Nghe tin mẹ về mà lòng tôi ngổn ngang. Mẹ hay thật đấy. Biền biệt chẵn hai mươi hai năm, không một lá thư, không một manh mối ở đâu, làm gì, giờ bỗng dưng trở về. Lòng mẹ trơ lỳ đến vậy sao?
Cơn hờn trách ủ sâu bao năm giờ trỗi dậy khiến tôi phân vân. Có nên sang gặp mẹ không? Cảm giác tủi thân của con bé chín tuổi năm nào ùa về làm tôi muốn khóc thật to. Rồi tôi quyết định sang nhà bà ngoại. Dù gì tôi cũng đã ba mươi mốt tuổi, là mẹ của hai đứa con nên đã cứng cáp hơn.
Hai mẹ con chạm mắt nhau, không ai có nổi một câu chào hỏi. Mắt mẹ ngập ngừng không dám nhìn thẳng vào tôi. Mẹ tôi đây ư? Tôi thảng thốt dường như không nhận ra. Những hai mươi hai năm đằng đẵng chứ ít ỏi gì. Trong trí nhớ của tôi mẹ là người phụ nữ xinh xắn, tóc đen dày chứ không phải người đàn bà có mái tóc phong sương này. Ngày trước mẹ thường nhìn tôi bằng ánh mắt chứa chan chứ không ngập ngừng như thế này. Hồi lâu mẹ mới nghẹn ngào nói, đầu vẫn cui cúi: “Tha thứ cho mẹ con ơi!”. Mẹ không chìa tay đón, ôm tôi vào lòng như thuở nào. Mẹ đứng đó, ngượng ngùng, đôi chân run run. Rồi mẹ quỳ sụp xuống, khóc tru lên nghe thảm thiết. Bà ngoại cũng khóc theo. Tiếng khóc của người già sắp tám mươi tuổi mới kỳ làm sao. Những tiếng nấc cứ ứ hự nghẹn sâu trong họng.
Cuối cùng thì tiếng khóc, tiếng nấc cũng lắng. Hàng xóm nghe tin mẹ tôi về thì ồ đến. Người đến để nghe lý do gì mà mẹ tôi xử sự như vậy. Có người đến để chia vui với bà cháu tôi. Có người đến để xem mẹ tôi sau ngần ấy năm giờ ra sao… Nhưng đa phần đến để thỏa mãn sự tò mò. Tôi bỗng thấy bực mình. Chính mẹ đã làm nên điều trớ trêu này. Hay nói cách khác, chính mẹ đã làm nên sự hiếu kỳ đáng sỉ nhục này. Nỗi xấu hổ với xóm giềng và nỗi cay ghét mẹ khiến tôi vùng chạy. Tôi muốn trốn đi đâu đó cho khỏi cảm giác ê chề đang dấy lên, quặn nhói trong lòng.
***
Nhưng rồi tình cảm đã lấn át lý trí.
Đêm đoàn tụ đầu tiên tôi xin phép chồng cho sang ngủ bên bà ngoại. Nằm cạnh mẹ mà cảm giác chống chếnh. Chắc mẹ cũng vậy. Mẹ nằm ngửa, hai tay đặt ngang bụng, những ngón tay cố đan chặt vào nhau nhưng lại như muốn tuột ra. Tôi nghe rõ từng hơi thở nặng nề của mẹ. Hình như mẹ cũng rất muốn quờ tay sang người tôi.
– Con giận mẹ nhiều phải không?
Mẹ lên tiếng phá tan bầu không khí nặng như đeo đá. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe tiếng xưng “mẹ” và tiếng gọi “con”. Hai âm thanh ấy đã gieo vào lòng tôi nỗi tức tưởi. Tôi ngồi bật dậy, òa khóc nức nở.
– Con giận mẹ nhiều phải không?
Mẹ cũng ngồi nhanh dậy nhưng chưa dám động tay vào người tôi an ủi. Mẹ cứ ngồi bên cạnh tôi thì thầm mãi câu hỏi đó.
