của phần lưu vực sông Thái Bình, chảy qua phía Bắc và Đông Bắc huyện Mê Linh, có chiều dài 8,6km; lòng sông rộng trung bình 50-60cm, lưu lượng nước trung bình đạt 30m3/s, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu úng mùa mưa.
2. Khí hậu
Mê Linh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm với bốn mùa trong năm; phân biệt rõ 2 mùa: Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 11, đặc điểm mưa nhiều, nhiệt độ trung bình đạt 27-290C. Mùa lạnh từ tháng 12 đến tháng 3, đặc điểm mưa ít, nhiệt độ trung bình đạt 16-170C. Tổng số giờ nắng trung bình trong năm là 1.450 – 1.550 giờ, nhiệt độ trung bình đạt 23,30C, lượng mưa trung bình đạt 1.135 – 1.650mm, lượng mưa phân bố không đều trong năm, thường tập trung vào tháng 6 đến tháng 8. Độ ẩm trung bình 84 – 86%, thấp nhất vào tháng 2 là 79 – 80%. Hướng gió chủ đạo từ tháng 4 đến tháng 9 là gió Đông Nam, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là gió Đông Bắc có kèm theo sương muối.
Về cơ bản, khí hậu của huyện Mê Linh tương đối thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do hàng năm thường xuất hiện mưa bão tập trung làm rửa trôi đất canh tác vùng phía Bắc, gây ngập úng cục bộ vùng phía Nam làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
3. Tài nguyên đất
Huyện Mê Linh có các tài nguyên đất chính sau:
– Đất phù sa sông Hồng được bồi đắp hàng năm, có diện tích 2.160,63, đất trung tính, kiềm yếu.
– Đất phù sa không được bồi đắp hàng năm, có diện tích 2.162,37ha, đất trung tính, ít chua, không glây hoặc glây yếu.
– Đất phù sa không được bồi đắp hàng, có diện tích 1.787,21ha, đất trung tính, ít chua, glây trung bình hoặc glây mạnh, phân bố dọc theo sông Cà Lồ.
– Đất phù sa không được bồi, gây mạnh, ngập nước vào mùa mưa 1.006,84ha, phân bố ở các địa hình trũng, hàng năm bị ngập nước liên tục, thường có glây cạn, tỷ lệ mù khá, độ pH từ 5,5 đến 6.
– Đất bạc màu trên phù sa cũ có diện tích 2.403,24ha.
– Đất Feralit vàng đỏ hoặc vàng xám phát triển trên đá sa thạch quaztzit cuội kết, đăm kết có diện tích 140,98ha.
– Đất Feralitic màu nâu vàng phát triển trên nền phù sa cổ có diện tích 1.976,9ha.
4. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Chủ yếu là nguồn nước của các sông: Sông Hồng, sông Cà Lồ Cụt, sông Cà Lồ Sống.
Nguồn nước ngầm: Có trữ lượng tương đối phong phú, phân bố rộng, chất lượng nước tốt, hầu hết các xã, thịt rấn đều có thể khai thác được nước ngầm ở độ sâu từ 8 – 30m, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
5. Tài nguyên rừng
Huyện Mê Linh có 10 ha đất rồng rừng sản xuất tại xã Thanh Lâm. Để duy trì và phát triển hệ sinh thái, môi trường của huyện, cần có giải pháp tích cực để giữ gìn diện tích rừng hiện có, tăng diện tích cây lâu năm trồng phân tán dọc các tuyến giao thông, thủy lợi.
6. Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản có giá trị cao trên địa bàn huyện nhỏ và phân tán, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghiệp. Các loại tài nguyên khoáng sản, nguyên vật liệu xây dựng có giá trị thấp hơn như cát, đất sét có trữ lượng khá lớn, tập trung chủ yếu ở các xã ven đê giáp sông Hồng, có thể khai thác phục vụ sản xuất gồm:
– Đất sét: Dùng làm gạch ngói, sản xuất gạch không nung… có diện tích khai thác từ 150 – 200ha.
– Cát: Có thể khai thác với khối lượng lớn phục vụ xây dưng và san lấp công trình, diện tích khai thác từ 400 – 500ha, đây là nguồn tài nguyên quan trọng có thể tái tạo do dòng chảy của sông Hồng./.