– Mẹ biết. Mẹ có xin lỗi con bao nhiêu cũng không thể lấp bù lại được. Nhưng con… con hiểu cho mẹ. Giờ mẹ không xin con tha thứ. Mẹ chỉ mong con sẽ hiểu cho mẹ.
Mãi hôm sau hai mẹ con mới tạm gần được nhau. Nhờ em Tuấn về nên tình hình cũng có khác. Tuấn là xúc tác cho tôi với mẹ gần nhau. Tuấn kéo tay tôi đặt vào lòng bàn tay mẹ. Tôi run lên, hình ảnh bàn tay mẹ hai mươi hai năm trước lại hiện về. Bàn tay ấy giờ run run nắm chặt tay tôi. Mẹ cười rớt nước mắt. Lâu lắm rồi tôi mới được thấy mẹ cười. Mẹ chắc đã bớt mặc cảm, còn tôi cũng đã vơi oán hận.
Tôi dẫn chồng và hai con sang chào mẹ. Mẹ ôm hai cháu ngoại vào lòng. Mẹ ngây người nhìn chằm chặp đứa con gái thứ hai của tôi rồi thốt lên: “Giống, giống lắm!”. Tôi chẳng hiểu mẹ nói gì nhưng động tác vuốt ve cháu ngoại của mẹ khiến tôi sững sờ. Hình như mẹ đang vuốt ve ai đó?
***
Mẹ về nhà được mươi hôm. Chuyện coi như xong. Mẹ không kể và tôi cũng chẳng hỏi. Những người tọc mạch nhất làng cũng không biết được gì thêm. Ai lại trở về với việc của người nấy. Mẹ đâm ra thành nhàn hạ. Hằng ngày mẹ ngồi ngoài bậc thềm nhà bà. Đấy là những buổi sáng vắng vẻ. Ánh nắng rọi qua tán lá thành những hình hoa nắng làm mảnh sân chợt sinh động hẳn.
“Ông ấy nghèo nhưng… đối xử tốt lắm”. Mặc dù chủ động nói nhưng mẹ phải ngần ngừ mãi mới thốt xong câu đó. Đó là buổi sáng của ngày thứ mười một kể từ khi mẹ trở về. Tôi nhìn xoáy vào người đàn ông xa lạ trong bức ảnh bằng bàn tay. Ảnh của gia đình mẹ. Thú thực khi trông thấy bức ảnh đó toàn thân tôi đã run lên. Cảm giác hụt hẫng, ganh ghét lần nữa làm tôi nghẹn tủi.
Trong ảnh, người chồng Trung Quốc đứng hơi ghé vào người mẹ. Hình như ông ta kém mẹ nhiều tuổi và đang có vẻ ngượng ngùng như đây là lần đầu tiên họ đứng bên nhau chụp chung bức ảnh. Ba người con đứng dàn hàng phía trước. Bên trái là hai đứa con trai, một thằng chừng mười tám đôi mươi, một thằng khoảng mười ba mười lăm. Hai đứa đứng bá vai nhau, ăn mặc đều đơn giản. Chỉ mỗi đứa con gái đứng bên phải bức ảnh là tươm tất đôi chút. Con bé chừng tám, chín tuổi, váy đen dài quá gối, áo hoa mới hơi rộng so với khổ người. Nó đứng ép vào lòng mẹ tôi. Tôi nhìn mà bàng hoàng. Con gái út của mẹ giống y chang con gái thứ hai của tôi. Nếu cho hai đứa mặc quần áo của nhau chắc tôi không phân biệt được.
Mẹ đã có một gia đình khác trong hai mươi hai năm qua. Tôi nuốt cục nước bọt đắng ngắt vào sâu trong họng. Linh tính báo trước hay nỗi lo sợ rồi sẽ có một ngày mẹ lại xa vắng đang dần hiện hữu.
“Không có ông ấy có lẽ cuộc đời của mẹ sẽ chẳng biết đi đến đâu”. Mẹ tôi lại rủ rỉ những lời đầy vẻ hàm ơn. Tôi suýt hét lên một câu trách móc hay bảo mẹ hãy thôi đi, nhưng may kìm lại được.
“Ông ấy đã cứu cuộc đời mẹ”. Rồi mẹ tôi lại khóc và nói tiếp. “Không hiểu giờ này… giờ này… ông ấy thế nào? Mình đi lâu quá rồi”. Mẹ hạ giọng như nói với chính mình. Tôi nín thinh nhìn ra sân. Những bông hoa nắng biến mất.
Rồi trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng sáng hôm ấy. Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ cho bố, mẹ rã rượi bước đi như người mất hồn. Sự ra đi của bố như một đòn giáng mạnh xuống người mẹ. Mẹ liêu xiêu đi ngược ra phía ngoài hành lang bệnh viện.
– Khi tỉnh dậy mẹ thấy mình đang ở trên một chiếc xe khách loại nhỏ. Xe chạy mãi, chạy mãi, rồi lại đổi xe khác, cứ thế đưa mẹ tới một nơi rất xa lạ… Ông ấy nghèo lắm. Nghèo nên không đủ tiền để cưới một người vợ tương xứng với tuổi tác. Ông ấy chỉ gom được ít tiền để hỏi mua mẹ. Nếu không có ông ấy… có lẽ mẹ… không có ngày hôm nay.
Thì ra khi ấy người ta đã lợi dụng sự đau đớn, yếu mềm của mẹ. Người ta giả vờ là người tốt, cho mẹ tôi uống cốc nước có đánh thuốc ngủ rồi đưa qua biên giới. Mẹ tôi và mấy người phụ nữ thôn quê khác bị bán làm vợ những người đàn ông nghèo khó. Hai mươi hai năm qua mẹ tôi đã làm vợ nơi đất khách quê người trong nỗi tuyệt vọng không biết ngày nào được về cố hương. Hai mươi hai năm mẹ chịu đựng và cố gắng làm tốt vai trò người vợ, người mẹ để có ngày được phép trở về quê nhà.
***
“Mẹ đã hứa… hứa với ông ấy là… là sẽ quay sang bên đó”. Phải khó nhọc lắm mẹ mới giãi bày xong. Rồi mẹ nín lặng. Tấm ảnh run run trong bàn tay. Động tác lần mần, rờ rờ tấm ảnh như động tác của người đang chải tóc. Tôi giật mình xót xa nhớ cảnh năm nào mẹ chải tóc cho tôi. Cảm giác muốn được mẹ âu yếm, muốn được làm nũng mẹ ùa về khiến tôi chạnh lòng. Bé gái trong tấm ảnh kia hẳn giờ này đang đứng ngơ ngác, mong ngóng, dõi tìm mẹ? Nó như hệt cảnh tôi của hai mươi hai năm trước.
– Mẹ không muốn họ phải thất vọng về mẹ. Mong con hiểu cho lòng mẹ…
Mẹ dứt câu với ánh nhìn van nài. Chắc mẹ cũng khó khăn lắm khi nói lên điều đó. Tôi nghe mà lòng nao núng. Cuộc chia ly của hai mươi hai năm trước là do số phận đưa đẩy. Cuộc chia ly hôm nay là cuộc chia ly của sự cân nhắc, đắn đo. Chỉ có một bên được hưởng sự đoàn tụ và sẽ lại có một bên nối dài thêm cảnh phân ly.
– Hai chị em con và… các cháu ở nhà… gắng chăm sóc bà giúp mẹ. Mẹ đã bất hiếu với bà, đã bất tình với hai chị em con, nhưng mẹ… mẹ không thể có thêm một lần bất nghĩa nữa…
Mảnh sân trước nhà vỡ òa. Nắng trắng đến dã mắt.